“Có những khi buồn, có những khi chẳng còn ai để tâm
sự, tôi lại chìm đắm vào thơ. Hình như nơi ấy, cái bàng bạc hư ảo của thơ có
lúc nó như là biển nước mà tôi, con cá suýt mắc cạn được trở về bơi lội nhởn
nhơ…”
Đó là câu trả lời phỏng
vấn của Trương Đạm Thủy, được ông cho in trong “Vượt Vũ Môn”, tập văn xuôi thứ
7 kể từ khi ông được in tác phẩm đầu tiên- tập truyện Miền Đất Hồi Sinh (Nhà
xuất bản Sông Hậu, 1964).
Nếu tính từ năm 1975, thì đây là tác phẩm thứ
5, tập văn xuôi thứ 4 của Trương Đạm Thủy. Cột mốc lịch sử năm 1975 rất quan
trọng đối với những những người đã sống hoàn toàn bằng viết lách ở Miền Nam.
Sinh năm 1940,
chịu cảnh mô côi từ bé, Trương Đạm Thủy được cô nhi viện tỉnh Bến Tre nuôi
nấng. Đến tuổi vào đời, ông trôi dạt lên Sài Gòn. Từ niềm say mê và nhiều cơ
duyên đưa đẩy, ông vào nghiệp viết lách. Lúc này ngoài các tạp chí chuyên về
sáng tác văn học như Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ 20, các tờ nhật báo (hầu hết là
của tư nhân) đều dành đất cho những người làm thơ, viết truyện. Năm 1963,
Trương Đạm Thủy được giải thưởng truyện ngắn của nhật báo Tiếng Chuông. “Vòng
hoa” này đã đưa chàng trai 23 tuổi mê viết lách chính thức gia nhập “làng
văn-trận báo”. Ông vừa làm nghề sửa bản in (chấm mo-rát), vừa viết các tin tức,
phóng sự và truyện dài đăng hàng ngày (feuilleton) cho một số nhật báo. Lúc
này, truyện dài “feuilleton” bị nhiều giới “trí thức” thành kiến cho là truyện
“diễm tình ba xu”. Nhưng nó lại giúp nuôi sống những người viết lách. Ngoài các
tác giả chuyên viết truyện diễm tình có sách bán chạy như An Khê, Thẩm Thệ Hà,
Ngọc Linh…, những người làm văn chương “chính thống” như Sơn Nam, Bình Nguyên
Lộc, và các cây bút thuộc thế hệ kế tiếp như
Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng, Cung Tích Biền… cũng đều tham gia viết
feuilleton trên nhật báo. Điều này cho thấy trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung
và sáng tác văn học nói riêng, việc đổ lỗi rằng “hoàn cảnh hay sự bó buộc của
thể loại đã tạo ra những tác phẩm dở” chỉ là sự ngụy biện. Tất cả đều do con
người, cụ thể là cái tâm và “nội lực” của người cầm bút.
Ông là nhà văn đã
có chút ít tên tuổi, lại không bị quy kết là “tác giả có tác phẩm phản động,
đồi trụy”. Nhưng trong thời kỳ mới Trương Đạm Thủy đã không hề giả giọng ca
ngợi một chiều để kiếm chút bỗng lộc hay tiến thân. Từ khi viết văn, ông đã tâm
niệm rằng người cầm bút phải “sống thực và sống đẹp”, và coi đó như một “cảnh
giới tâm linh”, nên ông tiếp tục “viết để trải lòng”. Vì vốn yêu những mảnh đời
mà ông bắt gặp ở vùng đất Nam bộ phì nhiêu và còn nhiều hoang dã, cũng như giữa
chốn đô thành Sài Gòn tụ hội nhiều tinh hoa-nghịch lý, ông vẫn tiếp tục viết
văn theo phong cách riêng của mình. Tác giả Thiên Hà, một người bạn văn của ông
từ nhỏ nhận định: Nhà văn đã thể hiện
những nguyên mẫu hiện đại bằng mạch văn nhẹ nhàng thành cổ tích, liêu trai… Và
có những nguyên mẫu chừng như hoang đường, huyền thoại…cũng được nhà văn “biến
hóa” thành thực tại thần kỳ… Trương Đạm Thủy đã làm chủ được ngòi bút của mình,
làm chủ được đường biên phận số, để tỏa sáng những khát vọng của con người một
cách chân thành lung linh…”
Một người bạn,
cũng là “độc giả” chí tình của ông là Kiến trúc sư Nguyễn Tài My cho rằng tập
truyện Vượt Vũ Môn (tác phẩm mới nhất do NXB Thanh Niên in, phát hành đầu năm
2012) tái diễn thâm thúy đời tác giả: Tìm
vào rừng sâu ẩn dật, ngày ngày câu
cá, chịu ảnh hưởng giá rét mùa đông, bỗng một hôm ngộ được đàn cá chép vượt vũ
môn về cố hương, thực hiện hành trình vượt dòng về sinh nở…”
Trong truyện ngắn
“Vượt Vũ Môn”, tôi bắt gặp những câu văn tả chân khá đẹp: … “Có một dạo ông chèo thuyền đi câu trên hồ
lớn và đã từng gặp những con cá mẹ đang giờ sinh nở. Ông thấy chúng bơi vòng
tròn bên những đám rong xanh mọc sát bên đám cây u du, lau sậy. Sau mỗi vòng
lượn, chúng lại quặn mình bắn ra những cái trứng màu trắng ngà trong đám rong
tảo mềm mại. Gần nửa ngày như vậy mới xong những cái trứng cuối cùng. Cái bụng
căng của cá mẹ trong buổi sáng, khi đến giữa trưa thì đã kẹp lép. Bấy giờ, cá
mẹ như đã kiệt sức hoàn toàn, nó bơi lờ đờ quanh đám rong như để kiểm tra lần cuối
cùng chỗ an toàn sẽ ấp ủ những đứa con bé bỏng thân yêu. Xong, nó lặng lẽ bơi
ra giữa hồ, đuôi quẩy nhè nhẹ một lúc, miệng ngáp ngáp mấy cái rồi lật nghiêng
mình, ngửa bụng lên trời. Cá mẹ đã thở hơi sau cùng của đời cá.
Những lần nhìn cảnh ấy, ông lão buồn thương vô hạn, và ông
không bao giờ bắt những con cá mẹ đã chết trên hồ ấy đem về cho những bữa cơm
của ông. “Ăn sao đành”, ông nói.”
…….
Hình như qua đoạn văn này,
Trương Đạm Thủy cũng muốn diễn đạt một triết lý về nghệ thuật cũng như quan
niệm sống của một số người cầm bút! Nên không lạ khi những nhà văn như vậy lúc
có tuổi cao lại say đắm tìm gặp “Nàng Thơ”.
Dưới đây là một bài thơ của Trương Đạm Thủy in trong tập
thơ đầu tay “Hát xẩm Giữa Đời” – NXB Hội Nhà Văn 2008:
Dòng Cạn
con đò rất buồn, con đò ngắc ngư
quạnh vắng một dòng sông cạn nước
phù sa có buồn mấy tầng rễ đước
ôm bãi bồi van tu hú gọi triều lên
giữa rừng ta bật hú gọi em
vọng âm xa vang tiếng gào của gió
tiếng ta kêu với vô vàn tia máu
chảy xanh bờ hiu quạnh một rừng thu
đưa ta về chốn nào đất lạ trời cao
đi tìm câu thơ náu mình xứ khách
vụt một cánh chim buồn đến khóc.
ta đi mơ hồ như trong chiêm bao
về đến bến nào trên dòng sông nhỏ
tìm em ở đâu góc đời giông bão
sông ơi, dòng phù sa nước cạn nửa vời
ta ở đây hú gọi người ở đó
thôi đậu lại con thuyền ôm nỗi nhớ
đành ngồi hát vu vơ câu dạ cổ bên rừng đước mồ côi.
“vụt
một cánh chim buồn đến khóc” là câu thơ quá hay và lạ. Hình như nó chỉ hiện ra
trong lòng của một người đang nuối tiếc những “rừng đước mồ côi”, “mấy tầng rễ đước”, xót xa nhớ tiếng “tu hú gọi triều lên”.
Tôi thua ông
Trương Đạm Thủy hơn mười tuổi, nhưng ở các điểm uống bia Sài Gòn, nhiều người
vẫn cho rằng “hai cha này giống nhau ở điểm thích ngồi một mình; ít bàn chuyện
văn chương thế sự”. Từ hơn ba mươi năm nay, ông kiếm tiền tiêu vặt, uống bia
bằng những bài báo ngắn, thường là điểm sách, tạp bút trên những tờ báo nhỏ đây
đó. Nhà thơ nữ Phan Ngọc Thường Đoan trong lời tựa cho tập thơ “Hát Xẩm Giữa
Đêm” cho rằng: “Có lẽ vì chạm phải những
ngang trái và bầm dập của cuộc đời quá sớm, đã quá dạn dày với thế thái nhân
tình, hình thành một sự trầm tĩnh nơi anh Trương Đạm Thủy… Anh như cụm mây
trắng giữa đời loay hoay không biết bay về đâu”…
Có một bài thơ trong tập nói về tâm trạng
này:
một ngày không biết ở đâu
gió về phương nào
vạt chiều lên khúc thu vọng tấu
nhẹ tênh mắt lá cười buồn
người đàn ông đi qua khoảnh sân
nhặt những chiếc lá
nhặt những dấu chân…
em bước
người đàn ông đi quanh những hòn đá
nơi bầy mèo hoang tha thẩn dạo chơi
có tiếng đá thì thầm
hoài niệm sơn khê
người đàn ông nhặt lên hạt lệ
…….
(Bước Chân)
Bài thơ mang âm
hưởng buồn, nỗi buồn khó hiểu được? Hình như là tâm trạng của một lớp người bị
thời cuộc trói buộc, không được thỏa niềm đam mê trong cuộc sống. Nhưng ông âm
thầm chịu đựng, không trách móc, giận dữ chửi đời!
Nhà văn đến một tuổi nào đó lại thích làm thơ. Có lẽ vần
thơ diễn tả được những điều nào đó mà văn xuôi không nói hết.
Gặp Trương Đạm Thủy lần mới nhất, ông cho biết đang chuẩn
bị để… in tiếp tập thơ thứ 2: Mùa Hoa Cải Trắng. Người ta thường nói mùa hoa cải vàng. Chỉ có loại “cây cải
trắng” thôi chứ! Thơ Trương Đạm Thủy, cũng như nhiều người làm thơ Miền Nam, khi in
xong, thường vẫn “ở trong lặng lẽ”. Nhưng tôi tin với những câu thơ như vậy,
vẫn có những người lặng lẽ tìm đọc.
Võ Chân Cửu (Lâm Đồng)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét