Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương (bên phải), và Elena Pucillo Truong
Bản dịch Trương Văn Dân
Trong cuộc đời cầm bút, có những nhà văn, nhà thơ viết rất nhiều nhưng phần
lớn những trang viết đó không hề phản ảnh cuộc đời của họ. Nhưng với
nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương thì thơ ca cũng chính là cuộc đời và những chiêm nghiệm
về cuộc sống của bà.
Và như thường xảy ra, nhiều nhà văn hay nhà thơ chỉ viết
cho mình, để giải toả ẩn ức hay tìm kiếm chính mình, họ dùng một hình thức văn
học vị kỷ, bào chữa rằng muốn cách tân hay đang làm điều gì mới lạ... nên nhiều
khi tác phẩm của họ biến thành phức tạp và
do đó mù mờ, tối nghĩa cho nhiều độc giả. Nhưng với
nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương thì không phải thế: những câu thơ của bà trực tiếp và
đọc lên là mọi người hiểu ngay tức khắc, bởi nó rõ ràng về hình thức và trong
sáng về nội dung.
Khi những
con đường kỳ lạ của định mệnh đưa đẩy tôi gặp được bà, ngay lập tức tôi như bị sự
nhạy cảm rất đặc biệt và lòng nhân ái của bà chạm phải. Trên khuôn mặt luôn có
nụ cười dù trong cuộc đời bà cũng đã từng trải qua những giây phút an lành và
đau khổ; và bằng những cử chỉ thân thiện nhiệt tình, nụ cười ấy như đang lan
toả đến những gì ở xung quanh. Đối với tôi, lúc đó như vừa gặp được Đại Mẫu (Grande
madre), hiện thân của bồ tát... và tuy mới gặp nhưng cảm giác như đã từng quen
biết, cùng bà đồng cảm và có rất nhiều điều để sẻ chia.
Đó không
phải chỉ là cảm nhận của riêng tôi vì sau này tôi biết nhiều người cũng có cảm
giác đó. Tôi đã được vinh hạnh được bà tiếp tại nhà riêng của mình, một căn nhà
nhỏ nhưng rất đặc biệt, có nhiều vẻ đẹp đơn sơ nhưng tính thẩm mỹ phát ra từ những
giá trị sâu sắc.
Được biết
nguồn gốc quý tộc của đình bà (bà là chắt nội của cụ tổ Tuy Lý Vương Miên
Trinh:1820/1897) nhưng khi hỏi chuyện, bà “quận chúa” chỉ vắn tắt và khiêm tốn nói
về gia tộc mình, nhưng bà dừng lại thật lâu để nói về quan hệ và sự gắn bó sâu
sắc của mình với người cha là nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. (Một hoàng thân,
1877/1961, từng làm quan đến chức Thượng thư trí sự). Vừa kể bà vừa nắm tay tôi
chỉ lên bức hình của cha mình trân trọng đặt trên bàn thờ trong phòng khách: một ông cụ nét mặt trang nghiêm, có đôi mắt sáng
và ánh nhìn hồn hậu nằm dưới vầng trán rộng.
Là một người
con chí hiếu, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã suốt đời yêu mến và theo đuổi nghiệp
thơ văn của cha mình; cũng như ông, bà yêu văn hóa và văn học Việt, rồi với những
vần thơ ngọt ngào bà đã đưa ý thơ thoát ra từ những giá trị truyền thống của
quê hương Việt và tâm hồn nhân ái của mình. Trong khi nói chuyện, thỉnh thoảng
bà dừng lại để khe khẽ ngâm những vần thơ của mình, đọc thuộc lòng, với một trí
nhớ tuyệt vời và với một “humor” rất đáng kinh ngạc. Nhìn khuôn mặt bà lúc đó,
tôi chợt liên tưởng đến nụ cười toả sáng của đức Dalai Lama mà tôi từng may mắn
được gặp ở Milano, và qua bà tôi tìm thấy lại nụ cười trong sáng và rạng rỡ, sự
thích thú của sự phối hợp ngôn từ trong
một cuộc đối thoại thân tình, pha lẫn đồng cảm và lòng tôn kính.
Xung quanh
chỗ bà ngồi, mỗi vật thể như đều có mang một vẻ đẹp đơn sơ nhưng tinh khiết: từ những nhánh hoa lan mà bà rất yêu thích đến
những bài thơ của bà được các nghệ nhân viết theo thư pháp, nét chữ như “Phượng
múa rồng bay”, đến những bằng khen về thơ ca của bà, bảng cuối cùng là chứng nhận
Guiness về kỷ lục nhà thơ có thơ in trên lịch nhiều nhất... Trên chiếc bàn con, tôi còn thấy có nhiều chồng
sách mới in hay vừa tái bản, tạp chí có in thơ hay bài viết về bà, các đĩa
CD từ các nơi gửi đến tặng, vì thơ của
bà được phổ nhạc, được ngâm hay hát từ các giọng ca/ngâm nổi tiếng... Xung
quanh chỗ chúng tôi ngồi còn có nhiều câu thơ được khắc hoạ trên đá, như một
giá trị cần được lưu giữ lâu dài.
Tất
cả đều đơn giản vì tính hiện thực trong
thơ ca của bà đã vượt qua mọi thời gian: Dù ở trong hay ngoài nước, rất nhiều người
Việt đã bắt đầu một ngày từ lúc mở mắt xé rời tờ lịch và bắt gặp trên đó một
thông điệp tích cực cho mình và cho cuộc đời... Thế thì làm sao mà họ không cảm
ơn bà về tất cả những điều tuyệt diệu này? Tôi tin là những ai đã đồng cảm với
những vần thơ viết tự trái tim này sẽ chia sẻ và trân trọng gửi đến bạn bè và
người thân để cùng họ yêu quý cuộc đời và làm cho đời sống của mình có thêm ý
nghĩa.
Khi đọc
bài thơ “Còn Gặp Nhau” của bà qua bản dịch tiếng Pháp cùng với sự đối chiếu bằng
nguyên bản tiếng Việt cùng lời giảng giải của chồng, tôi bỗng nhớ đến những vần
thơ bất tử cuả các thi sĩ tài hoa của Pháp trong quá khứ, của nhiều đất nước xa
lạ và có những phong tục rất khác quê hương Việt Nam: Có thể nhắc đến nhà thơ
Pháp nổi tiếng Pierre de Ronsard (1524-1585) trong vần thơ “Mignonne, allons voir si la rose…” (Quý
nương, ta đi xem bông hồng):
Comme à cette fleur la vieillesse
Fera ternir vostre beauté.
Cũng như đoá hoa này, tuổi già sẽ làm hư hao nhan sắc của em.
“… Thanh xuân chớ bỏ qua
Quý nương rồi tuổi tác
Như hoa sắc sẽ nhoà…”
(Bản dịch của Đoàn Rạng)
Hay vẫn là Ronsard trong “Quand vous serez
bien vieille, au soir, à la chandelle” (Khi em đã già, buổi tối bên ngọn nến) trong “Sonnets pour Hélène”
|
“Vivez, si m'en croyez, n'attendez à demain:
|
Cueillez dès aujourd'hui les roses de la vie.”
Tạm dịch nghĩa: Hãy sống đi, nếu tin
tôi, xin đừng chờ đến ngày mai: Hãy hái ngay hôm nay, những đoá hồng của
cuộc sống
Chớ miệt thị tình yêu mà hãy nhớ
Giữa mùa xuân vội hái nụ hoa đời. ( Bản dịch của Phan Cẩm Thịnh)
Hoặc trong bài thơ nổi tiếng “Le Lac” (Cái
hồ) của Alphonse de Lamartine
(1790-1869).
“Aimons
donc, aimons donc! de l'heure fugitive,
Hâtons-nous, jouissons!
L'homme n'a point de port,
le temps n'a point de rive;
Il coule, et nous passons! ”
Tạm
dịch nghĩa: Yêu thương đi, yêu thương đi! Hãy gấp lên, hãy hưởng thụ
thời gian thoảng qua. Đời người
không bến, thời gian không bờ. Thời gian trôi và ta cũng vụt qua.
Hãy yêu, yêu mãi, yêu vô-lượng,
Mau
vui say giờ cuộn cuộn sang:
Giờ
qua đời cũng chóng tàn
Kiếp
trần không bến, thời-gian không bờ!
(Bản dịch của nhà văn Vita )
Trong trí tôi còn loé lên những vần thơ viết từ năm 1490
của thái tử Lorenzo dei Medici, thường
đượcc biết với biệt danh “Il Magnifico” ( 1449-1492):
“Quant’è bella giovinezza
Chi vuol essere lieto sia:
Del doman
non c’è certezza.”(Canzone di Bacco)
Đừng hỏi đến ngày mai. (bài ca của Bacco)
Rồi mới
đây, trong năm 2004, một nhà văn người anh, Spencer Johnson đã cho xuất bản cuốn “Hãy nắm bắt khoảnh khắc và giữ chặt” (Nguyên tác tiếng Anh: One minute for yourself) để nói là cuộc đời phải được sống
từng giây phút (Life is lived minute by minute) và đã trở thành cuốn sách bán
chạy nhất.
Nhưng
trên đây chỉ là một vài thí dụ được nhắc đến để nói là trải qua bao thế kỷ và ở
những quốc gia rất khác nhau... người ta luôn
chia sẻ với triết lý của nhà thơ cổ đại thời La Mã Orazio Flacco (65 aC
đến 8 aC), được tóm tắt trong thành ngữ nổi tiếng "Carpe diem” có nghĩa là “Nắm
bắt khoảnh khắc” vì cuộc sống rất mong manh, giống như sự giàu có hay niềm vinh
quang, tất cả đều trôi đi hay thay đổi trong phút chốc.
Và trong hầu
hết các bài thơ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đều có phản chiếu tư tưởng này, bà
trải lòng với người đọc rằng cuộc đời này là duy nhất, nhắc chúng ta biết là đó
là một quà tặng duy nhất và tuyệt vời của tạo hoá mà chúng ta đang có và vì thế
cần phải biết trân trọng và hãy sống với niềm vui. Thế giới bao quanh chúng ta
thật tuyệt vời và sự sống chính là điều quan trọng. Bất cứ một biến cố nhỏ hay
lớn nào trong cuộc đời chúng ta, từ nụ cười của em bé đến sự leo lên đỉnh một
ngọn núi cao cũng đều phải cho chúng ta ý thức về tính siêu phàm của cuộc sống.
Do thói quen hay vì bận bịu vì công việc, chúng ta thường quên đi sự hiện hữu của
chính mình để dành thời gian cho việc kiến thiết một tương lai hay đắm chìm
trong những việc xảy ra trong quá khứ.
Nhưng hiện tại mới chính là thời gian duy nhất
mà ta có và tất cả sự an lạc khởi phát từ đây. Tất cả những ý tưởng trong bài
thơ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương như muốn nhắc nhở chúng ta hãy sống tích cực
cho mình và cho người khác, báo cho chúng ta hay là sự bủn xỉn hay tàn ác của
con người chẳng mang đến được điều gì ngoài sự huỷ diệt.
Trong
cảm nhận đó, tôi tin là mọi người sẽ đọc những vần thơ của bà với tâm thức sẵn
sàng nắm bắt những điều tốt đẹp và ưa thích trong cuộc sống hằng ngày. Với những
ai đã từng sống và còn nhiều thù hận trong tim, xin hãy nhìn lại mình và chọn lấy
con đường an lạc. Còn với những người trẻ, thông điệp mà nhà thơ Tôn Nữ Hỷ
Khương nhắn gửi còn quan trọng hơn, để
trưởng thành, để yêu mình và yêu người bằng tình cảm chân thật, với sự tôn trọng
và bằng sự chân tình, nhất là trong một thế giới mà dường như chúng ta đang
đánh mất giá trị của những ngôn từ đơn giản này.
Xin hãy đọc những vần thơ này cũng như những
bài thơ khác của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương
để có thể nắm bắt những điều tốt
đẹp và yêu thích trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy sống nồng nhiệt hơn,
ngay bây giờ, bởi vì chúng ta không thể nào biết điều gì sẽ xảy ra trong tương
lai và không thể biết mình có còn thời gian để xây ảo mộng nữa không. Những
giây phút tích cực thực hiện ngay lúc này có thể cho chúng ta một cuộc sống an
lành.
Những điều nhỏ nhoi thực ra là những điều
quan trọng, như những giọt mưa nhỏ có thể tạo thành một đại dương.
04/03/2013
Elena Pucillo Truong
(Trương Văn Dân Dịch)
* Thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét