Kiên Giang ngày về, hôm nay tôi sẽ về ngang
ngôi trường cũ, về lại mái nhà thân thương nơi ấy đã có rất nhiều yêu thương
của một người Bố, người thầy dành cho tôi, dành cho một miền tuổi thơ trong
sáng. Bàn làm việc của Bố(*) vẫn còn đó, những cuốn sách, những cuốn giáo án cũ
vẫn còn đó, nhưng Bố đã đi, đi mãi vào trong tôi, nơi ấy Bố vẫn hằng ngày dạy
dỗ, sẽ không có thêm một lần chia ly nào nữa.
Cũng như bao tuổi thơ khác, cũng như bao niềm
mơ ước, tôi cũng mong được cắp sách đến trường để được gieo vào những khát vọng
của cuộc đời. Người đem đến cho tôi những ước mơ trong sáng đó là một người Thầy,
người Bố đã vun trồng nên tôi. Một con người tưởng chừng như dừng lại, đứng yên
đó để nhìn cuộc sống cứ hối hả trôi đi .
Khi tôi còn bé, vẫn còn ấm áp trong vòng tay
mẹ, mẹ đã mang tôi đi đến một quê hương mới. Cứ tưởng nơi ấy sẽ có những “chùm
khế ngọt” để tôi trèo hái, để tôi lớn lên bên mẹ mỗi ngày như bao tuổi thơ
khác. Thế nhưng, Mẹ đã vĩnh viễn ra đi khi tôi lên sáu. Ngày Mẹ lâm chung, tôi
vẫn nhớ như in từng lời thều thào của Mẹ nói với Bố. “Anh Dũng à, nơi đây tôi
chỉ có anh là bạn thân nhất, tôi xin gửi thằng Hiền cho anh, xin anh hãy nuôi
nó lớn lên thành người tốt.” Tôi thấy mắt Bố nhòe đi vì có nước, Bố gật đầu rồi
nắm chặt tay Mẹ. “Chị cứ yên tâm..” Bố vẫn còn hai anh là con của Bố, một anh
đang học lớp mười, một anh lớn hơn tôi hai tuổi. Đến giờ tôi mới thấu hiểu, để
nuôi nấng ba người chúng tôi không hề đơn giản với một người thầy giáo dạy
toán, lý, hóa ở một trường bổ túc văn hóa của tỉnh, có lúc dường như trong nhà
không còn gì để ăn. Nhưng Bố vẫn gồng gánh vừa là Bố, là Thầy, là Mẹ để nuôi
dạy ba anh em.
Ngày tôi vào lớp một, Bố dạy từ rất sớm, nấu
cho tôi tô mì, nấu cho chai nước mang theo… đoạn đường từ nhà đến trường chỉ
gần một cây số, nhưng sao hôm ấy tôi thấy nó xa quá, thấy sợ lắm , cái cảm giác
ngày đầu tiên đi học mà. Tôi ngồi phía sau tay ôm chặt Bố cứ rúc rích khóc. Bố
nắm lấy tay tôi dẫn vào lớp, Bố nói “ráng học nghen con, ngồi im lặng nghe cô
giáo giảng bài, không được khóc, con trai khóc là kỳ lắm”. Đó là những bước đi
đầu tiên của cuộc sống mà Bố đã dìu dắt tôi. Cuộc sống cứ thế mà êm ắng trôi
đi, khi tôi bắt đầu lớn lên Bố vẫn thường dạy ba anh em tôi rằng ,“các con sống
phải biết chia sẻ và yêu thương, hãy cho đi bằng tấm lòng với những gì mình có
thể rồi các con sẽ nhận được cái quý giá hơn cái mà các con đã cho đi. Các con
phải im lặng và bình tĩnh trong lúc nóng giận, làm được điều đó các con sẽ
chiến thắng được thể xác và bình yên trong tâm hồn”. Những lời dạy của Bố cứ
như thế mà in sâu, in sâu nó giống như rất nhiều hạt giống được gieo trong tôi,
sẽ nảy mầm rồi thành cây, một rừng cây, tồn tại rất lâu.
Ngày ấy tôi vẫn thường ao ước được một ngày
ngồi dưới lớp nhìn Bố mình giảng bài. Đến năm học lớp mười hai thì niềm ao ước
của tôi được chạm đến. Mái tóc thầy đã bạc đi rất nhiều, mắt thầy đã sâu đi
nhưng thầy vẫn đứng đó hằng ngày, truyền dạy cho chúng tôi những công thức,
những nguyên tố, những phản ứng hóa học… thế nhưng có một công thức không chỉ ở
trên lớp mà ngay cả ở nhà, thầy vẫn dạy và dạy tôi hằng ngày là sống yêu
thương, chia sẻ, sẽ có những thành quả rất hạnh phúc. Đó là công thức, là cách
sống cao đẹp nhất của mỗi người, đã dần thấm đậm trong tôi ở cái tuổi được gọi
là đẹp nhất đời người
Ngày tôi khăn gói lên đường để nuôi dưỡng
những ước mơ. Bố tiễn tôi đi với những lời dặn dò, “con đường xa nhất của mỗi
người là con đường từ trái tim đến bàn tay, con phải học tốt, cố gắng sống tốt,
như thế con đã báo hiếu được với mẹ, con đã trả ơn được cho Bố”. Chiếc xe dần
đưa tôi đi xa, tôi thấy Bố vẫn đứng đó cứ dõi theo.
Ngày nghe tin Bố bệnh nặng, tôi tức tốc từ Sài
Gòn về Kiên Giang. Chỉ có hai ngày ở bên Bố, tôi chưa kịp làm gì cho Bố, tôi chỉ
thấy Bố khóc khi nhìn thấy tôi, tôi không biết đó là giọt nước mắt tiếc nuối
hay hạnh phúc. Nhưng giọt nước mắt nào đều có ý nghĩa thiêng liêng, là động lực
để tôi tiếp tục con đường mà Bố đã dạy.
Ai cũng có một hoàn cảnh sống khác nhau, môi
trường sống xung quanh cũng là một yếu tố tạo nên bản chất của con người. Có
thể tôi là người may mắn khi gặp Bố, có lẽ giờ đây Bố, Mẹ tôi vui lắm, nhưng
niềm vui ấy sẽ không hiện diện nơi đây hay một ở thế giới nào đó. Tôi cảm
nhận được niềm vui ấy đang ở một “cõi”
nào đó trong tôi.
Phạm Minh Hiền (TP. HCM)
(*)Thầy HÀ ANH DŨNG, giáo viên Trung
tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Kiên Giang, thầy mất ngay 27/2/2007
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét