“Mọi việc bắt đầu từ con người và do con người kết thúc” - Che
Guevara
Lồng lộng và xanh
ngăn ngắt bầu trời tuổi thơ. Giờ bạc đầu nên không thôi xôn xao hoài niệm.
Vâng, hãy Cho tôi xin một vé trở về (đi) tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh). Ơi Tuổi thơ…! Ai trong
chúng ta chập chững những bước nhỏ nhoi trên mặt đất – cõi người này mà không
có một thời tuổi thơ.
Tuổi thơ bay lượn thả trên đồng háo hức chạy đuổi theo con diều biếc ước mơ (Đỗ
Trung Quân)… Tuổi thơ mãi chơi, trốn
học nên ngán sợ roi đòn
Nhũng ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được…/ Chưa đánh roi nào
đã khóc!…(Giang Nam).
Và người mẹ trong thơ hẳn đã từng nghiêm dạy con với niềm thẳm sâu kì vọng, con
giỏi giang nên người theo phương châm của câu tục ngữ Thương cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho bùi.
Câu tục
ngữ ấy dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ đa phần của các bậc làm cha làm mẹ, lớp
thầy cô đứng lớp của một thời xa (và cả hôm nay nữa). Với tôi nó còn là những lằn roi - yêu thương. Bởi người khai
tâm chữ nghĩa đầu đời là Mẹ tôi. Bà cũng là một cô giáo bậc Tiểu học có tiếng
dạy hay, nghiêm khắc ở Phú Nhuận, quanh vùng thường gọi - Cô giáo Bông.
Học
cùng lớp Năm (lớp Một) là người em cô cậu ruột. Cậu tôi một viên chức thường
xuyên xa nhà nên gởi Hùng, đứa con đầu sinh cùng năm Tân Mão với tôi cho mẹ tôi
nuôi dạy. Giờ đã xa lăng lắc trong chốn dâu bể trần gian nhưng bóng hàng điệp ở
thành Quân cụ Gò Vấp vẫn mát rượi vòm trời tuổi thơ tôi. Nơi ấy ở hiên trước căn
hộ dành cho lính thợ gia đình tôi ở, một tấm bảng đen một mét vuông được treo
ngay ngắn. Mẹ dùng để luyện chữ, dạy Toán cho chúng tôi những buổi ngoài giờ
lên lớp. Mỗi lần viết bảng, Hùng được khen nhiều vì chữ đẹp, còn tôi nhận mấy chiếc
thước kẻ do chữ viết quá xấu! (Sau này, với hoa tay trời phú đó, Hùng vẽ tranh,
vẽ chân dung cả bảng hiệu qu ảng cáo…). Với mẹ, chữ viết là tính người, nết người dù chưa hề biết đến
Thư pháp vì bà vào ngành sư phạm chọn
nghiệp dạy chữ, dạy người sau khi lấy bằng Primaires
– Sơ học của Pháp thời trước năm mười bảy tuổi.
Những
con chữ đầu của bảng mẫu Alphabet a, b, c,
những dòng chữ trên trang vở tôi phải gò nét trên các đường kẻ ô ly bằng ngòi bút lá tre, lá vông chấm mực tím. Màu mực có khi thành vết trên tay, trên
mặt và cả áo. (Cũng là màu mực tím tình thư của tuổi dậy thì gợi cảm hứng cho nhà
thơ Nguyên Sa viết những câu thơ lưu danh trong dòng thơ lãng mạn… Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương/ Tôi
thay mực cho vừa màu áo tím đây chăng?).
Nhưng
chúng có nằm trọn vào khuôn định đâu, không nét này thì nét kia cứ trườn, lượn
ra ngoài. Thế là tôi phải ăn thước kẻ của mẹ. Tập đi, viết lại không thể tính
đếm số lần miễn sao cho đẹp, cho đúng đủ nét mỗi chữ theo hàng chữ mẫu của mẹ
ra đề bài trong vở, trên bảng đen. Hàng chữ mẫu của mẹ viết (cả nhũng thầy cô
giáo tôi theo học bậc Tiểu học sau này) được nắn nót như khắc như in. Chữ trên vở
của thằng em cứ như sao lại không sai một nét nào và trở thành mẫu so sánh. Mẹ
buộc tôi phải gắng theo cho bằng, cho kịp. Vậy mà vở viết của tôi ai nhìn thấy
hẳn sẽ đoán theo ngành Y làm bác sĩ vì toàn nét bay, đường bổng! Nên có lần mẹ
bắt úp mặt vào tường quất vào mông tôi một thước rõ đau. Sau đó, bà bắt tôi
khoanh tay và nói với ánh mắt nghiêm nghị mà hình như có cả ngấn nước. Con phải nhớ sự học bắt đầu từ chữ viết, chữ là nết người. Việc học như đi thuyền
trên dòng nước ngược. Không tiến ắt sẽ lùi! Tôi vừa xấu hổ vừa ấm ức không
thôi… Lằn roi và những lời dạy
đó đọng lâu, ngầm thấm cùng câu ngạn ngữ… Không
tiến ắt sẽ lùi! Động lực tiến bước, vượt lên cũng lớn dần lên dù
độ tuổi ấy với tôi vẫn còn mù mờ về sự sâu sắc ý nghĩa khích lệ, khát khao hoài bão.
Năm 1960, gia đình chuyển hẳn về Phú Nhuận
nơi có ngôi trường tuổi thơ tôi theo học. Chữ viết tôi cũng cải thiện dần theo
những lớp học tiếp sau. Nhưng một thách thức mới xuất hiện đeo đuổi tôi dai dẳng.
Tôi trượt kì thi vào lớp đệ Thất của trường Công lập phải ra học trường tư với
nhiều tốn kém. Cũng thời điểm ấy, năm 1962, vì sức khỏe ba tôi không còn làm
lính thợ, gánh nặng áo cơm, học hành cả nhà dồn hết cho mẹ. Sau tôi còn hai em
nhỏ… Giờ nhớ lại, tôi ngậm ngùi cám cảnh nhà thơ sông Vị, Tú Xương khi viết về thân cò của bà Tú. Mẹ tôi cũng là thân cò bà giáo/ Nuôi đủ bốn con với một chồng. Anh em tôi
bốn người, ba tôi mới giải ngũ chưa có việc làm, cả nhà sống dựa vào đồng lương
ít ỏi dạy lớp của mẹ. Bà đứng ra tổ chức nhiều dây hụi / họ (một hình thức góp
vốn tự nguyện trong cộng đồng dân cư) để kiếm thêm thu nhập qua việc hưởng huê
hồng mỗi đầu dây. Chỉ suôn sẻ thời gian đầu, sau đó là vỡ nợ do chiến sự hai
miền ngày càng ác liệt, kinh tế khó khăn nhiều tay em hốt hụi rồi dông luôn!
Ngay căn nhà trú mưa nắng của gia đình cũng phải bán rồi thuê lại ở để có
tiền trả nợ… Mẹ tôi cứng cỏi ra sức chèo lái đưa gia đình vượt qua khó khăn
đang bủa vây. Nào là xin phép mở trường Tư thục Tiểu học Thất Hiền, lập cơ sở
sản xuất kem cây giao hàng cho các mối sỉ, lẻ hàng ngay. Vay tiền của người Bác
ở quê mua một chiếc xe Lambrô mười chỗ cho ba tôi chở khách… Tôi và người anh Hai,
mười lăm, mười sáu tuổi vào đời sớm tìm việc làm thêm để việc học không nửa
đường rơi rụng.
Không để cảnh khổ nhấn chìm, phải tìm
cách vượt thoát. Anh Hai tôi, ngày học ở trường, tối về chạy xe (như xe ôm ngày
nay) đưa rước các cô, các chị làm ở các quán bar, phòng trà góp thêm chi phí bữa
cơm gia đình. Nhưng anh học vẫn giỏi, nhất là môn Toán. Được người quen giới
thiệu tôi dạy kèm hai em học lớp Ba, lớp Nhì … Qua tấm gương tần tảo bươn chãi
của người mẹ và anh Hai tôi tự nhủ với mình, cần có cái đích vươn tới. Do vậy, năm học đệ Tam tôi học thêm
chương trình lớp đệ Nhị buổi tối. Biết lực học còn kém, tôi đã nổ lực hết mình,
học nhảy lớp (một năm hai lớp) và thi
đậu Tú Tài cùng với người anh, năm 1968. Niềm vui như được nhân đôi đã làm ấm lòng
mẹ phần nào trong những năm tháng nhọc nhằn. Giờ ngẫm lại, chính những lằn roi yêu thương, nghị lực chống đỡ sóng gió cuộc đời của mẹ đã cho
tôi sức mạnh tìm lại mình trong biển học như triết gia Socrate Hy Lạp cổ đại
từng nói, Giáo dục là làm cho con người
tìm lại chính mình. Và gần kề đấy thôi, chính tấm gương của người thân yêu
là bài học giáo dục hiệu quả nhất. Ai
đã từng tr ải qua thời đèn sách xa xôi ấy hẳn không quên những câu dạy làm
người có điệu vần. Ngọc bất trác, bất thành khí/ Nhân bất học, bất tri lý. (Tam tự kinh),
Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông!
(Nguyễn Bá Học)… Quả là lời hay, ý đẹp hun đúc ý chí nơi lòng người.
Nói vậy chứ không dễ
chút nào. Người học (có cảnh ngộ khó khăn)
quyết lấy sự học để đổi đời nhưng còn cần đến sự cộng hưởng của tình người trợ lực mà ngày nay các
chương trình tiếp sức, giúp bạn, đồng
hành nở rộ trong cộng đồng ngập tràn nhân ái. Con đường học tập của tôi
cũng thấm đậm tình người như thế. Hai em
nhỏ tôi kèm dạy nhà ở chợ Phú Nhuận. Cha
là lính Hải quân của chế độ Sài Gòn theo tàu lênh đênh tận Cam Ranh, Phú
Quốc. Các em ở với mẹ và bà ngoại có
hàng chạp phô đầu chợ. Hàng tuần, ba buổi chiều tôi đến ôn và chỉ vẽ các em làm
bài tập. Tiền thù lao không nhiều nhưng cũng giúp tôi trang trải việc học của mình.
Nhưng khi văn phòng nhà trường nơi tôi học lớp đêm cho biết, muốn dự thi Tú Tài
phải nộp ba ngàn đồng (tương đương ba triệu bây giờ) để làm học bạ đệ Nhị thì
tôi hoàn toàn bế tắc. Làm sao có thể hỏi tiền ba má vào lúc này được. Phải tự
lo liệu thôi. Nhưng bằng cách nào đây?… Tôi đánh liều hỏi mượn trước tháng
lương ở chị Châu, chủ nhà với hi vọng mong manh. Thật bất ngờ, cuối buổi dạy
chị đưa tôi một phong bì đủ số tiền đang cần. Những tờ giấy bạc chẵn, lẻ có
được xếp phẳng phiu còn vương mùi hàng chạp phô mà chị vất vả mỗi ngày. Chị còn
chúc tôi may mắn. Cẩn thận tôi còn mang học bạ đó đến tòa nhà số 7 Nguyễn Bỉnh
Khiêm (Nha Khảo thí miền Nam trước 1975 nay là Trường Cán Bộ Quản Lý Giáo Dục
TP Hồ Chí Minh) gặp người phụ trách nhờ kiểm tra tính xác thực. Hợp lệ, vì có
mộc đỏ và chữ kí của của bà Hiệu trưởng Tư thục Huỳnh Thị Ngà – Tân Định, cứ
mạnh dạn mà thi! Và tôi thi đậu năm đó rồi học tiếp lên Đại học.
Nó như một giấc mơ lại rất thực. Bởi
miền Nam
lúc đó đã có lệnh Tổng động viên, thanh niên đủ 18 tuổi không theo học nữa phải
cầm súng ra chiến trường. Người chị nhân hậu ở một góc chợ đã mở cánh cửa vào đời để tôi không phải rẽ
lối chìm nổi thời tao loạn. Chợ là nơi buôn bán, đong đếm tính toán thiệt hơn, nhưng
ở nơi ấy vẫn có những tấm lòng bao dung
sẵn sàng sẻ chia với người không may lâm nghịch cảnh.
Bốn
năm trên giảng đường Đại học là những năm tháng đầy chông gai. Và hẳn không
dành cho riêng một ai. Chiếc áo lính quân dịch cứ chực chờ, rượt đuổi sát sạt
lưng. Kinh tế gia đình sa sút như thế, tôi chỉ có con đường tự lo, tự học. Bốn
năm tôi ăn, ở nhà Nhật Tân, bạn thời trung học nhiều hơn ở nhà mình. Giảng
đường thi thoảng đến. Chỉ bữa trưa là ăn cùng ba mẹ. Chiều/ tối dạy kèm Toán Lý
lớp 11 cho nhóm ba học sinh ở một biệt thự cạnh cầu đường Công Lý (nay là đường
Nguyễn Văn Trỗi). Tối về mang sách, cours bài giảng – giáo trình chép lại vùi
đầu ôn học với Tân. Cơm đến bữa, ăn chung như con một nhà. Chuyện Hàn Tín thời
Hán Sở tranh hùng lên đỉnh cao danh vọng, Hoài Tín Hầu không bao giờ quên bát cơm phiếu mẫu của người giặt sợi ven
sông Hoài thật mù xa. Còn những bữa cơm tương rau đạm bạc mà ngọt thắm nghĩa
tình của mẹ Tân đêm đêm gò lưng bên guồng dệt nhọc nhằn ở một hẻm nhỏ, xóm
nghèo sẻ san cho tôi nửa thế kỷ qua chưa hề phai mờ trong ký ức. Vì nhờ đó mà
từng năm học tôi vượt qua, giành lấy một/ hai chứng chỉ của bằng Cử nhân Đại
Học.
Một nhà cách mạng đã từng nói, Hạnh phúc không phải là cảm giác tới
đích, mà là trên từng chặng đường đi. Với tôi cũng như bao người
học khác, học tập là một hành trình bất tận. Còn gì hạnh phúc hơn trên từng
chặng đời mình ta chiếm lĩnh cái đích vươn tới của sự học, dẫu sự mời gọi của
đích cuối cùng vẫn còn vời vợi gian nan.
… Sau năm 1975, theo cùng sự đổi thay của
đất nước gia đình tôi chuyển về quê mới ở Xuân Lộc. Sau một thời gian bôn ba
hết lòng với phong trào Bình dân học vụ ở địa phương, mẹ tôi tiếp tục làm cô
giáo ở mái trường Phổ Thông cấp I Gia Ray (Tiểu học Kim Đồng hiện nay) dưới
chân núi Gia Ray (Chứa Chan) – Ngã ba Ông Đồn xanh rờn ngọn trong màu mây trắng
vờn bay. Người dân vùng quê này lại gọi mẹ tôi đầy thân thương – cô giáo Bông
như thời còn đứng lớp ở Phú Nhuận… Tôi theo học Văn Khoa Sài Gòn nhưng lại nối
nghiệp của mẹ suốt hơn ba nươi năm. Bà chỉ chịu rời bục giảng khi vướng bệnh
trầm kha. Thời gian và bệnh tật đã làm cho mẹ gầy nhom, bạc tóc nhưng đôi mắt
vẫn ánh lánh vẻ nghiêm nghị yêu thương thuở nào… Rồi mẹ tôi cũng đi xa vào một
đêm đầy mưa gió… Còn góc chợ nhỏ dưới chân Cầu Kiệu – Phú Nhuận, cách đây ba
năm có dịp về Thành phố tôi tìm về đã không gặp được chị Châu hiền từ, nhỏ nhắn
năm xưa. Bà ngoại chắc đã mất từ lâu, cả nhà chị đã dời về đâu không rõ… Chợ
giờ xây mới khang trang hơn xưa nhiều, tấp nập rộn ràng kẻ mua người bán…
Văn hào Aimatov đã hiến tặng cho đời
thiên truyện bất hủ “Người thầy đầu tiên”
mà ấn tượng khắc sâu trong tâm trí bạn đọc là hình tượng thầy giáo Đuysen kiên cường, yêu trẻ
tuyệt vời cùng hình ảnh hai cây phong bốn
mùa xanh lá trên ngọn đồi ở làng Kurkurêu. Những cây phong mà anh cùng cô học
trò bé nhỏ có số phận đáng thương Antưnai (sau là một Viện sĩ nổi tiếng) trồng,
nhìn từ xa hệt như những ngọn hải đăng… Trên
chặng khởi đầu dong thuyền vào đại dương tri thức mênh mông, ai trong mỗi chúng
ta mà không từng được dẫn đường, mở lối đời từ ngọn hải đăng – người thầy đầu tiên kính yêu nào đó. Và tôi, người học - một đứa con, một người em - thì người thầy đầu tiên chính là lằn roi nghiêm khắc - yêu thương – nghị lực của mẹ, bát cơm phiếu
mẫu tương rau nơi xóm nghèo, những đồng bạc lẻ trĩu tình người thơm vương mùi
mắm, cá khô ở một góc chợ đời.
Ngọn hải đăng – người thầy đầu tiên ấy mãi mãi tỏa ngời, lấp lánh suốt cuộc
đời tôi…
Xuân Lộc, 20/11/2013
Nguyễn Nguyên Phượng
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét