Cuối làng, ngay dưới rặng tre
đang đu đưa cùng gió là cái quán nhỏ, bán đủ thứ trên đời. Nước chè, nước vối,
kẹo lạc, kẹo dồi, cam, mía, chuối…, cách phục vụ cũng rất lạ đời. Hàng họ thì
bày ra một dãy trên cái kệ nhỏ ghép bằng những nan tre, bảng giá dán công khai,
ai cần gì thì tự phục vụ và khi ra về tự bỏ tiền vào một cái giỏ mây có nắp.
Quán chật chỗ, người ra đồng về ghé vào làm cốc nước, người mua thanh kẹo lạc
cho đám con ở nhà. Tiếng nói tiếng cười rôm rả cả rặng tre. Nguyên thì thào:
- Mình uống nước mà không trả tiền thì sao?
- Chả sao cả!- Thắng nhún vai:- Đáng mấy đồng đâu!
- Vì không đáng mấy nên không sợ bị quỵt.
Nguyên giật nảy mình, cô đã nói nhỏ thế mà vẫn bị người ta nghe thấy. Nguyên
nắm áo Thắng khẽ giật, Thắng cười cười:
- Bạn gái em, ở miền Nam
mới về.
Nguyên há mồm, Nguyên thành bạn gái thằng oắt con này bao giờ? Nó nhìn Nguyên
đầy “âu yếm”, táo tợn hơn, nó còn nắm tay Nguyên rất chặt và nở nụ cười khiến
Nguyên rùng mình.
Thắng với gã trai này không ưa nhau. Theo lời nó thì gã to gan và mạo hiểm,
“cú” hơn nữa là làm đâu thắng đó. Mới “ba tuổi ranh” đã dám mang nhà đi thế
chấp vay vốn ngân hàng, cánh ruộng phần trăm đất bạc màu, bỏ hoang mấy năm nay,
gã xin thầu lại, màu xanh của ngô với khoai tây đã thay thế. Gã thầu luôn mấy
cái ao quanh làng, cái đầm trước làng từ xưa giờ bỏ hoang, toàn niềng niễng với
rau cần rau ngổ dại mọc, vào tay gã, cá tôm nhiều như lá tre, nghe đâu gã còn
mang cá vào miền Nam bán. Có khi nào, trên những dĩa cơm quán Nguyên thường ăn,
có con cá ra đi từ nơi này?
Thắng nói, giọng ghen tị mà ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Không phải là sự ghen ăn
tức ở mà có sự cạnh tranh ngấm ngầm nhưng công bằng giữa những chàng trai trẻ,
có chí và có học. Lứa thanh niên mới, dám sống bằng nhiệt tình và dám đối đầu
thử thách.
Hôm nay, phần thắng xem chừng đang nghiêng về Thắng, vì nó có một “cô bạn
gái”.
Thắng lấy cho cô cốc nước vối, từ hôm qua, Nguyên toàn uống thứ nước này. Sáng
nay mợ đi chợ, mua cho cô hai túi to để mang vào cho mẹ làm quà. Thứ quà quê
này, không đắt, không quý nhưng khó kiếm, nó gợi về những ngày xa xưa.
- Hôm qua tôi thấy em trên đê. Lúc em vừa xuống xe.
Lúc ấy cô đang túi túi xách xách, gã này thấy mà không chịu giúp. Cô hơi bĩu
môi.
- Lúc ấy tôi đang bận với đám cá. Với lại em có chịu cho một kẻ người lấm bùn,
sặc mùi cá giúp không?
Suýt nữa thì Nguyên sặc. Gã đọc được ý nghĩ của cô? Nguyên nhấm nhẳng:
- Tôi cũng ngửi mùi bùn mà lớn đấy thôi.
Đêm về, có một người lạ len đến trong giấc mơ cô, cười với cô trong tiếng ếch
nhái kêu vang trong cái ao sau làng.
Trưa nóng, Nguyên ra bờ ao hóng gió. Vì không có Thắng nên Nguyên không dám
bắt chuyện với ai, cắm cúi vào quyển sách mang theo. Lần này về, Nguyên mang
theo khá nhiều sách, nơi này chả có chỗ nào để đi, đụng việc gì mợ cũng ngăn
không cho. Cô thành khách ngay nơi mình cắt rốn.
Văn đến, đong đưa chùm quả gì be bé có màu cà rốt, rất tự nhiên, gã ngồi xuống
cây tre đổ cạnh Nguyên:
- Quả gì?- Nguyên hỏi lúc gã chìa chùm quả ra
- Dâu da đất.
Gã nói, thò tay giật một quả, cho vào miệng. Nguyên cũng làm theo, chợt nhăn
rúm mặt. Gã chưng hửng:
- Gì? Chua à?
Nguyên gật gật, gã giật tiếp quả nữa.
- Mấy đứa con gái toàn ăn quả này.
Nguyên lườm gã. Thì đã sao, người ta ăn được không lẽ Nguyên cũng phải ăn được?
- Tí ra quán đi, có nhãn!
Nguyên sáng mắt. Quả gì ngọt là Nguyên đều thích, cô không biết ăn chua, có lần
ngồi trong lớp, nghe bạn bè xuýt xoa món xoài xanh chấm mắm đường mà Nguyên sặc
nước bọt của mình.
- Em là người yêu Thắng?
Lần này thì Nguyên sặc thật, cô ngó day ra phía mặt ao, nơi có cụm bèo trổ hoa
tím đang thong thả trôi. Gã điềm nhiên:
- Tôi chả tin, em nói thật thì hẵng nói.
- Tin hay không quan trọng gì?
- Tôi không muốn mọi chuyện bắt đầu bằng lời nói dối!
Nguyên trề môi, cô với gã có quen biết gì mà bắt đầu. Nghĩ vậy Nguyên vẫn thật
thà:
- Thắng là em con cậu.
Gã bật cười sảng khoái, đoạn nhìn Nguyên:
- Anh nhóc đó láu cá thật. Đúng là trẻ con!
- Đã hơn ai mà nói người ta trẻ con.- Nguyên lầm bầm.
- Tôi hơn Thắng bốn tuổi, tôi không tin tôi lại nhỏ hơn em.
Vậy là gã hơn mình hai tuổi. Thế mà gã đã có một gia tài nho nhỏ, một sư nghiệp
nho nhỏ và một lý tưởng to đùng. Thắng cũng thế, nhìn nó giống một đứa trẻ ham
chơi nhưng đã làm chủ một trại heo trên trăm con. Nhìn Thắng cắm cúi bên quyển
sổ với những rau bèo cám bã, Nguyên thấy kinh ngạc. Thắng vốn tếu táo, dễ tạo
cho người đối diện cảm giác không yên tâm, nhưng khi nói chuyện làm ăn, nó đâu
ra đấy. Thế mới biết, lý tưởng có thể nảy mầm ở những nơi khô cằn khắc nghiệt
nhất.
Quán nhỏ, nơi nghỉ chân của mọi người với hình thức tự phục vụ cũng là do gã
nghĩ ra, những món hàng trong quán là những thứ buổi sáng mua được ở chợ quê,
đích thân gã chọn lựa. Nguyên len lén nhìn:
- Ngày nào anh cũng đi chợ?
- Ừ
- Mua hàng có mặc cả không?
- Có chứ!- Gã nhìn Nguyên ngạc nhiên, hơi cười:- Em cho rằng tôi không dám chứ
gì?
Rồi bất ngờ hỏi:
- Mai, đi chợ không?
Thắng chống nạnh nhìn Nguyên, nó biết vụ nói dối đã bị vạch trần. Nó kết luận:
- Chị nữa, cũng bị hắn ta bỏ bùa?
Nguyên ngượng nghịu, không biết trả lời Thắng thế nào? Văn tha lôi Nguyên đi
khắp nơi. Chợ sáng toàn những sản vật có sẵn của mấy làng trong vùng nhưng cũng
đông đúc, nhộn nhịp. Người ta chào hỏi, chuyện trò râm ran. Gã đi trước, Nguyên
lúp xúp chạy theo với cái túi cói, há miệng nghe gã mặc cả, chọn lựa.
Qua lời nói của các bà các cô, trong tương lai, gã là người chủ gia đình lý
tưởng.
Cũng như Thắng, Nguyên bị Văn thu hút bởi chính con người gã, bởi sự thật thà
không màu mè gã đưa ra cho mọi người thấy. Lúc ngoài bờ ao, gã chỉ hỏi mấy câu,
rồi mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Hơn tất cả, đọng lại là
cảm giác bình yên. Văn khiến người ta yên tâm.
Nguyên theo Văn đi lội khắp cánh đồng xem người ta tát cá, không hổ danh là
“gốc nông dân”, cô cũng bì bõm lội bùn, thản nhiên tẽ cái đòng đòng trái vụ ăn
ngon lành. Lúc gã cân cá, cô nhận nhiệm vụ ghi chép rồi tính toán. Cũng may
tiền được trả sau, nếu không cô lại bị người ta trêu là người “giữ tay hòm chìa
khóa” của Văn.
Không biết bao lần Văn chụp lên đầu Nguyên cái nón, chỉ ít phút sau nó lại bay
ra sau gáy. Kết quả, nhìn màu da cánh tay mình, Nguyên không tin được, cộng
thêm cơn sốt đủ giữ cô nằm bẹp trên giường.
Cái bàn đầu giường cô lúc nào cũng có nhãn do Văn mang tới. Có cả bịch kẹo
bạc hà ngậm ho. Thắng hạch: “Không còn thứ gì khác à?”, gã cười hì hì, nháy
mắt với Nguyên: “Ăn chua, đau dạ dày!” và bật cười khi thấy Thắng há miệng,
lắp bắp: “Đã đến mức ấy rồi?”
Nguyên hi hí mắt nhìn Văn thò tay vò đầu cậu em mình:
- Cậu còn phải cố gắng nhiều.
- Gì? Cậu á?
Bẵng đi mấy ngày Văn không tới. Nguyên cũng khỏi ốm, cứ thấy vơ vẩn
nhớ. Văn khác những đứa bạn Nguyên ở trường Đại học. Có những đứa,
ra đi từ những vùng quê nghèo, chăm chỉ, siêng năng, chăm chăm muốn
thoát nghèo, có khi bằng mọi giá. Có những đứa con ông cháu cha,
tiền vung như lá, lắm khi ườn người vì không biết tiêu tiền vào việc
gì.Trong số họ, không ai như Văn.
- Trong mắt chị, anh ta là số một rồi!
Thắng dài giọng trêu, Nguyên thoáng đỏ mặt. Nguyên đâu phải là một cô
bé mới lớn, để bị choáng ngợp bởi thứ ánh sáng khác lạ. Ngay
Thắng, cậu cũng rất khâm phục “đối thủ” của mình đó thôi.
Thắng đưa Nguyên đến nhà Văn. Ngôi nhà nhỏ, ấm cúng chỉ có bà ngoại
của Văn ở nhà, bà nói Văn lên thị xã tìm nguồn cung cấp thức ăn cho
cá mới. Rồi bà than, đám cũ, đã làm ăn với Văn hai năm nay, vừa rồi
thấy Văn thu hoạch được lứa cá trúng lớn, đòi tăng giá. Bà thở dài:
- Thời buổi kẻ khôn của khó, làm gì cũng vất.
- Họ cũng có cái khó của họ thôi, bà ạ!
Bà ném cho Nguyên cái nhìn khó chịu, nét mặt bà trở lên lạnh lùng
hơn. Nguyên bối rối nhìn Thắng, thằng nhóc cười nửa miệng. Phải chăng
câu nói ‘bênh người ngoài’ của Nguyên khiến bà không vui?
Thắng giơ tay nhìn đồng hồ:
- Chị ở đây chơi với bà nhé, em ù ra đằng này tí.
Nguyên ú ớ, Thắng nháy mắt rồi chào bà rõ to, bỏ mặc Nguyên đứng
giữa sân, chạy mất hút.
- Chị là con cái nhà ai thế?
Bà vào nhà lấy cái rổ nhỏ, đến bên giàn mồng tơi. Nguyên vội tới
phụ bà:
- Cháu là cháu ngoại bà Cả, xóm Bến.
- Thế chị là con cái Bảo ở Miền Nam phỏng? Mày về hồi nào thế
cháu?
Giọng bà đột nhiên hồ hởi, đầy quan tâm. Nguyên ngơ ngác:
- Bà cũng biết mẹ cháu ạ?
- Lại chả biết!- Bà nhìn Nguyên:- Ngày bé mẹ chị đi chăn ngỗng suốt
chứ đâu. Có lần còn bị ngã xuống ao tí chết rét.
Nguyên cười cười. Mẹ cũng kể cho chị em Nguyên nghe nhiều về chuyện
này. Không nghĩ một người già cũng nhớ được chuyện ngày xưa của mẹ.
- Sao bà biết ạ?
Nguyên bỏ nắm rau vào rổ bà. Sự khó chịu khi nãy của bà dường như
đã tan biến.
- Tôi phải gọi bà ngoại chị bằng chị cơ đấy.
Và bà nói về mối quan hệ họ hàng khiến Nguyên lùng bùng. Cuối
cùng, bà kết luận:
- Nói gì thì nói, thằng Văn nhà này phải gọi chị bằng chị.
- Họ xa mà bà!
- Xa gần gì, cứ có họ là có họ. Các anh chị ở thành phố nên đâu
thèm giữ nề nếp gia phong. Lại còn đòi sau ba đời là có thể lấy
nhau.
Giọng bà trở nên gay gắt. Nguyên lờ mờ nhận ra điều gì đó bà đang
muốn nói, nhưng lại không thể nói thẳng. Có lẽ, bà đã biết Nguyên
trước khi Nguyên đến đây. Làng nhỏ, hễ có chuyện gì, chỉ hôm trước,
hôm sau cả làng đều đã biết.
Rổ rau đã lưng lửng, bà nhìn trời:
- Giờ này còn chưa về, chắc phải tối lắm mới về đến. Chị ở lại ăn
cơm.
Nguyên vội từ chối. Lấy điện thoại ra gọi cho Thắng.
Thắng thò tay lấy cái áo của Nguyên, nó gấp gọn gàng, bỏ vào vali:
- Chị đi thật à?
Nguyên không nói, chỉ gật đầu. Mở miệng lúc này, Nguyên chỉ sợ mình
sẽ khóc. Mà lý do để khóc, thì rất vu vơ.
- Chị có nói cho anh ấy biết không?
Nguyên lắc đầu, cô hít một hơi dài:
- Tại sao lại phải nói? Chị về thăm quê, rồi đi. Cậu ta có là gì đâu
mà chị phải nói?
Thắng ném cái áo xuống giường, nó cáu kỉnh:
- Chị đừng thế đi mà. Chị càng phủ nhận điều gì, có nghĩa trong
lòng chị đang có điều đó. Với em mà chị cũng không nói được à?
Nguyên cười với nó, mà nước mắt nhạt nhòa. Có gì đâu để nói? Ngoài
chuyện theo vai vế, Nguyên là chị của Văn.
Cô đã cố gắng, và không hề tiếc. Chỉ tiếc, mình không đủ can đảm để
thử, dù chỉ một lần.
Tối qua Văn đến, mang cho Nguyên rất nhiều thứ mua được trên thị xã.
Không chút khách khí, Nguyên nhận luôn. Bởi tính ra, Nguyên là vai chị
của cậu ta mà. Chị, cách gọi mới cay đắng làm sao. Văn cũng biết
chuyện Nguyên đến thăm bà, cả buổi tối, cậu ta chỉ im lặng. Lúc về,
Nguyên tiễn Văn ra cổng, cậu đã nắm tay Nguyên, rất chặt, rất lâu.
Nhưng lại chẳng nói gì. Có điều gì đó đã đến, và cũng ra đi thật
nhanh chóng.
Túi kẹo Văn cho ngày ho vẫn còn. Nguyên xé một cái cho vào miệng.
Kẹo bạc hà, thơm thì thơm nhưng luôn có vị the the.
Nguyễn Thị Thanh Bình (TP. HCM)
* Truyện
đạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn Kẹo Bạc Hà Cho Tình Đầu của Tập san Áo Trắng
năm 2013
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét