Hơn ba mươi năm tôi mới quay về. Nơi ấy có một kỷ niệm
mà dù đi đâu về đâu, dù thời gian có xuôi hay ngược dòng; tôi cũng sẽ không bao
giờ quên được. Đó là làng Yên Ngựa…
Tôi cho xe chạy chầm chậm vượt qua đồi Yên Ngựa. Con
đường qua đồi nằm giữa trảng cỏ tranh. Ngọn gió Bấc rít lên từng hồi. Đám cỏ
tranh cuồn cuộn trong gió như từng cơn sóng màu xanh lơ nối nhau đuổi đến tận
bìa rừng. Đồi Yên ngựa vẫn như ngày nào. Có khác chăng là hai mỏm đồi hai bên
trảng cỏ tranh, xưa là rừng tự nhiên, nay đã được thay bằng rừng Bạch Đàn thẳng
đều tăm tắp. Lá cây Bạch Đàn cũng màu xanh lơ, ở xa nhìn lại nó tiếp với màu
của trảng cỏ tranh, không nhìn ra ranh giới. Chỉ có cây cổ thụ to đến hai người
ôm không xuể, nổi bật lên với vòm cây rậm rạp lá màu xanh thăm thẳm. Nó đứng
cách con đường xe tôi đang đi khoảng vài trăm mét. Cây Cầy Ma biết hú! Nó vẫn
như ngày nào. Ngày tôi bỏ làng ra đi, nó đã thôi không còn hú nữa. Không biết
chỗ bùa mà ngày xưa thầy pháp Mùa trấn ếm đã mục chưa? Nó còn nín thinh hay đã
hú trở lại?
Ngôi làng Yên Ngựa đã hiện ra khi xe tôi lên đến đầu
dốc. Ngôi làng nhỏ nằm dưới chân đồi, dọc theo dòng suối Bụt. Phía xa xa, hòn
núi Ông hùng vĩ vẫn ẩn hiện trong làn mờ sương khói. Màu da xanh xẫm của hòn
núi Ông đã rách, loang lổ lộ ra những mảng thịt màu đỏ ối. Dòng suối Bụt bị sa
bồi thủy phá, cát trắng xóa hai bên rộng đến vài trăm mét. Dòng nước cạn trơ
khó khăn len lỏi leo qua những lổn ngổn đá cuội. Không còn nữa những vũng nước
sâu; cá Thác Lác, cá Lúi, cá Diếc, cá Ngựa, cá Chép lượn lờ… vảy của chúng phản
chiếu cả ánh nắng mặt trời lấp lóa.
Một thoáng ngậm ngùi! Tôi hạ cửa kính và thả chân ga
cho xe tự do chầm chậm xuôi dốc đến chòi gác đầu làng. Chắc lâu lắm mới có
chiếc xe hơi sang trọng chạy vào ngôi làng nằm lọt thỏm trong lũng núi này, nên
những thanh niên thiếu nữ vác cuốc đi làm đồng hiếu kỳ nhìn theo xe của tôi.
Tôi mỉm cười với họ. Họ hơi ngạc nhiên, nhưng cũng đáp lại băng nụ cười thân
thiện. Mặc dù chẳng ai nhận ra ai. Ngày tôi bỏ làng ra đi, đám thanh thiếu niên
này chắc hẳn chưa ra đời. Tôi dừng xe và thò đầu ra:
- Mấy cháu ơi, cho chú hỏi.
Một cô thiếu nữ dè dặt:
- Chú hỏi gì à?
Nhìn đôi mắt to đen, miệng hơi rộng và vành môi hơi
cong của cô thiếu nữ; kinh nghiệm mách bảo tôi: đây là người thật thà và ưa
chuyện. Người như thế, nếu biết chuyện gì họ khai ra tuốt tuồn tuột. Nghĩ vậy, chỉ
tay lên cây Cầy đứng sững sững giữa trảng cỏ tranh trên đồi Yên Ngựa, tôi mạnh
dạn hỏi:
- Cây Cầy Ma kia có còn hú nữa không hả cháu?
Một thoáng kinh ngạc và tò mò, cô hỏi lại:
- Sao chú biết cây Cầy Ma biết hú?
- Hồi ấy tôi cũng ở đây mà!
Cô gái có vẻ ưa chuyện liền liếng thoắng:
- Cây Cầy Ma đã hết hú lâu lắm rồi chú à. Nghe nói hồi
ấy thầy pháp Mùa lên trấn ếm, nên nó mới chịu im không hú nữa.
Đám đông thanh niên thiếu nữ chắc cũng hiếu kỳ chẳng
kém gì cô gái, nên cùng lên tiếng tán đồng:
- Phải đó! Nếu không có thầy pháp Mùa chắc con ma trên
cây Cầy đến nay vẫn còn hú đó. Bọn tôi nghe người lớn nói vậy.
Đến nay, sau ba mươi năm, lớp trẻ này vẫn còn nghe
chuyện cây Cầy có con ma thường hú… hú… ú… ú… từng tiếng dài rùng rợn vào những
khi gió lớn. Sau nhờ có thầy pháp Mùa… Tôi vội hỏi:
- Thầy pháp Mùa bây giờ ở đâu, mấy cháu có biết không?
- Thầy pháp Mùa trước là bộ đội, sau theo đơn vị đi
đâu không rõ chú à.
Tôi vẫn nhìn về phía đồi Yên Ngựa, giọng xa xăm:
- Phải rồi, nhờ có thầy pháp Mùa lên đó trấn ếm nên
cây Cầy Ma mới thôi không hú nữa. Ngày thầy pháp Mùa lên ấy trấn ếm tôi có đi
theo.
Cắt lời tôi, cả bọn nhao nhao:
- Thế à! Thật vậy sao chú? Chú kể cho bọn cháu nghe
với.
Tôi xuống xe bước vào trạm gác đầu làng. Không ai bảo
ai, đám thanh thiếu niên cũng vào theo; họ ngồi hai bên và sau lưng tôi trên
sạp tre của trạm gác. Tôi nhìn lên đồi Yên Ngựa và kể:
- Mấy cháu à! Ngày ấy chú cũng ở tuổi như mấy cháu bây
giờ. Trước đó, làng Yên Ngựa này hãy còn là một vùng rừng rậm, là chiến khu của
du kích đánh Mỹ. Chiến khu Bạch Mã. Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, vào
năm một ngàn chín trăm bảy bảy, nhà nước hỗ trợ dân thành phố đi vùng kinh tế
mới để tăng gia sản xuất nông nghiệp. Và một vùng của chiến khu Bạch Mã được
khoảng trăm hộ dân phát quang lập thành làng Yên Ngựa.
- Sao lại đặt tên làng Yên Ngựa hả chú?- Tôi vừa dừng
lại lấy hơi, có cậu thanh niên xen vào hỏi ngay. Tôi chưa kịp trả lời người khác
lại hỏi thêm:
- Có phải do chiến khu Bạch Mã nên mới đặt tên làng
Yên Ngựa không hả chú?
- Mấy cháu hãy nhìn lên hai mỏm đồi kia xem. Giữa hai
mỏm đồi ấy là trảng cỏ tranh trũng xuống như cái yên ngựa nên mới có tên đồi
Yên Ngựa. Sau lập làng dưới chân đồi nên dân làng mới đặt tên làng Yên Ngựa.
Giữa trảng cỏ tranh trên Yên Ngựa mọc trơ trọi một cây Cầy to đến hai người ôm
không xuể. Đó là cây Cầy Ma biết hú. Hồi ấy nhà nước ta còn chủ trương kinh tế
quốc doanh, là nhà nước mới được phân phối hàng hóa cho dân để tránh tình trạng
người bóc lột người. Nông dân thì hợp tác xã làm chung ăn chung, để tránh tình
trạng có kẻ giàu người nghèo. Giàu thì ai cũng giàu. Nghèo thì nghèo hết. Thế
mới công bằng bình đẳng. Khốn một nỗi là hồi ấy ai cũng nghèo cả…
- Bây giờ không còn làm hợp tác nữa đâu chú. Đã chia
ruộng đất cho từng hộ gia đình tự quản nên đã khá hơn rồi chú à!
- Chú biết rồi! Sở dĩ chú nói đến chuyện hồi ấy ai
cũng nghèo cả vì có liên quan đến cây Cầy Ma biết hú. Hồi ấy làng Yên Ngựa mình
nghèo đến nỗi cả làng mà không có một cái máy xay xát gạo. Ai cũng phải có
trong nhà một cái cối giã gạo, để khi hợp tác xã chia lúa thì về tự giã gạo mà
ăn. Cây Cầy là một loại cây mọc rất nhiều ở vùng này và đẽo làm cối giã gạo rất
tốt. Thế nhưng cây Cầy mọc trơ trọi giữa trảng cỏ tranh trên đồi Yên Ngựa kia
thì không ai dám chặt. Cây Cầy ấy nổi tiếng có ma!
- Lúc đó nó đã hú chưa hả chú?
- Lúc đó nó chưa hú!
- Chưa hú sao lại nổi tiếng có ma hả chú?
- Vì vào những lúc mưa giông, ngày cũng như đêm; mỗi
lần sét đánh luôn luôn đánh vào cây Cầy Ma. Yên Ngựa trũng xuống, hai mõm đồi
lồi cao lên, sao sét không đánh vào cây
trên hai mõm đồi mà cứ nhè cây Cầy chỗ trũng mà đánh. Vì cây Cầy đó có ma.
Người lớn tuổi bảo nơi nào có ma thì trời đánh vào nơi đó. Cho nên, khi ấy cây Cầy
Ma chưa hú, nhưng nó đã nổi tiếng là có ma trú ẩn.
Cô thiếu nữ có vành môi hơi cong ngắt lời tôi hỏi:
- Vậy nó hú lúc nào hở chú?
Để hồi ức không bị gián đoạn tôi cứ nhìn lên đồi Yên Ngựa
say sưa nói tiếp:
- Đó là vào một đêm mưa to gió lớn. Sáng hôm sau ngay
chỗ trạm gác này đây. Trạm gác mà chú cùng các cháu đang ngồi đây. Con mương
hai bên đường sau một đêm mưa lớn xói lở ra, dân làng phát hiện xương đầu và xương
tay chân người. Chính quyền xã liền cho người đến đào lên và công bố đó là 24
bộ xương của dân quân du kích xã vào chiến khu Bạch Mã bị sư đoàn Mãnh Hổ của
Đại Hàn phục bắn chết rồi đào hố chôn tập thể.
- Đại Hàn là nước nào mà cháu chưa nghe hả chú?
- Đó là tiếng gọi tắt của nước Đại Hàn dân quốc là Hàn
Quốc bây giờ đó. Lính Đại Hàn qua Việt Nam đi đánh thuê cho Mỹ. Ủa! Chú kể
đến đâu rồi nhỉ?
- Đào hố chôn tập thể…
- Ừ! Thân nhân của 24 quân dân du kích đến nhận xác
mời thầy tăng tới cúng rước vong hồn của người chết về nghĩa trang. Chính quyền
xã làm lễ truy điệu tôn vinh 24 liệt sĩ nhưng không cho phép mời thầy tăng đến
cúng rước vong hồn. Họ bảo là mê tín dị đoan, trái chủ trương chính sách của
nhà nước. Điều kì lạ là đêm hôm sau mưa to gió lớn nổi lên. Dân làng nghe trong
tiếng gió rít mưa gào xen lẫn từng tiếng hú… hú… hú… ú… ú dài rõ ràng, âm vang,
thâm u, rùng rợn… mỗi khi mưa to gió lớn đều có tiếng hú như thế. Nó phát ra từ
cây Cầy giữa trảng cỏ tranh trên đồi Yên Ngựa. Dân làng bảo nhau, do hồn người
chết không được rước đi, nên đến trú trên cây Cầy. Từ đó làng Yên Ngựa này gọi
nó là cây Cầy Ma. Điều kì lạ nữa là, một hôm nọ ông tập đoàn trưởng sản xuất
nông nghiệp dắt theo mấy thanh niên đến chặt cây Cầy Ma…
- Rồi sao nữa chú…
- Không ai biết là tình cờ ngẫu nhiên hay là có ma
thật mà ông tập đoàn trưởng vừa giơ rìu lên bỗng ngã ngữa ra sùi bọt mép. Đưa
đi bệnh viện bảo là tai biến mạch máu não. Có điều không phát bệnh vào lúc nào
lại nhè lúc chặt cây Cầy Ma mà phát bệnh. Người ta càng đồn đại cây Cầy Ma
thiêng lắm. Từ ấy về sau, không ai dám đụng đến nó nữa. Cứ những lần gió lớn là
nó phát ra từng tiếng hú dài. Sau cơn gió là mưa giông đến, sấm chớp ầm ầm, sét
rạch trời đánh xuống cây Cầy Ma đó.
- Eo ôi! Ghê quá! Vậy là có ma thật rồi. Rồi thầy pháp
Mùa ếm thế nào mà nó lại hết hú và sét cũng hết đánh vào cây Cầy Ma vậy chú?
- Nè! Mà chú kể chuyện này có bị cho là truyền bá mê
tín dị đoan không vậy?
- Trời! Chú ở đâu mà lạc hậu thế. Bây giờ ai muốn tin Phật tin Chúa tin thánh tin ma gì cũng được. Muốn tin gì thì tin không ai cấm
đoán cả. Thậm chí, các nhà ngoại cảm nói chuyện được với hồn ma để đi tìm hài
cốt liệt sĩ kia mà.
Rồi cô bé làm như mình là người
dẫn dắt câu chuyện chứ không phải là tôi.- Thôi không nói chuyện ấy nữa. Chú kể
tiếp chuyện thầy pháp Mùa ếm cây Cầy Ma đi chú.
- À! Thầy pháp Mùa hồi ấy là bộ đội của đơn vị tỉnh
đội đến gần làng Yên Ngựa khai hoang để tăng gia sản xuất. Nhà chú ở gần doanh
trại bộ đội nên chú thân với thầy pháp Mùa. Chú nói không tin chuyện ma quỷ,
nhưng không biết vì sao cây Cầy Ma lại phát ra tiếng hú. Thầy pháp Mùa cười
bảo: “Ngày mai theo anh đến đó, xem anh ếm bùa cho ma trên cây Cầy thôi không
hú nữa”.
Tôi vừa ngừng
lại lấy hơi, sự tò mò của đám thanh thiếu niên có lẽ đã lên cao nên họ đồng
thanh hỏi ngay:
- Rồi sao nữa chú?
- Từ ấy về sau cây Cầy Ma thôi không hú nữa và sét
cũng không còn đánh vào nó. Đặc biệt là dân làng Yên Ngựa đã giảm phá rừng đáng
kể.
- Ủa! Sao lại có liên quan gì đến việc giảm phá rừng?
- Vì thầy pháp Mùa về bảo dân làng rằng thấy đã ếm bùa
cho ma nó thôi không hú nữa. Nhưng nếu phá rừng nhiều quá sẽ làm khô dòng suối
Bụt. Mà Bụt không còn tất ma quỷ lộng. Nên thầy pháp Mùa khuyên nếu muốn ma
trên cây Cầy không hú trở lại thì dân làng không được phá rừng. Cũng vừa may
lúc ấy nhà nước ta chuyển đổi từ kinh tể quốc doanh sang kinh tể thị trường,
xóa bỏ chế độ bao cấp, nên đời sống người dân khấm khá hơn. Có phải do đời sống
khá hơn nên không phá rừng hay vì sợ khô dòng suối Bụt không trấn được ma mà
không phá rừng? Chú cũng không biết nữa, mấy cháu à.
Chỉ tay lên những mảng thịt đỏ ối trên lưng hòn núi
Ông, tôi hỏi:
- Nay đời sống ngày càng khá hơn, sao người ta còn phá
rừng nên lở lưng hòn Ông kia, phải không mấy cháu?
- Ngày nay không phải do nghèo đói quá phải phá rừng
đốn củi đổi gạo. Mà bọn lâm tặc phá rừng chặt gỗ quý làm giàu đó chú.
Tôi ngạc nhiên:
- Thế nhân viên kiểm lâm đâu mà để bọn lâm tặc lộng
như ma vậy?
- Bọn lâm tặc này ghê lắm chú à! Chúng dữ hơn quỷ, dân
làng có cản trở việc phá rừng của chúng là thế nào cũng bị cho một trận nên
thân. Chúng còn thiêng hơn ma nữa. Mỗi lần các cơ quan chức năng liên ngành đi
truy quét là chúng biết trước không xuất đầu lộ diện. Càng thiêng nữa là ra
khỏi rừng chỉ có một con đường độc đạo, vậy mà xe chúng chở gỗ về xuôi lúc nào
cũng trót lọt. Người ta bảo chúng bùa phép thế nào mà che được mắt các cơ quan
chức năng. Có người lại bảo chắc nhờ bọn ma trên cây Cầy giúp lâm tặc để chúng
phá rừng ở hòn núi Ông cho khô dòng suối Bụt. Bụt khô không trấn được ma, ma sẽ
lộng hành hú trở lại chú à.
Trời càng về chiều, gió Bấc càng rít mạnh. Cô thiếu nữ
lanh mồm có vẻ thích nghe chuyện ma hơn, cô giục:
- Thôi! Chú hãy kể tiếp xem thầy pháp Mùa trấn ếm cây
Cầy Ma đó thế nào đi chú!
Trước đó tôi cũng định kể cho bọn trẻ nghe chuyện ngày
xưa tôi theo thầy pháp Mùa đi ếm cây Cầy Ma: nhưng sau khi nghe chuyện bọn lâm
tặc phá rừng mà không ai ngăn được, tôi đã đổi ý. Một dự định vừa lóe lên trong
đầu, tôi nói ngay:
- Thôi, chú phải về kẻo trễ. Ngày mai chú lại đến kể
cho mấy cháu nghe nhé.
Tôi quay xe lại vượt qua đồi, rời khỏi làng Yên Ngựa.
Đến đầu dốc, ngang nơi cây Cầy Ma, tôi dừng lại, xuống xe. Đã bước vào mùa mưa,
cỏ tranh thật tốt, cao lút đầu người. Chiều tàn đường vắng, không người qua
lại. Không ai thấy tôi. Dân làng Yên Ngựa có nhìn lên cũng thể thấy được tôi và
chiếc xe chìm trong trảng cỏ tranh. Tôi lặng lẽ ngắm cây Cầy. Vết thương trên
thân cây ngày xưa thầy Mùa trấn ếm vẫn còn đó. Nó tròn nhưng nham nhở, to ngang
vành nón lát. Trên xe tôi có thanh sắt dùng để vặn bu-lông bánh xe. Lấy nó ra,
tôi bước đến gần cây Cầy. Nhón chân lên, tôi giơ thanh sắt đập mạnh vào vết
thương trên thân cây. Chỗ bùa ngày xưa thầy Mùa trấn ếm sau ba mươi năm đã mục.
Nó lọt thỏm vào chỗ bộng trong thân cây. Nơi ấy lộ ra một cái lỗ đen ngòm. Càng
lúc gió Bấc càng mạnh. Một tiếng hú… hú… ú… ú… vang lên rùng rợn. Dù đã biết
trước nhưng tôi vẫn dợn da gà. Và nhiều tiếng hú… hú… ú… ú… nữa tiếp tục nối
nhau vang lên…
Tôi bước nhanh ra xe quay về thành phố. Tôi nghĩ, có
khi cây Cầy Ma hú trở lại, bọn lâm tặc vì sợ khô dòng suối Bụt không trấn được
yêu ma sẽ không phá rừng ở hòn núi Ông nữa chăng? Tôi sẽ không kể cho bọn trẻ
nghe chuyện thầy pháp Mùa trấn ếm cây Cầy Ma, dù ký ức ngày ấy cứ hiện về trong
tôi mồn một…
* * *
Đứng ngắm một hồi, rồi lấy khúc cây to bằng bắp tay
đánh mạnh vào thân cây Cầy phát ra tiếng thùng thùng như tiếng trống; anh bộ
đội tên Mùa bảo tôi:
- Cây Cầy này bị mục bộng rỗng ở bên trong. Cái lỗ kia
là vết thương do đạn pháo bắn trúng khoét sâu vào thân cây, lâu ngày lõi gỗ bên
trong bị mục thành ra bộng rỗng. Trảng cỏ tranh này là yên ngựa trũng xuống,
hai mỏm đồi cao ở hai bên chắn gió nên yên ngựa bị gió dồn rất mạnh. Gió mạnh thổi
vào lỗ trên thân cây, lồng trong bộng cây mà phát ra tiếng hú. Em thấy chưa, ma
cỏ cái gì?
Dù từ trước không tin là ma, nhưng nghe anh diễn giải
khoa học như vậy tôi hết sức khâm phục. Nhưng còn có chỗ chưa rõ, tôi hỏi:
- Đạn pháo ở đâu mà bắn vào đây vậy anh?
- Trước ngày đất nước thống nhất, quân Mỹ bắn đại bác
vào chiến khu Bạch Mã của ta. Do vậy mà cây Cầy này trúng đạn.
- Nhưng sao lâu nay nó không hú, mà bây giờ mới hú?
- Vì ngay trước lỗ thủng có nhánh cây to xum xuê che
lại. Có lẽ vào đêm mưa gió đó, nhánh cây này bị gãy không che được lỗ thủng.
Này em xem, nhánh cây bị gãy vẫn chưa rời ra, còn treo tòn ten kia kìa.
- Nhưng sao mỗi lúc mưa giông, sét lại cứ nhè cây Cầy
này mà đánh?
- Đó chính là lý do anh suy luận là cây Cầy này bị
trúng đạn đó.
Nói xong anh bứt dây rừng nịt tròn ngang lưng và thân
cây, rồi leo tít lên ngọn. Anh ném một miếng sắt to bằng bàn tay và nói vọng
xuống:
- Mảnh đạn pháo này còn ghim trên ngọn cây. Có sắt
thép là sét đánh vào. Ma cỏ cái gì.
Chờ anh tụt xuống, lần này tôi khâm phục ra mặt:
- Sao anh biết, tài vậy?
- Tài gì, hồi đi đánh Mỹ, trên rừng Trường Sơn anh có
gặp chuyện tương tự như vậy rồi.
- Vậy làm sao cho nó hết hú hả anh?
- Anh em mình cùng chặt nhiều đoạn cây chèn vào cái lỗ
ấy, không cho gió lồng vô.
- Sao anh không nói rõ cho dân làng biết, rồi cùng lên
đốn quách nó đi?
- Thế em không thấy ông tập đoàn trưởng vừa mới giơ
rìu lên chặt cây đã ngã ngữa ra sùi bọt mép à?
Tôi hỏi lại anh:
- Thế anh cũng tin là ma bắt ông tập đoàn trưởng à?
- Cái này thì anh chịu! Sét đánh hay tiếng hú không
phải là ma. Nhưng thấy việc ông tập đoàn trưởng rồi, giờ bảo anh chặt, anh cũng
không dám.
Rồi anh Mùa trầm ngâm:
- Hơn nữa, anh sẽ
về nói anh là pháp trấn ếm cây Cầy Ma thôi không hú nữa. Và nói thêm đất đây
là đất thiêng nên núi có tên Ông, sông có tên Bụt. Bụt trấn được yêu ma.
Nếu muốn ma trên cây Cầy không hú trở lại, thì chớ phá rừng ở hòn núi Ông làm
khô dòng suối Bụt.
Lê Đình Danh
(Quy Nhơn)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét