Mỗi sáng sớm thức dậy tôi vẫn ra trước
hiên, ngồi nhìn ra ngoài suối, chờ. “Hôm nay giọng con nào sẽ hót trước?” Tôi
và người hàng xóm duy nhất là nhà thơ Triệu Từ Truyền vẫn đố nhau như vậy.
Thường thì con chim khách đuôi dài xanh đen vẫn về đậu chuyền cả hai nhà, nhưng
lại chọn một nơi để thốt lên: “khách…khách…”
Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Lương Vỵ (bên phải)
Chim kêu để khẳng định chủ quyền và gọi bạn tình,
nhưng chúng tôi thì vui mừng. Một người sẽ phải lo dọn dẹp để đón khách. Khi có
tiếng chim này kêu thì mười bữa như chục, không hề sai. Lại có những ngày chú
chim khách không đến sớm. Thay vào đó là dáng con bìm bịp. Nó về đậu, lặng im
xòe cánh ra như điệu vũ. Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi! Và chúng chỉ kêu lúc ban
chiều.
Nhưng tôi lại không buồn. Hôm nay đầu tháng 11 âm lịch
lại nhận được tin của một người bạn đang ở phương xa: nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.
Anh báo đang chuẩn bị xuất bản tập thơ thứ 8 vào tiết xuân 2014: “Những hòa âm, huyết âm, tinh âm, huyền âm
đã bay về mở hội trong 5 chữ 5 câu”.
Chị
chim bìm bịp đã giúp tôi hiểu thêm về loài chim cũng như con người, nhất là các
nghệ sĩ. Vạn vật thường say mê, quyến rũ từ
một trong 2 điều: màu sắc hoặc âm thanh. Có hay được cả hai, thì đó là
tuyệt tác. Chỉ có ngôn ngữ của thi ca mới hiện được điều ấy!
Nguyễn Lương Vỵ in tập thơ đầu tiên có tựa đề “Âm Vang
Và Sắc Màu” (NXB Trẻ-1991). Khi đó anh đã 39 tuổi, một bước nữa là đến thời kỳ
“nhi bất hoặc-hết nghi ngờ viễn mộng” . Thì ra ấy là sự lựa chọn, nói đúng hợn
là cái “vận” đã về, mãnh liệt hơn trước đó. Anh được công nhận là nhà thơ từ
những tháng năm còn rất trẻ. Bài thơ đầu tiên đăng trên
Bán nguyệt san Văn năm 1969 đã rất nổi tiếng, đến nay nhiều người còn
nhớ. Khi anh mới 17 tuổi và đang sống ở Quy Nhơn.
Nửa Đêm Thức Dậy Nhìn Mây Trắng
Lung linh hồn quê cũ
Mây trắng phủ khắp trời
Nhớ trăng khô hết máu
Muôn trùng dặm núi ơi!!!
Khi ấy, bài thơ được nhiều người thuộc là vì cả nước
đang trong cuộc chiến. Trong văn đàn Miền Nam, sự va chạm giữa các luồng tư
tưởng cũng như sự tìm kiếm của các trường phái thơ ca đang đến hồi cao độ. Anh
“hiện thực” luôn phê phán các cây bút “viễn mơ”. Các cây bút “cơ hội” vẫn
thường quy chụp anh này anh nọ là “ăn tiền” từ văn hóa Mỹ hay “phát ngôn” cho
“Mặt trận”.
Bài thơ Nguyễn Lương Vỵ thì không phải vậy. Anh đang
chịu nỗi đau phải xa nơi chôn nhau cắt rốn (Quán Rường, Tam Kỳ-Quảng Nam),
nhưng lại nhớ đến cái vầng trăng đang “khô
hết máu”! Chỉ những thi sĩ mới có thể liên tưởng đến nỗi đau của kiếp
người, hóa thân nó vào một hình hài vũ trụ, lại kết thúc bằng tiếng than
cho “muôn
trùng dặm”. Cái tứ và thể loại của bài thơ không mới; có khi tác giả lại có
xu hướng trở về cách diễn đạt và hình thức cổ điển, nhưng làm người đọc cảm
được nỗi đau của thời thế lẫn số phận nhỏ bé của con người!
Nói gọn, đó là một bài thơ hay. Và mặc dù là một bạn
thân của tác giả, nhưng phải đến khoảng 40 năm sau, qua một tiết lộ trong bài
viết của nhà thơ Du Tử Lê, tôi mới hiểu được vì sao Vỵ luôn ám ảnh hình tượng
của máu khô, huyết khô. Sống bên nhau, làm thơ cùng thời với nhau, nhưng Nguyễn
Lương Vỵ luôn cố tình giấu nỗi đau của mình. Cha anh là một trí thức yêu nước
bị bức tử man rợ khiến người vợ (là mẹ anh) đã thổ huyết xém chết khi chứng
kiến. Nỗi đau ấy về sau không bị anh quy chụp vào một thế lực chính trị nào mà
lại nhìn rộng hơn, xa hơn…
Năm 2000, Nguyễn Lương Vỵ cho in tập thơ thứ hai tên
“Phương Ý” (NXB Thanh Niên, Hà Nội) trước khi rời hẳn quê nhà để sang sống nơi
xứ người. Tập thơ ghép hai tên chữ rất thân yêu của Vỵ là con gái đầu lòng và
người cha ruột, có nhiều chỗ vẫn đầy ám ảnh hình tượng máu khi anh biết sắp sửa
đi xa, như bài:
Xa Xôi
Thơ
khắc trên ngực đá
Nghe máu bầm
trên cao
Xa
xôi hay máu đã
Đất
với trời thâm giao
Nhận ra “đất với
trời thâm giao”, để rồi sau tập thơ đầu tiên in ở Mỹ năm 2007 có tên “Hòa
Âm Âm Âm…” (NXB Thư Ấn Quán-USA), năm 2008 anh cho ra đời thi tập thứ 4, mang
tên “Huyết Âm”, gồm 81 bài thơ không tên.
Bài thứ 29:
Những dấu
huyết từ rất lâu trong đá
Cuồng âm mưa
Điên sắc nắng
Không lời
Không tiếng
nói
Đá rền câm
gót ngựa
Bờm hư không
Gió huyền ảo
Sóng đôi…
Trong tác phẩm thứ 4 là tập thơ “Huyết Âm”, hình như
Nguyễn Lương Vỵ có nhiều điều muốn nói với các nhà thơ “thời thượng” ở cả Việt Nam và
Mỹ. Lúc đó họ đang xưng là những nhà thơ “đương đại”. Thực ra những bài thơ có
câu chữ kết cấu theo kiểu nhiều người tự xưng là “tân hình thức” đã được anh và
nhiều nhà thơ trong nhóm “Tập san Văn Chương” sử dụng ở Sài Gòn khoảng
1972-1975. Nếu quá thiên lệch vào tìm kiếm chữ nghĩa hoặc âm điệu, nhà thơ dễ
sa lầy vào chủ nghĩa hình thức. Ở Mỹ, nhiều năm Nguyễn Lương Vỵ “vật vã” với
“âm… âm…”, nhưng đã cố tình hóa giải nó trong hình thức thể hiện. Bằng cách sử
dụng các thể thơ mang hơi hướm cổ phong trong tâm hồn “Việt Thi”.
Nếu chịu khó đó các tác phẩm văn học chữ Nôm từ thời
Hàn Thuyên mở cửa, người đọc sẽ nhận ra và yêu quý những trăn trở của nhà thơ
Nguyễn Lương Vỵ. Ngôn ngữ Việt Nam thuộc hệ tiếng đơn âm nhưng rất giàu nhạc điệu vì rất nhiều chữ điệp âm, có rất
nhiều chữ vừa là trạng từ, vừa là tĩnh từ, lại vừa làm một tán thán từ!
Cách
dùng từ của Nguyễn Lương Vỵ:
Em ơi trăng dịu dịu
Ảo ảo ngợp hồn ta
…
( bài Nguyệt
III, trang 180 thi tập Tinh Âm-2010)
Hoặc
như bài:
Muối Hát
Đồng
không thì mông quạnh
Em
không thì quá lạnh
Muối
hát trong lòng tay
Kết
tình lời mây bay…
( Thi tập Tinh Âm, trang 144)
Tôi không có ý định bình giảng về thi pháp hay thi
điệu, chỉ muồn bày tỏ nỗi lo nếu một thi sĩ quá sa lầy vào việc tìm chữ, chơi chữ. Bỡi lẽ khi đó, hồn
thơ dễ bị “để sang một bên”. Lúc này,
người ta thấy Nguyễn Lương Vỵ khá chấp vào hình thức. Sau “Tinh Âm” anh liên
tiếp xuất bản các thi tập “Bốn câu Thất Huyền Âm”-2011; “Tám Câu lục Huyền
Âm”-2013; và giờ đây, sắp sửa là “5 Chữ 5 Câu”…
Thể thơ 6 chữ là một sáng tạo của thi ca chữ Nôm, khởi
đầu từ thi hào Nguyễn Trãi (1380-1442). Có người nói rằng đó là tổng hòa giữa
các bài “thất ngôn bát cú” theo luật Đường Thi và thể thơ Lục Bát của Việt Nam.
Đáng lưu ý là ngôn từ trong các bài thơ 6 chữ xưa nay đều rất trong sáng, dễ
hiểu. Cuối 2012, tôi có 2 tháng sang Mỹ sống với Nguyễn Lương Vỵ. Khi về lại
quê hương, tôi xúc động nhận được bài thơ anh gửi tặng:
Một Mình
Mở
mắt lại thấy chiêm bao
Thấy
đêm xanh thẩm rì rào
Khuya hoan hỉ nên khuya thức
Bóng
hàm ơn nên bóng chao
Chuyện
vãn một mình lúp xúp
Tâm
tình muôn nẻo lao xao
Còn
may lắm đêm xinh nhỏ
Một
vùng trời một chấm sao.
(Bản thảo 2012)
Chim khách kêu rằng Nguyễn Lương Vỵ đang sắp sửa in
tập “5 Chữ 5 Câu”. Liệu đây có phải
cách chơi chữ của nhà thơ này? Thơ Việt Nam “ngũ ngôn tứ tuyệt” nằm trong thể
Đường Luật xưa nay đã có nhiều bài hay và nổi tiếng, trong đó có Nửa Đêm Thức Dậy Nhìn Mây Trắng” đã
trích dẫn ở đầu bài. Nay ông làm thêm câu thứ 5 để kết thúc bài. Liệu đó có
phải là kiểu vận dụng cách kết thúc những bài thơ 3 câu của thế Haiku Nhật Bản.
Nếu được vậy thì quả là đáng phục. Tôi chưa dám kết luận vì tâm hồn thơ Haiku
rất không giống với hồn thơ Việt Nam. Chỉ xin mạn phép đưa ra một
bài không đề trong tập sách anh sắp xuất bản để các bạn thơ cùng thưởng lãm:
đếm ngàn
sông trên lá
lá
ngu ngơ thở dài
thời
gian phai nhanh quá
là
chỉ nhớ một vài
giọt
sương tan ban mai.
Tôi cố tình tự ý cách đoạn câu thứ 5 thay cho kiểu
viết liền của tác giả để nhấn mạnh đến nghệ thuật kết thúc bài. Tôi nghe đâu đó
có bạn viết rằng đây là “một cú nhảy sau
cùng” của Nguyễn Lương Vỵ.
Sẽ không phải vậy đâu. Sáng nay trên ngọn cây bên dòng
suối trước nhà, chúng tôi nghe rõ ràng con chim khách đã kêu trước tiên…
Võ Chân Cửu (Lâm Đồng)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét