Đào Thanh Hòa
Mặt mũi lấm la lấm lét, hai con mắt ngó
dớn dác, thằng Còi bộ dạng trông thật kì cục! Nó ôm cái gì trong lần áo lạnh
bằng vải kaki cũ. Lật đật, nó chui tọt vô nhà, giọng hồi hộp:
- Má ơi má!
Bà Mười đang ray bột chuẩn bị làm ít bánh
in, thấy cái mặt xanh chành của thằng Còi, bà cũng hết hồn.
- Gì vậy thằng quỉ?
Thằng Còi lắp bắp:
- Con gà, con lụm
được con gà!
- Hử?... mày ăn
cắp...
- Hổng có, con xí
được.
Bà Mười chống hai
tay vô hai đầu gối khó nhọc đứng dậy vì ngồi lâu, bà líu cả lưỡi:
- Nói... nói thiệt
đi, mày lấy của ai?
Bà vừa hỏi, vừa
dùng tay xách tai thằng Còi lên. Thằng nhỏ đau điếng người nhưng nó không khóc.
- Con nói má hổng
tin thì thôi, con hông có ăn cắp!
- Chớ đâu mày có?
Thằng Còi đưa tay
gãi gãi mái tóc rễ tre, lặng lẽ nhìn ra cửa...
Bến xe ngày 29 Tết có phần thưa khách. Thằng
Còi nghỉ học từ hôm qua. Chiều nó lang thang ra bến chơi... Mấy đứa nhỏ bán
thuốc lá và trà đá quen chơi với Còi cũng nghỉ bán gần hết. Một cảm giác đơn
độc trơ trọi xâm chiếm lấy nó. Lúc ở trong nhà ra đây, ngang qua đường Còi thấy
một vài nhà còn tổ chức tất niên muộn. Những ly bia vàng óng, sánh bọt cứ dzô
dzô liên tục. Những gương mặt ngầu đỏ hả hê vui vẻ, thức ăn thôi ê hề bày nghê
ngói trên bàn tiệc cuối năm. Một vệt buồn như vướng ngang mắt Còi. Nó bước đi,
đầu cúi thật thấp, lòng nó dưng không nặng trĩu.
Ngồi ghé lên chiếc
vành bánh xe lớn dùng kê dù để bán hàng- Còi lơ đãng nhìn những chuyến xe đang
chuẩn bị xuất bến. Mấy ngày này, xe nào về quê cũng chất hàng cao nghệu. Đa
phần là trái cây với nhang đèn. Đằng sau mui, những chiếc giỏ nhốt gà dành cúng
đầu năm chật cứng. Chiếc xe đò chở khách ở gần Còi nhất bắt đầu đề ba.Tiếng
động cơ rền rền quen thuộc vang lên. Xe từ từ lăn bánh về phía trước... Còi
định đứng dậy bước ra xa để tránh khói xe phả ra phía sau, thình lình, trên mui
xe một con gà chui tọt ra khỏi giỏ. Sau vài giây chấp chới, nó rơi xuống đất
ngay dưới chân Còi. Con gà đứng sựng tại chỗ, hai cái chân nó bị túm lại bởi
sợi dây cột thít chặt. Quá bất ngờ, thằng Còi ngồi im sững người. Chiếc xe đã
ra khỏi bến và khuất dần sau làn bụi mỏng... Xung quanh Còi, mọi người còn mãi
lo công việc của họ, chẳng ai dòm ngó gì tới con gà bị rớt nãy giờ. Hai chân
hơi run, thằng Còi cúi xuống với tay ôm lấy con gà. Cũng chẳng người nào để ý
gì tới Còi. Nó vẫn đứng yên thừ người ra hồi lâu, nhìn quanh quất. Còi bắt đầu
cảm nhận cái ấm nóng từ con gà truyền sang người nó. Và cứ thế như người mất
hồn, Còi đi dần về tới nhà...
Bà Mười kéo tay
thằng Còi, trong tay nó bật ra con gà to đùng, chân đùi chắc nịch. Trời đất ơi!
Con gà trông đã con mắt quá! Chưa bao giờ bà thấy ngoài chợ người ta bày bán
con gà nào to bằng con gà này. Bà quay qua hăm lại thằng Còi:
- Mày nói láo tao
giết mày chết!
- Má kì!
Thằng Còi càu nhàu:
- Má cứ ra bến má hỏi đi.
Bà Mười làm thiệt.
Bà ra bến hỏi ron hỏi ren thử có ai bị mất con gà không. Ai cũng lắt đầu. Bà
lại tuôn vô xóm hỏi nữa. Ai cũng quầy quậy: không có, không biết. Bà có phần
yên tâm. Thà nghèo, nhịn đói chứ bà không để cho thằng Còi con bà làm chuyện
bậy bạ.
Ông Mười chết đã
mấy năm, bà bưng thúng bánh mì bán ngoài bến, thằng Còi ngoài giờ đi học nó
mang ấm nước với vài cái ly bán trà đá phụ tiền học với bà. Mấy bữa nay bà cũng
dành chút tiền mua ít bánh mứt cho có ba ngày Tết. Giờ có con gà trên trời rơi
xuống này, bà vừa mừng vừa lo - bà sẽ để lại cúng rước ông bà ngày mai...
Ngoài đường, ngày cuối cùng của năm, người
người vẫn còn hối hả, xôn xao ngược xuôi mua sắm, tiếng xe cộ chạy ầm ầm liên
tục... Nhìn thiên hạ mua bán rộn ràng, bà Mười muốn tối cả mắt. Bà thắp ba cây
nhang cắm vào lư hương, làn khói nhẹ bay làm mờ gương mặt hiền lành của ông
Mười trong tấm ảnh. Bà khẽ thở dài... Bà có nhiều điều muốn kể với ông lắm. Đã
lâu rồi bà không còn được gối đầu lên cánh tay xương xẩu, thô ráp của người
chồng xấu số mà rủ rỉ kể chuyện này chuyện nọ cho ông nghe. Lại thêm một cái
Tết trôi qua mà trong nhà chỉ có hai mẹ con...
Thằng Còi như quên
khuấy đi mất bộ đồ si đa má nó mua cho sáng nay- má đặt trên giường ngay trước
mặt nó. Nó đứng đó, tần ngần nhìn con gà chễm chệ nằm trên cái dĩa bàn. Má nó
vặt lông gà sạch trơn! Coi kìa vẫn còn cái mào cao ngất nghểu. Hai con mắt nhắm
chặt còn cái đầu nghiêng về một bên, da con gà vàng ươm, bóng lưỡn. Dưới dĩa,
xung quanh con gà, má Còi đã bày sẵn rau răm và cái chén nhỏ đựng muối tiêu với
vài lát chanh. Thằng Còi nuốt nước miếng. Bất giác, Còi nhìn lên hình ông Mười.
Hồi ba nó còn sống, nó nhớ ông gầy nhưng khỏe lắm! Ông bốc vác ngoài bến, quét
xe, mời khách... việc gì ông cũng làm. Ông không nề hà nặng nhọc. Vậy mà duy
chỉ một lần ông Mười đổ bệnh, ói ra máu là ông bỏ má con nó ra đi biền biệt. Ba
Còi rất thương vợ con, ông thường nhường cho má Còi với nó những thứ được cho
là ngon là lành lặn nhất. Nhưng tính ba Còi rất cộc và nóng nảy. Mỗi lần Còi
làm điều gì sai, trái ý ông, ông hay đá vào đít Còi rát rạt. Nó phải xoa mãi
hồi lâu mới hết. Thằng Còi ngắm ba nó qua ảnh, chẳng biết má nó cúng như vầy,
ông có về ăn được không? Tự nhiên Còi thấy nhớ ba nó dữ quá! Mỗi khi làm đổ bể
cái gì nó hay giật thót mình ngó quanh tưởng sắp bị ba nó đá vào đít nó như hồi
nào. Cũng có nhiều khi làm bài được điểm cao, thằng Còi cầm quyển vở đứng bên
bàn thờ hồi lâu, như muốn khoe với ông, chờ mong một cái vuốt lưng, cái xoa đầu
quen thuộc trước đây, mà giờ nó chờ hoài...
Không biết vì khói
nhang hay vì thằng Còi nhớ ba mà hai mắt nó cay xè, loang loáng nước chực trào
ra...
Nhang vừa tàn,
ngoài phía xa, ngọn núi quen thuộc xanh um lúc chiều đã trở thành một màu xám
đen. Trời tối dần, bà Mười đang đốt giấy vàng bạc trước hiên. Bà vái gì lâm râm
trong miệng, Còi nghe không rõ. Chắc bà kêu ba nó về lãnh giấy tiền vàng bạc,
đô la mà xài. Nghĩ cũng lạ! Phải chi tiền vàng bà Mười cúng đó mà thành thiệt
hết thì nhà nó đâu có khổ!
Thằng Còi vẫn không thể rời mắt khỏi con
gà trên bàn thờ. Nghe má nó tính: Đầu, cánh chân gà bà nấu canh với măng ăn tối
nay; còn bộ lòng, bà sẽ tao sơ để dành mai nấu bún tàu. Riêng cái thân, đùi
căng mập kia, má nó sẽ chặt từng miếng vuông vức, thưng hơi mặn một chút cho
hai mẹ con ăn cơm đủ ba bữa. Còi mừng rơn trong bụng. Từ ngày ba nó mất tới
giờ, đây là lần đầu tiên má con Còi được ăn Tết sang nhất: Tết này nó được ăn
thịt gà! Chút nữa thôi má nó sẽ dọn mâm cơm cúng xuống. Nó hình dung khi được
bỏ lọt thỏm miếng thịt gà đầu tiên vào miệng, Còi sẽ nhai thật chậm rãi. Nó
muốn từ từ tận hưởng hết vị ngon ngọt béo ngậy thấm vào đầu lưỡi, lùa qua từng
kẻ răng và sau đó nó sẽ thong thả nuốt cái nước đậm đà túa ra từ miếng thịt
trắng phau thơm lựng kia... chỉ tưởng tượng thôi mà cũng khiến Còi rùng mình
ngây ngất.
Thằng Còi thầm ngượng ngùng nhưng nó cũng
ngầm cám ơn người đã đậy cái giỏ nhốt gà cẩu thả, làm con gà nhảy ẩu lọt vào
tay nó. Đối với má con Còi thì được ăn ngon là một điều xa xỉ, vậy mà tự nhiên
Tết này lại được ăn thịt gà thì còn Tết nào bằng?
Những ngọn đèn đường của ngày cận Tết vội
vã sáng lên soi rõ những chậu cúc vàng rực trước sân nhà đối diện nhà Còi.
Thằng Còi hôm nay bỗng thấy màu vàng của bông cúc đẹp lạ lùng. Mùi thơm của cây
Thiết mộc lan trồng gần đó, bữa nay cũng làm Còi ngứa mũi hách xì mấy cái...
Hai tay thọc túi quần, Còi lửng thửng rảo
bước trở ra bến xe. Tấm băng rôn đỏ đậm làm nổi rõ dòng chữ "Chúc mừng năm
mới" cắt khéo màu vàng chói được treo ngang cổng lớn. Trên nóc phòng vé,
hàng cờ đuôi nheo đủ màu xanh đỏ tím vàng bay phất phơ trong làn gió nhẹ, như
đang vẫy chào tạm biệt năm cũ và vui mừng đón chào một năm mới với bao lo toan,
hy vọng ở phía trước. Ngày cuối cùng của năm, bến vắng khách hẳn. Thế nhưng,
những chuyến xe vẫn tiếp tục lăn bánh không ngơi nghỉ. Còi hít một hơi thật
sâu, cảm giác nhẹ nhỏm khoan khoái như ùa vào, tràn ngập lồng ngực nó...
Đào Thanh Hòa (Bình Định)
Một câu chuyện cảm động. Tác giả diễn tả tâm lý nhân vật như chính mình là người trong cuộc. Rất hay.
Trả lờiXóaCảm ơn bạn Lê Đình Danh đã đọc và chịu khó chia sẻ trong thời gia tất bật của những ngày xuân. Chúc bạn được nhiều an lành và hạnh phúc trong năm mới.
Xóa