Trúc
dẫn chúng tôi đến thăm má Sáu, người canh giữ đền thiêng. “Đền thiêng!”. Hai
tiếng gợi cho tôi hình ảnh một toà nhà đồ sộ và cổ kính. Ở đó, những ô cửa sổ
to lớn quanh năm đóng chặt. Nắng chui vào đền bằng khe hở từ mái vòm cao chót
vót. Anh sáng yếu ớt tựa như tấm voan mỏng mảnh căng rộng trên bệ thờ. Mấy
chiếc bình hương nghi ngút khói đặt trước tượng thần uy nghi, trầm mặc. Giữa
cảnh tĩnh lặng và huyền bí, người giữ đền thiêng như một vị thần sống đứng yên.
Mái tóc bạc phơ búi gọn, tà áo dài
trắng khẽ lay động. Thỉnh thoảng,
bà đến trước bệ thờ cầm lấy nhang trầm thắp lên những đốm lửa nhỏ. Ánh sáng lập
loè chẳng làm cho không gian bừng sáng mà chỉ gợi cảnh ảm đạm và nỗi buồn da
diết lan tràn.
Tất cả những điều tôi tưởng tượng không có ở đây. “Đền
thiêng” nầy chỉ là một mái lá xiêu vẹo, một căn nhà bình thường như bao nhiêu nhà khác trong vùng.
Nhưng, trong gian trước, nổi bật nhất là cái bàn thờ. Nó được làm bằng gỗ quí.
Trên nền gỗ màu nâu bóng, có cẩn những cánh sen nhỏ bằng xà cừ óng ánh sắc
trắng hồng. Mấy đoá hoa gợi sự tinh khiết vô cùng và dáng vẻ giàu có trong mái
lá đơn sơ. Năm tấm ảnh của bốn người con trai còn trẻ và một cô gái xinh đẹp
được đặt trên bàn thờ ấy. Năm chiếc bình hương và mấy cặp nến hồng như đã xác
minh rằng đó chính là những người đã hy sinh, đã trở thành liệt sĩ. Chính họ đã
biến nơi tầm thường nầy thành đền thiêng, nơi thờ phụng những người đã dệt nên
những trang lịch sử đấu tranh anh hùng, bất khuất.
Và, má Sáu, mẹ của những người con dũng cảm kia đang
sống một mình trong mái lá ấy. Bà làm công việc có vẻ ngược đời là “Tre già
phải khóc măng tàn”. Má Sáu đang ngồi trên chiếc chõng tre. Bà chăm chú luồn
những cọng nan vào nhau, tạo nên những khoảng cách đều đặn của một mặt rỗ.
Thỉnh thoảng, má dừng lại, mắt liếc nhìn mấy bức ảnh, bà thở hắt ra rồi thẫn
thờ trông về phía chân trời. Nơi đồng ruộng và bóng mây sát liền nhau như lưu
luyến. Không có sợi khói nào bay trên những chiếc bình hương nhưng lúc bấy giờ,
tôi biết, có những ngọn lửa cháy rực trong tim má và phản chiếu rõ rệt qua ánh
mắt.
Năm đứa con lần lượt ra đi. Mỗi người tạo một cung
cách hy sinh khác biệt. Dù vậy, với má, họ đều có giá trị như nhau, đều đem
niềm tự hào về cho má. Bà chỉ tiếc một điều, bốn thằng con trai, một cô con gái
chưa lập gia đình. Không ai để lại cho má mụn con nào. Nếu vậy, phải chi trong
một trận đánh ác liệt má cũng hy sinh thì bây giờ má nghĩ mình đã nằm yên trên bàn thờ ấy cùng với các con.
Biết đâu, cả gia đình sẽ sum họp ở một thế giới nào xa khuất.
Vừa trông thấy chúng tôi, má Sáu tươi cười:
- Trúc đó hả? Vào đây cháu! Đi đâu mà đông vui quá vầy
nè?
Trúc chạy đến bên má, cô bé nũng nịu:
- Tụi con đến thăm má Sáu.
Má đi ra sau bếp. Một chốc, bà trở lại với dĩa khoai
lang:
- Mấy con ăn đi! Khoai ngọt lắm!
Trúc liếng thoắng:
- Khoai má trồng phải không?
- Ờ! Ở không làm gì. Má trồng chút đỉnh để dành ăn vậy
mà.
Đực chen vào:
- Má có một mình, trồng chi cho cực. Mua vài ký, ăn cả
tuần không hết.
Trúc trừng mắt với Đực, cô bé lý sự:
- Nói bậy không hà! Khoai
nè, ăn đi! Đừng nói nữa. Cái gì tự tay mình trồng vẫn quí hơn, ăn ngon hơn chứ!
- Trúc nói phải. Tôi thay
lời Đực:
- Tụi con xin lỗi má Sáu.
Mỉm cười hiền hậu, má Sáu vuốt tóc tôi:
- Đâu có gì mà lỗi phải. Con
là con của ai mà má không biết?
Trúc nhanh nhẩu giới thiệu:
- Bạn ấy là cháu nội của bà
Hai Sang ở đầu xóm đó má. Ba má bạn làm việc trên tỉnh. Bạn ấy về đây nghỉ hè.
Má Sáu chợt thở dài buồn bã:
- Mấy con thật là sung sướng.
Các con được đến trường, được học hành rồi lại được nghỉ hè. Ơ đây, mấy đứa nhỏ
con nhà nghèo có đứa chưa biết chữ. Đối với chúng, quanh năm chỉ có một mùa.
Mùa hè, mùa vất vả! Suốt ngày, chúng cặm cụi ngoài đồng ruộng. Nắng chẻ đôi
ngọn tóc, nhuộm đen màu da non của chúng. Con gái út của má hồi còn sống cũng
khổ sở như vậy. Nhưng, được cái may là có “Anh Hai nằm vùng” về đây. Anh mở
trường dạy học. Nói cho oai chứ trường chỉ là một cái chòi nằm sâu trong vườn
bưởi. Lúc dạy, thầy phải nguỵ trang bằng cuốc xẻng để hờ một bên. Trò ngồi học
đặt chổi ky gần đó. Vừa có động, mạnh ai nấy tản đi. Thầy cuốc đất vun gốc bưởi, trò quét lá như trẻ làm thuê
cho chủ vườn. Con Út nhà má theo học cho
đến ngày anh Hai bị giặc bắt. Nó thường nói với má, khi hoà bình trở lại , nó
sẽ học Đại học rồi làm cô giáo. Nhưng...
Má
thút thít khóc, Trúc cũng sụt sùi theo. Đực ngửa mặt trông lên mái lá để giấu
đôi mắt ướt. Còn tôi, lòng oằn nặng chua
xót. Tôi nhìn ra cánh đồng lấp loáng nắng chiều. Lẫn trong màu lá thắm tươi
thấp thoáng những chiếc bóng bé bỏng lom khom hái rau, bắt ốc. Có phải đó là
những đứa trẻ má Sáu vừa nhắc tới? Chúng
vẫn hồn nhiên sống trong quãng đời cơ
cực tối tăm.
Chợt nghĩ ra
một điều, tôi bảo Trúc:
- Trúc, hay tụi mình dạy cho mấy đứa nhỏ con nhà nghèo
vùng này!
Trúc tròn mắt nhìn tôi:
- Ờ, nhưng Trúc đâu biết
cách dạy. Từ nhỏ tới giờ, Trúc chỉ biết làm học trò thôi.
Tôi hăm hở bàn bạc:
- Để Nghị dạy cho, chỉ cần
Trúc đi theo, cầm tay khi học trò của tụi mình tập viết.
Đực reo lên:
- Cho mình học với! Trúc cầm tay mình nghen!
Tôi
và Trúc nhìn nhau. Chúng tôi nhận ra bạn bè mình có nhiều đứa chưa biết chữ.
Trúc vui vẻ bảo:
-
Ừ, nhưng nếu Đực không thuộc bài thì Trúc sẽ gõ đầu đó. À này, rồi ai sẽ đi
chài cá cho má Đực. Ai cắm câu?
Đực ngẩn người khi nghe Trúc nhắc nhở.
Công việc xem ra không đơn giản chút nào. Muốn dạy ít
nhất cũng phải chọn lựa giờ giấc thích hợp để việc học không ảnh hưởng đến đời
sống hằng ngày của “Học trò”. Chưa kể phải có một chỗ nào đó để làm lớp học,
phải có bàn ghế, phấn bảng, tập vở, sách v.v...
Tôi than thở:
- Nói thì dễ
nhưng làm lại rất khó!
Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi, má Sáu nói, giọng quả
quyết:
- Điều quan trọng là các con có chịu làm
hay không cái đã? Có khó khăn nào mà không giải quyết được đâu. Các con cứ
chuẩn bị tư thế dạy, còn mọi thứ để má
lo.
***********
Trước khi ra về, ông Bí thư
xã trao chiếc chìa khoá cho má Sáu. Ông
nói một câu tưởng như khách sáo nhưng chính xác vô cùng:
- Chị vẫn như xưa! Lúc nào cũng
nghĩ tới người khác, sẵn sàng vì mọi người. Tôi phục chị lắm, chị Sáu!
Má Sáu nheo mắt . mỉm cười hiền hậu:
- Anh cũng vậy. Anh thấy được
tất cả việc làm của người khác, trừ công lao của chính anh. Thật ra, tôi chỉ
làm vui lòng tôi thôi. Khi nào không cần nữa, tôi sẽ trả nhà nầy lại cho xã.
Ông Bí thư cười xoà:
- Chị vẫn bướng bỉnh như ngày còn trẻ, chị Sáu à!
Ngôi nhà tình nghĩa mà nhân dân xã mới đây cho má Sáu
không lớn lắm. Nhưng mái tôn, vách tường hẳn hoi. So với ngôi nhà má Sáu đang ở
thì nó khang trang, đẹp đẽ và kiên cố hơn rất nhiều.
Thấy má sống cô quạnh trong mái lá lụp xụp bên một
cánh đồng cuối xã, bà con xót dạ lắm. Họ đã cùng nhau đóng góp, xây dựng chỗ ở
mới cho má. Mọi người mong sự quan tâm, chăm sóc sẽ an ủi và đáp lại phần nào
sự hy sinh của má. Họ tin má sẽ vui biết bao khi thấy ngôi nhà mới.
Nào ngờ, má Sáu đi từ trước ra sau rồi từ sau ra
trước. Bà đánh một vòng quanh sân, ngắm nghía, ngợi khen rồi bày tỏ quan điểm:
- Ngôi nhà này đẹp lắm! Chắc phải tốn nhiều tiền và công sức của bà con.
Tôi cám ơn bà con và chính quyền đã hết lòng lo lắng cho tôi. Nhưng, tôi không
thích rời xa mái lá của mình. Nơi mà từng chỗ trong đó hằn lại bao kỷ niệm về
các con tôi. Ở nhà trước, trên cái chõng
tre, đêm đêm, hai thằng con lớn nằm gát chân lên nhau ca vọng cổ. Hai thằng nhỏ
lật đáy thau rồi dùng đũa đánh nhịp om sòm. Còn con Út, cứ đeo theo tôi, đòi
nghe kể chuyện. Trong nhà bếp, mỗi ngày hai lần, cả nhà quây quần ăn cơm. Tiếng
cười rộ từng hồi. Đến bây giờ, vẫn còn vang vọng trong lòng tôi. Rồi còn biết
bao thứ khác, tầm thường mà quí giá, như cái
giỏ đựng cá thằng Hai làm mới nữa chừng, chưa kịp đựng vật gì thì nó đã
hy sinh. Mấy cái cần câu của thằng Ba, thằng Tư, quyển sách chánh trị của anh
Hai “nằm vùng” tặng cho thằng Năm và... cái áo lót của con Út, tôi vẫn còn treo
trên vách buồng của nó. Ôi, thương làm
sao gương mặt thẹn thùng ửng đỏ của con Út khi ướm thử chiếc nịt vú đầu tiên.
Lúc đó, tôi mới nhận ra nét dậy thì trên ngực, trên thịt da con gái. Niềm sung
sướng được nhìn con khôn lớn, xinh đẹp kéo dài chẳng bao lâu thì nó đã ra đi.
Tựa cửa sau, tôi có thể nhìn thấy vùng đất thấm đẫm máu và thịt xương con gái.
Nó đã vĩnh viễn nằm lại ở đó... Cám ơn, cám ơn bà con nhiều lắm! Nhưng nếu
thương yêu tôi, xin hãy để cho tôi ở lại ngôi nhà cũ, canh giữ kỷ niệm. Người
già chỉ cần sống với quá khứ. Được như vậy là hạnh phúc rồi.
Ngày đó, ai có mặt cũng rơi nước mắt. Họ
làm sao quên được sự hy sinh của người con gái còn rất trẻ ấy.
Hay tin giặc sắp mở trận càn quét bất ngờ, bà con
trong xã vội tìm đường lánh nạn. Nhưng, một số người đang cấy lúa ngoài đồng
không hay kịp. Họ chạy chưa được xa thì giặc đã kéo tới, tiếng súng dồn phía
sau. Con gái Út của má Sáu có trong số người chậm chân ấy. Sau khi dặn dò mọi
người chạy tới trước, theo con đường cũ, cô gái bỗng dưng băng ngang ruộng, vừa
chạy vừa kêu to:
- Bà con ơi, chờ tôi với! Chờ tôi với, chờ... tôi...!
Ai cũng kinh ngạc trước hành động kỳ quặc ấy nhưng khi
thấy bọn lính đổi hướng, đuổi theo cô gái, mọi người mới hiểu ra. Một tiếng nổ
long trời. Cô gái và một số lính đi đầu tan thành từng mảnh vụn. Cô đã dẫn bọn
chúng vào chỗ đặt mìn của du kích.
Người con cuối cùng của má Sáu đã hy sinh như thế.
Đứng ở bậc thềm đất sau nhà má Sáu, người ta có thể trông thấy con đường ấy tựa
như một tấm vải ngoằn ngoèo.
Và, ở đó có một
cây dừa ngã nghiêng vì sức ép của trái mìn nổ chậm. Ai cũng tưởng nó sẽ đỗ
xuống rồi chết dần. Nhưng lạ làm sao, những tàu lá cũ héo tàn và chồi non lại
trổ. Cây dừa hồi sinh trong tư thế ngộ nghĩnh. Hai phần ba thân nằm dài,
nghiêng nghiêng như ngóc đầu, gượng dậy, xoè ngọn lên trời. Nếu ngày nào nó
chợt đứng thẳng lên, có lẽ không cây dừa nào cao bằng nó. Cây dừa trở thành
chứng nhân của chiến cuộc và làm dấu nơi người con gái đã bay lên rồi hoà tan
vào đất.
Vậy là ngôi nhà tình nghĩa vẫn còn mới nguyên, không
chủ. Ở vùng này, những người mẹ anh hùng khác đều đã lần lượt từ trần. Chỉ còn
lại má Sáu. Dân trong xã không ai dám nhận món quà lớn dù má Sáu đã từ chối.
Ngôi nhà buồn tủi đứng yên giữa lúc nơi nơi vui vẻ, nó kiên nhẫn chờ đợi.
Bây giờ, bỗng dưng má Sáu tìm đến gặp ông bí thư xã
xin nhận căn nhà. Không phải để ở mà biến nó thành lớp học dành riêng cho trẻ
em nhà nghèo, không có điều kiện đến trường. Sáng kiến tuyệt vời của má Sáu
được nhân dân xã nhiệt tình ủng hộ. Không ai bảo ai, người biếu lớp học cái
bàn, người cho vài chiếc ghế. Trường học trên huyện biết chuyện, Ban giám hiệu
chở xuống tặng trường xã tấm bảng to. Chưa đầy một tuần lễ, ngôi nhà tình nghĩa đã mang dáng dấp
của một lớp học tình thương. Và, không phải chỉ có tôi và Trúc xung phong làm
giáo viên mà nhiều bạn trẻ khác cũng đến xin tham gia xoá dốt.
Ngày mai, giữa lúc ve còn kêu vang trên vòm lá, phượng nở đỏ trời, một lớp
học lại khai giảng. Một ngôi trường có nội qui
lạ lùng: Cổng mở rộng từ tờ mờ sáng đến tận khuya. Học trò giờ nào rảnh
cứ đến. Thầy, cô giáo chỉ là bọn trẻ chúng tôi- những giáo viên nhỏ tuổi, không
có lấy một tờ giấy chứng nhận khả năng sư phạm nào mà chỉ mang theo những trái
tim yêu thương và rực lửa nhiệt tình khi bước lên bục giảng.
Nguyễn Thị
Mây (Trà Vinh)
Má Sáu - một người Mẹ như muôn ngàn người mẹ trên đất nước Việt Nam - Những thầy cô giáo nhỏ tuổi kia giống như bao thầy cô giáo khác trong ngành giáo dục. Thế nhưng, Má Sáu và những thầy, cô giáo kia lại khác tất cả ở trái tim nhân hậu , đức hy sinh cao cả và bầu nhiệt huyết, tình yêu giữa người và người của tuổi trẻ với tình yêu quê hương là vô tận .Chắc má Sáu cũng phần nào được an ủi khi mà những đứa con yêu thương của má đã hy sinh vì quê hương, khi má hiểu sự hy sinh đó không uổng phí .....
Trả lờiXóaĐọc câu chuyện của chị, hình ảnh má Sáu và những việc làm của các bạn nhỏ đã làm người đọc nhiều bài học phải suy ngẫm và trân trọng .Một câu chuyện đáng đọc và đáng nhớ !!!
Mến chúc chị Mây luôn khỏe và sáng tác dồi dào .Chúc chị có một mùa Giáng sinh vui vẻ an lành và hạnh phúc !!!
Chị cám ơn em đã đồng cảm với chị. Chị rất vui khi được em đọc bài và nhận xét chân tình. Mến chúc em luôn tài hoa và an lành.
Xóa