Mẹ tôi rất ít khi nói một câu ngọt ngào với
con cháu, không rầy la nhắc nhở thì cũng ta thán về một điều gì đấy, có khi nhỏ
xíu. Nói chung, có vể như mọi sự, mọi chuyện con cháu không khi nào làm hài lòng
bà. Ngay từ nhỏ tí tôi đã thấm điều này và ê ẩm, tủi thân khi nghe nhìn sự dịu
dàng tinh tế của mẹ người ta chỗ này chỗ khác, thậm chí trong sách và phim ảnh!
Tôi là “chuyên gia” đi chợ, ngay từ thời
lớp 1, lớp 2. Những không khi nào mẹ tôi hài lòng về chuyện mua sắm của tôi,
khi thì quá mắc- mà có mấy nghìn đồ ăn thôi- khi lại bị la vì mua đồ không ngon.
Riết tôi đối phó bằng cách… nói dối. Mua mắc nói rẻ, thêm cân bớt lạng cho phù
hợp kiểu “hợp thức hóa” như bây giờ người ta thường nói. Học hành tới đèn dầu
cháy khét tóc vì ngủ gật, vẫn bị la như thường, cho dù mẹ tôi gần như mù chữ!
Nhất là ăn mặc, từ lớn chí bé đến giờ, mặc áo nào cũng có ý kiến của mẹ tôi
duyệt, nào cự lại thì nhứt xương vì những lời chì chiết của bà! Nói thì bất
hiếu, song quả thật tôi và mấy đứa em xẩu mình, ê ẩm khi nhắc đến mẹ, sợ nhiều
hơn thương. Có cảm giác không một milimet nào lọt khỏi quan sát của bà, không
có sự biến đổi nhỏ nào không bị quản lý, và chuyện làm mẹ hài lòng là bất
khả thi. Tôi cũng không dám đặt câu hỏi: mẹ mình có thương mình không, tại sao
lại khắc nghiệt đến như thế. Nhưng cho dù không đối diện với câu hỏi đó, giữa
tôi và mẹ, mấy đứa em tôi và mẹ và sau này giữa bà – cháu luôn có khoảng cách
nào đấy.
Tôi thèm làm sao một tiếng ngọt ngào, một
lời an ủi, hay một cử chỉ nhẹ nhàng của mẹ, và ước gì nghe một tiếng khen. Song
tất cả những thứ ấy không bao giờ có. Trong lòng có cái gì đó vơi đi, không
đầy. Cho dù mẹ tôi thực sự hết lòng lo cho con cháu bằng tất cả khả năng.
Chúng tôi không có cha, mẹ đơn thân nuôi
các con trong khi học hành nghề nghiệp là một con số không. Bà chỉ làm
những việc nhỏ bé giữa chợ đời: bán một thau xôi, một thau cốm dẹp, hay một xịa
bánh mì… Sáng bán, trưa bán, chiều bán; khuya cũng thức làm cái gì đấy. Khi cả
xóm còn yên giấc mẹ tôi đã họp chợ với món hàng bé xíu của mình, bao nhiều năm
trời đằng đẵng. Và chúng tôi sống giữa chợ không trông chờ vào cái gì khác
ngoài những món tiền lẻ mẹ kiếm được bằng mồ hôi, nước mắt. Chúng tôi được nuôi
lớn lên, song sự hụt hẫng về tinh thần, sự thiếu thốn tình cảm là có thật, thèm
thuồng khao khát sự âu ếm như chúng bạn.
Nhưng nghĩ lại, nghĩ kỹ, thật kỹ mới thấy
khoảng cách ấy có lý do của nó, và thật buồn khi nhận thức như thế chỉ mới có
gần đây thôi. Mẹ chi li thái quá tiền bạc tới từng đồng bạc lẻ bởi vì mẹ kiếm
tiền có dễ đâu, bán bao nhiêu gói xôi mới được một nghìn tiền lời? và bao nhiêu
ổ bánh mì mới đủ tiền cho con mua vài quyển vở? Để con có một chiếc áo có khi
mẹ phải mất hàng tháng trời chắt chiu. Hở chút mẹ la mẹ mắng vì Người xót xa sự
hoang phí, cho dù sự hoang phí ấy đối với người ta, và có khi là các con bà,
chẳng là gì.. Tôi đã hiểu. Nếu không có sự nghiệt ngã ấy, sự chặt chẽ đến nghẹt
thở ấy, liệu bà có nuôi nổi đàn con với hai bàn tay trắng giữa chợ đời củi quế
gạo châu? Môn lo gich có nguyên lý: cái gì cũng có lý do của nó. Quả thật,
khoảng cách giữa mẹ và chúng tôi có lý do chính đáng mà giải mã được thì nước
mắt tràn mi.
Hiểu được như thế tôi và hy vọng là cả mấy
đứa em, mấy cháu, không còn thấy khoảng cách nào nữa hết, mà chỉ còn là tình mẫu
tử, lòng mẹ bao la như biển Thái Bình.
Nguyễn
Thành Công (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét