Người ở vùng xa không bị nhà cao tầng cho khuất như
tôi rạng sáng 14-12 được ngắm cơn mưa sao băng đẹp nhất trong năm.
Hình như đêm nào
cũng có những ánh sao băng đơn lẻ. Mỗi người ngắm luồng sáng rơi rồi lịm tắt ấy
theo một cách. Chợt nhớ các bài thơ đã in.
Đêm Sao Băng
Đêm nay trời có sao băng
Cho anh tìm cõi vĩnh hằng bên em
Biển xanh nào có màn đêm
Nên làn sương mãi lặng chìm trong mây
Cho anh cầm nhé, bàn tay
Kề môi nhắc khẽ đêm này sao băng…
(Võ Chân Cửu - Thi tập Ngọn Gió 2011)
Người thiếu nữ
(tưởng tượng) ấy chắc gì nay còn nhớ! Sao băng thường gắn với tình yêu. Đôi lứa
nào thề nguyện khi ánh sao băng thế nào
cũng lấy được nhau. Người xưa lại tin
rằng mỗi người sinh ra dưới một vì sao. Sách Tam quốc có chuyện một nhà chính
trị đêm nhìn thấy một vì sao sáng rơi, biết rằng địch thủ đã lìa trần, ly kỳ
lắm thay.
Sao thường đi với
trăng, vì tất cả đều là tinh tú. Trời còn
có lúc sao quên mọc/Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em- Nguyễn Bính từng tỏ
tình như thế. Nhưng sau 1975, chàng thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn ở quê nhà Phan Thiết
nhìn trăng lại liên tưởng đủ điều gần xa trong cuộc đời. Phải chăng vì anh bắt
gặp “Bên ghềnh đá lạnh nàng ngư nữ/ Mỉm cười đăm đắm ngắm
sao băng”. Chắc là không chỉ vậy
đâu. Cùng ánh sao băng, vầng trăng gợi ra nhiều cảm xúc. Mời bạn nghe trọn bài
từ những trang bản thảo rơi rớt của thi sĩ được bằng hữu cất giữ.
Biển Lặng Vầng
Trăng
Cuối đời thi sĩ ra nhìn biển
Thương mùa đông sóng bạc đầu rồi
Chí lớn mộng con đều ảo hóa
Còn lại dòng sông với mình tôi
Tráng sĩ mài gươm dưới ánh trăng
Trăng tà, lá rụng, sương buồn giăng
Bên ghềnh đá lạnh, nàng ngư nữ
Mỉm cười đăm đắm ngắm sao băng
Trên sông Trường Giang lớp sóng sau đè sóng trước
Thanh gươm này trao lại đàn em
Ta sinh ra đời để cầm cây đàn cây bút
Hà cớ gì cầm mãi một thanh gươm?
Thời thơ ấu tôi cũng nằm nôi nghe mẹ hát
"Vầng trăng khi khuyết khi tròn
Đời người lúc thịnh, e còn lúc suy"
Mẹ thân thương! mẹ đã sinh nhầm thằng con lãng tử
Sinh nhầm một vầng trăng
Tóc bạc rồi trăng vẫn còn non!
Ngồi ngắm biển mà sao nhớ núi
Trùng trùng điệp điệp dãy Trường Sơn
Tôi thường nghe âm vang từ non cao vọng về biển rộng
Đất nước nào cũng có hồn thiêng
Và người con gái nào mà chẳng biết làm duyên
Từ sóng mắt hai ta thành biển
Mai... xa biển tôi nghe giòng sông hát
Biển xa rồi hấp hối một vầng trăng
Xin chào biển sắp sang xuân
Chào cuối đời thi sĩ
"Tôi vịn một câu kinh", thơ thẩn ra về
Có Bến nào mà không phải Bến Mê
Về đi bạn, trời yên biển lặng.
(Nguyễn Bắc Sơn)
“Sao băng bay như mưa đổ xuống
lòng”- người đời vẫn có thể gặp những câu thơ
ví von, đẹp như thế. Trong thực tế, sao băng có thể chỉ là những mảnh thiên
thạch đã trôi từ xa xưa, với tốc độ ngàn năng ánh sáng mới hiện lên trong bầu
khí quyển địa cầu. Nhưng sao chúng lại có dịp tụ hội về trong một thời khắc kỳ
diệu như vậy. Con người mặc dù đã lên được mặt trăng vào ngày 21-7-1969 bằng
phi thuyền Apollo 11 của Mỹ, nhưng sau
đó các phi thuyền khác gần tới nơi đều bị thất bại, phải quay về. Đến nay vũ
trụ vẫn còn nhiều bí hiểm. Thi sĩ Hoàng Cầm nhìn ra ánh sao băng trong chiếc Lá Diêu Bông!
Đoạn đầu của bài
thơ dài “Bao Giờ Nói Hết” của Hoàng Cầm:
Dẫu anh biết diêu bông không thực
Sao diêu bông cứ thức hồn em
Cứ sao băng mãi đường đêm
Cứ trăng lên đậu cành mềm xuân quê
Cứ lơi áo cởi trưa hè
ngực trần vỗ yếm gọi về tuổi hoa
Cứ hương thiên lý đường xa
Cứ lưng chừng đợi ngọc ngà hồ ly
Cứ môi hôn yên chi chụm cánh
dẫn anh về chuốt mảnh chiếu gon
Hương nhu xoải tóc lưng tròn
cái đêm hôm ấy mắt mòn men tê
……………………..
Theo đường đi của những ánh sao băng, điều mà các thi sĩ cảm nhận được
lại…rất gần với các nhà khoa học. Xin mượn lời của nhà khoa học hàng không
Charles Lindberg đã viết trên tờ Paris Match ngày 26-7-1969 sau sự kiện Phi
thuyền Apollo 11 lên mặt trăng, để tạm kết thúc sự gợi ý từ những ánh sao băng:
… “Tôi nghĩ rằng, muốn đạt những
cuộc du hành không gian đưa ta tới tận các vầng thái dương hệ khác hay tới tận
những vùng ngoài biên cương của không gian và thời gian, chúng ta không thể dựa
vào máy móc khoa học, mà chúng ta chỉ có thể áp dụng cái khoa học của chúng ta,
sự hiểu biết của chúng ta vào sự tìm tòi khám phá cái yếu tính của sự sống. Đó
là chiêm ngưỡng vô tận và theo dõi những biến chuyển không ngừng của tất cả mọi
tính chất liên hệ tới bản ngã của chúng ta, tới lương tâm của chúng ta, tới tư
tưởng của chúng ta. Tôi tin rằng chỉ có như vậy chúng ta mới bảo tồn được sự
sống và sự tồn tại của chúng ta…”
(Theo sách Lên
Trăng của Bảo Trân và Vị Hoàng, NXB Vũ Trụ, Sài Gòn 1970)
Võ Chân Cửu (Lâm Đồng)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét