Thắm xuống giọng năn nỉ:
- Thì hôm bữa chị nói khi nào trả cũng
được nên em mới mua, giờ tết nhất chị đòi, lấy đâu em trả, cho em qua tết, cân
mía xong là em trả hết cho chị.
- Ai đời mua vải may đồ cho con nhập học
hồi tháng tám đền giờ, cuối năm không trả lấy gì mà mua với bán hả trời!
Anh Lượng bước ra từ trong căn buồng gỗ,
tay cầm nắm tiền bèo nhèo:
- Tất cả là bao nhiêu chị?
Đôi mắt chị Thuận bán vải sáng rực:
- Có ba trăm mốt chớ mấy, xấp quần tây
tôi lấy vốn cho đó.
Anh
Lượng đếm tiền trước vẻ mặt thất vọng của chị Thắm, số tiền dư ra được ba chục
ngàn.
- Cảm ơn chị nghe, nhà tôi kẹt quá!
Chị Thuận vừa ra khỏi ngõ, Thắm khóc tức
tưởi:
- Nhà còn bấy nhiêu, em tính mua lạng trà,
lít rượu trắng, vài lạng mứt tiếp khách, giờ…
Anh Lượng cũng rươm rướm nước mắt:
- Anh xuống thằng Toàn bán
non cho nó thêm ba sào mỳ, qua tết rồi tính lại.
Anh dắt xe ra ngõ, chiếc xe trở chứng,
đạp đến hộc hơi mới chịu nổ, tiếng nổ của nó như gầm.
Bao năm nay rồi, cứ đôi ba năm một lần, gần
tết là anh mất ăn mất ngủ vì mấy cái nợ trong năm và sắm sửa đôi chút trong nhà
cho ba ngày tết. Không phải anh không biết lo toan tính toán, chỉ tại cái cứ
tính một đàng, nó lại ra một nẻo.
Năm ngoái, làm cái hợp đồng với nhà máy
đường của Ấn Độ, thuộc tỉnh ngoài, giá vừa cao lại vừa cân đo khá chuẩn. Anh
sắm sửa cho nhà cửa, con cái tươm tất, không gì cũng có kẹo mứt cho ba ngày
tết, bạn bè còn có lon bia khui xịch xịch, nhà máy chơi đẹp, tặng cho nông
dân cứ năm tấn một thùng bia! Tưởng năm
nay rồi cũng vậy, ai dè.
Vừa vào vụ thu hoạch, xe chở mía ra, cứ
ra gần cuối ranh giới hai tỉnh là cảnh sát giao thông thổi còi phạt do quá trọng
tải cho phép. Phạt nặng đến độ nhà máy không dám vào chở mía trong hợp đồng.
Không chở quá tải thì lỗ chuyến xe, mà chở quá tải chút xíu là phạt, chẳng có
trạm cân, cứ lùm lùm thùng xe chút là
phạt! Nghe đâu nhà máy đường trong này là
của các quan chức cấp tỉnh hùn hạp nhau, bấy lâu nay độc quyền, nay có tỉnh
ngoài mua, họ không chịu! Có không chẳng biết, chỉ nông dân là thiệt!
Có người thiệt nhưng còn cách xoay xở,
Lượng thì vô phương!
oOo
Lẩn thẩn vẩn vơ thế nào mà qua nhà thằng
Toàn lúc nào chẳng hay, anh quay xe lại trong ngại ngần nhưng rồi cũng phóng
thẳng vào ngõ. Nhà im ắng, Toàn ló đầu ra, mặt còn hầm hầm… lỡ rồi, không vô
cũng không được.
- Có chuyện gì vậy?
Anh nhìn chậu mai vỡ làm ba mảnh, cây
mai lật ra giữa nhà với dất đai vung vãi,
nghỉ thầm: Không đúng lúc rồi!
- Có gì không anh Lượng?
- Có chút chuyện, chú Toàn cho anh mượn
ít tiền qua tết tính dược không, anh để thêm cho chú ba sao mỳ.
Toàn chỉ Nga, vợ của Toàn, đang ngồi bỏ
cả hai chân lên salon, hai tay khoanh gối:
- Anh
hỏi nó ấy, làm ăn kiểu gì mà tết tới là không có tiền. Tính tổng cộng năm vừa
rồi bên nội gởi về cả chục ngàn “đô”,
không biết nó bỏ đâu hết mà giờ bảo mua năm thùng “Ken” tiếp khách mà ba ngày
nay không thấy.
Lượng nghèn nghẹn trong cổ, mà không
nghẹn cũng chẳng biết nói gì lúc này Không uống “ken” nên anh không biết giá cả
thế nào, chỉ biết là đắt lắm, năm thùng thì nhà anh tha hồ ăn tết.
Nga nãy giờ im lặng, chừng ức quá lên
tiếng:
- Anh cứ hỏi anh Lượng thì biết, năm nay
người ta kẹt chưa chở mía mung gì được, chục mối như anh Lượng lấy đâu có tiền
mà “ken” với kiếc! Anh không thấy mấy hôm nay tôi chạy quanh, lần nào cũng về
không à?
Toàn vung tay trong không khí, vẻ tức
giận không giảm chút nào, như lúc Lượng vào nhà:
- Thì cứ bảo họ nhà tôi cũng phải ăn tết
chứ!
- Anh đi mà nói, họ không có tiền chứ có
phải họ không muốn trả đâu, cứ ru rú ở nhà ăn nhậu, không thấy xung quanh người
ta khóc lên chết xuống với cái nhà máy
đường à.
Nhìn gương mặt Toàn, Lượng đoán, nếu
không có mình, chắc cô Nga phải ăn vài cái tát. Nó thuộc loại vũ phu và gia
trưởng nhất trong đám người quen…
Nhắm chừng không thể vay mượn gì được
với cái “tình hình rất chi là tình hình” này, Lượng đứng dậy nói:
- Chú Toàn này, cô Nga chạy quanh đòi nợ
không ai có mà trả, cũng như tôi đây đi vay không ai có mà cho vay! Chú đừng
nóng nảy nửa, đang khó cả làng!
Anh cầm khóa xe đứng lên quay ra cửa,
Nga nói vội:
- Anh Lượng, có mấy lạng mứt gừng, anh
cầm về cho các cháu.
Lượng muốn từ chối, nhưng cô Nga đã lẹt
xẹt đôi dép vào phòng mang ra, dúi vào tay anh, nói:
- Anh xuống con Sáng hỏi coi nó có mua
không, nó có máy cắt mỳ tại rẫy nên nó mua nhiều để dành qua tết cắt bán cho
lái Sài Gòn.
Lượng cảm động, cổ anh lại nghèn nghẹn.
Anh cầm gói mứt, nhưng chuyện xuống hỏi bán cho Sáng thì anh không tính xuống.
Cô này lần nào mua xong, thỏa thuận giá cả rồi, cứ sau khi cắt bán cho lái xong là la lỗ, ỉ ôi bớt tiền. Con buôn thì nhiều,
nhưng người tử tế thì ít. Cô Nga được cái hay thương người, mà ác cái “thương
người” nên hay thiệt!
oOo
Loanh quanh thêm ba mối, chẳng ai mua,
Lượng chán nản. Xe hết xăng, may mà còn
ba chục ngàn trong túi. Đổ xăng xong anh về tới nhà chưa biết tính toán
ra sao với cái tết gần kế. Hôm nay hăm chín rồi!
Vào nhà, không thấy Thắm dâu, thằng con
trai học lớp chín đang ngồi chuyện trò tay đôi với Kháng, bạn thân của anh bao
năm nay. Bác nói gì với cháu mà thằng nhóc cười vui như xem hài.
- Ủa, Tết nhất tới nơi sắm sửa thế nào
rồi mà giờ còn ngồi tán dóc với con nít?
Kháng cười ha hả:
- Có mầy là dại lại hay lo, sắm sửa chi
cho sớm, chiều mai, nói con Thắm qua bên nhà đi sắm đồ tết với vợ tao.
Lượng ngại ngần, lầm bầm:
- Mày giúp nhiều rồi, tết nhất tao không
dám phiền thêm, mà mày cũng có dư dật gì!
- Giúp cái con khỉ, tiền quái đâu mà
giúp. Năm nào tao chẳng thế, cứ chiều hăm chín ba mươi, mày xách giỏ ra chợ là
chúng mời như mời tỷ phú, nợ bao nhiêu cũng được.
- Là sao?
-Thì hàng tết không lo bán nợ, qua tết
cọp nó mua à. Ra tết năm rộng tháng dài, từ từ trả.
Lượng như vừa uống ly nước mát, thở phào dựa
ngửa người ra thành ghế:
- Năm nào mày cũng vậy à? Đỡ lo quá nhỉ!
- “Kỷ năng sống”của thằng nghèo mà.
Kháng tính tình dễ dãi, là bạn thân bao năm
nay, từ cái ngày đi nghĩa vụ thủy lợi, khai hoang, hồi năm 76, 77… Kháng luôn
cười, cái cười của kẻ lạc quan, dù trong những hoàn cảnh “cười ra nước mắt!”.
Kháng lập gia đình cũng khá muộn, năm 32
tuổi. Ngày cưới, hắn chẳng có đồng nào, cô vợ là giáo viên, ứng ở trường được
mấy chục đồng, mua hai con dê trên huyện miền núi, của người dân tộc Thượng, có
anh bạn là tay sành chế biến đồ nhậu, làm dê bảy món cho hai mâm người lớn ngồi
trong nhà, còn bạn bè thì ngồi ngoài
vườn nhậu “bì dê” với rượu trắng.
Chuyện dọn người lớn và bạn bè thế cũng ổn. Nhớ hôm lên bàn thờ làm phép
theo nghi thức Thiên Chúa giáo, không có hai cái nhẫn cưới, lúc cha xứ chuẩn bị
làm nghi thức đôi hôn phối đeo nhẫn cho nhau, hắn ngoắc tay nói nhỏ với thằng
bạn chụp hình:
- Mày qua bên ca đoàn, mượn tụi nó cho
tao hai cái nhẫn, nhanh lên!
Thằng bạn chụp hình hối hả, cha xứ phải
chờ chứ biết làm sao! Hai cái nhẫn cái to cái nhỏ, cùng tay đàn ông nên rộng,
tội vợ hắn, cả buổi lễ cứ sợ rơi mất không có mà đền! Xong lễ hắn trả nhẫn cười
ha hả với bạn bè:
-
Còn khá hơn đám cưới anh chàng chiến binh trong “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan
nhiều phải không chúng mày?!
Có mấy bạn bỉu môi:
- Rởm, lãng mạn quá ha!
- Mình muốn lãng mạn thì nó lãng mạn,
muốn bi đát trần trụi thí nó bi đát trụi trần. Không thấy “nàng” của tôi “cười
xinh xinh” hoài “bên anh chổng độc đáo” đó à.
Linh, vợ của Kháng vỗ vào lưng hắn:
- Xí, sợ muốn chết, giờ còn run nè!
- Sợ gì? Em yên tâm, anh sẽ sống bên
em đến đầu bạc răng long, không như anh chàng chiến binh dại dột kia “cưới nhau
xong là đi” đâu. Mất vợ!
Thằng bạn chụp ảnh thúc nó một cùi chỏ:
- Cái mặt mẹt mày, cứ nước đến chân mới
nhảy, nói trước tao mượn cho hai cái đèm đẹp, vừa tay vừa chân.
Hôm ấy, cái bụng vợ nó đã lùm lùm, cha
xứ không chịu làm nghi thức, nó dẻo miệng thế nào mà cha xứ cho qua. Chính cái
bụng lùm lùm ấy, sáu tháng sau ngày cưới,
vợ nó sinh một bé gái, khá xinh xẻo. Năm kia, nó được hai sáu tuổi, có chàng
Việt kiều gần nhà về thăm quê, mê tít, đám cưới xong, bảo lãnh con bé qua Canada chỉ trong vòng tám tháng. Thế là thỉnh thoảng
nhà Kháng có ngoại viện.
Tiếng Kháng kéo Lượng về thực tại:
- Mày có trảy lá cho cây mai không?
Bên tao hai chậu búp nhiều quá chừng, đúng giao thừa là nở chắc.
- Trảy với triếc, có nhớ gì tới nó
đâu!
Kháng đứng dậy, xô vào vai Lượng:
- Mày làm như tết không tiền là chết
tới nơi.
Lượng cười xô lại Kháng, Kháng dang ra khoảng trống trong nhà, đi một đường quyền
tùy hứng, không thuộc môn phái võ thuật nào, vừa nói vừa xàng chân hoa tay:
- Hạ cái xác mày thì tao hạ cái một,
nhưng hạ cái bi quan và sĩ diện hảo trong đầu mày thì tao thua, đồ gàn!
oOo
Kháng về, Lượng nhớ lại cây mai chưa
trảy lá, lẽ ra phải trảy trước hai mươi ngày, giờ thì muộn quá rồi. Anh nâng
mấy cành xem búp, cái đã nở hoa, cái còn nhỏ… Thằng con trai đến bên anh:
- Ba, bác Kháng cho, bảo chia cho ba
đứa.
Thằng bé vừa nói vừa xòe ra trước mắt Lượng hai tờ giấy
bạc một trăm xanh lè:
- Sao con lấy của bác? Mẹ đâu rồi?
- Bác đưa cho mẹ một triệu, nói còn
nợ ai thì đi trả. Mẹ đi trả cho mấy nhà quanh xóm rồi.
Lượng nhớ tới cái miệng cười rộng
hoác của Kháng, anh lẩm bẩm:
- Mẹ, cái thằng!
Anh rươm rướm nước mắt rồi khóc thật
sự, khóc hừ hừ.
Sài Gòn, 12 tháng 01 năm 2014
Trạch
An – Trần Hữu Hội
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét