Dẫu biết rằng đó là quy luật.
Nếu
như quy luật tự nhiên có bốn mùa xuân hạ thu đông là vô hạn.
Nếu như quy luật đời người sinh lão
bệnh tử là hữu hạn.
Thì sự hữu hạn đời người là sự hữu hạn
tiếp nối cái vô hạn của tự nhiên.
Nhưng vì sao những tiếp nối trong tôi
không còn là hữu hạn lại nghiêng về nhiệt độ mùa đông theo hàn thử biểu bởi
không thể không tin đó là sự thật: Cụ Vũ Ngọc Liễn, người sáng lập Câu lạc bộ
Văn học Xuân Diệu ở độ tuổi đã gần chín mươi, Cụ vẫn thường xuyên đi sinh hoạt
CLB, vẫn đến nghe lớp trẻ hát dân ca, đọc thơ, ngâm thơ, và hơn nữa còn được
ngắm những gương mặt yêu thơ, được nghe những tiếng nói cười duyên dáng của anh
em trong CLB của mình. Mới năm trước đây, vừa nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn
học Nghệ thuật, Cụ trích ra một phần để làm mâm cỗ giỗ Nhà thơ Xuân Diệu, Cụ
trích phần lớn nhất và đã vận động thành lập Giải thưởng Vũ Ngọc Liễn khuyến
tài hát bội - bài chòi Bình Định, lại trích thêm một phần giải thưởng nữa và sự
đóng góp của các nhà hảo tâm trong cả nước. Cụ khao khát nhưng chưa dành phần
cho mình thực hiện ước mơ được đến Osaka, Nhật Bản để nghiên cứu
về hát bội, vì ở đó có nhiều tư liệu gốc về hát bội. Thế là sau mười ngày phát
thưởng cho năm nghệ sĩ trẻ tiêu biểu của năm 2013, cũng là sau mười ngày kỉ
niệm sinh nhật của Cụ, và có ai biết rằng trong giấc nghỉ trưa ngày 28.11.2013,
sau khi đi khám bệnh nhận thuốc về nhà để uống, sau khi nhà văn Lê Hoài Lương
và nhạc sĩ Đỗ Ngọc Hoánh thường có mặt tại nhà hầu chuyện cùng Vũ tiên sinh vừa
về nhà lại hốt hoảng quay trở lại khi bên cạnh còn tờ giấy bạc một trăm ngàn mà
nhà văn vừa trả nợ, mà trước đó Cụ còn nằm kéo tấm chăn che kín ngực, chân bắt
chữ ngũ, thỉnh thoảng ngồi dậy góp vui cùng anh em. Có điều lúc ấy Cụ không
thưởng rượu, uống trà như mọi khi, nhà văn Lê Hoài Lương bàng hoàng nghẹn ngào
kể lại quả là Cụ “lừa” một cách ngoạn mục để âm thầm một mình ra đi khi không
có một ai bên cạnh. Có phải chăng đi vào giấc ngủ mơ vĩnh viễn cõi trần mới
biết ta là ai, sống khôn thác thiêng mới biết ta là ta: Cụ Vũ Ngọc Liễn, Nhà
nghiên cứu hát bội của Bình Định ra đi thật nhẹ ngàng thanh thản, chỉ để lại
một tủ sách đồ sộ có thể kể như Đào
Tấn qua thư tịch, gồm 3 tập, hơn 2 ngàn trang sách, Thư mục tư liệu về Đào Tấn,
Thơ và từ Đào Tấn, Sưu tầm tuồng Đào Tấn, cùng
những tác phẩm khác như: Kẻ sĩ đất Thang Mộc, Góp nhặt dọc đường, Hát bội
Bình Định và Công lao Ưng
Bình Thúc Giạ Thị, Đông Lộ Địch khúc mở màn, Quỳnh phủ Nguyễn Diêu, ông đồ nghệ
sĩ và một vài tập thơ, dịch
thơ chữ Hán của Đào Tấn, sưu tầm khảo cứu tuồng hát bội Bình Định mà cả đời vật
lộn chắt chiu giành lại sự công bằng trong từng trang viết cho đến hơi thở cuối
cùng của một người lao động nghệ thuật chân chính.
Trong khói hương trầm, tôi run run kéo
nhẹ tấm giấy điều hình chữ nhật đặt trên nắp quan tài để ngắm gương mặt lần
cuối, trước khi đưa Người về quê. Ẩn trong đôi mắt hiền từ mà cương trực giờ
đây đã bình yên khép lại, ẩn sau đôi môi đã ngã màu mà trước đây chứa đầy nụ
cười ấm áp tin yêu, còn nhịp đập hơi thở từ trái tim bao dung của chín mươi năm
đã hòa vào khói hương trầm lan tỏa đâu đây. Giờ đưa linh vượt qua cầu Thị Nại
trong nắng ấm mùa đông lúc này đã chùng lại, ngập ngừng mấy phút như điểm hẹn
cuối cùng cho Cụ gởi niềm tin nối đôi bờ biển đảo với đất liền, như thể nhắn
nhủ người ở lại giữ gìn và điểm tô phong cảnh nên thơ của bán đảo quê hương.
Hàng dương thẳng tắp hai bên đường cũng như những tán lá cây tra xanh hơn mát
hơn, vươn thẳng hơn đang nghiêng mình đón chào Cụ trở về Nhơn Lí ruột rà để
được từng đêm nghe rõ tiếng gió vi vu vượt qua đồi thông nhớ tìm về đất liền,
tiếng sóng dặt dìu hơn như lời thầm thì nhắc nhở dè chừng những con sóng lớn
ngoài xa trở chứng bất ngờ vồ vập khó mà trở tay.
Trong khói hương trầm nghi ngút hòa
quyện tiếng kèn đưa linh, những nắm cát vàng hoe cứ lần lượt lấp kín, ngôi mộ
cao dần vừa lúc bóng mặt trời chênh chếch phía tây. Mỗi cánh hoa trên ngàn vòng
hoa của ngày hôm ấy đã nói hộ điều gì của người còn sống đối với vong linh Cụ
Vũ Ngọc Liễn, một tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài đến hơi thở cuối cùng.
Lặng trong khói trầm hương miên man những cảm xúc bất chợt ùa về, giữa tiếng
trống chầu rằm tháng bảy thường năm nơi đình Vinh Thạnh và trên con đường làng
Lí Môn lại nhớ hơn từng bước chân Cụ thong thả đi về thắp hương Nhà danh nhân
văn hóa Đào Tấn. Lúc này đây tôi thèm có được những giọt nước mắt để đưa bàn
tay gầy gò của mình lên má như hôm nào hay tin Cụ Vũ Ngọc Liễn từ trần, chị tôi
bùi ngùi kể lại bữa trước đi sinh hoạt CLB Xuân Diệu, cùng
xuống cầu thang ở Trung tâm Văn hoá tỉnh, chị thỏ thẻ hôm nào em xuống nhà anh
học cách viết thư pháp, Cụ thích lắm, sẵn sàng ngay. Ý của chị là để Nguyên
tiêu tới, chị mua giấy cho hai thầy trò cùng vẽ
chữ tặng người quý chữ! Chị lại khóc nữa là làm sao!... Chị
bảo em nhắc chi chỉ còn 20 ngày nữa là đến giỗ xuân Diệu nữa rồi, sao Cụ không
chờ! Chị Trướng tôi lại quẹt nước mắt nữa !...
Nhưng đôi lúc con người ta thèm khóc mà
không thể khóc được giữa khói trầm hương cũng là niềm hạnh phúc cho người ra
đi! Biết nén đau thương để tri ân người đã khuất là học tập được tính kế thừa
gói ghém trân trọng trong cặp câu đối điếu văn của Trần Viết Dũng, Lưu Thị Mười
và Tiểu Mục Đồng đến viếng Cụ:
“MÊ VĂN CHƯƠNG, THÍCH MAI TÙNG, SOI CỔ LỤC
THƠ TỪ ĐÀO TẤN
ĐẮM HÁT BỘI, SAY TÌNH NGHĨA,
VỖ HÍ TRƯỜNG TUỒNG TÍCH NGUYỄN DIÊU”
05.12.2013
Nguyễn Thị Phụng
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét