Hồi đó cả gia đình tôi sống bằng nghề bán hàng trên sông. Xuồng hàng chuyên bán các loại rau cải, trái cây, phân biệt với ghe hàng bán tạp hóa.
Cách đây hàng chục năm, vùng sâu vùng xa miệt Ngã Năm, Ngã Bảy giao thông còn khó khăn, giao thương mua bán và cả sinh hoạt đều dựa chủ yếu vào sông nước.
Cả gia đình chúng tôi mưu sinh trên dòng sông bằng mấy chiếc xuồng chạy tới lui nơi Quản lộ Phụng Hiệp. Các thành viên gia đình thức dậy từ sớm khuya để chèo xuồng ra chợ nổi mua hàng. Sau đó cập xuồng vào các xóm nhỏ để bán lẻ cho bà con. Xuồng nhỏ song hàng thì nhiều: rau cải, dừa tươi, các loại mắm, khoai, dưa… Một người chèo, một người ngồi trước rao hàng, nghe gọi ới ơi là dừng chèo và cặp vào bờ.
Cận tết chúng tôi vẫn chèo chống, bán buôn hào hứng vì người mua nhiều, có lời nhiều. Chèo dưới sông, thấy trên bờ người ta chuẩn bị tết là nôn nao lắm. Món bán chạy nhất là dưa hấu. Dưa hấu mua tại rẫy, mình mang bán tận nhà, thu lợi nhiều. Người lớn xuống mua hàng, trẻ nhỏ chạy theo, xúng xa xúng xính quần áo mới.
Trên bờ đã có sắc xuân. Người ta đã làm cỏ dọn dẹp quanh nhà, phơi lá chuối chuẩn bị gói bánh…Người trên xuồng vừa bán buôn, vừa nhìn cảnh vật thay đổi trên bờ mà nôn nôn và buồn da diết. Tết nhứt đã cận kề mà chúng tôi vẫn còn bươn bả dưới sông.
Tết năm ấy, chúng tôi neo xuồng trước nhà ăn tết. Thực ra trong nhà chẳng có gì, chỉ là cái nhà tranh nhỏ xíu thôi. Dọn “tiệc” trên bến, cùng chòm xóm làm ly rượu đế, nói cười ồn ã. Vừa “ăn” tết, vừa tính chi li cho chuyến xuất hành đầu năm, đi ngày nào cho hên, nên bổ sung những loại hàng gì…
Bây giờ đã xa quê rồi, quay về thấy quê nghèo khá lên một chút, chuyện ăn tết trên sông chắc không còn. Mừng…
Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu)
Tạp bút ngắn, nhưng đọc thấy thú vị.
Trả lờiXóaCám ơn bạn đã đọc. Một cái tết vui vẻ, bạn nhé!
Trả lờiXóa