Thấy tôi chọn tiêu đề mang hàm ý xem Thơ ca là “Mặt
Tiền” của cụm nhà Nghệ Thuật, nhiều bạn bảo coi chừng…lạc hậu. Bởi lẽ, xu thế
mới trong thiết kế các khu dân cư ở đô thị cũng như nông thôn, nhất là ở các
nước phát triển, thì căn nhà nào cũng ở… mặt tiền.
Ngay cả Việt Nam,
trên các đường cao tốc, “mặt tiền” cũng không còn là một lợi thế nữa! Xã hội
coi trọng khái niệm này có lẽ do hướng tới mục tiêu thương mại bán buôn. Người
làm việc bằng trí óc thì ngán ngẩm các mặt tiền ồn ào tấp nập. Nói gì thì nói,
mặt tiền vẫn là phần quan trọng của một ngôi nhà, ai cũng phải lo chăm chút.
Như các chàng trai “chấm điểm” các thiếu nữ, thì vẻ mặt bao giờ cũng phải chiếm
tới… 70 % tổng số điểm!
7 ngành nghệ
thuật đang được con người công nhận là văn chương, âm nhạc, hội họa, sân khấu,
kiến trúc, điêu khắc, điện ảnh. Với sự phát triển của xã hội, tương lai có thể
có thêm một số ngành sẽ được công nhận, như nghệ thuật sắp đặt chẳng hạn. Do
thói quen tự coi mình là “trung tâm” nên con người vẫn thường xem ngành nghệ
thuật mình tham dự là cao cả nhất; các môn nghệ thuật khác vẫn phải nương vào
đó thể hiện. Nhà thơ vẫn cho rằng nghệ thuật của mình ở vị trí “mặt tiền” bởi
vì bằng nhịp điệu của ngôn ngữ, họ có thể diễn tả, truyền cảm những rung động
mà các nghệ thuật khác không diễn tả hết! Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng một khi
xã hội biến đổi, sự suy nghĩ và rung động không còn theo nếp cũ nữa, thì ngôn
ngữ và cách diễn đạt, nói chung là hình thức thể hiện của thơ cũng phải khác
trước. Có vậy, nó mới “sống” được trong lòng người đọc. Một số nhà thơ tự xưng
là “hậu hiện đại” của Việt Nam hiện tại cũng nhìn ra điều này, nhưng họ “cóc
cần” người đọc cảm hay không cảm, nên thường dùng từ ngữ thô ráp và thô tục
không đúng chỗ. Có người in tác phẩm với những… trang giấy trắng, hoặc bôi quẹt
lên hàng chữ, thêm hình vẽ của kẻ lạc thần…
Bàn bạc, tranh
luận về nghệ thuật thơ ca có lẽ là chuyện vô cùng, nói hoài không hết. Có lần,
cùng một vài bằng hữu ngồi luận về thơ và thơ có dịch sang ngôn ngữ khác được
không, tôi đã mượn một tập sách của nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Quảng Tuân
qua tập Thơ Đường-Tản Đà dịch để đưa chuyện.
Bài Thơ Đường nổi
tiếng của Vương Duy (701-761) dưới đây rất quen thuộc với nhiều người:
Quá Hương Tích tự
Bất tri Hương Tích tự,
Sổ lý nhập văn
phong
Cổ mộc vô nhân
kính,
Thâm sơn hà xứ
chung.
Tuyền thanh yết
nguy thạch,
Nhất sắc lãnh
thanh tùng.
Bạc mộ không
đàm khúc,
An thiền chế
độc long.
Bản dịch của Tản Đà đăng trên báo Ngày Nay số 97 ngày 13-2-1938 như
sau:
Qua chùa Hương Tích
Chẳng hay Hương Tích chùa đâu,
Đi đôi ba dặm, lên lầu non cao.
Cây
um, đường tắt vắng teo,
Núi sâu chuông vẳng nơi nào tiếng đưa.
Suối
kêu, nghẽn đá ria bờ,
Lạnh lùng bóng nắng chui lùa thông xanh.
Trời
hôm, tấc dạ thanh minh,
Quy y đạo Phật sửa mình là hơn.
Trước khi đưa ra nguyên
bản và bản dịch, có lần tôi chỉ giới
thiệu bản dịch nghĩa (cũng của Tản Đà):
Qua chùa Hương Tích
Không biết chùa
Hương Tích ở đâu?
Đi mấy dặm lên(/) đến chỗ núi cao mây ngất.
Cây cổ thụ mọc um tùm(/) không có vết đường tắt người qua
Núi
sâu, (/) có tiếng chuông ở đâu ngân lên?
Tiếng nước suối đập(/) vào gành đá nghe như bị nghẹn lại.
Sắc mặt trời có vẻ lạnh lẽo (/) luồn qua lùm thông xanh.
Chiều hôm vắng vẻ trên khu đầm nước
Muốn chế ngự con rồng độc ác (/) thì phải quy y nơi cửa
thiền.
Bản dịch lấy đưa ra, tôi đã
tự động ngắt câu, xuống dòng ở các dấu (/) như một cách đánh đố, nhưng không
nói tên tác giả. Vài bạn trẻ có xu hướng “cách tân” sau hồi ngẩm nghĩ đã chắp
miệng cho rằng “Bài thơ có kết cấu thật hiện đại!”
Người yêu thơ mỗi
ngày lại có thêm khao khát những ý tứ, cách thể hiện mới trong thơ. Nói chung
là nhu cầu thẩm mỹ luôn luôn đòi hỏi những sáng tạo mới. Nhưng phân định mới,
cũ để khen ngợi hay chê bai từ hình thức biểu hiện của một bài thơ, có lẽ là
điều không hoàn toàn đúng trong thưởng ngoạn thơ! Người xưa vẫn hay nói rằng
con người và ngay cả một hiện vật, đều có 2 phần: thể xác và linh hồn, nói gọn là
hình thức và nội dung, tức cái vẻ bên ngoài và những chứa đựng bên trong. Nếu
chỉ “xem mặt mà bắt hình dong” thì có khi sẽ bế cái lầm, vì “chiếc áo không làm
nên thầy tu”. Vậy thì nhà thơ phải làm thế nào để sự sáng tạo luôn luôn thành
đạt vì lúc nào tác phẩm cũng mang hơi thở mới, mang nét đẹp mới mà mọi người
trông đợi?
Các ngành nghệ
thuật hiện đại đều có khuynh hướng xích lại để hàm chứa nhiều mặt của nét đẹp.
Nhưng tất nhiên trong một tác phẩm, phải xác định nghệ thuật nào là chủ lực.
Với công cụ ngôn ngữ, người ta có thể làm ra những bài văn, thơ hoặc một bài,
điệu ca. Đâu là sự phân biệt giữa các loại hình? Chỉ tính trong nghệ thuật văn
chương, các nhà nghiên cứu tạm phân định ra 2 loại hình. Văn xuôi thuộc về nghệ
thuật tạo hình, còn thơ ca thuộc về nghệ thuật biểu cảm. Ngôn ngữ thơ do vậy về
căn bản phải khác với ngôn ngữ văn xuôi; cách hành văn cũng phải khác. Nhưng
mọi thứ chỉ là tương đối. Một nhà văn vẫn có thể dùng những câu, những đoạn văn
đầy chất thơ, câu văn tượng hình đẹp hay nhiều nhạc điệu… Các câu thơ cũng có
lúc diễn tả theo cách tả chân, cụ thể hóa, nhưng linh hồm bao trùm của toàn bài
thơ phải có thi vị, tức hướng con người đến những cái đẹp mà chỉ có thơ mới
diễn tả nổi: cảm xúc về cái đẹp lành, làm thăng hoa tâm hồn.
Có trang Web do
một nhà thơ chủ biên, mới đây khi phê bình số ra mắt Tạp chí Nhà Văn &Tác
Phẩm đã trích dẫn bài thơ tự do của một tác giả, ghép nó lại liền câu như một
bài văn xuôi; rồi lại diễn ca nó thành một bài thơ lục bát. Đáng tiếc là bài
viết lại kèm theo những bươi móc về lý lịch tác giả, rằng nhà thơ này trước
1975 là “lính ngụy”, nhưng dấu không khai khi làm hồ sơ, được kết nạp vào Hội
Nhà văn Việt Nam.
Đáng lo thay về một cung cách phê bình văn chương!
Nhìn ra mình
Mỗi người làm thơ
phải làm thế nào để sức sáng tạo trong người vẫn luôn luôn mới mẻ và tràn trề?
Có lẽ mỗi người phải có cách riêng của mình. Ở nhiều nơi, tôi may mắn tìm thấy
câu trả lời bằng tác phẩm. Nhà thơ Lê Phương Châu là một ví dụ. Quê ở miền
thành cổ Diên Khánh, Khánh Hòa, chị có tác phẩm đầu tay in từ năm 1969, khi còn
là một nữ sinh ở Nha Trang. Trước 1975, chị có những bài từng được nhà nghiên
cứu Nguyễn Đình Tuyến lựa chọn đưa vào tuyển tập thơ hay. Sau biến cố 1975 cuộc
sống của chị trải qua những vất vả thăng trầm, phải ngừng bút suốt 23 năm. Sau
đó, khi tuổi đã khá, chị lại làm thơ trở lại và xuất bản đến nay thêm được 4
tập. Mới đây nhất, chị cho tôi xem bản
thảo thi tập “Như Dòng Sông Trôi Xa”, gồm những bài thơ liên tục tuôn trào
trong vòng hơn 4 tháng nay.
Tuổi đã cao, chị
tự nhìn lại mình. Những cảm xúc không xa lạ với nhiều người nhưng cách diễn đạt
khá thực, nên mới mẻ.
Một bài lục bạt chị làm hồi tháng 7-2013 khi chị sang Mỹ thăm người em
trai và người con gái ruột đang định cư ở California:
Rủ Bóng Đêm
Chân non bóng rủ trăng hờn
Tay trong tay đọng giọt mềm chiếu chăn
Xong rồi, bóng
rụng xa xăm
Tình ta như đã
sóng giăng ngút ngàn
tà dương soi
mấy nẻo đường
Nước tràn bờ
lũ, tứ phương cúi đầu
Liếc quanh
gương mặt nhám sầu
Gõ quanh gực
mỏng ngàn sao trở mình
Luân hồi-biển
ngọt-sóng êm
Ném bầu thơ dại
bên triền vô ngôn!
Hai câu thơ cuối là lời tự sự về cách sống an bình.
Một bài thơ khác, qua một loài hoa chị đưa nhiều cảm xúc về hình bóng
những miền quê hương in dấu:
Huyền sử Đỗ Quyên
hắt hiu bên tường rên lã chã
ôi đỗ quyên!
đã khuya-vọng âm tìm người
gió thiên thu chao nghiêng hàng cổ thụ
nát tan thời vàng son chạm trổ xa cừ
khắc ngọc bội bên án thư gia phả
tiếng gọi chiêu hồn
máu thịt rã tan
ta âm thầm phun châu
em hờn ghen nhả lệ
bờ sông ngân ngàn ghu tràn đá vỡ
dòng Dakla chảy ngược đậu bờ ngực thẳm cao nguyên
dòng sông Cái trầm tư xuôi về phố chợ
trăng viễn khơi đậu bến chân em
hồ cô lữ mông lung
tìm đỗ quyên-thánh nữ
mời em ngắm trăng thu
đọc thiên tình sử
ta gửi em xâu chuỗi tùy duyên
trôi xa miền thiên định
thâu đêm nghe huyền sử đỗ quyên
nhắm mắt lại chông chênh nỗi buồn
cơn lốc mùa phượng đỏ Tây nguyên !
Thơ tự tạo dựng
nên “mặt tiền” trên con đường nghệ thuật mỗi người.
Võ Chân Cửu (Lâm Đồng)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét