1. Bên cạnh vườn nhà nó có một cây vú
sữa thật to của bác Năm “cô đơn”. Cái biệt danh mà người dân xóm nó
gán ghép cho bác ấy. Bởi bác Năm đã sinh sống một mình, một bóng ở đây
từ lâu lắm rồi. Bác cũng chẳng có họ hàng thân tín gì. Vì suốt cả
năm, không thấy con cháu gì đến thăm. Đó là điều duy nhất mà nó biết
được về bác Năm.
Căn nhà không có bàn tay người phụ
nữ chăm sóc, không có tiếng trẻ con cười đùa thật là buồn tẻ. Trước sân
nhà của bác có trồng một cây vú sữa xum
xuê. Vào cuối mùa hạ cây vú sữa nở hoa chi chít. Từ nhà bên này nó
thường ngồi trước hiên nhà, ngắm những cánh hoa li ti trắng đục. Đôi lúc, nó
cũng bắt gặp cái ánh mắt của ông Năm đang ngó sang nhà mình.
Rồi vào một ngày mưa gió, ông Năm
lâm bệnh nặng và mất. Thế là, căn nhà lại vô chủ, lạnh ngắt. Những
chiếc lá sữa khô, rơi rụng khắp cả sân nhà. Cây vú sữa cũng bắt đầu
đơm quả. Những quả non xinh xinh như hòn bi xanh… Một hôm, trong bữa cơm, cha
nó bảo: “Nhà mình sắp có hàng xóm mới đấy.
Đó là một gia đình từ làng bên chuyển đến. Nhà nước đền bù vì đã giải phóng mặt bằng để xây dựng
đường cao tốc...". Còn mẹ nó thì góp thêm: "Có thêm
một hộ nữa cũng vui. Vả lại, căn nhà ông Năm cũng bớt lạnh lẽo".
Mấy
tuần qua, nó hồi hộp chờ đợi chủ nhân mới của căn nhà. Tháng chạp, những
sợi nắng cuối đông như đang rơi vãi trên mảng tường cũ, vàng vọt. Những
trái vú sữa cũng bất đầu căng bóng, sáng lấp lánh trên cành. Rồi họ
dọn đến. Một chiếc xe ba gác chở cồng kềnh tủ ghế, quần áo và ba người.
Nó nhìn thấy một người đàn bà gầy gò, mặc chiếc áo bà ba cũ kĩ. Một cô
gái khoảng đôi mươi và một cậu bé đen đúa, đang lúi húi cất đồ xuống
xe. Cha và mẹ nó cũng chạy sang giúp người hàng xóm mới một tay. Cha và mẹ
nó giúp họ khiêng cái tủ thờ vào trong nhà, còn cô bé thì quảy túi
quần áo to tướng và cậu em trai bê một túi sách vở bước theo sau. Nó
định đứng dậy sang làm quen với những người hàng xóm mới nhưng nó cứ thấy ngài
ngại. Có lẽ vì sự có mặt của cô bé ấy. Nó chỉ kịp nhận ra cô bé khá xinh,
có đôi má lúm đồng tiền thật có duyên. Còn cậu em cũng trông rất
lém lỉnh. Ðặt túi đồ xuống, cô bé nhìn ra sân vườn và đi ngay đến chỗ
gốc vú sữa. Cô đưa tay ve vuốt thân cây xù xì và ngước nhìn mấy trái
vú sữa non. Thằng em trai cũng vội vã chạy theo chị mình. Hình như,
đôi mắt của cậu bé sáng lên như đã phát hiện ra điều gì đó. Thằng
bé lẩm bẩm đếm: “một trái, hai trái, ba trái…” và reo lên sung sướng.
- Thủy và Minh à, vào nhà phụ mẹ dọn
dẹp đi con!
Nghe tiếng mẹ gọi, hai chị em giật
mình chạy vào. Nhưng ánh mắt họ vẫn còn như vương vấn ở lại. Vậy là, nó
đã biết tên cô gái và đứa em trai. Đặt quyển sách xuống bàn, nó miên man
suy nghĩ. Từ nay, căn nhà đã có chủ mới và cây vú sữa cũng hết cô đơn.
Nhưng không hiểu vì sao nó lại thấy thoáng buồn và nhớ ông Năm quá đỗi.
Nó tin rằng, bác Năm sẽ vui lắm, khi nhà mình có tiếng trẻ con bi bô và có
người thay bác chăm sóc khu vườn.
Bữa cơm chiều, cha mẹ nó lại kể
chuyện râm ran. Và nó biết người phụ nữ ấy tên Nguyệt, là một giáo
viên đã nghĩ hưu. Chồng cô đã mất trong một vụ tai nạn giao thông, khi
đó Thủy mới lên 10 tuổi, còn bé Minh vùa tròn ba tháng tuổi. Cô Nguyệt
ở vậy, nuôi con ăn học. Nhưng cô bị căn bệnh tim hoành hành nên đã nghỉ
dạy từ lâu. Đường học vấn của Thủy cũng sớm khép lại. Vì ốm đau
nên cô Nguyệt không thể làm được việc nặng. Cả nhà chỉ biết trông nghề dệt chiếu và se nhang
của Thủy.
2.
Ở cái xóm nhỏ này, việc
cấp sách đến trường là một đều không phải bất kỳ đứa trẻ nào cũng
làm được vì cái nghèo đã bó buộc chúng. Riêng cha mẹ nào cũng khát
khao muốn con mình vượt qua “cái xóm nhỏ” này. Nó may mắn hơn những đứa
khác trong xóm, được cha mẹ chăm sóc, tạo điều kiện cho ăn học. Cha mẹ thường
động viên nó: "Nhà mình nghèo, con ráng học tốt sau này đỡ
vất vả hơn ba mẹ". Nhà người
hàng xóm mới không may mắn như nhà nó. Cô Nguyệt đau ốm liên miên. Thân hình
dì gầy sọp, xanh xao. Thủy phải thường xuyên đưa mẹ đi bệnh viện. Nhìn
cái dáng nhỏ xíu của cô đạp xe, chở mẹ đi đi, về về. Mọi người, ai
cũng rất thương. Bà con hàng xóm (có ba mẹ của nó) thường chạy sang
giúp đỡ. Người vài ba ký gạo, người lon sữa, người chai dầu gió,… Hai
chị em Thủy thay mẹ cám ơn mọi người rối rít.
Nhưng bệnh của cô Nguyệt lại trở
nặng, phải chuyển lên bệnh viện. Nghe mẹ nó nói: “Bác sĩ bảo cô Nguyệt phải mổ tim gấp. Nếu không sẽ rất nguy
kịch. Mà chi phí điều trị gần cả trăm triệu đồng.” Cả nhà cô
Nguyệt như rơi vào vực thẳm. Nhìn mẹ bị cơn đau hành hạ. Thằng nhóc
Minh thì khóc sướt mướt, còn bé Thủy buồn rười rượi. Thủy cố chạy đôn
chạy đáo như thế nào cũng không kiếm ra nỗi số tiền to đùng ấy.
Thủy rất tuyệt vọng. Đôi mắt cô bé lúc nào cũng đỏ chạch.
Vài ngày sau, có người bạn cũ của mẹ
Thủy ở Sài Gòn xuống thăm. Thấy hoàn cảnh bạn mình đang lâm vào nguy
kịch, bà ấy đã giúp cô Nguyệt phẩu thuật tim… Và không lâu sau đó là
đám cưới của Thủy diễn ra. Cô ấy lấy chồng Hàn Quốc. Sự kiện này,
làm xóm nó xôn xao hẳn ra. Người không biết chuyện thì nghĩ: “Mẹ
vừa khỏi bệnh mà đòi lấy chồng. Chắc nó ham giàu”. Còn người
biết chuyện thì bảo: “Tội nghiệp con nhỏ lấy chồng Hàn để lo cho
mẹ…”.
Mặc cho lời xì xầm, mẹ con cô
Nguyệt không nói gì hết. Nhưng người ta thấy cô ấy rất buồn. Sau ngày Thủy
theo chồng thì cây vú sữa chín rộ. Nó chạy sang phụ giúp mẹ con cô Nguyệt
thu hoạch vú sữa. Thằng bé Minh, cầm mấy trái vú sữa căng tròn, mùi
mẫm và thỏ thẻ: “Ứơc gì chị Hai còn ở nhà, chị sẽ nếm được
hương vị ngọt ngào của mấy trái sữa này nhỉ?”. Còn cô Nguyệt thì
đưa mắt đăm đăm nhìn xa xăm. Cô thở dài lẩm bẩm: “Tội nghiệp con nhỏ,
không biết giờ này nó đang làm gì. Mùa này, ở bển (Hàn Quốc), nó có
chịu nổi không?”
- Má ơi, con xem phim thấy tuyết rơi.
Chắc chị Hai lạnh lắm.
- Thôi dì và em Minh đừng buồn nữa. Rồi Thủy cũng sẽ sớm
về thăm nhà mà? –
Nó an ủi.
- Bỗng cô Nguyệt mắt ươn ướt: “Tại cô bịnh quá... nên nó mới đi lấy
chồng xa như thế. Cô buồn lắm cháu ạ!”
Nó thỏ thẻ với cô: “Thủy rất có
hiếu với bác. Nếu Thủy biết dì buồn, bạn ấy cũng không vui đâu. Dì
an tâm, đã có con bên cạnh. Có gì cô và em Minh cứ gọi con”. Bỗng
một cơn gió thổi mạnh qua, làm mái muối tiêu tóc cô Nguyệt rối tung. Cô im lặng
lẽ ngồi xuống, vuốt lại mái tóc của mình. Khuôn mặt xanh xao của cô nhăn
lại... Rồi cô ho. Những tiếng ho kéo dài, khô khốc... Hai tay dì ôm lấy
ngực. Và trong lòng nó, cảm thấy một nỗi lo mơ hồ.
Thắm
thoát, ba mùa đông lạnh giá đi qua. Cây vú sữa cũng đã ba lần thay
lá, đơm hoa, kết quả nhưng Thủy vẫn chưa một lần về thăm dì. Mọi liên
lạc với gia đình, cô chỉ thông qua điện thoại. Thỉnh thoảng, cô gởi về
cho mẹ con dì Nguyệt vài ba triệu để lo thuốc than cho dì. Hễ cứ thấy
người đưa thư tới là bà con hàng xóm lại xì xào: “Con nhỏ gửi
tiền về nữa kìa. Mẹ con bà Nguyệt sướng thật”. Có người dí dỏm:
"Có lẽ mẹ con bà Nguyệt sắp xây nhà tường cho coi". Ai
nói thì nói, dì Nguyệt buồn so. Lòng nhoớ con đau đáu. Có lần, dì
tâm sự với mẹ nó: “Tôi ước gì con Sơn Thủy đang đứng trước mặt
mình. Có lẽ, dì sẽ khóc mất”. Nó không biết Thủy bận gì mà
suốt ba năm rồi mà vẫn chưa về thăm dì. Ngồi trước hiên nhà, nó nhìn
sang nhà mẹ con dì Nguyệt. Cây vú sữa trơ ra nhiều cành gầy guộc và khô
khốc không một cộng lá, đang run rẩy trong gió. Cái sân nhà đầy lá khô rụng.
Nó thấy dì Nguyệt đang lúi húi quét lá khô, gom thành mấy đóng nhỏ.
Còn thằng Minh đang ngồi học bài râm ran. Nhiều đêm thức học bài, nó
nghe thấy tiếng ho khe khẽ từ bên nhà Minh vọng sang. Tiếng ho ngày càng
kéo dài hơn, to hơn. Nó thấy lòng lo lắng, bất an cho dì. Nó nghĩ
ngợi mong lung: nếu như…
Năm sau, nó đỗ đại học. Ước mơ vào
giảng đường của nó đã thành hiện thực. Những ngày ở thành phố, nó luôn
cảm thấy nhớ nhà, nhớ cây vú sữa đến da diết. Nghỉ hè nó về thăm nhà.
Nó dự định sáng mai, sẽ sang hỏi thăm cô Nguyệt. Nhưng cha mẹ từ nhà cô
Nguyệt chạy về gọi giật:
- Mày qua nhà cô Nguyệt mau đi, cô ấy trở bệnh nặng lắm. Chắc không qua được.
Nó ù té chạy sang. Nhà cô Nguyệt khá
đông người. Thằng Minh khóc sụt sùi: “Má ơi, đừng bỏ con, má..ơi...”.
Nó chạy ngay đến bên cô Nguyệt. Đôi mắt của cô gần như trắng bệch. Bàn
tay xương xẩu của cô Nguyệt nắm lấy tay nó. Giọng cô thều thào, đứt quãng: “Cháu điện... sang bên ấy... gọi Thủy... Thủy
về…cho cô…”
Nó gật gật đầu, gương mặt xanh ngắt,
không hột máu. Nó gọi liền cho Thủy. Hay tin, cô ấy điếng cả người: “Sơn
nói sao? Má em đang trở bệnh nặng. Anh ráng chăm sóc má giùm em, em sẽ thu
xếp việc nhà và bay về liền…”. Cúp điện thoại xuống, nó như vẫn
còn nghe tiếng thở dài, đau nhói của Thủy. Trời chiều cũng đã lặn xa tít
ở cuối trời, những giọt nắng nhỏ bé yếu ớt cũng dần dần từ từ lặn xuống....
Lúc nửa đêm, cô Nguyệt trở mình gọi mấy
tiếng thảng thốt: "Con ơi. Thủy ơi..về..về..." rồi mắt nhắm liền. Thằng Minh gào
khóc thảm thiết: “Má ơi, má đừng bỏ con ở lại một mình. Chị Hai
ơi, chị về mau đi…”. Hàng xóm, ai cũng lặng lẽ lau nước mắt. Họ im
lặng nhìn nhau không nói gì. Riêng nó, cảm thấy cổ họng mình cứ
nghèn nghèn như có vật gì chẹn ngang. Bên ngoài, nó nghe có tiếng cây
khô gãy “rắc rắc”. Bản tin thời tiết báo đêm nay có gió mùa về. Trời bắt đầu mưa lâm râm, lạnh buốt...
Hơn hai ngày sau, Thủy mới đáp máy
bay về tới nhà. Trông cô gầy hơn trước, đôi mắt đầy quầng thâm. Hình
như, cô đã thức suốt đêm. Cô vừa khóc vùa bước vào nhà. Người ta đã
lịm áo quan. Cô không kịp vuốt mặt cho má mình lần cuối. Còn mẹ nó chép
miệng thở dài: “Tội nghiệp con nhỏ!”.
Thủy quỳ và khóc bên áo quan lạnh ngắt. Thủy nhìn di ảnh của má mình và khóc
ấm ức. Thằng Minh cũng khóc theo.
3. Sau đám tang cô Nguyệt, thằng Minh
nói: “Chị Hai, ở lại với em nhá. Má mất rồi, chị đi nữa thì em
sống với ai ?”. Thủy ôm em vào lòng:“Chị thương em lắm,
nhưng…biết làm sao... chị còn hai đứa con bên ấy nữa...”. Cha mẹ nó liền
cất tiếng: “Con an tâm, cứ giao cháu Minh cho hai bác chăm sóc. Bác
xem hai đứa như con cháu trong nhà”. Thủy nắm lấy tay mẹ tôi và cám ơn
rối rít. Thế là, nó lại có thêm một đứa em trai. Nó rất tán đồng
với ý kiến của ba mẹ mình.
Bốn mùa hè cũng đã trôi qua, nó tốt nghiệp ra trường và xin về
quê giảng dạy. Còn thằng Minh cũng bước vào cấp ba. Thằng bé, càng
lớn càng thông minh và học giỏi. Minh mơ ước lớn lên sẽ làm bác sĩ
để chữa trị cho những người dân xóm mình. Bất chợt, nó ngước nhìn cây
vú sữa đang đứng sững sững trước sân, da xù xì, tán lá mát rượi. Cây
đang ra hoa, những cánh hoa nhỏ li ti và chi chít như báo hiệu một mùa
trĩu quả...
Vĩnh Sơn (Tiền Giang)
Thắm thoát, bao mùa gió chướng đi qua. Những cây vú sữa của bà cũng đã ba lần thay lá, đơm hoa, kết quả. Chúng tôi đã trưởng thành hơn và tóc bà đã nhuộm màu mây trắng. Tuổi thơ rồi cũng trôi qua, nhưng những ký ức ngọt ngào về mùi vú sữa vẫn đọng đầy ngon ngọt trong lòng chúng tôi....
Trả lờiXóaĐọc một số tuỳ bút của Sơn, tôi có cảm giác bạn là người sống rất tình nghĩa, nhất là với người mẹ. Đối với Sơn, mẹ là tất cả! Thật tuyệt vời!
XóaCảm ơn chị Thúy Vinh đã đồng cảm. Ai cũng yêu mạ mình mà chị, hihi
Trả lờiXóa