Ở cái thị trấn nằm
dọc theo quốc lộ này tuy không phồn hoa đô hội gì lắm, nhưng trong sự xô bồ của
cuộc sống muốn tìm một không gian yên tĩnh thiếu vắng điện đèn để thưởng thức
ánh sáng huyền ảo của vầng trăng cũng giống như một điều xa xỉ.
Không có cơ quan nào cho nhân
viên nghỉ ngày têt Trung Thu. Trung Thu năm nay lại nhằm ngày chủ nhật. Chàng
và nàng đều muốn có một chuyến dã ngoại.
- Anh và em đến nhà chị anh
chơi nhé!
Chàng đề nghị, nàng ngạc
nhiên:
- Đi dã ngoại sao lại đến nhà
chị anh?
- Nhà tụi mình ở thị trấn, hạ
lưu sông. Nhà chị anh ở thượng lưu sông, cách đây mười cây số. Vùng thuần nông
thôn, thơ mộng lắm em à.
Nàng hăm hở:
- Đi xe máy hả anh?
- Không, đi xe buyt!
- Sao không đi xe máy? Mình
muốn về giờ nào thì về. Đón xe buyt phải đúng giờ mới có.
Chàng nhỏ giọng như thổ lộ
điều gì đó bí mật:
- Mùa này chị anh đang thu
hoạch chuối. Anh sẽ lấy thân cây chuối kết bè rồi theo sông mà về. Vui lắm em
à…
Nàng nguýt chàng:
-Ồ! Anh thật lãng mạn…
* * *
Những dòng sông chảy từ Tây
sang Đông ở vùng miền Trung đất hẹp này thường cạn và trong nhìn thấy cát ở đáy
sông khi chưa đến mùa mưa lũ. Dòng sông quê chàng cũng không ngoại lệ. Thân mềm
của mười cây chuối được đâm thủng bằng hai cây mò-o ở hai đầu kết thành chiếc
bè đủ để chuyên chở hai người và một tình yêu. Chàng chống sào đưa nàng về thị trấn
trên chiếc bè chuối mát lạnh ấy. Đến đoạn sông thẳng, chàng gát sào cho bè từ
từ trôi theo dòng nước và bâng quơ nhìn ngắm cảnh vật chung quanh. Dòng sông nước
chảy hiền hòa. Hai bên sông, sau bờ cát trắng tinh khôi lấp ló những mái ngói
rêu hồng ẩn hiện trong vòm cây xanh hiền dịu. Tất cả mọi vật quanh chàng và
nàng đầy ấp tình yêu.
Ngồi sát bên nhau, cả hai
tưởng chừng như hãy còn khoảng cách. Chiếc bè chuối thân nước mát lạnh. Ngọn
gió heo may đưa hơi nước bốc lên cũng mát lạnh. Họ cần san sẻ hơi ấm cho nhau,
dù trong người chàng và nàng đang tự nóng dần lên và trong ánh mắt dường như
bừng đóm lửa. Không gian và thời gian ngừng lại. Hình như chiếc bè đã ngừng trôi
và dòng sông ngừng chảy. Chỉ có máu trong người chàng và nàng đang luân chuyển
mạnh mẽ như dòng thác từ cao đổ xuống. Chàng và nàng đổ sóng soài trên bè
chuối. Chàng đưa hai tay ấp hai bên má nàng. Nàng khép vội bờ mi như sợ ngón
tay của chàng sẽ chạm vào mắt mình, chứ không dám nghĩ rằng đôi môi mọng của
mình vừa hé mở chờ đón một nụ hôn. Sâu, dài, nóng bỏng. Nàng khó nhọc gỡ bàn
tay chàng ra, và nghiêng đầu sang bên mới mấp máy đôi môi thì thầm tiếc nuối:
- Hãy cố chờ đến tân hôn anh
nhé! Bao giờ mình cưới hở anh?
Chàng bừng tỉnh. Lòng tôn
trọng cách cư sử chuẩn mực của nàng trong nhiều tình huống cũng là một phần
trong tình yêu của chàng dành cho nàng. Chàng cố đùa mà giọng hãy còn tiếc
nuối:
- Em hoãn cho anh năm nữa.
Dành dụm đủ tiền để cất nhà cưới vợ chứ. Hiện giờ nhà anh lụp xụp, nghèo nàn
quá…
Ngắt lời anh, nàng nói, kéo
dài như ngâm nga:
- Tình yêu cao thượng mà anh…;
tim vàng hai quả… mái tranh một lều…
- Trời! Thơ thẩn dữ! Quả tim
vàng há, mưa dột nấp vào đâu? Mà nè, sắp có mưa thật rồi. Rớt vài giọt rồi này.
Nàng ngước nhìn trời… Trong
lúc chàng và nàng đều cảm giác như không gian ngừng lại, thì vạn vật vẫn đang
tiếp diễn. Bằng chứng là cơn mưa đầu mùa kéo đến tự bao giờ. Mưa dày và nặng
hạt. Mưa rơi vỡ mặt sông. Mưa ướt đẫm áo trắng của hai người. Khi quen nhau,
biết nhau đều thích màu áo trắng. Màu trinh nguyên thuần khiết. Từ đó họ yêu
nhau. Nước mưa không vị, không màu, trong suốt. Áo trắng chàng và nàng giờ đây
trở nên trong suốt lạ thường. Cái trong suốt ấy dán vào da thịt, lộ rõ những
đường cong nhấp nhô mềm mại trên thân thể nàng. Lộ rõ những cơ bắp chắc nịch
trên cánh tay và lồng ngực chàng. Hai người yêu nhau đều hiểu rằng cái lớp quần
áo trắng kia, trong cơn mưa kia, không còn ý nghĩa gì nữa. Bây giờ thì chàng và
nàng đều biết chắn chắn rằng mưa vẫn rơi, dòng sông vẫn chảy; vạn vật vẫn đang
tiếp diễn theo dòng chảy của nó, chỉ có chàng và nàng ngừng lại và hòa tan
trong mưa…
* *
*
Một tháng sau cái ngày bất
chợt gặp cơn mưa đầu mùa trên dòng sông thơ mộng ấy, anh và cô được hai bên gia
đình mau chóng tổ chức đám cưới. Cha mẹ cô đều không hài lòng lắm, vì gia cảnh
của anh tiêu biểu cho sự đạm bạc. Mái nhà tôn nhỏ thấp lè tè ven rìa thị trấn.
Anh mồ côi từ nhỏ, mẹ anh góa bụa ở vậy nuôi con. Mẹ anh tuy nghèo nhưng cũng
không hài lòng dù gia đình con dâu cũng có tiếng là giàu có ở thị trấn này. Con
gái con lứa gì chưa chồng mà dám… Cha mẹ hai bên đều có điểm chung là đều thuộc
những gia đình nề nếp. Sợ mang tiếng đời, họ đều gạt sang bên chuyện không hài
lòng để chung tay xây dựng hạnh phúc cho đôi trẻ.
Về sống chung trong thời gian
ngắn, mẹ anh càng củng cố niềm tin vào sự đánh giá của mình về đứa con dâu chưa
chồng mà dám chửa. Mới về làm dâu mà đã ốm nghén nằm lên nằm xuống thì thôi
chẳng nói làm gì. Dâu như con, huống hồ nó sắp sinh cháu cho ta, thương nó còn
không hết…Nhưng mà con gái con lứa gì vảy cá thì đánh xuôi, lặt rau thì ngược
từ gốc lên. Mỗi lần mưa to mất điện, nấu cơm lò than thì cháy hết phần ba nồi.
Áo quần mới xổ chỉ thôi thì đã mang ra tiệm. Trời ơi nhắc đến quần áo mới nhớ… Chỉ
biết phơi đồ thôi, không biết vò và vắt quần áo. Báo hại thằng con trai mình đi
làm về phải giặt đồ cho vợ…
Bà đem suy nghĩ ấy cắn đắng
với anh. Anh nhẹ nhàng năn nỉ:
- Mẹ thông cảm cho vợ con
với. Từ nhỏ đến giờ chỉ cắm đầu vào học. Ba má cô ấy không cho làm việc gì cả.
Đổi lại cô ấy học giỏi. Ra trường có việc làm ổn định. Trời sinh có luật bù trừ
mà mẹ. Được cái này thì mất cái kia. Với lại thời buổi này giặt đồ có máy giặt,
nấu cơm có nồi điện…
- À! Ý anh chê nhà mình nghèo
chứ gì. Biết nhà vợ anh giàu rồi, khỏi cần khoe. Chả trách con dâu coi thường
mẹ chồng.
- Con không có ý đó. Mẹ thư
thả rồi cô ấy làm quen với việc nhà.- Anh dè dặt tiếp- Cô ấy làm gì mà mẹ bảo
coi thường… hở mẹ?
- Đi mà hỏi vợ anh khắc biết!
Anh hỏi cô, cô ngán ngẩm:
- Trả lời thì mẹ sao dám cãi.
Không trả lời thì mẹ bảo sao cao ngạo coi thường. Anh bảo em phải làm sao?
Anh vẫn nhẹ nhàng:
- Thế cách nói của em thế
nào? Mẹ anh hơi cổ hủ với quan điểm công dung ngôn hạnh. Huống hồ là mình… sau
cái hôm mưa đó…hai gia đình mình cưới vội. Em thông cảm với người già, dịu dàng
nhường nhịn bà ấy một tý.
- Mẹ ác cảm với em vì chuyện
ấy. Mà em có lỗi gì. Tại anh cả đấy. Và tại hôm ấy trời mưa. Vuốt ve nịnh bợ
người ác cảm với mình ư? Có phải là giả dối không? Em không làm được.
Đến lượt anh ngán ngẩm:
- Vậy anh phải làm sao, hở
trời?
Anh không biết làm sao, nhưng
cô đã hành động. Cô nhờ mẹ ruột xin về dưỡng thai chờ đến ngày sinh nở với lý
do “con so nhà mạ, con rạ nhà chồng”. Bây giờ cô đã lờ mờ hiểu ra cái luật
người xưa đặt ra cũng có cái lý của nó. Mẹ chồng dù sao cũng không hiểu con
bằng mẹ ruột, mà mang con so chưa có kinh nghiệm chăm sóc thai nhi; chắc do vậy
nên người xưa mới đặt ra cái luật mà nhiều người không hiểu cho rằng lạc hậu là
“con so nhà mạ”.
*
* *
Trong thời gian chờ cô sinh nở, anh đã vội xây
nhà. Anh kiểm nghiệm đời mình cái gì cũng vội vàng hấp tấp như những cơn mưa. Anh
cần có một ngôi nhà rộng rãi khang trang để mẹ mình khỏi mang mặc cảm của sự
nghèo hèn. Khi người ta mặc cảm họ thường hay phản ứng. Sự phản ứng này đổ lên
vợ mình. Có phải vậy không? Dù sao thì mình cũng mơ hồ nhận thấy như thế. Anh
cần có đủ tiện nghi trong nhà để cho vợ khỏi phải nấu cơm bằng lò than, giặt đồ
bằng cách vò tay…
Xây xong nhà ở nơi cao ráo
giữa thị trấn, chờ vợ sinh con cứng cáp sẽ đón về. Nhưng bây giờ phải đón mẹ về
trước. Anh lo lắng và hụt hẫng khi mẹ nhất quyết không về. Bà cười nhạt:
- Hôm trước mẹ vợ anh có nói
riêng với mẹ rằng, bà ấy có góp một cây vàng để xây nhà. Sau này bà ấy có thể
về sống chung với vợ chồng anh… Còn mẹ tay làm hàm nhai, chỉ đủ nuôi anh khôn
lớn đến đây thôi, không còn tiền để góp thì làm sao mà ở?
Anh thất kinh:
- Mẹ vợ con nói vậy thật sao
mẹ?
- Mẹ nuôi con từ khi mới lọt
lòng… cha mày mất, mẹ đã ăn không nói có bao giờ chưa?
- Sự thật là vợ chồng con có
mượn của cha mẹ vợ một cây vàng, hen sau sẽ trả. Sao bà ấy lại bảo là góp vốn
để ở chung chứ? Thôi, ai nói gì mặc kệ, nhà của con, mẹ cứ về với chúng con.
- Mẹ không về đâu. Ở đây quen
rồi. Bao nhiêu là kỷ niệm. Lại còn bàn thờ cha mày đó. Ông ấy thường dặn dò, dù
nghèo cũng giữ lòng tự trọng…
Bà bỏ dở câu nói vì nghẹn.
Không sống gần đứa con trai một lòng bà xót xa như xát muối. Nhưng lòng tự
trọng của bà đã thắng nỗi đau. Bà nhất quyết sống dưới mái nhà tôn thấp lè tè
ven rìa thị trấn. Không thể thuyết phục được mẹ, anh đành ở lại nhà cũ. Ngôi
nhà mới xây đóng cửa để đó. Hy vọng có cháu mẹ sẽ thương cháu mà về.
*
* *
Đứa bé trai kháu khỉnh ra
đời, mang đến cho anh nỗi bồi hồi ngây ngất của người vừa mới được làm cha.
Suốt một tuần vợ sinh, mẹ anh luôn túc trực ở bệnh viện. Bà vui vẻ làm mọi việc
mà người nuôi đẻ phải làm với tất tình thương yêu không những dành cho đứa cháu
nội mà còn với cả con dâu. Hình như cô cũng cảm nhận được điều đó. Niềm hy vọng
mẹ sẽ về nhà mới sống chung với anh đước nhân lên lũy thừa bảy trong bảy ngày ở bệnh viện. Những ngày này mẹ
cô đột nhiên ngã bệnh hóa ra may…
…Rồi cũng đến ngày đầy tháng.
Bà ngoại cu tý lại vui vẻ nói với nội cu tý, lần này có nhiều người nghe, trong
đó có anh:
- Để sau ba tháng tôi sẽ cho
thằng rể đón vợ con về nhà mới. Mà này chị sui à, chúng nó xây nhà tôi có hùn
một cây vàng để sau này về ở chung với vợ chồng nó. Nhân đây cũng xin báo và
xin phép chị sui trước nhé.
Biết ý của bà ngoại, bà nội
vui vẻ nhẹ nhàng:
- Tôi hiểu ý chị rồi. Tôi
không sống chung với chúng nó đâu. Chị đừng quá lo như thế!
Dẫu biết bà ngoại vô lý và
quá đáng, nhưng hãy còn quá trẻ để biết phải hành xử thế nào trong trường hợp
này, nên anh giả tảng như không nghe thấy. Anh mong sao đừng ai nói gì nữa cả.
Nhưng sau phút sượng sùng vì lời nói thẳng của nội, bà ngoại định nói gì đó;
bỗng “rào rào, ào ào’…rồi…”rầm rầm”. Một cơn mưa giông rất lớn đột nhiên ập
đến, không ai có thể nói thêm gì. Không ai có thể nghe gì ngoài tiếng mưa dội
trên mái tôn. Một lần nữa, anh thầm cảm ơn mưa.
*
* *
Sau ba tháng “con so nhà mạ”,
đón vợ con về nhà mới cũng vào tết Trung Thu. Đúng một năm sau cái ngày đi bè
trên sông, anh và cô cùng thấy mình tan ra trong mưa…
Đêm đó, anh định bàn với cô
đến thưa mời mẹ về sống chung; hình như cô đoán được anh muốn nói gì. Trời mưa.
May quá trời mưa. Cô đến bên anh thì thầm:
- Anh có nhớ lần đầu mình gặp
mưa không anh? Trời mưa rồi kìa anh. Con nó cũng đã ngủ rồi anh.
Năm nay hình như mưa đến sớm
hơn mọi năm. Trong căn nhà ấm cúng, anh và cô cùng thấy mình hòa tan trong mưa.
Anh tự nhủ ráng thêm tháng nữa sẽ đón mẹ về.
*
* *
Tháng sau, vào một hôm mưa tầm
tã kéo suốt cả đêm không dứt. Không khí lạnh, anh uể oải chẳng muốn dậy sớm nếu
không có tiếng chuông điện thoại đổ dồn dập. Vẫn nằm trên giường, anh vói tay
đưa điện thoại lên tai. Giọng chị anh hốt hoảng:
- Em ơi! Nước sông lên cao
lắm. Ở đây nhà chị đã ngập rồi. Nghe nói hồ thủy điện hay hồ thủy lợi xả lũ ở
thượng nguồn, cộng với mưa lớn cả đêm nên nước dâng to lắm. Nhà mẹ ở gần sông,
sớm muộn cũng ngập. Em mau đưa mẹ bỏ nhà đến chỗ cao ngay em nhé.
Anh vùng dậy, khoác vội áo
lên người và lao ra phía cửa. Cô ngạc nhiên gọi vói theo:
- Còn sớm mà đi đâu vậy anh?
Trời còn mưa mà anh!
Anh chạy như ma đuổi trong
mưa. Anh ý thức rất rõ rằng khoảng cách mười cây số từ nhà chị anh đến đây
không phải là lâu so với vận tốc của dòng nước lũ. Nước trên đường bê-tông dẫn
đến nhà mẹ đã cao trên mắt cá chân. Nền nhà mẹ ngang mặt đường, vậy là nước đã
vào nhà mẹ. Nước tung lên theo từng bước chạy của anh. Nước mưa trên trời đổ
xuống. Nhưng anh vẫn thấy trong người nóng lên. Đến nhà mẹ, nước đã dâng lên
đến gối. Tung cửa vào nhà, anh ôm chầm lấy mẹ. Bà đang trùm mền ngồi co ro trên
mặt phản còn cách mặt nước khoảng một gang tay. Nhìn mí nước trên tường, anh
biết nước vẫn đang dâng lên rất nhanh. Anh buông mẹ ra và ra lệnh. Lần đầu tiên
trong đời anh ra lệnh cho mẹ mình: “Hãy ra khỏi đây mẹ ạ!”. Anh hấp tấp lội ra
sân. Cũng may chiếc sõng con vẫn còn chưa trôi mất. Chiếc sõng con chỉ chở được
một người. Kéo sõng vào nhà, anh quấn chăn rồi ẵm mẹ đặt nằm dài trên sõng. Cẩn
thận lấy tấm áo mưa cánh dơi đậy kín rồi đưa sõng ra khỏi nhà; nước đã dâng lên
đến ngực. Trời mưa lúc thưa lúc dày. Phần đầu, mặt và vai anh lạnh như cắt da.
Phần bụng xuống chân ngâm trong nước bạc càng lạnh hơn. Tê buốt nhức nhối tận
trong xương tủy. Cái cảm giác nóng vội như lúc lội nước chạy đi tìm mẹ hình như
không còn nữa. Anh cảm giác như mình đang chậm chạp run lên. Không, phải nhanh
lên, mình phải dìu chiếc sõng đi đến đường quốc lộ để vào thị trấn, để về nhà
mới của mình giữa thị trấn. Bỗng dưng anh cảm thấy xót xa, mình lại đưa mẹ về
nhà mới của mình trong một sáng tinh mơ mưa to gió lớn thế này. “Con đâu hả
con”. Mẹ anh từ trong chiếc sõng gọi vọng ra. Anh cố há miệng để hai hàm răng
khỏi va vào nhau lập cập, cũng có thể là anh cố há miệng để la to cho át tiếng
mưa: “Con đây mẹ ạ. Còn vài trăm mét nữa là đến đường quốc lộ rồi mẹ ạ.” Anh
biết vài trăm mét trong cơn lũ giữa dòng nước bạc lạnh như cắt thịt da không
phải là gần. Đường quốc lộ như con đê chắn ngang dòng lũ nước, nhờ vậy nên nước
chỉ dâng cao mà không xiết lắm, ngoài luồng nước chảy qua cầu. Anh cố đẩy chiếc
sõng trên đó có mẹ mình ra xa chỗ cây cầu. Càng xa càng tốt. Nước đã dâng lên
đến cổ. Anh cảm thấy toàn thân nhức nhối như có hàng ngàn giọt mưa tê lạnh quật
vào. Hai hàm răng anh càng lúc càng nhịp nhanh hơn. Anh hít hơi thật sâu và nín
lại thật lâu, như thể muốn dồn hết sức bình sinh xuống đôi chân để nó bước được
nhanh hợn. Anh có cảm giác nước dâng nhanh hơn bước chân mình. Dường như chân
mình không còn chạm đất. Anh biết mình đang đối mặt với sự nguy hiểm. Nếu chỉ
một mình, anh có thể bơi đến đường quốc lộ mà không hề hấn gì. Nhưng giờ đây,
anh vừa bơi vừa dìu chiếc sõng có mẹ mình trong đó. Răng anh không còn đập lập
cập nữa. Quai hàm anh cứng lại. Bàn tay và bàn chân anh đã bắt đầu tê dại. Toàn
thân anh không còn cảm giác nhức nhối nữa.
Nhưng không, một cơn đau thắt khủng khiếp từ bắp chân anh. Anh biết mình
đã bị vọp bẻ, bị chuột rút ở bắp chân. Toàn thân anh cong lại, tất cả mọi hoạt
động của tay chân đều dừng lại. Dù ai bơi giỏi đến đâu, bị chuột rút mà sống
được bao giờ! Anh lơ mơ nghĩ đến cái chết. Không, mình không thể chết. Chiếc
sõng của mẹ vẫn chưa đến được đường quốc lộ. Anh lơ mơ nghĩ đến đứa con mấy
tháng tuổi. Lơ mơ nhớ đến mình và vợ cùng hòa tan trong mưa trên chiếc bè xuôi
dòng sông hiền hòa để về thị trấn. Cũng dừng lại ở cây cầu kia. Sao bây giờ
dòng nước chảy qua cây cầu nó hung bạo thế? Anh cố mở to mắt. Hạt mưa có vẻ đã
nhỏ lại và thưa hơn, sao anh như thấy không gian mờ ảo hơn? Nhưng có một vật
anh nhìn thấy rất rõ. Đó là chiếc ca- nô cứu hộ lũ lụt đang lao về phía anh. Hình
ảnh chiếc ca- nô lóe lên rồi tắt ngấm. Gục mặt
xuống làn nước bạc, anh vẫn còn thấy mình bay lên và hòa tan trong mưa…
* * *
Cô bồng đứa con mấy tháng
tuổi nức nở bên quan tài chồng. Người mẹ một tay vuốt ve áo quan, một tay vuốt
ve đứa cháu nội. Bà không khóc được nữa, Bà muốn chết thay cho con. Người chết
đáng lẽ phải là bà. Bởi do lòng tự ái khiến bà không về sống chung với con
trai; nên trong mưa lũ nó phải đi cứu bà, mới ra thế này. Giờ này bà chợt nhận
ra ranh giới giữa sự tự ái và lòng tự trọng mong manh như sợi tóc. Bỏ tay ra
khỏi đứa cháu nội, hai tay bà vuốt ve áo quan và nói như con mình có thể nghe
thấy được:
- Tha tội cho mẹ nghe con.
Lỗi tại mẹ . Mẹ không về ở với vợ chồng con. Con ơi…
Cô trao con cho mẹ ruột đang
đứng gần bên, rồi ôm lấy mẹ chồng nức nở:
- Không mẹ ơi! Mẹ không có
lỗi. Lỗi là tại con. Con làm con mà không biết nhường nhịn mẹ, nên chồng con
mới chết thảm thế này. Mẹ ơi…
Bà ngoại cũng đau lòng. Bà
cảm thấy mình cũng có phần trách nhiệm
trong cái chết của con rể. Nếu mình không mưu mô, không lập kế hùn một cây vàng
xây nhà để về ở chung với con gái; để đánh vào lòng tự trọng của mẹ chồng nó
thì con gái mình đâu trở thành góa bụa. Bà nghĩ thế, nhưng bà không thốt ra
thành lời như hai người thân trực tiếp của người đã khuất. Bà không nói ra thì
sự day dứt cứ đè nặng lòng bà. Bà không muốn nghĩ đến điều ấy nữa, bằng cách
chăm chú lắng nghe những người đến phúng điếu con rể đang ngồi quanh chiếc bàn
tròn và bàn tán sôi nổi. Một người đứng tuổi nhất nói:
- Tôi nay thất thập cổ lai
hy, trên đầu chỉ một thứ tóc bạc trắng, chưa từng thấy thị trấn này ngập lụt
bao giờ. Thật đúng là một trận lụt lịch sử trước giờ chưa từng có. Nghe nói
trên thượng nguồn xả hồ thủy điện nên
nước mới to như vậy.
Người khác tuy nhỏ hơn nhưng
có vẻ hiểu biết hơn:
- Bởi tại mưa to quá. Nếu
không xả hồ, nhỡ vỡ đập thì chẳng phải là chết cả lũ hay sao?
Một kẻ khác lý sự:
- Nếu vậy thì đừng nên đắp hồ
thủy điện. Đắp làm gì, mỗi năm mưa to thì xả lũ làm nước ngập chết người, nhà
đổ, trâu bò gà vịt bị nước cuốn trôi, thiệt hại không thể kể hết được.
Người hiểu biết:
- Không đắp hồ thủy điện thì
lấy đâu năng lượng cho dân phát triển kinh tế.
Người lý sự:
- Phát triển rồi nước cuốn
trôi tất cả. Đáng lẽ sau mùa mưa mới được tích nước nhiều chứ.
Người hiểu biết:
- Sau mùa mưa thì nước đâu mà
tích. Điện đâu cho đủ? Điện không đủ sao phát triển kinh tế?
Kẻ lý sự:
- Phát triển rồi nước cuốn
trôi tất cả. Lẽ ra sau mưa mới tích nước…
Người đứng tuổi thất thập cổ lai hy cười khì
xen vào:
- Thôi, thôi! Hai ông đừng
cãi nhau vòng vo tam quốc nữa. Lòng vòng không đi về đâu cả. Ai nói cũng đúng
cả. Chỉ vì trời mưa lớn quá mà thôi!
Nghe đến đây, bà ngoại mừng
như bắt được vàng. Hơn thế nữa. Bà mừng như người bị cuốn trôi trong nước lũ
may mắn được kẻ khác đến cứu. Trí óc mưu
mô nhạy bén của bà vừa lóe lên một tia chớp. Bà đã biết cách để quên đi trách
nhiệm. Bà đi đến bên cạnh bà nội và con gái đang ôm nhau nhận lỗi về mình. Bà chuyển
tia chớp trong trí óc mưu mô của mình thành những lời lẽ khôn khéo:
- Này chị sui à! Này con gái
à! Dù sao thì chuyện cũng đã rồi. Dù sao thì chúng ta vẫn phải tiếp tục sống.
Đừng tự trách mình nữa. Không ai có lỗi trong chuyện này cả. Trách nhiệm không
thuộc về ai cả. Lỗi là bởi tại trời mưa.
Lê Đình Danh (Quy Nhơn)
Vâng. Lỗi bỡi trời mưa!
Trả lờiXóaChào anh Phương. Danh có hẹn đến nhà anh uống một chung rượu do anh cất, nhưng chưa đến được, là do... bởi tại trời mưa.
XóaĐọc truyện, tôi cứ hồi hộp, càng về sau càng nóng lòng như lửa đốt lo cho nhân vật. Cái kết cục buồn khiến lòng tôi đau thắt. Nhưng rồi đành tự an ủi mình, âu đó cũng là chuyện đời. Nhà văn giúp tôi nhìn ra nhiều mảng trắng đen của cuộc sống. Cảm ơn nhà văn với câu chuyện tinh tế, đầy suy ngẫm. Chúc nhà văn LĐD khỏe, gặt hái nhiều thành công trong chuyện đời, chuyện nghề nhé .
Trả lờiXóaEm viết nghiệp dư mà. Buồn thì viết cho vui, vui thì dạy con nó học. Em không muốn làm cái nhà mà trong nhà ấy không có cái gì cả. Em thích chị Tạ Hoa gọi em là chú Danh hơn. Chị nhé!
XóaTruyện của Lê Đình Danh thâm thuý là ở chỗ, bởi tại trời mưa! Nếu mà mưa biết nói thì Danh và Mưa sẽ ra toà. Phần thua sẽ thuộc về Danh đấy!
Trả lờiXóaChào bạn Trần Hòa. Bà ngoại trong truyện đổ lỗi cho mưa, Danh chỉ kể lại thôi mà. Văn chương nó trừu tượng thế, bạn ạ!
Xóa