Trước
lúc bão đổ về 1 ngày.
Từ Sài Gòn, nó gọi điện ra Bắc hỏi bố về tình hình
bão gió. Bố nó cười xòa, bão còn ngoài biển, chắc nó chỉ vào Nghệ An- Quảng
Bình, chứ Thái Bình chỉ trong vùng ảnh hưởng. Nó vâng dạ rồi nhắc khéo, bão gió
không phải là người, khó dự đoán được lắm, nghe nói cơn bão này rất mạnh, bố cứ
nhờ hàng xóm xúc mấy bao cát vất lên nóc nhà dưới cho chắc, không bão đi ngược
lên, có mình bố ở nhà, lại đang ốm, ứng biến sẽ không kịp. Bố nó ừ một tiếng rồi
hỏi sang chuyện khác.
Kể ra thì không có gì phải lo thật. Vì nhà nó đâu
còn vách đất, mái lá như chục năm về trước. Ngày ấy, bão ùa về là bố mẹ nó phải
oằn mình chằng níu lại bốn góc nhà. Vậy mà khi bão đi qua, hai gian nhà chỉ còn
trơ khung, nắng rọi cả vào trong. Bố nó nheo mắt nhìn lên, gượng cười mà lòng đắng
đót. Mấy năm nay gia đình khấm khá hơn một chút, hai gian nhà dưới đã sửa lại và
xây thêm ba gian nhà trên kiên cố nên khi bão về mọi người cũng yên tâm phần
nào.
Nó tự trách, chắc còn ám ảnh bởi những ngày tuổi thơ
chạy bão nên lo xa vậy thôi, chứ theo bản tin, bão chỉ vào miền Trung thôi mà.
Trước
7 tiếng bão về.
“Hồi …giờ,
ngày… , vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, cách bờ
biển các tỉnh Hải Phòng – Ninh Bình khoảng 100 km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần
tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13,
cấp 14. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc…”
- A lô… Bố nghe thấy con nói không? A lô…
- Gió đang rất to, sóng kém lắm, bố không nghe rõ. Khi
khác gọi nha.
Tút…. Tút… Tút….
Nó thần người nhìn màn hình điện thoại. Cảm giác bất
an choáng hết tâm trí nó. Nó vội chạy lên đài truyền hình để xem các bản tin
bão mà đồng nghiệp đang tác nghiệp ngoài đó gửi vào. Ít ra như vậy nó không bị
cảm giác mong ngóng làm nó sốt ruột khi ngồi ở phòng trọ. Nó tự trấn an, chắc
mọi chuyện sẽ không sao.
20h ngày…
bão chính thức đổ vào vùng biển Thái Bình
Nó trân trân nhìn màn hình ti vi, giọng sang sảng của
cô phóng viên như làm tai nó ù đi: “Theo
ghi nhận của chúng tôi, sức gió đang cấp 11 giật trên cấp 12, 13. Rất nhiều cây
cối bị bật gốc đổ dọc ra đường. Nhiều nhà lợp ngói và fibrô xi măng cũng bị gió
lật tung…” Nó run run quơ điện thoại trên bàn rồi lập cập ấn số gọi cho bố.
Từ đầu dây bên kia chỉ những tiếng tút tút vọng lại. Nó thấy lo thực sự.
Nhà nó kiên cố nhưng một nhà lợp ngói, một nhà lợp
fibrô, biết đâu giờ này những mái đã bị gió lật nhào như lời cô phóng viên kia,
hoặc nếu không cũng đang chung chiêng vặn mình níu lại sức gió giật. Bố nó đang
bệnh, mẹ và anh chị đang ở xa, hàng xóm cũng phải lo chống bão nhà họ thì mình
bố biết xoay xở thế nào. Đã 10 năm nay, quê nó đâu chịu trận bão nào lớn đến
mức này.
Cả đêm không ngủ, nó hồi hộp ngóng trời mau sáng.
Miệng lầm rầm, nó mong…
Nó ôm gối ngủ gục ở góc nhà từ lúc nào. Sáng sớm, nó
hoảng hốt ngửa mặt nhìn ra ngoài rồi vơ vội chiếc điện gọi cho bố. Vẫn chỉ
những tiếng tút tút đổ dài. Nó bật máy tính xem các bản tin về cơn bão. Cảnh
vật tan hoang, dáng người xiêu vẹo… tất cả khiến hai mắt nó lùng bùng.
Trời Sài Gòn bình yên, nắng mới đang hắt nhẹ bên song
nhưng lòng nó đang bão lớn. Gió giật từ tâm, bất giác nó đưa tay ôm ngực. Sẽ
bình yên thôi, nó tự trấn an như thế.
Hai ngày sau
cơn bão
Nó vẫn không thể nào liên lạc được với bố và các nhà hàng
xóm xung quanh. Nó đọc tin trên báo nghe đâu trạm viễn thông bị gió đánh gục,
dây cáp cũng bị đứt nên điện thoại không có sóng. Đi làm, nó chỉ ngồi thần
người một góc lẩm bẩm còn tay thì liên tục bấm điện thoại gọi cho bố, vẫn chỉ
là tút tút. Chưa bao giờ nó thấy ghét tới cùng cực những âm thanh nhạt nhẽo vô
vị ấy.
Giá như có thể, nó đã mua vé bay về…
Sang ngày
thứ ba.
Nó mừng tới rơi nước mắt khi điện thoại của bố đổ
chuông. Tiếp sau đó là tiếng khàn khàn: “Bố khỏi ốm rồi, nhà cửa thì không sao
hết, chỉ có cây cối ngoài vườn là tan hoang thôi. Ở trong đó con cứ yên tâm”. Nó
định hỏi thêm nhưng máy lại phát ra những tiếng tút não nề. Nó gọi lại cũng
không được, có lẽ do mất sóng. Nhưng dù sao, nó cũng thấy lòng khấp khởi mừng
vì ít ra nó cũng biết được bố nó vẫn bình an.
Rồi những ngày sau, nó liên tiếp gọi cho bố và các nhà
xung quanh nhưng tuyệt không có máy nào đổ chuông. Nó thở dài khẽ ta thán:
“Mang tiếng công nghệ hiện đại mà nhiều khi cũng đành bất lực khi liên lạc với
gia đình”. Nhưng đến chiều tối nay (tức là sau 5 ngày bão tan) nó đã liên hệ
được với thím nó và có cuộc nói chuyện dài hơi hơn. Qua thím, nó biết được ở
nhà mọi người vẫn bình an, giờ này vẫn còn phải thu dọn tàn tích sau bão; cây
cối trơ trọi, đứng ở hiên nhà cũng có thể nhìn được ra nhà nào ở cuối xóm;
đường dây điện bị đứt chưa nối lại được nên chắc phải nửa tháng sau mới có
điện. Và có một chuyện, có lẽ chỉ qua thím nó mới biết được: hai gian nhà dưới
nhà nó bị gió đánh ục, còn nhà trên bị gió thốc mưa ngược qua lớp ngói vào
trong, suốt đêm bố nó phải co ro nằm vào góc nhà thờ để tránh mưa tạt. Khi nghe
thím nói thế, nó đã gần như lặng người. Có lẽ vì bố nó không muốn nó lo lắng
nên mấy ngày trước nói chuyện qua điện thoại, bố nó đã phải trấn an “nhà cửa
không sao… trong đó cứ yên tâm”. Cúp máy, nó ngồi hình dung cảnh cha già phải
co ro một mình trong mưa bão, tự nhiên nó thấy ngực mình buôn buốt.
Bão tan rồi mà sao gió như vẫn lẩn quẩn đâu đây.
Nó mong bình yên sẽ thực sự trở về trong ngôi nhà của
nó. Nhưng biết đến bao giờ khi mà chân nó vẫn cứ dấn thân những bước dài ở
phương trời xa lạ. Và ba gian nhà, lại chỉ có mình bố nó loay hoay qua những
mùa bão nổi.
Cơn bão muộn cuối mùa đã qua đi, ngoài kia, những cơn
gió mùa đông bắc lại đang trở mình lùa tới.
Gió lại nổi từ tâm…
Phạm Tử Văn (TP.HCM)
Vậy Hiền biết tại sao hôm đó anh nói anh buồn rồi, " không biết đêm nay vì sao tôi buồn, buồn vì trời mưa hay bão trong tim". Bài văn chất chứa bao nỗi niềm, hay lắm anh à !
Trả lờiXóa