Một buổi sáng thức dậy,
nghe tiếng điện thoại:“Con khỏe không? Trời lập đông rùi con à. Con thấy lạnh không.
Nhớ mặc áo ấm nghen chưa?”. Tim tôi như thắt lại. Bỗng con thèm được về nhà,
quây quần bên bữa cơm gia đình, ăn những món ưa thích do mẹ nấu, nghe lời dạy
của mẹ biết dường nào.
Cha bỏ đi xa, để cho mẹ một
đàn con 7 đứa và gánh nợ to đùng. Thưở ấy, cuộc sống gia đình rất cực khổ. Một
nình mẹ phải bươn chải tất bật mới đủ lo từng bát cơm, cái áo cho các con. Rồi
chúng con đến tuổi đến trường, cuộc sống “cơm áo gạo tiền” lại làm cho đôi vai
gầy của mẹ trĩu nặng hơn, vầng trán của mẹ có nhiều nếp nhăn hơn. Thương con,
mong cái chữ làm cho các con thoát khỏi cảnh “dãi nắng dầm sương”, mẹ ngày đêm
vùi đầu vào công việc. Có những lúc, chúng con bị nhức đầu, sổ mũi thì mẹ còn
thức trắng đêm để chăm sóc cho chúng con.
Ngày ấy, những đứa con
thơ ngây của mẹ còn chưa hiểu hết những tháng ngày mẹ vất vả làm thuê, làm mướn
và lăn lội bắt từng con cua, con ốc giữa cái nắng trưa gay gắt để đổi lấy cho
chúng tôi miếng cơm, tấm áo. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mẹ đều đi từ sớm và
về nhà khi bóng chiều đã khuất sau hàng dừa. Cả ngày không nhìn thấy mẹ, mâm
cơm buổi trưa thiếu bàn tay mẹ, chúng con nháo nhác ăn cho qua bữa. Con Út
không chịu ăn cơm và làm nũng. Chị Ba phải cố gắng lắm mới dỗ dành được: “Đợi
chiều, mẹ về sẽ mua bánh và kẹo cho cưng mà. Ngoan đi, ăn cơm đi em…!”
Chiều về, anh chị em con
bồng bế nhau chờ mẹ về mua quà. Anh Hai bế con Út, còn chị Ba dắt tay con và em
Sáu, khi ấy con mới được năm tuổi. Vừa thấy bóng mẹ vừa xuất hiện trước bờ
sông, chúng con đã chạy ra và reo vang: “Ah, mẹ về kìa, mẹ về…!”. Anh Hai, chị
Ba đỡ lấy cây đòn gánh trên vai của mẹ, rồi vô nhà nấu cơm. Con và con Út ôm
lấy chân của mẹ. Mẹ đưa bàn tay chai sần và xoa đầu thơm lên đầu từng đứa một.
Con Út lại hay nũng nịu: “Mẹ, mẹ ơi mẹ có mua kẹo cho con không ạ?!”. Mẹ liền
lấy trong chiếc giỏ đệm dăm ba viên kẹo hay trái bắp chia đều cho chúng con.
Nhận quà của mẹ, đứa nào cũng vui như sáo.
Chúng con như bầy chim trưởng
thành, lần lượt bay khỏi tổ. Căn nhà thưa dần tiếng cười nói bi bô của các con.
Ngày tiễn con lên thành phố học, mẹ nói: “Lớn rồi, phải tập tự lập nha con”.
Lúc bước lên xe, mẹ nắm chặt tay con mãi và dõi theo chiếc xe lăn bánh đến
khuất dạng. Cho đến bây giờ, con vẫn nhớ như in ánh mắt của mẹ, ánh mắt dịu
hiền, ấm áp và ngời sáng niềm tin.
Thời gian thoăn thoắt
trôi qua, chúng con đã lớn khôn, đều có công việc làm ổn định thì mái tóc của
mẹ đã nhuộm trắng màu mây, đôi tay chai sạn. Có đôi lúc, anh chị em con tự nhủ:
để cho chúng con có một tương lai sáng lạng, không biết bao giọt mồ hôi và nước
mắt của mẹ đã tuôn rơi?! Cho đến bây giờ, chúng con có thể bước đi bằng đôi
chân của mình. Nhưng trong mắt mẹ lũ chúng con vẫn là những đứa trẻ, những đứa
con thơ dại ngày nào. Hễ điện thoại cho các con là mẹ lại dặn: “Trời lập đông,
tụi bây nhớ mặc áo ấm đi làm nghen, kẻo bị cảm lạnh là khổ thân. Nhớ mang theo
chai dầu gió bên mình nữa đấy… Ra đường, chạy xe cẩn thận nghen!”
Dù có bao nhiêu những ngôn từ cũng không thể nào nói
lên hết tình yêu bao la của mẹ đối với chúng con. Từ mẹ, chúng con đã biết yêu
thương và biết cách cho đi những yêu thương, mẹ ạ!. Mùa đông lại về, con lại
nhớ mẹ biết bao: “Cho con sống trọn tuổi
hoa. Mẹ không quản ngại đường xa sớm chiều. Oằn vai quang gánh liêu xiêu. Mẹ đi
bóng ngã cong theo tháng ngày”.
Vĩnh Sơn
(Tiền Giang)
Em là Vĩnh Sơn ở Tiền Giang ạ ! Anh Đào Văn Đạt giới thiệu nhầm tên em rùi ! Phạt anh ấy mới được !
Trả lờiXóaChào Vĩnh Sơn,
Trả lờiXóaMình sửa rồi. Không phải Đạt đâu. Cho mình xin lỗi. Chúc Sơn vui, khoẻ, và nhớ cộng tác thường xuyên nhé!