Nhà mình, mặc dù ở thành phố, nhà mặt tiền trên con đường
(cũng hơi) sầm uất, buôn bán rộn rã…nhưng chẳng khác nào nhà ở quê (nếu không
muốn nói là còn tệ hơn).
Căn nhà ba gian hai chái chưa tô, chưa quét, còn nguyên xi
lớp tạp lô chồng chéo, mùa hè gió thổi mát rượi, xóm giềng ngày nào cũng tụ tập
qua trò chuyện rôm rả, mùa mưa thì khỏi phải nói, bốn bề toàn cửa sổ, gió thổi
tốc vào, lạnh thấu xương.
Người ngoài nhìn vào, dù nấp ở góc nào cũng bị phát hiện (trừ
khi đứng sau vách tường). Ai đến chơi cũng hỏi, sao không sửa sang đi, sao
không tu bổ đi, con cái lớn cả rồi mà. Lúc đó, ba mẹ cứ ậm ừ, cười khề khà. Có
lần ba dõng dạc, đùa đùa “Nhà này xây từ hồi con bé mới chập chững tập đi,
giờ nó đã hai mấy tuổi đầu, đợi nó lấy chồng giàu nó mua cho cái nhà đẹp, giờ
để làm di tích, ít bữa các đoàn Festival về, tui cho họ quay phim làm tư liệu”.
Nghe vậy, các chú các bác cứ mắt tròn mắt dẹt cả lên: “Anh nói đùa ấy chứ,
đất anh rộng thế, thiếu chi tiền mà đợi con bé lấy chồng giàu”. Ba mình vừa
cười vừa nheo nheo con mắt, “Thiếu chứ sao không, đất là đất, mà tiền là
tiền. Bán đất thì có tiền nhưng con đông, lúc ấy có ra hồ dựng nhà sàn mà ở à”.
Nói xong, ba cầm ly rượu nhỏ hớp một ngụm, rồi ngẩng mặt lên trời cười ha hả
rất khoái chí.
Ba mình là thế, quý từng tấc đất. Bao nhiêu năm sống và lớn
lên cùng gia đình, mình nghe không ít người xúi ba làm cái này cái nọ với cái
nhà xấu xí và mảnh đất yêu dấu của ba nhưng đáp lại lời họ ba toàn cười, “tui
để nuôi chim cò, kiếm tiền nuôi vợ nuôi con”. Mà, nói là nói thế thôi, chứ
thời buổi kinh tế thị trường, chim cò
làm chi kiếm ra đủ tiền mà nuôi mấy cái miệng ăn nhà mình. Mình nuôi nó còn
không nổi nữa là.
Mua một mớ chim bồ câu về nuôi, ngày này qua tháng nọ, chúng
đẻ ra không biết bao nhiêu mà kể. Mẹ lựa lời, “bán ít cặp, lấy tiền mua lúa
cho chúng nó ăn ông hấy”. Ba nhìn mẹ trợn mắt, dứt khoát không bán, lụi cụi
kiếm thêm mấy cái vỏ ti vi làm thêm chuồng cho chúng. Nhưng vỏ ti vi thì cũng
có hạn, diện tích cũng có hạn, đến một lúc không còn chổ ở, lũ chim bồ câu bay
bớt đi, dứt khoát không chịu ở ba, bốn con chung một chuồng. Mẹ thấy tiếc, chép
miệng, “bán cũng không cho, bắt làm thịt nấu cháo cũng không cho, lúa thì
càng ngày càng mắc”. Ba nghe thế lại cười khề khà, “cái bà này, tiếc chi
mấy đồng bạc, ngày ngày hắn đậu trước sân mổ thóc, nhìn không vui cái hai con
mắt à”.
Thấy cái vườn còn trống, cơm ăn hay bị từa thừa, ba “tậu”
thêm mấy con gà, sáng kêu tục ta, chiều kêu tục tác, cái vườn ồn ào hẳn. Đến
dịp nhà có đám tiệc, mẹ toan ra bắt hai con làm tiết, nghe tiếng kêu oang ác,
ba chạy ra luýnh quýnh, vừa thiệt vừa đùa “cần thì cứ đi mua, sao vô cớ bắt
gà tui”. Mẹ trố mắt ngạc nhiên: “thiệt hay đùa”. Ba lại nhe răng
cười: “Gà tui nuôi, tuyệt đối không ăn thịt nó, nhìn vui mắt chơi”. Mẹ
lắc đầu biểu anh trai mình vô chợ, cắn răng bỏ mấy trăm ngàn mua hai con gà vừa
ốm vừa ngơ, ăn mà muốn nghẹn. Một thời gian sau, mấy con gà không biết bị gì,
đi ngúc nga ngúc ngắc, cho cơm không thèm ăn, đuổi không buồn chạy, béo đầu
không thèm kêu, mẹ sợ ba buồn, nói nhỏ nhẹ: “lũ gà yếu rồi, để vậy nó sẽ
bệnh nặng rồi chết, bán cũng chẳng được mấy đồng, thịt hấy?”. Ba nghe mà
chẳng thèm nhìn, lầm lũi bước đi: “mẹ con bây làm gì thì tùy, tao không ăn”.
Tưởng ba đùa, hóa ra thiệt. Bữa cơm thơm phức với đĩa thịt gà
kho ngun ngút khói, ông anh vừa ăn vừa suýt xoa, “lâu mới được ăn thịt gà ta,
ngon khỏi chê”. Mình định nhón tay bốc một miếng xem sao, mẹ đã huých khuỷu
tay, ánh mắt hướng về phía ba. Nhìn thấy ba, mình chưng hửng. Ba ngồi dựa lưng
trên ghế, nhìn ra khoảng sân vườn nơi lũ gà hằng ngày vẫn mổ thóc, im lìm. Trời
ạ, xưa giờ ba giận mấy anh em mình, giận mẹ còn chẳng buồn đến thế, giờ vì mấy
con gà mà ba… thẫn thờ như vừa mất vàng. Mẹ thương quá, không đành lòng, xong
bữa cơm lại đon đả đạp xe đi đâu đó, lúc về xách theo mớ gà cột chân kêu oang
oác. Ba đang nằm thiu thiu trên giường, nghe tiếng gà kêu, mắt mở ra sáng
choang, vỗ tay cái bốp,“mẹ mày giỏi, thế mới là vợ tui chứ lị” rồi lại
ngẩng đầu lên trời, cười cái điệu cười ha hả ha hả như mọi khi.
Bao nhiêu năm trôi qua, giờ, vẫn cái nhà cũ mốc, cái vườn
rộng thênh thang, lũ chim bồ câu chung tình, chuồng gà xiên xẹo vắng tiếng gà
nhưng có một thứ khác rồi, khác nhiều rồi. Và mẹ mình, cũng đã không còn khỏe
mạnh như ngày xưa.
Huế, 2011
Hồ Tịnh Thủy
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét