Đứng
trước Phong là dáng người quen thuộc: thằng Hòa, bạn học cấp II từ 20 năm
trước. Nó cùng đến trụ sở Ủy ban chứng
giấy tờ gì đấy, lúng ta lúng túng giải thích với cán bộ điều gì Phong không rõ,
vì đứng hơi xa. Lưng khom khom, phong trần, già đi nhiều- tất nhiên- Hòa đấy,
như ngày xưa thôi….
Hòa
học giỏi lắm, nhưng đúng một môn: toán. Hắn tiếp thu bài và giải toán nhanh như
chớp, không đứa nào không phục. Nhà hắn xác xơ, rách mướp nằm bên quốc lộ, sát
đầu cầu. Cả gia đình từ Bắc vào, cha mẹ làm nông trường, anh chị em hắn chỉ có
học, và đều giỏi cả. Phong thường lội bộ đúng
một cây rưỡi số (1.5 km) để đến nhà hắn chơi, mà chơi gì chứ: là đổi
sách với bố Hòa, bác ấy đọc nhiều và có lắm sách hay. Trái với bạn, Phong dốt
toán, chỉ vỏ vẻ học được mấy môn xã hội.
Hòa
lầm lì ít nói. Nhiều bận tới nhà hắn chơi, nó đưa Phong cùng ra mảnh đất tuốt
đồng trống, có mấy luống khoai lang. Đào bới cả buổi, nó cho một túi nhỏ khoai
đủ cỡ mang về luộc, nhớ tới bây giờ.
Học
giỏi toán, môn học mà đứa nào cũng ngán, Hòa có vẻ phớt đời, hay lý do gì khác?
Nó ít chơi với ai, suốt ngày vùi đầu trong các sách tham khảo toán, với bút chì
và compa trong tay. Hắn thi học sinh giỏi toán, và có giải cấp huyện cấp tỉnh,
thậm chí còn dự thi vòng toàn quốc- một chuyện lớn. Bẵng đi một dạo, nghe nói
Hòa cùng gia đình chuyển đi xa, ra vùng biển nào đấy. Giờ, hai mươi năm sau,
hắn đang ở đây, trước mặt Phong.
“Hòa!”-
Phong bước tới, đưa tay. Nó nhìn Phong, uể oải: khỏe không? Và bắt tay. Phong
mời nó uống cà phê, hắn từ chối, chỉ cùng ngồi trên ghế đá nói chuyện.
“Tao
đang ở Côn Đảo”, nó bắt đầu. Thì ra nó ra ngoài Côn Đảo, Phong bất giác giật
mình, vì địa danh này gắn vói cái gì đó trong lịch sử. Không, nó cười, tao làm
thầu xây dựng ngoài ấy. À, thì ra thế. Nó làm suốt ở đấy, có cả vợ con cùng ở
chung, hết công trình này đến công trình khác. Khá không? Tôi hỏi. Ổn- nó ầm ờ
cho qua. Như vậy là không ổn rồi, tôi nghĩ.
Hai
thằng ôn lại chuyện ngày xưa, rốt cuộc không đứa nào trong lớp tụi tui làm được
cái gì cho ra hồn vía. Học giỏi văn thì đi bán vé số (Phong chứ ai), còn thằng
“bác học” toán thì đi làm nhà cho người ta. Hỏi thăm tới thì còn tệ nữa, tan tác,
vỡ nát cả… Buồn.
Phong
nhớ đã cùng hắn đã đọc bao nhiêu là sách và mơ ước những gì, nó thường nhắc đi
nhắc lại với Phong về ấp ủ vào bách khoa, thành kỹ sư. Có lẽ hắn không ngờ lại
ra Côn Đảo, ngoài biển. Tưởng tượng phong phú như Phong cũng không ngờ tới
được. Phong biết, Hòa nó rất buồn vì chuyện này, chuyện làm thầu và kỹ sư bách
khoa là hai chuyện quá khác nhau.
Hai
thằng tâm sự lâu, quên cả đang ở trụ sở hành chính. Nắng chang chang ngoài sân,
buồn thiu. Tiếng còi xe inh ỏi ngoài quốc lộ thỉnh thoảng vọng vào, làm Phong
nhớ lại những ngày cùng nó đào khoai lang sau nhà. Hai mươi năm…
May mắn
là Phong nghỉ bán một bữa, đi công chứng cái giấy. Nếu không, gặp hắn mà trên
tay cầm xấp vé số thì chẳng ra làm sao, cho dù thực ra như thế cũng chẳng tội
tình gì. Vấn đề là ngày xưa đôi bạn mơ ước nhiều quá…
Có
tiếng người gọi, Hòa quay ra ngoài, “tao đi!”, hắn bắt tay Phong và đi ra với
bạn đang chờ. Phong nhìn theo, thở nhẹ… Lẽ ra phải mời nó lại nhà chơi, Phong
nghĩ. Nhìn dãy số điện thoại nó cho, Phong bất giác mĩm cười: cái mới là đây,
ngày xưa không có điện thoại. Và Phong cũng đã cho hắn số phone của mình.
Vâng,
cuộc sống cũng có tiến bộ, ít ra là con dế này đây. Mân mê chiếc Nokia trong
tay, Phong nghĩ như một liệu pháp trấn an chính mình.
Nhớ
ngày xưa có lần Hòa tâm sự với Phong: mày sau này ráng học tới cùng, làm cái gì
đó dính dáng đến văn chương, tao thấy mày có đam mê món đó. Phong nhớ mãi câu
nói này của nó, đơn giản vì Hòa nó không hứng thú với “cái món đó”, như Phong.
Vậy mà nó chia sẻ được mơ ước của Phong.
Nó
cũng hay cho Phong giấy trắng từng tấm một mà bố mang từ văn phòng nông trường
về, để Phong đóng thành từng tập, dành để… để viết tác phẩm văn chương. Vậy mà
cho đến bây giờ, gặp nó ở đây, chẳng có lấy một tác phẩm để khoe với nó! Tính
ra, số giấy trắng mà Hòa kỳ công góp nhặt cho bạn có đến hàng ký lô, mà thời đó
hiếm giấy lắm.
Hòa
có người chị kham khổ nhẫn nại học đến bác sĩ, ra trường, khoác áo blu trắng
như mơ. Chứng kiến chị đi từ đầu đến cuối sự học, Phong vô cùng ngưỡng mộ.
Nhưng tiếc là Hòa không làm được như chị, cho dù học rất nổi trội. Ngày chị nó
mở tiệc mừng tốt nghiệp y khoa, Phong có đi. Đấy là một dịp vui nhộn, Phong là
người duy nhất trong số bạn học của Hòa được mời, rất vui vì thấy mình được xem
như người trong gia đình.
Bao
nhiêu năm rồi? hơn 20 năm! Từ ấy thời gian không gặp, bạn Phong làm những gì mà
phong trần bụi bặm thế? Hòa hẳn vất vả với cơm áo gạo tiền, mà hắn đã vất vả
ngay từ còn bé. Không thực hiện được giấc mơ bách khoa, Hòa nói làm thầu xây
dựng, song Phong nghĩ bạn mình không được làm thầu. Hòa ơi!
Trong
từng ấy năm, Phong long đong trên đời bá nghệ tùy thân, thượng vàng hạ cám gì
cùng làm, giấc mộng văn chương tan biến từ lúc nào không rõ. Vậy mà thời gian
không làm Hòa quên, ngồi trên băng đá, nó có dè dặt nhắc Phong: “Mày có viết gì
không?”, Phong cười trừ… Làm sao mà viết được khi chạy bận tơi bời không biết
hôm nay là thứ mấy, ngày gì; giá gạo, nước tương đã rành hơn câu chữ hàm ngôn
hiển ngôn; nhìn áng bình minh không còn thấy đẹp, trăng khuya vành vạnh không
chút lãng mạn gì cả… viết làm sao được, Hòa ơi! Cũng có thể là đổ thừa đấy, cho
nhẹ một gánh ước mơ, tự biện luận với chính mình.
Phong
bâng quơ nghĩ ngợi: nếu hôm nay, gặp nhau ở đây, Hòa là một kỹ sư, Phong là một
nhà văn, tốt biết bao. Chúng tôi hẹn nhau bên bàn trà, tửu quán, cầm điện thoại
í ới tập hợp bạn cũ ngày xưa. Từng người bạn thiết đến, câu chuyện rôm rả, hào
hứng. Đứa này nhắc đên thầy A dạy toán hay bông đùa, đứa nọ lần cắm trại cô B
trổ tài nấu ăn thật tuyệt làm cả lớp bất ngờ… Vâng, cũng lại là ước mơ thôi,
một cái gì cao vời trên sự thật. Hòa không thành kỹ sư, Phong không viết được
gì, và cuộc họp bạn không diễn ra…
Bao
nhiêu năm, làm một cái tổng kết, ngậm ngùi…
Nhớ
lần tụi nó cùng đọc sách viết về nhà bác học Thomas Edison, khoái cái ông ít
học mà tài quá, đọc cái cái trò ông ấy nghĩ ra… tự mình ấp trứng thay gà mẹ,
lấy “nhiệt lượng” bản thân làm trứng nở con! Ý tưởng ngộ nghĩnh của cậu bé Edison đã khiến hai thằng bạn cười phá lên trong đêm, vì
đang cùng ngủ ở cái chòi canh khoai ngoài đồng. Khoai thì không nhiều, củ nhỏ
vì đất phèn (nhưng ăn ngọt lắm), cái chòi lá bé bằng bàn tay mà bố Hòa dựng lên
chủ yếu để tụi hắn có chỗ… thanh tịnh mà học bài. Chòi tuốt ngoài đồng vắng, ai
mà ra kiểm tra! Tụi nó tha hồ bày trò, chán lại đọc sách, chứ có giải bài tập
như ông bố yêu cầu đâu! Đánh cờ vua, cờ nhào, cờ tướng…. Xoay sang đi đào hang
chuột, đắp bờ tát cá. Những vũng nước vàng khè phèn không ai để ý, vậy mà có
cá. Giấu một cái xô nhôm đem ra chòi, với hai cái thau nữa, tụi nó đắp bờ hai
đầu mương lại, tát nước cho cạn. Mùa hạn, nước ít, tát cũng mau khô. Khi thấy
bùn, tim đưa nào đứa nầy đập thình thịch vì vui sướng khi thấy tận mắt cá trê
cá lóc (nhỏ thôi) lóp ngóp dưới mương, chúng lăn lộn suốt buổi dưới bùn, bắt
bằng hết cá. Hòa bắt cá cho vui thôi, vì khi về nó cho hết cho tôi, hắn sợ bố
thấy sẽ ăn đòn.
Cái
gì cũng không sợ, nhưng gót chân asin của thằng Hòa là sợ chuột con! Những con
chuột đỏ hỏn có thể khiến nó chết giấc. Nhất là những con dơi con (giống như
chuột) nằm trong cánh dơi mẹ, nhìn thấy- chỉ cần nhìn thấy thôi- nó chết giấc!
Phong đã trót dại đùa ác với bạn một lần và tởn tới già, vì không dám lặp lại
cái cảnh Hòa khóc thét như chứng kiến động đất! Những chuyện ấy, lẽ ra khi này
ngồi với Hòa, nhắc lại cho vui, nhưng lại quên khoáy! Tiếc, biết bao giờ gặp
lại.
Hòa
đã đi. Nắng ngoài sân vẫn rực vàng…
Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu)
Đây có lẽ là một truyện ngắn đầu tay của bạn tôi, một người chuyên viết tạp bút, phiếm đàm... Bởi vì đầu tay nên câu chuyện cũng kể về những kỷ niệm đầu đời của 2 cậu học trò trường huyện, những ước mơ, khát khao về một tương lại của 2 bạn thật trong sáng...nhưng đời ko như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ...."Bao nhiêu năm, làm một cái tổng kết ngậm ngùi...". Mặc dù truyện còn nhiều cái "chưa chín" lắm, nhưng cũng tạo cho người đọc những cung bậc cảm xúc đáng ghi nhận!
Trả lờiXóaCam on anh Dat, mot nha van, da chieu co trong nhan xet. Dung nhu anh danh gia, day la truyen ngan dau tay, va cau chuyen thi nhu anh da cam nhan. Thang ban ay co ten that khac, tat nhien, nhung cu y nhu the nhu the...
Trả lờiXóaChuc anh tren ay luon an lanh, anh nhe!
Câu chuyện khiến người đọc nhìn lại và tự hỏi có bao nhiêu ước mơ thời thơ ấu mà lớn lên đã đạt được hay tất cả chỉ là bọt xà phòng?
Trả lờiXóa..Nghĩ đến chữ VÔ THƯỜNG của nhà Phật phải không có (chỉ)?.....
Trả lờiXóa