(Nhân đọc tập thơ LỤC BÁT NÚI SÔNG của Trương Tri)
Tác giả Trương Tri, kẻ yêu ca dao dân ca, yêu những lời ru của mẹ đến nhập
tâm, đó là cảm nhận của người đọc khi lướt qua các tập thơ của anh.
… Anh về em thả tiếng tiêu
Nhờ mây chở mãi phía chiều anh qua
Gửi thêm nửa khuyết hằng nga
Ô Lâu Cố xứ trăng ngà tình
em!
Người đi Tây Bắc không về
Rừng già quan tái phu thê đôi đường.
Bài Em thương Cà Mau:
Mây thương phiêu lãng Cà Mau
Trăng thương Cái Nước
dãi dầu mùa xanh
Trên từng cây số là thiên ký sự những cuộc tình qua các địa danh thắng cảnh
xinh tươi của Tổ quốc, từng ngọn núi dãy rừng hùng vĩ, từng con sông dòng suối
mượt mà chở nặng phù sa màu mỡ nuôi dưỡng luống cày đồng ngô ruộng lúa, nuôi dưỡng
con người xới ải bao tháng năm qua, bài Dòng
sông đợi chờ:
Chàng Trương nhặt nắm lụa đào
Tìm bờ sông Đuống chờ nhau sông Hồng
Mấy mươi năm lẻ long đong
Đường tơ nát bấn tấc lòng thời gian.
Bài Chợ tình Khâu Vai:
Tương tư Sông Nhiệm Núi Đôi
Thân thương Quản Bạ mây trôi Chợ tình
Một lối hành xử đẹp mang đậm nét truyền thống văn hoá Việt
“thương người thương cả lối đi…”, yêu “Chợ
tình” tất thị tương tư cả những danh lam thắng cảnh sông núi gần đó mấy chục dặm
đàng, và yêu cả áng mây trôi ngang lưng trời nơi ấy.
Bài Sông Trà yêu thương:
Sớm mai xứ Quảng xa rồi
Sông Trà con nước chia phôi mấy miền
Sân ga vành nón
nghiêng nghiêng
Giấu đôi dòng lệ muộn phiền mắt nai
Những vần thơ bóng bẩy đầy ẩn dụ:
Nghĩa Hành Sơn Tịnh
mênh mang
Đêm “don” Trà Khúc thơm tràn đôi môi
Vừa giới thiệu danh lam thắng cảnh đất
Quảng, món ngon đặc sản, nỗi lòng hai kẻ yêu nhau lúc chia tay và cả tình yêu lứa
đôi đắm đuối trao nhau trong… món ngon đặc sản nơi bến bờ Sông Trà thơ mộng ấy.
Và bài Bốn phương:
Bến Cầu1
khắc khoải tầng xanh
Vì đâu Xa Mat1 tròng trành chờ nhau
…
Vì em nhẹ dạ lời
ngàn
Tin nhau chuốc mỗi trái ngang nửa đời
Yêu anh, anh mãi
phương trời
… xa xăm!
(1Địa danh thắng cảnh của
tỉnh Tây Ninh)
Đọc tập thơ LỤC BÁT NÚI SÔNG có thể nhớ lại, biết thêm một số thời khắc
lịch sử kiêu hùng và gian khổ của dân tộc yêu chuộng hoà bình này, đôi nét đặc
thù văn hoá vùng miền và các danh lam thắng cảnh xinh đẹp trải khắp đất nước gắn
liền với những giai đoạn lịch sử oanh liệt ấy, bài Mẹ Âu Cơ:
Chàng đi thuở ấy biển Đông
Thương đàn con
mãi mênh mông phương nào
…
Bầy đàn một dạ sáng trưng
Văn Lang mở cõi tưng bừng tương lai!
Và bài Cưới vợ Tây Nguyên:
1… Vượt Se-rê-pôk từng ngày
Qua sông cởi áo… cầm tay nhau cùng
Sá gì hơi
ấm thanh xuân
Băng rừng Trah-bư lạnh trân môi mềm
2…
Bắt chồng gian khổ bên em
Cưới
xin nghi lễ mời bên cà rà…
Nhưng đây không phải là cuốn sách lịch sử bằng thơ ca lục bát mượt mà,
không phải là cuốn cẩm nang đặc thù văn hoá vùng miền bằng văn vần, cũng không
phải là cuốn sách địa dư bằng ca dao dân ca lụa là truyền thống. Đó chỉ là những
thiên tình sử, những cuộc tình diễm lệ của các chàng trai cô gái thương yêu
nhau ngất trời, điểm xuyết trên những vùng miền đất nước thân yêu xinh tươi
này.
Tình yêu Sông Núi hùng vĩ và tình yêu lứa đôi thơ mộng đan cài huyền ảo
trải dài thời gian không gian quê hương. Ấy là thực tại cuộc sống, là thực tế
sinh động qua nhiều giai đoạn lịch sử, nói lên rằng tình yêu hiện hữu khắp nơi
qua các thời khắc. Ngọn núi dãy rừng nào cũng thắm đẫm tình yêu, dòng sông con
suối nào cũng trôi theo những giọt nước mắt và máu hồng, danh lam thắng cảnh
nào cũng in đậm dấu ấn tình đất tình người.
Nếu tình yêu đất nước là cội
nguồn của lịch sử và văn hoá dân tộc, là gốc rễ của mọi hoạt động cá thể trong
quần thể ấy, thì tình yêu gia đình là cội rễ cái trong quần thể cội rễ xã hội
xưa và nay, bài Đêm ngư phủ (2):
Ánh trăng chênh chếch trên đầu
Ngàn sao lấp lánh muôn màu không gian
Cha con ngư phủ thuyền nan
Quăng chi mẻ lưới Năng Giang(*) đêm
này
Tập cho con vững tay chài
Sông Gầm(*) trìu trĩu ắp đầy cá tôm
Ngày sau manh áo bát cơm
Rồi con quang gánh chăm nom gia đình
(*Địa danh thắng cảnh của
tỉnh Cao Bằng…)
Dạy con chăm nom gia đình manh
áo bát cơm với từng mẻ lưới trên sông hằng đêm, và cả dạy cho con giăng màn bảo
vệ giấc ngủ, bảo vệ sức khoẻ mình vàng:
Như chàng ngư phủ hôm nay
Chỉ cho con trẻ vung tay lưới mành
Cha tập cho con giăng màn
Gia đình ngon giấc yên hàn canh thâu
Làm quen sướng khổ ngày sau
Hai vai sông núi gian lao đất trời!
Ôi, có lẽ Trương Tri rất tâm huyết với gia đình từ ngoài đời thực cho đến
trong nếp nghĩ sâu xa tâm thức, nên qua bốn tập thơ đã in, tập nào cũng rất tâm
đắc với các bài thơ về gia đình bằng tứ thơ lạ, và niềm hạnh phúc bao la trong
công việc không tên này!
Rồi tình bạn hữu,
một giọng điệu thơ nhẹ nhàng chân phương, nhưng ngôn từ bay bổng, bài Nhớ bạn quá cố:
Người đi xa lắc thanh tân
Về đây phiêu giạt đường trần bao năm
Lòng son nhuộm một tình thâm
Và từng nắng chói mưa dầm nhớ nhau
Rất sâu lắng cảm
xúc trân trọng tiếc thương, phải chăng xuất phát từ tấm lòng và tình cảm chân
thành sâu sắc dành cho bạn bè:
Một chiều dứt áo ra đi
Ô hay bỏ mặc xuân thì ngàn phương
Trăng sao nhẹ gót vô thường
Mà nào nhẹ nỗi tiếc thương tình bằng.
Và bài Mẹ Âu Bến
Tre đón Anh về cũng rất trân trọng tiếc thương và sâu lắng
cảm động vậy:
Mẹ Âu sa số cháu
ngoan
Hết lòng cái nước cái non cả đời
…
Nghiêng mình tất
thảy hân hoan
Lặng nghe tất thảy chia buồn sớt vui
Tiễn anh biết mấy
ngậm ngùi
… tiếc thương!
Thơ lục bát ẩn dụ súc tích thật khó ngấm những tình tiết lê thê. Hồn vía
câu chuyện tình và thần thái người tình hoà quyện vào hồn cỏ cây sông suối núi
đồi, tình đất nơi ấy thấm đẫm tình người, câu chuyện lịch sử - văn hoá ngấm
ngót hồn thiêng sông núi, thắp lên ngọn lửa tình yêu cao cả cùng nhau hướng về
tương lai. Nhiều bài trong tập thơ vươn tới điều lý thú ấy. Xin chia sẻ niềm
hân hoan với tác giả, và rất hân hạnh giới thiệu đến khách thơ một tác phẩm tốt
của Trương Tri.
Vương Hạnh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét