Mười năm trước, người dân quê tôi ai cũng ghê sợ người bị phong hủi. Cả
xóm tôi ngày đó có khoảng bốn người. Ngay phía sau nhà tôi cũng có người bị
bệnh đó. Bà gần năm mươi tuổi và không còn người thân nên sống lủi thủi một
mình. Khi còn trẻ, những ngón tay của bà bị vi trùng Hansen ăn tới từng đốt. Dần
dà, hai bàn tay mười ngón của bà chỉ còn lại ba. Vì sợ bị lây nên mọi người hay
xa lánh và xua đuổi bà. Bố mẹ tôi cũng cấm không cho ba chị em tôi bén mảng lại
gần.
Cho đến hôm tôi đi chăn trâu ngoài đồng, do mải chơi không để ý nên tôi
trượt ngã xuống hố sâu cạn nước. Tôi cố sức trèo lên nhưng miệng hố cao, đất
lại trơn không có điểm tì nên tôi không trèo lên được. Bất lực, tôi đứng gọi to
mong sao lũ bạn đang tắm ở ngoài bãi sông nghe thấy nhưng chỉ có tiếng của tôi
vọng lại. Đang hoang mang thì bỗng có cái đầu ló ra. Tôi giật bắn mình khi thấy
rõ khuôn mặt của bà hủi. Sợ sệt, tôi co người ngồi xẹo vào một góc. Miệng cũng
không đủ sức hét lên đuổi bà đi như mọi lần. Còn bà thì nhìn tôi mỉm cười:
- Bạn cháu lùa trâu sang kia sông rồi, ở
đây không còn ai đâu. Đưa tay đây ta kéo lên. Nếu không cháu sẽ ngồi ở đây đến
tối mịt đấy.
Nói rồi bà đưa bàn tay trái còn ba ngón xuống để tôi nắm lấy. Nhưng hai
tay tôi bấu chặt vào nhau không đưa ra. Tôi len lén nhìn bàn tay của bà ấp úng:
- Nhưng...
- Cháu yên tâm, bệnh của ta không lây
đâu. Nó khỏi từ mấy năm nay rồi.
Bà thuyết phục nhưng tôi vẫn cố thủ không chịu đưa tay ra cho bà kéo
lên. Bà khẽ thở dài đẩy người đứng thẳng dậy toan quay đầu bước đi thì tôi vội
lên tiếng:
- Cháu muốn lên nhưng nó không lây thật
chứ ạ?
Bà nhìn xuống:
- Nói dối cháu ta được gì nào? Nếu lây
thì mấy bác sĩ ở trạm y tế hay tiếp xúc với ta chẳng bị lâu rồi.
Tôi đánh bạo giơ tay lên nhưng cánh tay vẫn run run. Bà khom người nằm
sát xuống rồi đưa cánh tay trái bắt chặt lấy tay tôi. Tôi ra sức đu người trèo,
bà cũng cố sức gồng người kéo. Cuối cùng tôi cũng lên được. Tôi thở hổn hển
nhìn bà, ánh mắt vẫn còn sợ hãi. Bà mỉm cười nhìn tôi lần nữa rồi quay đầu bước
đi. Đợi cho bà đi xa, tôi mới dám nhìn lại bàn tay của mình rồi co cẳng chạy
nhanh ra sông nhảy ùm xuống kì cọ bàn tay thật kĩ để cho lũ vi khuẩn gớm ghiếc
kia trôi đi.
Những ngày sau đó, nhiều đêm trong giấc ngủ chập chờn, tôi như thấy
những con vi khuẩn đang cựa quậy cắn rứt từng thớ thịt. Choàng tỉnh dậy, mồ hôi
tôi vã ra ướt đầm lưng áo. Tôi quay sang lần tìm bàn tay của mẹ mong tìm một
hơi ấm thân thuộc và để biết rằng tay mẹ, tay tôi không bị làm sao.
Một tháng sau, tôi thấy tay mình vẫn bình
thường. Tôi đã không còn sợ hãi và đánh liều trốn bố mẹ chui hàng rào sang nhà
bà chơi. Bà đã rất vui. Những lần kế tiếp bà kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện
về đời bà. Khi mới đầu bị, bà đã rất buồn và nhiều lần định tự tử. Nhưng về sau
bà chai lì với sự nghi kị, xa lánh của người đời nên bà vẫn cứ sống. Bà từng
ước, giá như thế giới chỉ là bóng đêm. Đêm sẽ làm cho con người hạnh phúc, sẽ
không ai thấy ai, không ai biết ai thiếu sót gì để mà sợ hãi. Sinh ra từ yêu
thương, tất thảy sẽ nhận được thương yêu. Những lúc đó, tôi thấy thương bà hơn
là thấy sợ. Và tôi cũng không gọi bà là bà hủi nữa mà gọi bằng cái tên do bố mẹ
bà đặt cho- bà Cải.
Đến mùa bão năm đó, mưa lớn nhiều ngày khiến con đê bị vỡ. Nước sông Cái
xối xả tràn vào làng. Mọi người hốt hoảng chạy lên trường học. Trong lúc bấn
loạn, bà Cải cùng thanh niên trong làng phụ đưa người già và trẻ em đi tránh
lũ. Sau mỗi đợt di chuyển giữa trường học và nhà dân, bà như lả đi, bước chân
như chùng xuống. Rồi tai họa đã ập tới, bà bị dòng lũ cuốn xiết đi trong dòng
nước đục ngàu. Hai hôm sau lũ rút, người ta mới tìm thấy xác bà. Trong đám
tang, cả làng ai cũng sụt sùi thương xót.
Còn tôi suốt mấy tháng sau đó như người mất hồn. Tôi đã tính sẽ kể mọi
chuyện cho bố mẹ nghe để không ai khinh ghét bà nữa. Dự định chưa kịp thực hiện
thì lũ về cuốn trôi đi tất cả. Yêu thương bà nhận được đã quá muộn màng.
Mười năm đã trôi qua, hình ảnh ba ngón tay của bà vẫn cứ rấm rứt trong
kí ức của tôi. Hai bàn tay không đủ đầy mười ngón. Nhưng ba ngón còn lại cũng
đủ làm nên những yêu thương và buộc con người ta phải suy nghĩ về thái độ của
mình từng giành cho sự thiếu may mắn. Suốt bao năm, tôi luôn mang theo mình bài
học về tình người quý giá đó- bài học của người đàn bà chỉ có ba ngón tay.
Phạm Tử Văn (TP. HCM)
"Nhưng ba ngón còn lại cũng đủ làm nên những yêu thương và buộc con người ta phải suy nghĩ về thái độ của mình từng giành cho sự thiếu may mắn."
Trả lờiXóaCon đã đưa ra một bài học làm người quí giá. Bài con viết rất cảm động. Cô rất thích!
Con cảm ơn cô Mây nhiều ạ.
XóaChúc cô sk và an vui nhé cô
Tử Văn viết hay lắm .rất lôi cuốn người đọc và câu chuyện cũng rất ý nghĩa .Nhưng có một chi tiết mình muốn trao đổi với Tử Văn : Vi trùng Cốc ( Kock ) chỉ có ở bệnh Lao , còn nếu bị bệnh Phong hay còn gọi là bệnh Cùi , bệnh hủi thì là vi trùng Hansen .Nhà thơ Hàn Mặc Tử bị bệnh này đấy !!!
Trả lờiXóaChúc Tử Văn có nhiều tác phẩm hay !!! thân mến !!!
Kính gửi anh Quốc Tiến!
XóaLà bản thân em đã nhầm chi tiết đó. Hồi bé ở quê em, người ta cứ gọi mấy ng bị phong, hủi như thế là do "con CỐC nó ăn". Sau này em nhớ lại để viết về cái chi tiết này của người bà trong bài viết mà không tìm hiểu lại. Em sẽ sửa lại.
Cảm ơn anh rất nhiều nhé.
Chúc anh sức khỏe và may mắn
Nay A. Tiến chuyển sang công tác tuyên truyền rồi...
XóaCảm ơn bạn Trần Quốc Tiến rất nhiều. Và Phạm Tử Văn cũng yên tâm. Mình đã sửa lại rồi! Lỗi là ở mình. Chúc vui, Tiến - Văn nhé! Thân mến!
Trả lờiXóaDạ, cháu cảm ơn chú Duyên nhiều nhé!
Xóa