Chiều.
Một buổi chiều tắt nắng. Hoàng hôn đã nhạt dần cùng với những màn mây xám xịt
che kín. Ở một góc trời, còn sót lại những tia sáng hồng đang len lỏi trong những
cành cây, kẽ lá. Từ xa, cô đã nghe thấy hơi lạnh của những hạt mưa phùn mỗi lúc
một gần và nặng hạt. Trước giờ xuống ca, cô
tranh thủ xếp gọn lại những thứ giấy tờ và lên lịch làm việc cho tuần
sau. Chà, một tuần làm việc mệt mỏi cuối
cùng thì ngày thứ bảy cũng đã đến, hôm nay được về sớm tí. À, cô như chợt nhớ
ra điều gì đó! Chiều nay anh phải đi ra ngoài với sếp nên không đến đón cô được.
Thế là cô phải lóc cóc đi bộ một mình về
phòng. Trời cũng kịp sẩm tối. Vừa đi, cô vừa tự nhủ: “Như thế cũng tốt! Đôi khi
mình cũng nên dành cho nhau một khoảng riêng tư để mỗi người được tự do làm những
việc mà mình thích”. Và rồi cô nghĩ đến gia đình. Ngày mai là làm tuần một trăm
ngày cho ba? Hình như đã rất lâu rồi cô chưa có cuộc điện thoại nào gọi về nhà
thì phải! Cô quá bận rộn với công việc? Hay dường như khoảng thời gian có anh ở
bên cạnh chở che làm cô thoáng quên đi ảnh của gia đình trong tiềm thức tự bao
giờ? Cô lấy điện thoại để gọi về cho má, nhưng tút… tút… tút… cuộc gọi kết thúc
mà không ai nhấc máy cả.
Nhìn
những dòng người đang vội vàng đi đi lại lại, cô bỗng muốn đứng lại và hòa mình
vào họ. Chao ôi! Cô thèm được cảm giác về nhà biết bao! Xung quanh nào là tiếng
cười nói xôn xao của những người công nhân đang tan ca từ các công ty trở về nhà, là tiếng lộc cộc của
những chiếc xe chở hàng ra chợ, tiếng rao hàng của những người hàng rong, hay… âm thanh gì đó nghe lạ mà
quen. Cô chợt giật mình. Âm thanh đó mỗi lúc cứ một gần và hình như rất quen
thuộc. Có lẽ cô đang lắng tai nên mới nghe rõ như thế. Tiếng nhạc lúc thanh lúc
trầm và trong vắt. Đó là âm điệu của đàn guitar. Chính là tiếng đàn ấy! Hồi trước,
ba cũng thường đàn những giai điệu này cho mấy chị em cô nghe lắm! Nhà nghèo
nên chẳng có điều kiện như người ta. Cứ mỗi khi tối đến, chị em cô lại xúm xít lại quanh chiếc chiếu trải trên
nền đất để má quạt. Cái quạt bằng mo tre nhỏ xíu chẳng thể đuổi hết muỗi cho cả
ba chị em. Cô thì chưa đủ lớn để ý thức được điều ấy. Cô thích được ba ẵm trên
tay vừa đưa vừa hát. Ba cô chẳng những hát rất hay mà còn biết thổi sáo, đánh
đàn guitar. Mỗi lần được nghe ba đàn, cô lại ngủ ngon giấc lắm. Có lần, cô hỏi ba tại sao chỉ
hát toàn một loại nhạc? Ông chỉ xoa đầu con gái và mỉm cười. Những bản nhạc
quen thuộc ấy vậy mà lại theo cô tới bây giờ. Chỉ tiếc là…
Thời
gian đã lặng lẽ trôi, khúc nhạc năm nào của ba cũng dần đi vào ký ức. Cô không
có thời gian để ở gần ba và được nghe khúc guitar thưở nào! Để đến bây giờ thì
nó đã mãi mãi theo ông về nơi đất mẹ. Chiều nay, khúc nhạc ở đâu đây bỗng vang
lên như hình ảnh của ba hiện về. Nó quen thuộc như chưa bao giờ được quen thuộc
như thế! Cô sững người. Như nghẹt thở. Cô đã cố gắng nén lại nhưng nỗi nhớ về
ba không sao ngăn nổi thứ chất lỏng mặn chát đang lăn dài trên má và sóng mũi.
Như có cái gì đó vỡ òa, cô chạy thật nhanh về phòng, đóng sập cửa lại… và cô khóc.
Tiếng khóc nức nở như dày vò. Cô khóc như chưa bao giờ được khóc vậy! Con người
là vậy, đôi khi vì quá lo cho cuộc sống tương lai mà quên đi hiện tại vì sợ cảm
giác đối diện với chính mình và những người thân. Để rồi một khi không còn họ
bên cạnh ta lại thấy hối tiếc. Cũng như cô, giá như ngày ấy cô tranh thủ về nhà
sớm hơn để được nhìn mặt ba lần cuối thì có lẽ bây giờ không phải đau đớn nhiều
như thế!
Ngày ấy, khi cô vừa về đến nhà cũng là
lúc người ta chuẩn bị đưa thi thể của ba vào trong quan tài. Cô chỉ kịp lấy chiếc
khăn đang đắp trên mặt mà nhìn ba lần cuối. Hai gò má xương xương hao mòn của ba khiến cô chạnh lòng. Ông đã gầy đi nhiều
hơn cô tưởng. Thời gian đã lấy đi nhiều thứ của ba so với những gì cô được nhìn
thấy ở lần về trước. Nói lần về trước vậy
thôi chứ nó cũng đã cách nay cả năm rồi
còn gì. Nắm lấy đôi bàn tay lạnh ngắt của ông mà tim cô như bị đóng băng lại, bởi
cô chưa bao giờ bị cảm giác lạnh buốt như thế. Bởi vì cô không còn nghe được nhịp
đập quen thuộc và dòng máu nóng hổi đã từng ủ ấm cho cô mỗi khi trời rét. Nghe
tin cô đã về, mấy người nữa cũng đến ngồi xung quanh trông chừng vì sợ cô sẽ bị
ngất đi vì không chịu nổi. Một hồi lâu, cô chẳng có biểu hiện gì cả, không kêu
than, cũng chẳng gào thét. “Hay tại đi làm xa lâu quá nên giờ nó ít có cảm xúc
chăng?”, một người hàng xóm thoáng nghĩ… Nhưng họ đâu biết rằng suốt từ chiều
hôm qua tới giờ đoạn đường bao nhiêu xa là cũng bấy nhiêu tiếng đồng hồ cô
khóc, khóc nhiều đến nỗi giờ chẳng còn nước mắt để mà chảy nữa. Chỉ biết là bây
giờ đây, trong cổ họng cô đang nghèn nghẹt một thứ gì đó như bị bóp nghẹt chẳng
thể thốt ra lời.
Mọi việc rồi cũng xong. Lúc xe tang
lăn bánh đưa chiếc quan tài ra ngoài nghĩa địa, ấy thì cô mới nhận ra là mình
đã không còn ba nữa. Nhưng có ích gì đâu, cô chẳng thể nói cho ba nghe thêm một
lời cuối cùng nào nữa. Cô đau đớn và hối hận vô cùng…
Mấy ngày sau đó cô vô lại Bình Dương.
Cũng cảm giác đi đi về về như mọi khi, nhưng hôm nay trong lòng cô bỗng dấy lên
cảm giác buồn và trống trải khó tả! Có lẽ, cô biết lần về sau sẽ chẳng còn được
gặp ba nữa. Sẽ chẳng còn được mua quà cho ba, hay được nghe ba gọi điện mà bảo
“xe về tới nào rồi con?” như những cái tết trước. Sẽ chẳng còn nữa đâu ba à! Cô
khẽ thốt lên trong tiếng nấc. Trước lúc lên đường, cô đã thắp lên ghế ba nén
nhang và cầu nguyện điều gì đó. Cô bỗng thấy có một con bướm đậu trên ô cửa sổ,
màu sắc trên đôi cánh nó giống hệt như màu của chiếc áo mà ba thích mặc lúc còn
sống. Lẽ nào linh hồn ba đã về đây để cô được gặp ông lần nữa?
Giờ
đây, cuộc sống của cô đã phần nào yên ổn. Cô đã lo cho đứa em vào đại học, xem
ra phần nào thực hiện được tâm nguyện của ba. Nhưng mỗi khi nhìn thấy những đứa
trẻ được ba chúng đưa đón mỗi khi tan trường thì nỗi nhớ ba của cô lại cuồn cuộn
tuôn trào như từng đợt sóng ập vào bờ. Nỗi nhớ ấy cứ ngự trị trong cô để rồi hằng
đêm, sau mỗi giấc ngủ thì dòng nước mắt lại cay xè lên sóng mũi. Tiếng đàn chiều
nay sao lại vô tình mang đến làm cô bơ vơ, lạc lõng giữa nơi đất khách quê người.
Nguyễn Thị Chi
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét