Nó lớn lên ở
nông thôn, cha mẹ nó là nông dân. Nó tốt nghiệp ngành Sư phạm trường tỉnh. Nó
có ước mơ tự đi bằng chính đôi chân của mình. Sài Gòn là ước mơ trong nó. Nó
đến Sài Gòn mùa hè ngợp nắng. Nắng hứa hẹn cho nó nhiều tươi sáng nhưng cũng
không ít chói lóa. Cầm tấm bằng tốt nghiệp Đại học loại ưu nó đi khắp Sài Gòn
một mùa nắng nóng và khói bụi. Nó không dấu nổi niềm hy vọng đang cháy bỏng
trong mình. Đó là một công việc. Một công việc làm đúng chuyên ngành nó học và
đam mê nó theo đuổi từ nhỏ - giáo viên dạy Văn.
Nó tìm thông
tin trên mạng tất cả các trường tư thục tuyển giáo viên. Đến nạp hồ sơ, chờ và
chờ mãi... Rồi nó đến Sở nộp hồ sơ vào ngạch Giáo dục thành phố, hình thức xét
tuyển. Nó nghĩ trong lòng với tấm bằng loại ưu nó không sợ cả những đối thủ
nặng kí. Nhưng người ta không nhận hồ sơ nó, vì nó không có hộ khẩu tại Sài
Gòn. Văn phòng Sở ở tít lầu năm, nó leo lên rồi thả chân theo từng bậc thang
lòng chùng xuống như bánh đa nhúng nước. Có anh đẹp trai:
-
Sao không đi thang máy cho đỡ cực em?
-
Dạ, em cũng được đi thang máy à?.
-
Được chứ!
-
Nhưng…
-
Nhưng sao?
-
Em… không biết…
-
À, dễ lắm, vào đây anh chỉ cho.
Anh chỉ cho nó
nào là mũi tên lên, xuống rồi số lầu… Trong lúc nó ngó lên ngó xuống ngó ngang
rồi ngó dọc thì anh hỏi nó: “Em nạp hồ sơ ở đây?”, nó “dạ” một tiếng rõ to như
sợ trong thang máy ấy anh không nghe. Anh cười, “quê vùng biển xứ Nẫu à”. “Vâng,
sao anh biết hay vậy?”, “đoán”… Nó chào anh rồi đi. Nó không biết anh là ai,
cũng như anh chỉ biết nó là cô gái xứ Nẫu. Không hề có ánh mắt tò mò nhìn nó
như nó nghĩ. Nó thấy vui vui, nghĩ: “Người Sài Gòn lịch sự, tốt bụng, dễ gần
ghê!”. Giá mà…, nó nghĩ ngợi điều bâng quơ gì đó làm nó mim mím môi để lộ hai
núm đồng tiền tròn tròn, lấp ló duyên dáng.
Sài Gòn vẫn là
cái gì đó lộng lẫy và hấp dẫn với nó. Nó muốn có một công việc, một việc làm.
Nó chờ như người ta hứa: “Khi nào cần, sẽ liên lạc”. Nhưng nó lại chỉ nhận được
sự thất vọng: “Bây giờ trường chỉ tuyển giám thị viên, nếu em thích, đến phỏng
vấn được thì làm”. Nó đi hỏi mọi người, biết thế nào là giám thị. Nó không đến
phỏng vấn, vì nó thích đi dạy. Nó thích làm cô giáo. Nó sợ sẽ quên mất chuyên
môn nếu làm một việc trái. Nhưng rồi bí quá, nó cũng nhận làm giám thị tại một
trường dân lập. Những việc tiếp đón, quản lý lớp, chuẩn bị giờ giảng cho giáo
viên, nhất là giờ Văn càng đốt cháy, nung nấu trong nó một tình yêu văn chương
như đã từng yêu. Nó muốn được đứng lớp, nó nghĩ về những bài soạn tâm huyết nó
đã tích cóp được những năm tháng làm sinh viên sư phạm.
Nó nghĩ, chờ
đến năm sau, năm sau nữa trường mà tuyển giáo viên Văn, kiểu gì nó cũng nạp hồ
sơ qua. Nhưng chưa đến ngày tuyển giáo viên thì nó đã gặp tai nạn nghề nghiệp:
-
Cô không quản lý được học sinh của mình à. Trong giờ
học để học sinh trốn ra ngoài là sao?
-
Lúc vào lớp, sĩ số học sinh đủ thưa thầy.
-
Thế học sinh Tú đi đâu vào giờ Lý?
-
Em…
-
Em em cái gì, chuẩn bị mà thôi việc đi. Mỗi việc quản
lý học sinh cũng không làm nổi thì làm được cái gì chứ. Chỉ đến đây, chờ hết
giờ rồi về đến tháng lãnh lương thôi à. Trách nhiệm cô để đi đâu?. Lần này là
lần thứ mấy rồi.
Nó bị thôi
việc vì lớp nó quản nhiệm có một học sinh cá biệt luôn tìm cách trốn học. Chỉ
sơ sẩy một chút là cậu ta lặn mất tăm khi ít thì một tiết, có hôm cúp học cả buổi luôn. Bố cậu ta là gì gì đó
nên không ai dám đuổi học. Mà mọi trách nhiệm, tiếng tăm đều đổ lên đầu cô quản
nhiệm là nó. Nó bị chửi là: “Không có năng lực, là không có trách nhiệm, rồi đi
làm vì tiền”. Nó nghĩ mà đau lòng.
Ngồi một mình
trong căn phòng trọ tối tăm, chật chội nó vẫn nhớ lời mẹ nó: “Đi dạy mệt không
con, học sinh có ngoan không?”. Nó lại nhớ lời em út: “Chị Thanh đi làm rồi, về
nhớ có quà cho em đó. Em thích cái xe đạp điện”. Nó đã hứa tết về sẽ mua xe đạp
điện cho thằng út. Cái xe đạp cũ của nó vất vả lắm mới đạp được tới trường mà
không bị hỏng hóc gì. Nó ngồi khóc một mình. Nó nhớ lời thầy chủ nhiệm hồi Đại
học nói với nó: “Với năng lực của em, tôi tin ở đâu, làm gì em cũng sớm thành
đạt”, rồi nó nhớ lời phê trong sổ học bạ hồi lớp 12: “Có tâm hồn Văn. Nội tâm
phong phú. Kiến thức là nguồn khám phá không mệt mỏi”, càng nghĩ nó càng buồn.
Đêm đó, nó ngủ quên trong dòng nước mắt sau khi tự rút ra bài học: cuộc sống
này, muốn tự thân vận động không dễ chút nào. Nhưng khó nhất là không được chùn
bước cả trong khó khăn. Rồi nó lên mạng lấy thông tin tất cả các trường tư
thục, nó chép số điện thoại của các trường vào danh sách. Về phòng, cái nắng
trưa Sài Gòn trong khu nhà trọ công nhân nóng nực nó cầm lăm lăm trong tay
chiếc điện thoại Nokia 1200 cùi bắp và cái bút dạ, nó gọi từ trên xuống dưới
các trường trong danh sách, một số bị gạch xóa dấu nhân, một số tiếp bị gạch
đến số thứ mười thì nó khoanh tròn. Tức là đến nộp hồ sơ được, còn nhận hồ sơ
xin việc. Cả một danh sách dài chỉ có bốn trường còn nhận hồ sơ, nó đến hết,
nhưng trường nào cũng “đủ giáo viên dạy Văn rồi”. Thất vọng nối tiếp thất vọng
trong nó, nó tự nhủ: “Thua keo này bày keo khác”, nó lại lên mạng đăng tuyển,
không có một hồi âm hay cuộc gọi nào nó đang chờ…
Ngày mới, nó
thức dậy sớm. Nó lại đi, nó tìm những trường khác nhưng không có trường nào cần
giáo viên dạy Văn cả. Lại thấy trường Hồng Hà tuyển giáo viên, mừng rỡ nó bắt
ba chặng xe buýt mới tới được trường cần đến, cầm bộ hồ sơ trên tay nó vui vẻ
hỏi, cô hướng dẫn bảo: “Giáo viên Văn đã thừa rồi em”. Nó hụt hẫng, cả người
như vừa bị dội gáo nước. Hy vọng – thất vọng. Cánh cửa chưa mở đã đóng sầm. Nó
chán nản, ngồi bên quán nước mía ven đường, gọi một ly, nó lấy muỗng vớt mấy
cục đá lạnh căm cắm ăn. Cái lạnh làm người nó tỉnh ra, không được nản, nó tự
động viên mình. Nó nhìn qua bên kia đường, thấy trường mầm non tư thục. Mắt
mười trên mười nên tuy ngồi xa nó vẫn đọc được hàng chữ:
-
Tuyển giáo viên mầm non.
-
Lương 4,5 triệu/ Ăn ở tại trường.
Nó nghĩ một công việc hàng tháng
có lương là Mục Tiêu của nó bây giờ, không có việc đồng nghĩa với việc nó sẽ
không có thu nhập. Nó vào trường mầm non làm. Chỉ bốn tháng sau, nó được lên
dạy lớp lá, mấy học sinh cũng đòi chuyển lớp theo. Chúng khóc inh ỏi khi không
được học lớp nó nữa. Rồi nhớ những lần phụ huynh kín đáo nói: “Cô Thanh sạch sẽ
nên xin chuyển cho cháu Ni qua lớp cô” rồi nhiều lần phụ huynh học sinh thật
lòng đến thăm với vài thứ hoa quả mà nó thích làm cho nó cũng bớt tủi thân và
côi cút trong cái thành phố phồn hoa này. Nhưng mấy bận, phụ huynh học sinh Tường
Vy cũng là chủ đầu tư của trường mầm non này có tình ý với nó:
-
Cô Thanh lông tay dài như bé Tường Vy ha.
Nó im lặng, cái im lặng chứa
trong lòng những mối hoài nghi. Rồi, hôm sau ông ta sờ tay nó khi nó bế bé. Nó
trừng mắt nhìn ông và từ đó luôn nhờ cô làm cùng trả bé nếu phụ huynh bé Tường
Vy không vào đón. Nó lại thêm thắc mắc: Người Sài Gòn?. Trong đầu nó nhớ đến
người nó gặp ở Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố và nghĩ: ở đâu cũng có người
này người kia. Không được nhìn cuộc đời bằng con mắt của một đứa tỉnh lẻ.
Rồi nó quen
một người đàn ông trẻ đẹp trai, là cậu của học trò của nó. Anh ta có tình ý với
nó ngay từ lần đầu tiên đến trường đón cháu vì ba mẹ nó bận. Rồi anh ta thường
xuyên đến đón cháu, có ý muốn làm bạn với nó. Thấy anh ta bề ngoài cũng trí
thức, đi uống cà phê hai ba lần, cũng hỏi han nó nhiều chuyện. Nó vẫn tỉnh bơ,
còn anh ta đã có ý săm se nó ngay từ đầu. Rồi anh ta bảo nó đưa cho anh ta bộ
hồ sơ. Anh ta sẽ xin cho nó dạy cấp ba, tại một trường chuyên nổi tiếng của
thành phố. Lúc đầu nó cũng ngại, nó ngại những người nào mới quen đã nhiệt tình
quá với nó, nhưng anh ta cứ khăng khăng là có ý tốt cho nó thôi. Nó cũng không
muốn phụ lòng một vị bác sĩ trẻ đối xử tốt với nó. Nó đồng ý. Đêm đó, nó nhận
được tin nhắn: “Em chuẩn bị hồ sơ, tắm rửa rồi mặc đồ đẹp. Lát anh đến đón rồi
đi đưa hồ sơ luôn nhé”.
Nó thấy rùng mình
với thời gian đưa hồ sơ ban đêm, với những lời khiếm nhã tắm rửa rồi mặc đồ
đẹp… Nó từ chối ngay: “Xin lỗi anh, hồi chiều trường Quốc Tế có gọi, mai
em đi dạy thử rồi. Em tin mình làm được.
Xin lỗi đã phụ lòng anh”. Thêm một lần nữa, nó lại nghĩ: Người Sài Gòn?.
Từ đó, nó
tránh anh bác sĩ tốt bụng này. Cũng như trong lòng nó hoài nghi về tình cảm của
những chàng trai khác quá săm se nó.
Nắng Sài Gòn
mùa nắng ngập tràn trong ngõ nghách phố phường. Nó thấy con gái Sài Gòn đi nắng
mặc đồ che dài rồi còn quấn thêm tấm vải nữa để che bụi. Trang phục của họ
trông thật kì. Lúc đầu nó cứ trơ mặt đi, nhưng sau đó, nó cũng dần thích nghi.
Nó thấy mình đen hơn, già hơn, gầy hơn. Nếu không thích nghi thì nó sẽ bị biến
đổi. Nó nhận thức được điều đó và tự làm mới mình, ngay từ việc nhỏ nhất: ra
đường mặc đồ che nắng. Còn trong suy nghĩ, nó cũng bớt thật thà, bớt tin người
đi. Qua nhiều lần va chạm, nó tự rút ra: người nào quá tốt với mình thì chưa
hẳn đã tốt với mình thật lòng. Nó mất đi cái tính chân thật của dân tỉnh lẻ như
nó đã có ở quê nhà rồi những năm học ở trưởng tỉnh. Nó cũng giấu bớt nụ cười
duyên của nó. Khi nó muốn cười nó lại giấu, còn khi muốn khóc nó lại nhoẻn
cười. Người thành phố dạy cho nó nhiều điều. Nó nghĩ nắng Sài Gòn đẹp có lẽ vì
nó có ý nghĩa. Nắng Sài Gòn làm cho nó biết hòa hợp và hiểu đời hơn. Chẳng có
ánh nắng nào không chứa những tia hồng ngoại cháy rộp làn da. Nó bỗng thấy yêu
cái nắng nhẹ xứ Nẫu quê mình.
Rồi năm sau
nữa, qua vài người bạn giới thiệu cho nó ông thầy chuyên xin việc cho sinh viên
mới ra trường. Nó cũng muốn được làm việc nó theo đuổi cả thời tuổi trẻ và chọn
nghề đó làm nghiệp. Lần lửa mãi nó can đảm gọi cho mẹ: “Mẹ à, con đi làm hai
năm, cũng tiết kiệm được hai mươi triệu. Mẹ vay mượn cho con chục triệu nữa.
Muốn đi làm việc như con muốn phải có tiền mẹ à”. Nó nghĩ người ta cầm tiền của
nó rồi sẽ có trách nhiệm với nó, nó giấu ông hiệu trưởng việc nó đi chạy việc ở
ngoài, dù ông hiệu trưởng cũng tốt với nó. Khác với các trường mầm non khác,
thường là bà hiệu trưởng. Ở trường này, lại là ông hiệu trưởng. Đến khi nó muốn
nói với ông hiệu trưởng “tốt bụng” thì đã quá muộn. Cái gì mất thì đã mất. Tiền
thì trao mà cháo thì chưa múc… Nó tránh nghe điện thoại của mẹ, vì nó biết mẹ
sẽ hỏi tình hình công việc của nó. Nó thấy nó đang bị tổn thương: “Lão Đinh Đức
đó à… hắn… hắn đã lừa đảo bao sinh viên nghèo mơ lập nghiệp ở thành phố rồi đó.
Nó toàn hứa hẹn chạy việc cho người ta, lấy tiền rồi lần lữa. Không ai đòi lại
được của hắn một xu đâu”, ông hiệu trưởng nói khi biết nó chồng tiền chạy việc
chỗ lão thầy kia. Nó như chết điếng, những đồng tiền nó ki cóp được qua hai năm
đi làm cực khổ. Nó thấy lần này nó mất nhiều thứ, hy vọng, niềm tin và nhất là
nó đánh mất giấc mơ đẹp Sài Gòn ngợp nắng. Nó thấy cái nắng Sài Gòn hôm nay sao
mà gắt, như nhuộm rát cháy làn da nó, dù cho nó đã chịu khó thích nghi bằng áo
nắng, găng tay, khẩu trang, mắt kính
thêm cả tấm khăn quấn thân che bụi. Nó sợ… nắng Sài Gòn.
Rồi nó ra ở
ngoài, vì ở trong trường ông hiệu trưởng mới có ý khiếm nhã với nó. Nhớ hôm đi
tắm buổi đêm ở nhà tắm chung cứ thấy bóng người qua lại lại qua nó lại sợ. Nó
ra ngoài để tránh ông hiệu trưởng. Rồi nó cũng bị sàm sỡ, đêm đó phụ huynh học
sinh bận, gửi trẻ đến 9h tối. Nó bị ông hiệu trưởng “hỏi nhỏ”: “Em giá bao
nhiêu?”. Nó tát ông ta một cái in hằn cả bàn tay năm ngón dài ngắn, nghỉ việc
không lý do. Nó thuê nhà trọ ở một con hẻm nhỏ, tối, phía ngoại thành.
Một ngày nắng
mới. Ngày nắng mới ấy chính là anh. Người hàng xóm mà lần đầu tiên đến gặp ở
cổng nó lặng thinh, người lạ không hơn không kém nó không thèm một lời chào
hỏi. Sáng nay, nó dậy thấy nặng mắt vì tối qua khóc, nó cúi mặt đi thì nghe lời
vừa chào vừa hỏi:
-
Tối qua khóc to thế!.
-
Xin lỗi, tôi… Nó bối rối như gà mắc tóc, lắp bắp: tôi bị
thất nghiệp.
Nói có câu đó với người lạ mà cảm
thấy nhẹ lòng. Ít nhất nó nói ra được điều nó sợ nhất. Điều làm nó sẽ tồn tại
thay vì sống. Nó đi tìm việc ngay, nó không thể ngồi không một ngày. Mắt đang
sưng vì qua khóc mà nó vẫn cầm hồ sơ đi. “Anh là…?”. “Tôi là nhân viên tư vấn,
giới thiệu việc làm”. “Tôi muốn đi dạy, anh có tư vấn, giới thiệu giúp tôi?”.
“Cô dạy môn gì”, “dạy Văn”. “À, cái ngành ế ẩm nhất. Cố làm trái ngành
không?.”. “Tôi không muốn nhưng chưa có việc tôi vẫn đi làm”.
Nó có một chỗ
làm mới, chỗ làm đó là văn thư trong một trường cao đẳng. Nó vừa nhanh nhẹn,
tốt bụng lại có năng lực ăn nói, văn chương lai láng nên được lòng trưởng khoa
Văn. Nó được đi học lên rồi chuyển qua nghạch giảng viên và trở thành một Giáo
Viên Hạng Sang – Giảng viên. Điều mà nó chỉ… dám mơ qua bao năm chật chầy xin
việc rồi đi làm trái ngành ở cái Sài Gòn đất hứa này. Nó nghĩ, cái nắng Sài Gòn
có lúc gay gắt nhưng cũng có những vị ngọt ngào. Nó nhớ cái nắng ở quê xứ Nẫu.
Cái nắng bình yên có khi làm cho nó dại người vì quên hết thời gian. Cái nắng
phố phường chật hẹp bỗng dương bồng bềnh, lộng lẫy quá. Nó yêu sao những cái
nắng như nắng Sài Gòn. Nó cũng yêu sao chính nó với vận may của mình. Người
hàng xóm tốt bụng đã mở cho nó một cánh của vào khu vườn ngợp nắng. Nó cảm ơn
anh ta, anh ta chỉ nói: “Cánh cửa mở nhưng không phải ai cũng bước vào khu vườn
đó được. Là do em tự đi bằng đôi chân của mình đó. Hãy cảm ơn chính đôi chân
em”.
Một người có
của, có địa vị thì không sợ thất nghiệp nhưng nó thì sợ. Công việc là tất cả
với nó, công việc là sự sống còn của nó. Không có việc nghĩa là nó không có gì
hết: không có chỗ ở, không có cái ăn cái mặc không có những… Lần này nó không
sợ nữa, ngày nó được chính thức được vào biên chế. Nó gọi về cho mẹ: “Mẹ, con
đã làm được. Mơ ước là điều có thể thực hiện nếu ta cố gắng. Sài Gòn ngợp
nắng!”. Câu “Sài Gòn ngợp nắng” chắc là một sự đánh đố đối với mẹ trước khi nó
cúp máy không một lời giải thích.
Nó chỉ muốn
nói: Cảm ơn Người đã cho tôi một điểm tựa…
Trần Thị Thanh (Đồng Nai)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét