Khi tôi đến tuổi nhận biết được cuộc sống diễn ra
chung quanh thì ông bà ngoại tôi đã mất từ lâu rồi. Trong ký ức của tôi, hình
ảnh của ngoại chỉ lờ mờ như sương ảnh, chắp vá, xa xăm; dì tôi đã trở thành
hình ảnh thay thế ngoại. Nhìn bề ngoài, dì tôi sống lặng lẽ, nhẫn nhục chịu
đựng với những ngày dài đằng đẵng chờ đợi, mong ngóng người thân. Cuộc sống
không khá giả, cuộc đời có nhiều trắc trở, éo le nhưng dì vẫn lo lắng các em
đến tận cuối đời. Dì là chị cả của hai người em là má tôi và cậu Út. Nhắc đến
dì không thể không nhắc đến cậu Út.
Cậu Út là người con cầu tự của ngoại tôi, sau khi đã
sinh đến sáu người con gái. Đông con nhưng ở lại với ngoại chỉ có ba người. Dẫu
sao, ông bà ngoại tôi cũng đã mãn nguyện vì có con cầu tự nối dõi. Từ nhỏ, cậu
Út được nuông chiều hết mực; cậu muốn gì thì đòi bằng được. Dì và má tôi – nhất
là dì – phải nhường toàn bộ những sở thích cho người em út. Dì nhẫn nhục chịu
đựng những đòi hỏi nhiều khi quá quắt của cậu, không một tiếng than van, hờn
trách. Tuổi thơ của dì lầm lủi trôi qua.
Rồi dì có chồng, một người hiền lành, có học ở làng
bên theo sự sắp xếp của hai gia đình. Khi đứa con gái đầu lòng chập chững học
nói tiếng “Ba” thì ông lên đường tập kết… dì lại một mình vò võ nuôi con. Những
đợt “Tố cộng, diệt cộng, ly khai” của chính quyền Sài Gòn khiến dì càng lặng
lẽ, chịu đựng. Dì lầm lũi sống mà lòng trông ngóng về người chồng, về một điều
gì đó thật mơ hồ…
Ông bà ngoại tôi lần lượt qua đời. Dì lại một mình
nuôi hai đứa em và đứa con còn nhỏ. Rồi má tôi có chồng, cuộc sống ổn định
nhưng đông con nên cũng ít về thăm dì. Cậu Út vẫn ngang ngược và lêu lổng nhưng
dưới sự chăm nom của dì, cậu cũng vượt qua chương trình trung học đệ nhất cấp,
tương đương với tốt nghiệp trung học cơ sở bây giờ. Cậu có vợ, sinh con tưởng
chừng như đã ổn định, hết những ngày làm khổ dì.
Chiến tranh ngày càng khốc liệt và lan rộng. Cậu Út
không thể trốn quân dịch mãi được. Cậu bị bắt lính. Tấm bằng trung học cậu giấu
biệt nên sau khi ở quân trường ra, cậu chỉ là anh lính binh nhì và bị đưa ra
chiến trường. Mợ Út lại về ở với dì. Hai người đàn bà dựa vào nhau mà sống,
cùng trông ngóng người thân đang ở những nơi chiến trường ác liệt. Mợ chỉ lo lắng về một phía nơi có người chồng
cầm súng bất đắc dĩ. Còn dì đã dõi trông về hai phía chiến tuyến vì nơi nào
cũng có người thân và đang chĩa súng vào nhau! Mỗi khi được tin cậu Út đang
đóng quân ở một vùng nào đó thì dì đã để lại nhà cho em dâu trông rồi tất tả
đến thăm… Được vài lần thăm viếng thì dì lại nghe tin cậu đã đào ngũ rồi, dì
lại nghe ngóng theo dõi từng bước đi của cậu. Nỗi giằng xé luôn thường trực
trong lòng dì. Bây giờ cậu đào ngũ, dì lại an tâm vì cậu không còn đối nghịch
với đồng bào, với người anh rễ nữa. Nhưng cậu đang ở đâu? Cuộc sống như thế
nào? Rồi lại những chuỗi ngày dì thấp thỏm ngóng tin cậu.
Dì vẫn vô vọng hỏi thăm tin tức của cậu Út. Chính
quyền Sài Gòn bắt cậu đi lính như bắt cóc bỏ dĩa. Dì vừa nghe tin cậu lại bị
bắt lính, tập luyện ở quân trường thì đã nghe tin cậu đến chiến trường, rồi
nghe tin cậu đào ngũ. Không biết bao nhiêu sắc lính cậu Út đã kinh qua và mỗi
lần vào một sắc lính là cậu khai cho mình một cái tên mới nên người quen có gặp
cậu nói lại với dì, dì tìm hỏi, với cái tên cũ thì không ai biết. Dì với cậu
suốt một thời gian dài như người chơi trò đuổi bắt trên thế gian rộng lớn này.
Niềm hy vọng lóe lên khi dì nghe tin cậu ở đâu đó, rồi lại tắt ngấm ngay khi dì
đến gặp toàn người xa lạ. Chỉ có một lần dì gặp cậu, nhưng không phải do dì
tìm…
Hôm ấy, dì đang ngồi trước sân phân loại thúng khoai
lang thì cậu cùng mấy người lính đến nhà. Cậu vừa gọi tiếng “Chị” thì dì đã
buông rơi nắm khoai lang trên tay ôm chầm lấy em, tay đấm thùm thụp vào lưng,
vào ngực cậu mà giàn giụa nước mắt. Dì lóng ngóng với đứa em mà quên mất những
người cùng đi. Cậu bình thản “Em chỉ tạt ngang ghé thăm chị rồi đi ngay thôi!”.
Dì mới giật mình mời những người cùng đi vào nhà. Nhưng tất cả đều từ chối vì
vội.
- Trên đường ngang qua nhà, em chỉ xin được ghé thăm
nhà ít phút…
- Cậu đóng quân ở đâu?
- Không, bây giờ em là lao công đào binh rồi, chỗ ở
không cố định!
- Sao thế?
-Vì tội trốn quân dịch và đào ngũ nhiều lần!
- Cụ thể là làm việc gì?
- Vác đạn vào chiến trường và khiêng thương binh, tử
sĩ về hậu cứ.
- Ôi, em tôi…
Rồi dì gọi:
- Mợ Út ơi, mợ Út… Cậu nó đã về rồi nè!
Mợ từ sau nhà tất tả chạy đến ôm chặt cậu Út như sợ
chỉ cần lỏng tay là cậu biến mất. Đứa con nhỏ ngơ ngác nhìn những người đàn bà
giàn giụa nước mắt. Mợ chưa kịp nhận ra mùi mô hôi của cậu thì ngoài đường
tiếng còi xe thúc giục mọi người…
Cậu lại phải ra đi.
Mợ và dì cứ chạy bộ theo chiếc xe chở cậu cho đến
khuất bóng mới thui thủi trở về. Đấy là lần gặp mặt cậu gần nhất, rồi lại nghe
tin cậu vào tù vì tội trốn tránh trách nhiệm cho đến sau năm bảy lăm.
Quê tôi, từ những năm sáu mươi đã là vùng tranh chấp
ác liệt. Những cuộc hành quân đi càn của quân đội Sài Gòn làm cho làng xóm thêm
tiêu điều, tang tóc. Một số gia đình vẫn bám trụ ở quê làm chỗ dựa cho những
cuộc tấn công của quân giải phóng. Dì lại một bổn hai quê. Dì tản cư sống ở
vùng tạm chiếm nhưng vẫn còn ngôi nhà ở vùng giải phóng nên vẫn thường đi về
thu hoạch hoa màu trên mãnh vườn xơ xác. Một lần dì bị lính bảo an bắt vì tình
nghi là có móc nối với quân giải phóng. Chúng nhốt dì ở chi khu, tra khảo, dụ
dỗ… nhưng không moi được ở dì một tin tức nào.
Không một hình thức tra tấn nào mà dì không trải qua. Từ việc cho uống
nước xà phòng đến bỏ vào giỏ thòng xuống giếng suốt đêm, từ cùm chân trong
phòng tối đến phơi nắng giữa trưa… Khi ra tù, dì như chiếc bóng vật vờ. Nhưng
từ đó, dì về nhà cũ ở vùng giải phóng dày hơn, có khi ở luôn đêm. Nhiều người
cho rằng người chồng tập kết của dì đã “quần kết” về hoạt động tại địa phương
và dì đã bắt được liên lạc. Thế nhưng, không ai biết được cụ thể việc dì làm. Chiến
sự ngày càng lan rộng. Con đường từ nhà cũ ở vùng giải phóng và nhà mới ở vùng
tạm chiêm thường in bóng của dì. Đến nỗi, ai cũng thấy việc đi về của dì là
đương nhiên. Thỉnh thoảng, dì lại đi đến các nơi đóng quân của quân đội Sài Gòn
để dò la tin tức của người em.
Bỗng nhiên, dì có chửa!
Không ai hiểu được tác giả của cái thai kia. Nhiều
người đoán già đoán non, tựu trung, là người chồng cũ đã về, dì và dượng rể đã
gặp nhau. Cái thai đã làm khó cho dì. Mọi người dị nghị, bàn tán, xầm xì, dè
bĩu… còn có thể làm ngơ nhưng bọn chính quyền thôn xã của chế độ Sài Gòn luôn
gọi dì lên làm việc, làm rõ nguồn gốc cái thai, quy chụp đủ tội danh. Chúng hy
vọng có thể tìm ra manh mối của dượng, của đường dây cách mạng… Nhưng rồi mọi
việc cũng qua… đến năm bảy lăm.
Dượng rể về!
Đó là một người đàn ông trầm lắng, ít nói, hiền khô!
Dì và dượng tiếp tục chung sống với hai người con
sinh trong hai giai đoạn lịch sử khác nhau.
Hạnh phúc đã đến với dì.
Cậu Út vẫn bặt tin!
Dì và mợ vẫn ngóng tin cậu. Nhưng dẫu sao dì vẫn có
dượng rể bên cạnh nên có phần tươi hơn, còn mợ như tàu lá chuối héo rũ, queo
quắt.
Rất nhiều nguồn tin về cậu. Có người khẳng định là
đã gặp cậu ở Nha Trang trong những ngày quân đội Sài Gòn tan vỡ. Có người thì
bảo đã gặp cậu ở miền Tây Nam bộ, có vợ con đề huề từ sau bảy lăm, nhưng cụ thể
ở địa phương nào thì không rõ. Có người ác miệng nói cậu đã chết trên đường số
bảy khi chạy từ Tây Nguyên về Nha Trang… và rất nhiều nguồn tin khác mà tin nào
cũng đáng tin cậy để dì vừa hy vọng vừa thất vọng. Mợ thì cứ thẩn thờ…
Lại một hạnh phúc bất ngờ nữa đến với dì.
Cậu Út về!
Vào một trưa đầy tiếng ve và nắng nóng, cậu xuất
hiện nơi bậu cửa. Một lần nữa, dì đấm thùm thụp vào ngực, vào lưng cậu:
- Cậu mày đi những đâu mà mấy năm nay không tin tức
gì vậy hả? Nơi nào đã giữ chân cậu?...
- Em ở tù mà chị…!
-Hả?...
- Ngày em đang ở tù tại nhà lao Nha Trang vì trốn
khỏi cảnh lao công chiến trường đợi ngày ra tòa lần nữa thì Nha Trang giải
phóng. Ra khỏi tù, em lại theo đoàn người di tản chạy vào Sài Gòn một cách mù
quáng. Để tồn tại trong cảnh hỗn loạn này, em tự trang bị cho mình những vũ khí
bỏ la liệt đầy đường. Khi được quân giải phóng kêu gọi những quân nhân từng cầm
súng dưới chế độ Sài Gòn ra trình diện, em cũng trình diện khai những sắc lính
đã kinh qua. Người ta chỉ tin em đã đi lính nhưng không tin em đã từng trốn
quân dịch và còn đương ở tù trong thời gian đất nước được giải phóng. Em được
tập trung cải tạo ở Tây Ninh. Nay được về. Anh chị xem giấy này để em ra trình
diện với địa phương…
- Thôi đi, chiến tranh mà em. Có ai kịp thời gian
suy xét mọi điều cho tường tận đâu.
Sau bảy lăm, mọi việc đều sáng tỏ. Mọi người đã trở
về đúng với vị trí của mình trong xã hội. Cậu mợ tôi cũng đã đoàn tụ, gia đình
êm ấm. Mọi tin đồn thất thiệt về cậu trở thành những đề tài bàn tán vui vẻ, sôi
nổi trong những ngày vui. Vợ chồng dì tôi cùng người con gái lớn tích cực tham
gia công tác ở địa phương. Dì cũng được nhà nước tặng Huân chương kháng chiến
vì có công xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch.
Gia đình dì giống như trăm ngàn gia đình có chồng
tập kết, kháng chiến… dù có hy sinh mất mát nhưng đã tràn trề hạnh phúc.
Nếu đời dì chỉ có thế thì cũng không đáng nói lắm!
Có một việc đến gần cuối đời của dì vừa đáng thương
vừa đáng trách; vừa sáng suốt vừa lẩm cẩm… Đó là khi chị Kỳ - người con gái đã
làm dì khổ sở - có chồng. Dì dẫn chị đến một mô đất bên bìa rừng bắt chị nhận
người đang nằm dưới kia là cha. Tại sao vậy?
Đó là một tên lính bảo an đã hiếp dì và chị Kỳ là
kết quả của lần hiếp ấy.
Dì dặn dò:
- Người nằm dưới này không đáng con tôn trọng nhưng
là người đã sinh ra con. Mẹ đã hận ông ấy đến xương tủy và kết cục là như thế
này đây…
- Vậy là…
- Mẹ đã giết và cũng tự tay đào huyệt chôn ông ấy!
- Thế mà…
- Cha con bây giờ đã bỏ qua tất cả! Chiến tranh mà!
Ông đã hiểu mẹ, tha thứ, không, thông cảm cho mẹ để các con có cha. Tấm lòng
của cha con thật bao dung, độ lượng… Cả đời này, kiếp này mẹ con ta không thể
nào trả hết được. Mẹ đã im lặng gần ba mươi năm. Con đừng hỏi vì sao mẹ đã giết
người sinh ra con và cũng đừng hỏi sao mẹ lại nhẫn nhục chung sống với cha con.
Chiến tranh đã làm xáo trộn mọi thứ và hòa bình đã hàn gắn biết bao vết thương.
Sau đó không bao lâu dì tôi qua đời. Trước khi mất,
dì tôi nắm tay từng người nói qua hơi thở “Hãy…hiểu cho tôi… chiến tranh mà…!
Ngày cuối cùng trên thế gian này, dì tôi rất thanh
thản.
Ngô Văn Cư
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét