Ca sĩ Nguyệt Ánh làm dáng và ôm lẵng hoa của anh Võ Văn Bình tặng Hương Quê Nhà
Anh Trần Viết Dũng đệm đàn cho Trương Công Tưởng hát Từ trái sang: Phạm Văn Hùng, Trình Ngọc Chương, Phạm Văn Phương, Nguyễn Văn Trường
Anh Trình Ngọc Chương trình bày ca khúc do anh sáng tác
Từ trái sang: Từ Thức, Ngọc Châu, Hồ Thế Phất, Hồ Hải
Anh Hoàng Trọng Quý đọc thơ
Nguyễn Tiết đọc thơ
Phạm Hữu Hoàng phát biểu
Các bạn đừng ngạc nhiên hôm nay thứ ba, tấm lịch trên tường nhà mình vẫn giữ lại Chủ nhật 24.11.2013! Bởi đó là một ngày nghỉ trọn vẹn dành cho Hương Quê Nhà. Hương Quê Nhà có thực sự ngát hương giữa một ngày đông hối hả còn bộn bề sau cơn lũ kéo dài thành lụt đã làm thiệt hại đến bao nhiêu sinh mạng người thân và tài sản đã bị nước cuốn trôi… Đâu chỉ một phút giây tưởng nhớ người xấu số mà còn là bài học suốt đời cho mỗi chúng ta ý thức bảo vệ môi sinh từ nơi đầu nguồn xa thẳm kia. Còn con chữ lắm gian nan đang dành trang viết về Hương quê nhà cũng biết bao nhiêu trăn trở, ray rứt nỗi niềm khi bùn non bồi đắp không đúng chỗ đã làm nhòe bản thảo. Biết làm sao! Nhưng không vì thế, không thể không có cuộc họp mặt Hương Quê Nhà tại quán cà phê Noir ấm áp và thân tình đến vậy.
Minh Anh, Thục Minh, Từ Văn Minh, Nguyễn Như Tuấn, Thành Tín
Ngay từ những giây phút đầu tiên đến với Hương Quê Nhà tôi bỡ ngỡ trên từng chặng về vùng đất thơ thị xã An Nhơn Bình Định, có đoạn bị lũ cắt đứt đã thông thương tự lúc nào, lá cỏ hoa dại ven đường tuần trước ngoi ngóp trong nước nay nhờ màu nắng ấm ông mặt trời nhân hậu trả lại sắc màu vươn thẳng khích lệ tôi nhanh chân bước. Nhưng quý nhất vẫn là ánh mắt đợi chờ cùng nụ cười thân thương của người con đất Cây Bông niềm nở đón chào tất cả bạn bè từ Hoài Ân đến Phù Mĩ, Phù Cát vào, từ Tây Sơn xuống, từ Quy Nhơn, Tuy Phước lên và ngay cả cái nôi thơ thị xã An Nhơn cùng đang quây quần họp mặt. Đến với Hương Quê Nhà là đến với tình bằng hữu anh em, là đến với thơ văn viết về con người vùng đất Bàn thành tứ hữu xưa nay đùm bọc, cần mẫn. Và vì lẽ đó, tôi không sao không xúc động khi quanh mình là những người ngày đêm cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa để có những tác phẩm mang đậm tính nhân văn sâu sắc được đăng trên huongquenha.com, mà Nguyễn Hữu Duyên từ một nhà giáo dạy văn, không duyên với nghề, để rồi “tòng thê” tha phương lập nghiệp ở Bình Dương, thật thà gói ghém tài sản trong Gánh bún nuôi người, nuôi thơ, nuôi thêm cả trang web của một cá nhân trở thành trang chung cho những ai đến và yêu thơ văn Việt của mình.
Anh Trương Đình Tân trình bày ca khúc Bạn tôi với sự phụ hoạ của MC Sông Song
Những cây bút văn xuôi của Bình Định góp mặt trong huongquenha.com có thể kể như anh Mang Viên Long có một tài sản văn xuôi đồ sộ hơn mười lăm đầu sách đã in, anh Lê Đình Danh nổi tiếng với hai bộ tiểu thuyết lịch sử Tây Sơn Bi Hùng truyện và Nẻo về Vạn Kiếp, cho đến anh Nguyễn Hoàn, Trần Văn Bạn, Phạm Hữu Hoàng,…là những cây bút miệt mài nghiêm túc trên trang viết thiên về đời sống xã hội, về vẻ đẹp tình người và sự khởi sắc của quê hương, đã lần lượt sẻ chia khi xây dựng những nhân vật trong tác phẩm của mình. Và chúng ta không phải ngồi trước màn hình vi tính để xem nhưng con chữ hiện ra, mà lúc này đang trực tiếp thưởng thức hồn thơ “bóng cả” Hồ Thế Phất cùng với nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên, với Từ Thức, với Hồ Hải vượt nắng gió đất Phù mang theo xúc cảm trong những bài thơ mà tự mình ngâm, tự mình đọc cho Hương Quê Nhà nghe. Rồi từ Tuy Phước có nhà thơ Đặng Quốc Khánh cũng là người con ruột rà của đất An Nhơn vì bận việc riêng chỉ kịp ghé thăm chưa được hai mươi phút phải chia tay, tiếp nối hồn thơ hương quê nhà là những cảm xúc của anh Nguyễn Như Tuấn, của Hoàng Trọng Quý, của Lê Đình Hiếu cao niên mà rất mượt mà trẻ trung như Trịnh Hoài Linh. Riêng Phạm Văn Phương trong giây phút bên nhau cứ bùi ngùi tưởng nhớ người đã khuất: Gửi anh Huỳnh Kim Bửu, phía bên kia trần gian:
“tháng mười một
trò chuyện trong ngôi nhà quen thuộc
em linh cảm một điềm chẳng lành
em cầm bàn tay đã lạnh
mơ màng thấy những trang văn trong vắt và hồn hậu
biết anh đi ngày mùng sáu
mùng chín, láng giềng đón anh về cùng đoàn áo lam
chấp chới nụ cười thật tươi của anh
em choáng, trong tiếng trống hạ huyệt”
Nhà thơ Huỳnh Kim Bửu quê quán Nhơn An, An Nhơn, Bình Định là nhà giáo, nghỉ hưu. Khi tuổi đã cao anh càng yêu ngòi bút và trang giấy hơn bao giờ hết, nhưng nàng thơ đâu thể níu chân anh lại, ra đi khi giữa một ngày đầu xuân năm trước, chưa kịp họp mặt lần đầu với Hương Quê Nhà. Rồi lần lượt những nhà giáo yêu thơ học cùng khóa 2 Văn của Hữu Duyên có Tạ Hoa, Đặng Thị Xuân, Nhi Xy, đến với những bài thơ viết về nhà giáo, và nhà giáo trẻ hơn có Trần Quốc Tiến, dạy tiếng Anh làm thơ “nghiệp dư” tiếng Việt không thua kém gì với các nhà thơ chuyên nghiệp khác. Chen ngang với các bạn nữ, có Ngô Văn Cư xa tít núi cao của bắc Bình Định sẻ chia cho hết cảm xúc chân tình sâu lắng: “Ngày ta về An Nhơn / Thăm bạn thời thơ ấu / Một hoàng hôn buông vội/ Những tháp Chàm trầm tư/ Giữa hai bờ thực hư/ Ta ồn ào như gió/ U huyền một con phố/ Mịt mùng mưa mùa đông/ Những nỗi buồn không tên/ Dùng dằng trong nỗi nhớ/ Ôi một thời hăm hở/ Lặng lẽ cũ bên đời/ Một thoáng chợt chơi vơi/ Giữa hai bờ được mất/ Trong bao la trời đất/ Nhớ nhau đã là mừng/… ( Chiều An Nhơn thăm bạn). Và ngay trên vùng đất võ Tây Sơn đã ghi danh người anh hùng từng vào thành Thăng Long đặt tiệc ăn mừng, thống nhất đất nước. Nhưng khi đứng trước dáng xuân, những cháu con thể như nhút nhát, thể như rụt rè, khéo léo mượn thơ se duyên mới lạ trong phong cách của Trần Viết Dũng với Một chuyến qua đèo:
Thử liều một chuyến chơi xa
Lên Tây Sơn Thượng may mà gặp em
Ví dầu trời có làm đêm
Anh dìu trăng xuống bậc thềm khuya nay
Ví dầu trời có làm ngày
Anh ôm nắng đổi hai tay giữa chiều
Thử liều một chuyến qua đèo
Biết đâu em lại đòi theo mình về
Chập chùng đồi dốc An Khê
Mời em ngồi phía sau xe với mình
Biết đâu số phận thình lình
Lên Tây Sơn Thượng gặp tình...Biết đâu?
Anh Trần Viết Dũng đọc thơ
Từ trái sang: Lê Đình Danh, Nguyễn Hoàn, Tạ Hoa, Đặng Thị Xuân, Lưu Thị Nhi Xi, Nguyệt Ánh Từ trái sang: Trần Duy Đức, Mang Viên Long, Hoàng Trọng Quý, Trương Đình Tân, Lê Đình Danh
Và đâu dễ gì tự tin đến mức: “Mời em ngồi phía sau xe với mình” gọn lỏn như thế trong hoài nghi chưa đáp án, thì Phạm Văn Phương tiếp nối vỗ về trái tim rướm máu của bạn hay của chính nhà thơ, hay là sự đam mê cái đẹp trong “Mưa chiều Tây Sơn thượng” đầy nuối tiếc:
Ta chẳng còn ta ngày tháng cũ
Mười lăm năm một dịp quay về
Em chẳng còn em thời thiếu nữ
Đôi bờ sương đục đã phân chia
Mười lăm năm lẻ về An Túc
Song thưa, nghe lọt gió tư bề
Mưa trút một trời Tây Sơn Thượng
Mơ màng ly rượu sánh trăng quê…
…Ta thấy em buồn như bữa nọ
Mà ta khờ khạo mãi rong chơi
Mà ta đâu biết em như gió
Thổi bung ngọn cỏ buổi ta về
Mà ta đâu biết em như lửa
Cháy bùng một ngọn giữa đêm khuya…
…Mười lăm năm lẻ ta về lại
Em chẳng còn em thuở ban đầu
Ta chẳng con ta ngày tháng cũ
Đôi bờ sương đục dưới thung sâu…
… Đến với Hương Quê Nhà là đến với ý vị ngọt ngào trong dòng cảm xúc mộng mơ, và ít nhất trong mỗi trái tim nhà thơ đã “di căn” cho tình yêu ban đầu chưa trọn vẹn. Nhưng với Nguyễn Thị Phụng, người Tuy Phước ngợi ca vẻ đẹp một nữ tướng anh hùng thời Tây Sơn trong bài thơ Yêu mãi người ơi: “Chưa bao giờ dám viết một bài thơ/ Để thầm khen gái quê mình hiền thục/ “Vua và Em”* vừa tự hào dân tộc/ Lại yêu hơn trai Bình Định chân tình/…/ Đất quê em, trai Bình Định lên ngôi/ Ngọc Hồi Đống Đa hào hùng lịch sử/ Đất quê em, Bùi thị Xuân tướng nữ/ Duyên dáng từ xưa đâu chỉ có roi quyền” và chị trân trọng những chàng trai của thời đại hôm nay:
Mặt biển xanh tựa vòm ngực anh
Và ngọn nồm là hơi thở
Dẫu nắng mưa chớp giông rực lửa
Tình anh con sóng dạt dào dâng
Tiếng gươm khuya xưa đồng vọng xa gần
Thấu cả cành san hô dưới bể sâu kia động lòng thao thức
Phải đó là mạch tim một tình yêu chân chất
Anh tạc vào thế kỉ chẳng phân vân…/ (Tạc lòng sắc son)
Những người bạn Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn khoá 2 (1976-1978)- Từ trái sang: Tạ Hoa, Đặng Thị Xuân, Phạm Văn Phương, Nguyệt Ánh, Ngô Văn Cư, Nguyễn Hữu Duyên Từ trái sang: Lâm Cẩm Ái, Nguyễn Thị Thu, Lê Minh, Minh Anh, Thục Minh, Từ Văn Minh
Cũng từ trong sâu thẳm những tâm hồn yêu thơ của nhóm huongxua.org, trang của những người yêu kỉ niệm xưa như chị Quốc Tuyên chủ bút cùng Nguyễn Tiết, Lâm Cẩm Ái, anh Ngọc Châu cùng người bạn đời Kim Đức đến Hương quê nhà đâu chỉ là một chiếc bánh kem hương vị đậm đà, còn gởi lại những bài thơ in đậm dấu ấn trong lòng bạn bè ngày họp mặt. Những anh Đoàn Văn Chư, Trưởng Đài truyền thanh thị xã, và anh Phạm Văn Hùng là phóng viên đài truyền thanh thị xã An Nhơn đến Hương Quê Nhà như là người bạn thân thiết không thể thiếu. Hơn hai tiếng đồng hồ nói với nhau làm sao cho hết được của hơn bảy trăm ngày đêm qua, nhưng “Lời chim buổi sáng” của La Hữu Vang mở đầu chương trình mà MC Thủy Thủy cất lên: Như con chim non xanh ở trên rừng/ con chim nó bay nhanh qua vùng khói lửa…. Tình yêu quê hương như trời cao biển rộng/ Tình yêu quê mẹ thơm mùi lúa mới/ và những bông hoa cây có tươi màu/ giữa bạn yêu bè yêu tất cả anh em…” cũng là tri ân cố nhạc sĩ tài hoa cùng quê mẹ với nhà thơ Xuân Diệu đã từng sống và công tác trên đất An Nhơn, ca sĩ Bích Ngọc kết thúc hết mình trọn vẹn với “Thu hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển, đan xen cho buổi họp mặt Hương Quê Nhà còn có tiếng hát của em Trương Công Tưởng, văn phòng UBND xã Ân Tín với một ca khúc Mây Hồng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cây guitar Trình Ngọc Chương đã chuyển phần đệm đàn cho nhà thơ tài hoa Trần Viết Dũng để có thể thoải mái trước sân khấu thể hiện bài hát về vùng đất An Nhơn quê mình.
Có những điều giản dị đơn sơ mà tinh tế của anh Trương Đình Tân, nguyên là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, từng là Bí thư Huyện ủy An Nhơn, đến với Hương Quê Nhà tư cách là người bạn thân tình thuở bé với Nguyễn Hữu Duyên. Cái thanh cao ấy còn thể hiện qua bài hát Gần lắm Trường Sa ơi như lời nhắc nhở lay động tâm thức người sáng tác hướng về: “… Trường Sa ơi.. biên đảo quê hương. Đôi mắt biên cương.. vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật...Đảo quê hương.. Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi...Thương nhớ sao vời người chiến sĩ Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi..Không xa đâu.. Trường Sa ơi.....Vẫn gần bên Em vì Trường Sa luôn bên Anh…” Niềm vui đâu chỉ thể hiện qua đôi mắt anh Từ Văn Minh, giám đốc TTVH An Nhơn sau khi phát biểu, mà hạnh phúc ùa về trên những gương mặt quây quần trong không gian thơ ca ấm áp. Ai có biết vì sao nhà giáo Nguyệt Ánh từ Quy Nhơn đến trong buổi họp mặt đâu chỉ góp phần bài hát, chị còn trân trọng ôm cả lẵng hoa của anh Võ Văn Bình, Thường vụ Thị ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy An Nhơn gửi đến chúc mừng Hương Quê Nhà của Nguyễn Hữu Duyên tròn hai tuổi, để chụp một tấm hình lưu niệm!...
Phạm Văn Phương tặng hoa cho Nguyệt Ánh
26.11.2013
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Phụng
Đã qua 3 ngày- kễ từ hôm HƯƠNG QUÊ NHÀ họp mặt mừng S/N thứ hai tại cafe NOIR- (Trần Phú- TX An Nhơn)- Nhưng nay đọc và nhìn hình ảnh của bài viết Nguyễn thị phụng- SS cảm giác như còn đang ở trong ngày vui hôm ấy. Thật đầm ấm nghĩa tình.
Trả lờiXóaHẹn gặp nhau vào ngày S/N thứ ba nhé thân hữu HƯƠNG QUÊ NHÀ!
Không quên chúc mừng anh NGUYỄN HỮU DUYÊN;
Nhớ quá!...
Trả lờiXóaEm rất vui khi được biết các anh chị !! Rất ấn tượng và rất trẻ trung .Chúc các anh chị luôn khỏe, sáng tác nhiều và hay !!!
Trả lờiXóaẤn tượng nhất là "anh" Sông Song zà phóng ziên Nguyễn Thị Phụng hiiiiiiii
cây bút tài hoa hình ảnh đẹp''hổng có tui buồn à nghe'' thành công rực rỡ HD. Cừ toe toét chúc mừng
Trả lờiXóaCảm ơn Hương quê nhà đã tạo điều kiện để những người yêu thơ văn được gặp nhau, đến với nhau, sẻ chia, đồng cảm. Bản thân tôi rất hân hạnh được gặp gỡ những cây bút tài hoa, những nhà thơ, nhà văn thực sự đã có tác phẩm trình làng, được giới văn học công nhận. Cảm ơn bài viết hay của chị Phụng. Mong lại có dịp được hội ngộ.
Trả lờiXóaTrước hết Hữu Duyên xin cảm ơn tất cả vì cái tình mà đã đến với Hương Quê Nhà, cùng với những chia sẻ, động viên. Đọc bài viết của chị Phụng, Hữu Duyên thực sự xúc động vì những con chữ như trái tim yêu thương của chị đối với Hương Quê Nhà, và đối với Hữu Duyên. Xin cảm ơn chị!
Trả lờiXóaLâu lắm mới đọc bài viết của Nguyễn Thị Phụng rất mực hào hoa!
Trả lờiXóaBút ký của nguyenthiphung kèm hình post lên Trang huongquenha.com đẹp và nghĩa tình lắm .
Trả lờiXóaChúc Trang Hương Quê Nhà ngày càng phát triển.
Ẩn sau con chữ là Nguyễn Thị Phụng đang làm anh hùng núp chờ hù các bạn à nghen. Hình như mình thích được khen mãi của các anh chị và các bạn thương yêu.
Trả lờiXóaHẹn hương quê nhà họp mặt thường xuyên nhớ nghe anh chủ bút!
Tình thân!
Chào chị Phụng,
XóaCảm ơn chị Phụng về bài viết thắm đượm nghĩa tình với Hương Quê Nhà và bè bạn.Chúc chị vui, khoẻ, giàu sức sáng tạo!