Đêm. Mọi tất bật, bận rộn lắng xuống.
Ông mang cái ghế bố dài ra sân. Tôi ngồi
cạnh ông. Hai ông cháu nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm, chi chít sao vàng.
Nhà tôi nghèo lắm. Nó chỉ là một mái
lá lọt thỏm giữa những căn nhà lụp xụp khác. Chúng đứng xếp hàng ngang, hàng
dọc vây quanh nhà như một lớp rào chắn. Con hẻm nhỏ duy nhất cả xóm dùng để ra
vào, đi lại mà ông vẫn gọi là “lối thoát” thì nằm khuất bên góc trái nhà sau.
Bà tôi thường trách ông ngang bướng,
không chịu xây cửa chính nhìn ra con hẻm . Như vậy sẽ giống như ở mặt tiền. Ông
gạt phắt: “Tôi chỉ thích nắng sớm tràn vào nhà bằng cửa cái. Nhưng có bao giờ
nắng sớm lọt được vào nhà. Phải đợi mặt trời lên cao, mệt mỏi đánh rơi làn nắng
gay gắt xuống dãy nhà xiêu vẹo. Ở đây, không khí dường như cũng bị thu hẹp, chật
chội gây cảm giác ngột ngạt thường xuyên vây lấy mọi người.
Tất cả bực bội biến mất khi chiều
thong thả tới. Nhà nhà vội vã thổi cơm. Từng đợt khói lam cuống quít bay lên.
Mây đậm dần, bầu trời sẫm lại, đêm hiện về. Thanh thản cũng quay lại với gian nhà của tôi. Sau bữa cơm,
nếu trời trong, tôi theo ông ra sân ngắm
vòm trời lung linh sao sáng. Mọi thứ trở nên huyền ảo, giàu có một cách
đáng yêu. Bầu trời như một chiếc dù khổng lồ giương ra, phô bày nét trang trí
tuyệt vời của thiên nhiên trên tán rộng. Trăng đứng yên. Mây bàng bạc trôi và
vô số sao sáng, tôi không thể nào đếm
hết. Tôi kéo tay ông:
-
Ngoại ơi, tại sao
gọi là “Ông sao” mà không là “Bà sao” hả ngoại?
Ông phì cười:
- Vì người giữ sao trên thiên đường là… đàn ông.
- Chị Hằng Nga trông coi mặt trăng sao mà người ta vẫn
gọi là “Ông trăng” ?
Ngoại mỉm cười, liếc nhìn trăng:
- Chị Hằng là chúa Cung Quảng. Người giữ mặt trăng là
chú Cuội.
- Ai giữ cây đa hả ngoại?
- Chú Cuội giữ luôn.
- Sao ông biết?
- Ông đoán vậy
thôi.
Tôi vẫn chưa hết thắc mắc:
- Cháu là con gái sao ông đặt tên cho cháu là Như Sao?
- Cháu là ánh sao rực rỡ, là tia hy vọng của ông.
Tôi ngậm ngùi nhìn ông. Đêm tối không che nổi những
nếp nhăn xếp đầy trên khuôn mặt phúc hậu của ông. Biết bao mồ hôi, nước mắt
đọng lại trên đó. Thời gian lặng lẽ trôi qua nhưng không quên hằn lại vết già
nua năm tháng. Cánh cửa cuộc đời sắp khép lại với ông. Mơ ước, hy vọng tựa như
ánh sao nhấp nháy ngoài tầm với. Liệu tôi có là một chồi non mọc mạnh, là những
gì ông chờ đợi hay không. Dù sao tôi cũng chỉ là một cô bé, một vì sao nhỏ nhoi
đuổi theo hoài bão của ông.
Quê hương ngoại tận bên kia biên giới phía bắc. Ông là
người gốc Hoa mang quốc tịch Việt Nam. Ông lớn lên bằng gạo nước Nam.
Vị ngọt phù sa nơi nầy bọc chặt trái tim và cuộc đời của ngoại. Xứ sở xa xôi đã
trở thành ký ức mơ hồ còn sót lại trong nỗi nhớ, là con đường khúc khuỷu, gồ
ghề xuyên từ rừng già phương bắc ngang
qua biên giới. Và, ánh sao đêm đã theo ông suốt cuộc hành trình.
Gia đình ông cùng nhiều người đồng hương đi tìm đất
sống. Họ chạy trốn giặc giã, loạn lạc, nghèo đói.
Ngày xưa, cụ cố gánh hai cần xé hành lý. Bà cố dắt ông
tôi lầm lũi chạy theo. Được ít ngày, hai đầu gối của bà sưng húp vì vấp té mãi.
Bà cố của tôi vốn giòng quyền quí. Bằng chứng là đôi chân bé tí, co quắp bị bó chặt lúc còn con
gái. Nếu ở thời bình thì hẳn bà phải sung sướng lắm. Bà sẽ sống trong màn the,
trướng gấm, có kẻ hầu, người hạ. Nhưng chiến tranh đã xảy ra và tràn tới khắp
nơi. Máu lửa ngút trời. Người người dìu dắt nhau chạy loạn. Không biết với bàn chân bé nhỏ
bà không chạy theo kịp gia đình hay người ta đã bỏ rơi bà? May thay, có một
người không rời cô tiểu thư khuê các nữa bước. Người đó chính là ông cố của
tôi. Ông cõng bà vào vùng rừng núi lánh nạn. Hai người đã lấy nhau và ngoại tôi
chính là kết quả của sự hòa hợp hiếm có nầy.
Dù bấy giờ bà cố không còn bó chân nữa nhưng các đốt xương bị bẻ gập, xếp đặt trái
với tự nhiên không phát triển được. Bà đi đứng khó khăn. Chỉ ngồi một chỗ thêu
thùa, may vá. Vì thế, bà không thể phụ giúp chồng cày cấy, hay bất kỳ chuyện
nặng nhọc nào. Một mình ông cố làm nuôi ba miệng ăn. Đời sống ngày càng khó
khăn. Cuối cùng, họ theo đoàn người di tản đi nơi khác. Gia tài của họ chỉ có
vài bộ quần áo và một ít vật dụng nấu nướng được dồn hết vào gánh. Vậy mà họ
phải bỏ bớt dọc đường để dành chỗ trống cho bà cố và ông ngoại tôi ngồi vào đó.
Cụ ông phải gánh vợ con suốt chặn đường tìm đất sống. Nhịp giống gánh như cánh
võng đong đưa, ru êm cho ngoại vào giấc ngủ. Mỗi đêm, khi chợt thức, ông ngước
nhìn trời cao, bắt gặp một ánh sao lẻ loi nhấp nháy ở góc trời. Và ánh sao ấy
cứ đi theo ông cho đến khi cụ ông kiệt
sức, ngã bệnh rồi nằm lại dọc đường. Chiếc võng tuổi thơ ấy vĩnh viễn không còn
ấp ủ, nâng niu ông tôi nữa. Từ lúc đó, ngoại phải chạy bộ sau lưng người đàn
ông cõng mẹ. Mệt và đói thường xuyên khiến ngoại quên mất ánh sao đêm.
Nắm lấy tay ngoại, tôi nhắc lại câu hỏi mà đã được
nghe ông trả lời không biết bao nhiêu lần rồi:
- Tại sao bà cố lại
để cho người đàn ông lạ cõng vậy ngoại?
- Có lẽ vì đôi chân.
- Con ghét tục bó chân lắm! Tại sao người đàn ông ấy
lại cõng bà cố vậy ngoại?
- Vì nhan sắc, bà cố rất xinh đẹp
Tôi đánh giá:
- Nhưng không chung thủy! Tại sao lúc đó ngoại không
ngăn cản?
Ông cười buồn:
- Lúc đó, ông còn bé lắm, bằng phân nửa tuổi cháu bây
giờ. Vả lại, ông ta luôn nhường cái ăn cho hai mẹ con ông. Ông không sao hiểu nổi
vì lý do nào mà mỗi lần kiếm được một củ khoai, sau khi lột vỏ sạch sẽ, ông ta
đưa hết cho cố của con. Rồi ông ta tìm một chỗ vắng vẻ để lót dạ bằng mớ vỏ
khoai.
- Ông ta tốt vậy sao ngoại lại bỏ đi?
- Ông đi không phải vì người dượng mà vì bà ngoại
cháu.
***
Như Sao ngước nhìn trời. Hai tay chống cằm, cô gái thì
thầm:
- Đó là những đêm tuyệt vời của thời thơ ấu. Giờ đây,
nơi quê nhà, nếu trời trông, chắc ngoại tôi không ngủ được. Ông lại ra sân ngắm
sao trời.
Như Sao mỉm cười, hai lúm đồng tiền in trên má đễ
thương làm sao:
- Tôi nhớ ông và muốn tìm kiếm vì sao đêm ấy.
Tôi dõi theo ánh mắt Như Sao, bắt gặp chân trời xa tít
tắp, giữa màn mây trắng đục, một chấm sáng yếu ớt làm sao! Cô gái bỗng reo lên:
- Kìa, nó kìa! Anh thấy không?
Chẳng biết mình hân hoan vì lẽ gì nữa, tôi nói như
hát:
- Một ông sao sáng!
- Có cái gì tồn tại, vĩnh cửu với thời gian không anh?
- Tình yêu!
- Người già có còn yêu không anh?
- Còn.
- Sao anh biết?
Tôi bật
cười, đưa tay sờ cằm và cảm thấy không có dấu hiệu già nua nào để chứng minh
điều tôi vừa khẳng định, tôi đáp bừa :
- Hãy nhìn ngoại của Như Sao sẽ rõ.
- Ờ há! Ông đã từ bỏ gia đình để đi theo bà ngoại. Ông
yêu ghê thật!
- Tại sao họ lại phải làm như thế?
- Bà cố không đồng ý cho ông ngoại cưới bà ngoại.
- Lý do gì?
- Đôi chân! Đôi chân của bà ngoại quá lớn. Đôi chân
phàm phu tục tử.
- Thật vô lý!
Như Sao
nhìn xuống hai bàn chân xinh xắn của mình đang nằm gọn trong đôi giầy đen đế
nhọn. Cô nói như đang khóc:
- Nhưng đó là qui luật của người xưa.
Tôi bực bội nói lớn tiếng:
- Những chiếc thòng lọng buộc vào cổ tình yêu của chính
họ.
Như Sao cười khúc khích:
- Anh ví von ghê thật! Nhưng đúng như thế. Ngoại tôi đã suốt đời khổ
vì những bàn chân.
Như Sao cởi giày ra khỏi chân, hai tay mân mê mấy ngón nhỏ xinh xắn:
- Này anh, bàn chân nầy thuộc loại nào? Liệu có làm
khổ ai không?
Tôi phì cười:
- Không to, không nhỏ vừa đủ để đứng vững, trèo non, lội
suối, vượt mấy chặng đường đất đỏ tới đây… làm khổ lũ học trò vùng cao nầy bằng
hai mươi chín con chữ.
Như Sao mỉm cười:
- Những ngày ở đây thật êm ả. Ngồi nơi
nầy, lúc đêm về, tôi thấy mình như chạm được các vì sao. Nắm bắt được ước mơ
của ông và của tôi.
- Là những gì?
- Đi bằng đôi chân, làm bằng hai tay
để sống bằng hơi thở của chính mình.
Cô gái chạy xuống triền dốc. Mái tóc
dài đẫm ánh trăng lấp lánh sáng. Tôi nhặt vội đôi giày cô gái bỏ quên rồi đuổi
theo dấu chân trần. Tôi tìm ánh sao đêm ấy.
Nguyễn Thị
Mây (Trà Vinh)
Truyện ám ảnh người đọc vì những khơi gợi rất sâu xa. tác giả hiểu thấu góc nội tâm và góc hành trình của người GỐC Hoa, một cái gì đấy khác biệt với văn hóa bản địa, song sâu sắc huyền ảo như đã được cho tháy phần nào. Đoán mò, có lẽ nhà văn nhiều trãi nghiệm, sống ở vùng có đông người Hoa, và cố công tìm hiểu tâm tình của họ.
Trả lờiXóaChúc cô Nguyễn Thị Mây có sức khỏe tốt, để viết. Luôn chờ đọc những tác phẩm của cô.
Cô cám ơn Công đã có cảm nhận sâu sắc. Đó là chuyện thật của ông ngoại cô hihi..Chúc vui và hạnh phúc nha.
XóaĐọc truyện này, em bất ngờ về bố cục câu chuyện của chị.Em dừng lại ở đoạn hai để nắm bắt ý tưởng mà tác giả muốn chuyển tải ...và em nhận ra rằng qua" bàn chân định mệnh " của Như Sao có lẽ một tình yêu mới bắt đầu chớm nở thông qua những kỉ niệm về ông Ngoại của cô ấy.Có phải vậy không chị Mây ? Nhân vật của chị Mây bao giờ cũng có nét hồn nhiên, ngây thơ và rất đáng yêu như văn của chị vậy !! Cảm giác thích đọc truyện của chị Mây trong em vẫn còn !!! Chúc chị khỏe và luôn có những sáng tác hay !!!
Trả lờiXóaEm nhận xét đúng lắm. Chị cám ơn em. Chúc em luôn tài hoa và đào hoa nhe.
Xóa