Từ khi lao vào kinh doanh,
buôn bán đầu óc tôi lúc nào cũng lo toan lời lỗ. Một lần trong bộn bề công việc
bên tai tôi vẳng nghe tiếng trẻ thơ đọc:
“ Chuồn chuồn ơi về đây ăn cơm với cá
Ngày mai tao
đội nón lá lại nhà mầy chơi”
Câu ca dao đơn giản vậy mà đã
làm cho tôi nhớ lại một thời của những trò chơi thơ ấu. Thế là bao sự nhọc nhằn
của công việc tạm gác qua một bên, ký ức tôi quay về với miền quê êm ả. Hồi ấy
quê tôi là vùng đất với đầy đủ các tố chất của một miền quê Nam bộ. Cũng thằng
Tí thằng Tèo, con Bé con Na, với con cá cọng rau, lao đau luống cày ải… Và có
những buổi trưa vắng bọn nhóc tụi tôi trốn ngủ rủ nhau đi bắt chuồn chuồn dọc
theo những bờ kinh, luống cỏ. Bắt được con nào bọn tôi ngắt một cọng hoa cỏ dại
gắn vào đuôi chuồn chuồn rồi thả cho nó bay. Đứa nào gắn cọng to thì chuồn chuồn
bay thấp, còn đứa nào gắn cọng nhỏ hơn thì chuồn chuồn cất cánh bay cao. Cứ thế
bọn tôi vừa chạy theo lũ chuồn chuồn bay thấp, bay cao vừa hát to: “Chuồn chuồn ơi về đây ăn cơm với cá/ Ngày
mai tao đội nón lá lại nhà mày chơi”.
Trò chơi thả chuồn chuồn thỏa
thích. Bọn tôi chuyển qua trò bắt chuồn chuồn cắn rốn để tập bơi. Lúc ấy trong
tâm trí non nớt của bọn tôi đứa nào cũng tin tưởng rằng chuồn chuồn cắn rốn là
một phép màu cho những đứa nào muốn tập bơi. Mặc dù trò chơi này rất đau đớn vậy
mà đứa nào cũng cắn răng chịu đựng để có một niềm tin vững chắc trước khi ngụp
lặn trong làn nước mát dưới cái nắng hè gay gắt. Thế là bao trò chơi dưới nước được
bọn nhóc chúng tôi tận dụng. Nào là trò bắt tôm bắt tép, trò trồng chuối leo
thang… Chắc tại được chuồn chuồn cắn rốn nên có đứa hăng say với trò chơi trồng
chuối dưới nước, hăng say đến mức đưa cả mông lên khỏi mặt nước và tuột cả quần
ra ngoài mà nó không hay, làm cho bọn con gái cười giòn cả con rạch…
Thú vui của trẻ con miền
quê bao giờ cũng mộc mạc, đơn sơ nhưng vô cùng hấp dẫn mà mỗi khi đi xa mấy ai
mang được nó đi cùng. Để một ngày nào đó công việc và cuộc sống bon chen dồn ta
về một góc, lúc đó trí óc của ta mới chợt nhớ và thèm một khung trời thơ ấu,
khung trời của sự bình yên…
Đào
Văn Đạt (Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét