Nhà của tôi cách nhà anh không
xa lắm. Thuở nhỏ, anh trong mắt tôi là một thằng nhóc loi nhoi, người ốm ròm
như que tăm, hai chân cao lều nghều, da thì đen như cột nhà cháy. Đoạn đường từ
nhà anh qua nhà tôi phải băng qua một con lộ, anh xóm trên, tôi ở xóm dưới.
Vậy mà, hình như anh không bằng lòng với cái xóm
trên ấy, nên cứ thường xuyên xuống xóm dưới. Hôm nào đi học về, tôi cũng
thấy anh cùng mấy đứa bạn bên nhà chơi trò tạt lon, không thì đào lỗ bắn bi.
Có lần đi học về, tôi thấy ông Ba nhà cạnh bên xách
lỗ tai anh lôi đi. Nghe tiếng anh la oai oái, tôi vội hỏi ông Ba có chuyện gì,
ông liền nói:
- Dám nhảy vô nhà tao ăn trộm khế. Tao lôi về nhà
méc ba má nó.
Tôi can ông Ba và xin tha cho anh, ông lại tức tối:
- Tha cái gì mà tha, tao canh me nó mấy lần rồi mới
bắt được, lần này thì cho nó biết tay...
Anh nhìn tôi với đôi mắt cầu cứu, lúc đó, tôi vừa
thấy anh tồi tội, vừa thấy anh đáng ghét nhưng cũng không nỡ để anh bị đòn, vì
tôi biết ba của anh rất khó tính, ông ấy đánh con cũng rất dã man nên tôi đành
nói dối:
- Thôi ông Ba tha cho ảnh đi, để mai con vô con méc
cô, ảnh sợ cô giáo hơn sợ ba.
Chẳng biết ông Ba nghe tôi nói có chí lý hay không
mà thấy ông có vẻ dịu lại. Bàn tay to đùng của ông thả lỗ tai anh ra, bất ngờ
anh cắm đầu cắm cổ chạy một mạch đi…
Trước sân nhà tôi có một cây chùm ruột rất sai
trái. Ngoại tôi trồng để dùng bóng mát chứ không lấy trái, nên mỗi đợt vào
mùa là quả chùm ruột chín rụng đầy vườn. Tôi là con bé hay mơ mộng nên mỗi khi chiều
về thường ngồi trong nhà và ngắm ra hướng cây chùm ruột. Bữa đó đang ngồi làm
bài thì tôi nghe tiếng anh gọi:
- Vân, Vân, mày ra đây tao cho cái này nè!
Tôi nhìn ra thấy bóng anh lấp ló ngoài cổng, cái
tay vẫy vẫy, đôi mắt tinh nghịch cứ hấp háy.
- Cái gì vậy?
Anh chìa ra cái áo bọc đầy những quả khế chín vàng
ươm. Tôi trợn mắt nhìn anh:
- Lại đi hái khế nhà ông Ba nữa hả, bị bắt một lần
chưa sợ sao?
- Mắc gì sợ, tại nhà ổng trồng khế ngọt, ăn ngon lắm.
Tao biết mày cũng thích ăn mà giả bộ, tao hái cho mày nè!
Tôi lè lưỡi chọc quê anh. Tuy tôi thích ăn khế nhà
ông Ba thật, nhưng mỗi lần muốn ăn thì tôi qua xin đàng hoàng chứ không hái trộm
như anh. Mà ông Ba cũng chỉ lượm những quả khế rụng cho tôi thôi, khế trên cây ổng
để dành bán nên tụi con nít chẳng ai ưa.
- Cảm ơn mày nha!
Tôi tròn mắt ngạc nhiên.
- Thì cái vụ hôm bữa mày giải cứu cho tao đó, không
thì tao bị ba đánh rồi.
- Ừ, mai mốt đừng có lấy trộm khế nữa.
- Mà công nhận nha, mày nói xạo hay thiệt đó, mai mốt
mày đi làm diễn viên đi, chắc nổi tiếng lắm đó… Ha ha.
- Đồ khùng!
Nói rồi tôi bỏ đi vô nhà, trên tay vẫn còn cầm chiếc
áo của anh, bọc đầy những quả khế chín vàng...
Từ cái vụ tôi giải cứu cho anh và từ những quả khế
vàng ươm đó mà tôi và anh bắt đầu thân với nhau. Chơi với anh tôi còn phát hiện
ra anh là một người tuy có chút phá phách nhưng rất thông minh. Anh học trên
tôi hai lớp, lẽ ra tôi phải gọi bằng anh, nhưng vì ở gần nhà lại quá hiểu nhau
nên chúng tôi gọi nhau bằng mày tao, lâu dần quen miệng. Hôm ấy anh rủ tôi ra
ngoài đầu ngõ nói:
- Ê, chơi trò ma lon không?
Tôi chớp mắt, lắc đầu chẳng hiểu trò ma lon chơi
làm sao nên hỏi:
- Trò ma lon là trò gì?
- Mày ngu quá, thì con ma nó nhập vô cái lon, rồi
cái lon nó lăn đuổi mình chạy gọi là ma lon, hiểu chưa.
Tôi gật đầu ra vẻ hiểu biết, nhưng vẫn hỏi lại.
- Làm sao để cho con ma nó nhập vô cái lon.
- Thì mình cầu nó lên.
Tôi tò mò muốn biết con ma lon nó ra làm sao nên
nghe nói vậy liền gật đầu ngay.
- Nhưng mà cái trò này, chơi có tao với mày thì
không vui. Mày rủ thêm mấy đứa trong xóm chơi đông mới vui.
- Ừ, để tao về rủ liền.
- Khoan đã, nhớ kêu tụi nó gom tiền, mua đồ để cúng
nghen.
Mấy đứa con nít xóm tôi nghe nói cũng khoái chí,
không ngần ngại đứa nào cũng đưa tôi vài trăm đồng hùn tiền mua bánh kẹo để
cúng…
Tối đó, đúng bảy giờ. Sau khi chúng tôi làm bài
tập xong, cùng nhau hăm hở tập trung tại ống cống đầu đường. Anh mang theo một
cái đĩa, vài cây nhang chôm được ở nhà và hộp quẹt.
Chúng tôi bu xung quanh, mặt đứa nào đứa nấy hớn hở
nhưng cũng run lập cập, vì tò mò, mà cũng hơi sợ ma. Anh bày bánh ra đĩa, rồi
nói tụi con nít xếp thành vòng tròn. Anh thắp nhang và khấn vái như phù thủy,
nói lảm nhảm gì đó trong miệng mà tôi chẳng nghe được. Rồi đột nhiên cái lon
rung rinh, bọn con nít mặt đứa nào đứa nấy xanh như tàu lá chuối.
Đến khi nghe tiếng anh la lớn: “Chạy đi tụi bây, ma
nó nhập vô cái lon rồi kìa”. Cả đám túa ra chạy tán loạn, vừa chạy vừa la. Anh
cũng chạy, tôi chạy theo anh, kỳ lạ thay chiếc lon nó cũng lăn theo anh. Bọn con
nít sợ quá mỗi đứa một hướng chạy về nhà mình, tôi là con gái nên chạy chậm và
bám theo anh mà chạy…
Anh chạy rất nhanh, chiếc lon cũng lăn nhanh, anh
chạy chậm thì chiếc lon lăn chậm. Tôi vì sợ quá nên chạy hết nổi, rồi vấp phải
hòn đá té lăn quay, làm chân chảy máu. Thấy tôi té, anh lại gần đỡ tôi dậy,
cái lon vẫn đi theo anh. Tôi la lớn, anh càng lại gần tôi càng la lớn, vì tôi sợ
cái lon chứ không phải sợ anh.
Hàng xóm nghe tiếng la quá lớn của tôi nên đổ xô ra
xem, thấy chân tôi đầy máu mà mặt xanh lè mọi người hốt hoảng, tôi không cho
anh tới gần vì cái lon cứ bám theo anh. Đến lúc này anh mới thú nhận:
- Đừng sợ! Đừng sợ. Tao cột cái lon vào chân bằng cọng
chỉ, chứ hổng phải ma lon đuổi gì đâu.
Anh cầm cái lon và bứt cọng chỉ ra, rồi xé vải
áo băng bó vết thương ở chân tôi, lúc đó tôi mới hoàn hồn và òa khóc nức nở
vì đau. Sau lần đó, mẹ cấm không cho tôi chơi với anh nữa.
Tám năm sau, ba anh được đi xuất ngoại, nhưng anh
và mẹ ở lại. Anh vào lớp 12, còn tôi học lớp 10. Dường như khi đã quá thân
nhau, tôi xem anh như một đứa bạn gái, còn anh coi tôi như thằng con trai. Chẳng
có chuyện gì mà tôi không kể cho anh nghe. Trong lớp tôi thích ai, ghét ai, anh
là người biết trước hết. Có hôm, bị một thằng bạn lớp kế bên chọc ghẹo, tôi
méc với anh, qua hôm sau thấy nó nhìn tôi lẳng lặng rồi cúi mặt lủi đi
chỗ khác. Tôi ngày càng hãnh diện vì mình có một hiệp sĩ bên cạnh.
Anh lớn lên càng đằm tính. Rồi một hôm, đang ngồi
trong sân trường tôi thấy anh khóc. Tôi rủ anh ra quán nước mía hỏi chuyện mới
biết, ba mẹ anh ly hôn. Ba anh ở nước ngoài rồi lấy vợ bên đó luôn. Anh nói với
tôi là không có ý vọng ngoại, nhưng nghe cái tin ba mẹ ly hôn vẫn là một cú sốc
lớn lần đầu trong đời anh. Tôi chỉ biết ngồi bên cạnh mà chẳng biết nói gì, uống
ly nước mía mà sao thấy nó đắng nghét.
Chiều tan học, tôi đứng đợi anh dưới gốc phượng
già. Anh cầm xấp hồ sơ hớn hở chạy lại bên tôi hỏi:
- Vân! Dũng nên thi trường nào?
Tôi ngơ ngác nhìn anh. Từ bao giờ, chúng tôi đổi
cách xưng hô từ mày tao sang tên vậy cà! Rồi bỗng dưng mắt tôi cụp xuống, anh
làm hồ sơ thi đại học, cũng có nghĩa là anh sắp phải rời xa tôi rồi. Tôi nói lí
nhí trong họng:
- Vân đâu có biết, sao lại hỏi Vân?
- Tư vấn đi mà. Nếu không học ở đây thì anh sẽ
đi du học quá…
Dũng vô tư không hiểu tôi đang buồn, tôi biết mình
hơi vô cớ nhưng tôi là con gái mà. Tôi sắp khóc rồi đây, mắt tôi bỗng dưng mờ
đi.
Tôi về nhà trong tâm trạng rối bời. Mấy ngày sau
tôi lẩn tránh Dũng, anh chẳng hiểu tôi giận anh chuyện gì nhưng anh không có dịp
gì để hỏi. Mấy hôm nay mắt tôi có dấu hiệu mờ đi, tôi cảm thấy mỏi mắt khi phải
chăm chú nhìn vào một vật gì đó lâu. Rồi một hôm, khi đang ngồi học, tôi bỗng
dưng bị chảy nước mắt, trước mắt tôi bỗng dưng tối sập lại…
Ngồi bên phòng ngoài, tôi nghe tiếng của mẹ tôi
đang khóc, còn bác sĩ thì nói lớn.
- Tại sao để đến giờ này mới chịu đem con đi khám.
- Bác sĩ ơi, còn cách nào không?
- Muộn quá rồi, bây giờ mà có phẫu thuật cũng không
có kết quả tốt. Mắt con bé bị bung võng mạc. Vết rách đã khá lớn và thủy dịch
từ cầu mắt sẽ tràn qua võng mạc vào thành trong của mắt, khiến võng mạc bong
ra, gây quáng gà hay một điểm mù cho người bệnh.
Tôi thấy tim mình như vỡ ra, mắt tôi ứa nước, thứ
nước mằn mặn chảy xuống môi. Tôi ôm mặt, chạy ra khỏi hành lang bệnh viện…
Tôi ngồi cùng anh trong quán trà sữa, thứ nước ngòn
ngọt và béo béo mà tôi vẫn thường thích sao hôm nay tôi thấy nó nhạt nhẽo
quá. Nhưng tôi vẫn nở nụ cười và vẫn lí lắc trước mặt Dũng.
- Anh đã quyết định thi trường nào chưa?
Anh ngạc nhiên nhìn tôi, vì đột ngột đổi cách xưng
hô khiến anh sững sờ, nhưng nhìn mặt anh vui lắm.
- Anh quyết định rồi, nhưng em đoán xem, anh thi
trường nào?
Tôi lắc đầu, và nhìn Dũng thật lâu.
- Em không thích đoán, vì cuộc đời không biết trước
được ngày mai.
- Trời đất, hôm nay nói chuyện như bà già vậy ta.
Anh thi đạo diễn điện ảnh.
- Sao lại chọn cái ngành đó, em nghe nói là tốn tiền
lắm!
Đột nhiên anh nắm lấy tay tôi và nói khẽ:
- Sau này hết lớp 12, em hãy thi vào lớp diễn viên
nghen! Có anh rồi thì em sẽ là một ngôi sao sáng.
Tôi ứa nước mắt, không biết đó có phải là những lời
chân thành từ anh hay không, nhưng dù sao thì tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Tôi
rút bàn tay mình lại, mỉm cười thật tươi rồi nói bâng quơ:
- Sến rện à ông ơi! Nói giống như trong phim Hàn
quá.
Anh lại cười.
- Em không nghe người ta nói hả, tuổi trẻ bây giờ
yêu như phim Hàn, hành động như phim Mỹ, có gì đâu mà ầm ĩ.
Ánh mắt anh vẫn tinh nghịch như thuở nào, nhưng giờ
sao tôi thấy nó đẹp quá. Chắc vì tôi sắp phải xa nó, không còn được nhìn thấy
nó nữa nên tôi thấy nó đẹp chăng.
Tôi bắt anh chở tôi đi dạo bằng chiếc xe tay ga
nhỏ xíu của anh, không biết từ bao giờ tôi thích cho xe chạy qua những chiếc
cầu trên sông. Khi chiếc xe lên đến đỉnh cầu, tôi bảo anh tắt máy và thả tự do,
tôi thấy mình đang rơi và đang trôi giữa dòng chảy của cuộc sống, thật thú vị
biết mấy.
Tôi hoảng loạn khi một buổi sáng thức dậy, biết
mình đã bị mù hẳn. Tôi khóc, nhưng những giọt nước mắt cũng bỏ tôi ra đi, nó đã
khô cạn. Tôi sờ lên gương mặt mình, từ nay tôi không còn thấy được nó nữa.
Tôi không biết mình ở trong phòng đã bao nhiêu ngày
rồi. Nhưng khi tỉnh lại, tôi có cảm giác như anh đang ở bên cạnh tôi. Mẹ nói
tôi không ăn uống gì nên đã ngất xỉu, phải truyền nước và truyền đạm. Mẹ sợ cái
tính ương bướng của tôi nên đã gặp anh và nói hết sự thật, mặc dù tôi đã căn dặn
mẹ biết bao nhiêu lần là không được nói. Tôi lẩn tránh và xua đuổi nhưng anh vẫn
nhỏ nhẹ.
- Đồ khùng! Anh đã biết chuyện này từ lâu rồi.
Tôi ngỡ ngàng.
- Làm sao anh biết.
- Mẹ anh cũng là bác sĩ trong bệnh viện đó mà.
Tôi chơi với anh từ nhỏ nhưng chưa bao giờ biết mẹ
anh là bác sĩ bởi tôi chưa từng hỏi, và cũng chưa từng vào thăm nhà anh. Anh chẳng
bao giờ khoe khoang về gia đình. Bàn tay anh từ từ chải tóc cho tôi, những lọn
tóc rối vì nằm vùi cả mấy ngày.
- Anh sẽ là đôi mắt của em nhé! Không bi lụy, không
sến rện.
Tôi phì cười, dù trong lòng chẳng vui chút nào,
nhưng vẫn cố gượng cười méo xẹo.
- Nhưng em thấy anh sến rện à!
- Sắp sinh nhật rồi đó, muốn anh tặng gì, suy nghĩ
thật kỹ trước khi quyết định nhé!
Đắn đo một lúc, tôi đưa ra quyết định.
- Một chiếc áo ấm màu thiên thanh! Để khi mùa đông
đến mà không có anh, em sẽ mặc nó.
- Rồi, cũng sến như con hến mà nói ai.
Tôi như thấy được bầu trời đang trong xanh trở lại…
Vậy là anh đã đi du học được gần một năm.
Vì không muốn làm anh thất vọng, nên tôi bắt đầu tập làm quen với sách nói, với
những con chữ nổi, máy tính. Tôi bắt đầu thích nghe đọc truyện, nên anh gửi
mail cho những phần mềm đọc sách, tôi nhờ người cài vào máy tính, để bàn
phím có âm thanh dễ sử dụng.
Khi quen lại với máy tính, lần đầu tiên tôi có thể
chat với anh mà không cần phải nhìn. Tôi có thể đánh tứ tung các con phím, còn
anh khi trả lời hay nói chuyện với tôi, anh phải viết đúng dấu và đúng chính tả
thì tôi mới nghe được.
Tôi bắt đầu tập viết về thế giới của riêng mình,
truyện tôi viết ra độc giả đầu tiên là anh. Rồi anh gửi đường link cho tôi những
trang web truyện có âm thanh, anh giúp tôi biết thế giới bên ngoài người ta
nghĩ gì, viết gì và cho tôi cơ hội học hỏi để không lạc hậu.
Mùa đông lại ùa về, tôi vẫn say mê viết
những câu chuyện của mình. Mẹ nhìn tôi rồi chợt cười:
- Sao con thích mặc chiếc áo ấm cũ này vậy?
- Dạ, của anh Dũng tặng con đó mẹ.
- Ừ, hôm nay con có món quà mới nè.
Tôi ngạc nhiên cầm hộp quà. Mẹ nhẹ nhàng vuốt
tóc tôi.
- Một chiếc áo len màu xanh, dưới tà áo có điểm vài
bông hoa li ti màu trắng.
- Của anh Dũng gửi về hả mẹ?
- Ừ, nó luôn biết về sở thích ăn mặc của con
mà.
Mặc vào người chiếc áo màu thiên thanh của Dũng tặng,
tôi biết dù đang đi du học ở xa, nhưng anh vẫn luôn là đôi mắt để cùng
tôi đi đến tương lai…
Minh Vy (TP. HCM)
Một truyện ngắn nhẹ nhàng, dễ thương, và rất nhân văn!
Trả lờiXóa