Phạm Tuấn Vũ
Sinh ngày 20-02-1991
Quê ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam
Tốt nghiệp sư phạm Văn ở Đại học Quy Nhơn năm 2003, hiện nay đang học Cao học Văn học Việt Nam năm 1 tại ĐH Quy Nhơn.
Làm
sao quê được con sông quê của một thời thơ ấu. Sông đời chảy đi, sông quê chảy
đi, nhưng dòng sông tuổi thơ muôn đời ở lại. Ai đó rời quê nghèo, đến những phố
thành mĩ lệ, có thể đánh mất dần từng giếng nước bờ ao, từng hàng tre thửa
ruộng một thuở khó nghèo. Nhưng với riêng tôi, dòng sông lững lờ suốt đời êm êm
trôi, đi qua miền thơ ấu sẽ còn chảy mãi trong kí ức yêu thương, neo đậu lại
tâm hồn sau những ngày phiêu bạt, chở về những phù sa yêu thương sau những ngày
tất tả làm con tim hóa đá cỗi cằn…
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc / Nước
gương trong soi tóc những hàng tre” (Tế Hanh). Làm sao quên được con sông
quê gắn liền với một thời chân đất đầu trần, đong đầy nghĩa tình quê mẹ, ăm ắp
kỉ niệm thân thương. Sông quê tôi ở miền trung du, nên không có cái ầm ầm dữ
dội của ghềnh thác nơi phía thượng nguồn, cũng không có cái mênh mông đến rợn
ngợp cuối dòng phía hạ lưu nơi con nước sắp hòa vào lòng biển cả. Con sông của
tuổi thơ tôi hiền lành, êm đềm qua từng năm tháng, xanh mướt hai bờ bãi mía
nương khoai. Sông quê hiền hòa, bốn màu xanh một màu trời biếc, soi bóng những
cánh rừng ngát xanh, vỗ về những cánh đồng xanh non mạ mới, ru khúc hát hàng
tre xanh thẳm qua bao nhiêu năm tháng thâm trầm. Con sông ngàn tuổi, nhưng lúc
nào cũng cứ vô tư, hồn nhiên như đứa trẻ bi bô, trong veo như mắt cô thôn nữ mười
tám. Con sông ấy cho tôi cả một trời kí ức tuổi thơ trong lành, thiết tha.
Làm
sao quên những chiều vào hạ, trời êm như ru, cánh diều cao tít. Trâu đồng ta no
cỏ, ta có những thú vui đồng cạn với đám bạn chân đất đầu trần. Này những trò
đuổi bắt, này những buổi vác cần đi câu, hát nghêu ngao “Chiều nay em đi câu cá, về cho má nấu canh chua”. Đợi hết tuổi thơ
chắc má cũng không có cá mà nấu nồi canh. Nhưng dễ gì quên được những chiều như
thế. Bọn trẻ quê như tôi ngày ấy, có khi nào nghĩ đến những món đồ chơi, nhưng
trò chơi thì không bao giờ thiếu. Chỉ cần mỗi chiều chiều, một lát í ới gọi
nhau, lũ bạn xóm nhỏ lại chạy ra bờ sông. Con gái thì gấp thuyền giấy thả trôi
theo dòng, bọn con trai ném đá cho ướt hết con thuyền giấy mộng mơ. Con gái
ngồi khóc. Con trai vụng về, lại nhảy xuống sông mà vớt thuyền giấy lên hong. Nhìn
con trai ướt mèm biết lỗi, con gái lại cười. Làm sao quên được những nụ cười thơ
dại, lấp lánh như nước sông khi hoàng hôn xuống, yên bình cả một trời quê.
Làm
sao quên những trưa hè oi bức, “lặng rồi
cả tiếng con ve”. Bọn trẻ con nhà quê bọn tôi ngày ấy chẳng bao giờ biết
ngủ trưa. Chúng tôi có những niềm vui gắn với con sông đầu làng. Đi bắt ve, hái
quả rừng chán chê, cả bọn lại rủ nhau ra bờ sông ngồi hóng gió, hôm nào nóng
quá thì nhảy hết xuống sông mà tắm. Đứa lớn bày mẹo tập bơi, rằng bắt con chuồn
chuồn cho nó cắn rốn là biết bơi liền. Bọn nhỏ chẳng biết gì nên cứ tin theo,
con chuồn chuồn cắn rốn thật đau rồi lại thêm một trận uống no bụng nước. Vậy
mà vui, chẳng ai biết giận hờn ai. Con sông quê hai bờ rợp bóng, nước mát trong
như nước đầu nguồn, đã bao lần tắm sông như thế, mà không thể nào quên vị nước
ngọt ngào. Một nhà hiền triết bảo “Không
ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Bọn tôi ngày thơ đã tắm hàng nghìn lần
như thế, nhưng chưa một lần thấy con sông quê nhà đổi thay. Có chăng là những
ngày đi biệt, khi quay về ta làm khách trên chính quê ta, tự thay đổi nên thấy
dòng sông thay đổi. Còn con sông quê, vẫn thân thuộc, hiền hòa. Và luôn sẵn
lòng chở về đầy ắp kí ức thân thương, ủi an cho lòng mỏi mệt, tưới mát cho
những tâm hồn hóa sa mạc khô cằn, miễn sao lòng ta thôi hờ hững…
Có
những dòng sông chảy mãi, qua những miền Tổ quốc thân yêu. Nhưng cũng có dòng
sông ở lại, với quê hương xóm làng, yêu thương nhau nên chẳng nỡ rời nhau mà
hóa ao hồ. Có những dòng sông một đi không trở lại. Nhưng cũng có con sông đời
đời ăn ở đời đời kiếp kiếp với người. Thương làm sao con sông tuổi thơ, qua bao
nhiêu mưa nắng thay đổi cuộc đời, vẫn ở lại cùng quê hương, neo giữ những kỉ
niệm. Thương làm sao con sông đã cho tôi một trời ấu thơ đẹp mãi, dù sông đời
có cuốn ta ra tận đại dương xa khuất lối về…
Phạm Tuấn Vũ (Quy Nhơn)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét