Tác giả Phạm Văn Ba (áo trắng) còn có bút danh khác là Phạm Tử Văn, đạt giải nhất cuộc thi "Giúp mẹ ngày xuân" do báo Tuổi Trẻ tổ chức nhân dịp Tết Giáp Ngọ 2014
Trước năm 13 tuổi, tôi
là cậu bé rất lười biếng. Anh chị đi học xa nhà, bố tôi đi làm mãi 29 hay
30 tết mới được nghỉ về nhà nên tất cả mọi việc chuẩn bị tết đều do một tay mẹ
tôi đảm nhiệm.
Từ việc nhỏ nhặt như bóc vỏ hành để muối,
lau rửa lá dong để làm bánh chưng đến việc lớn hơn là quét lớp vôi mới lên
tường nhà, gói bánh… - mẹ tôi đều lặng lẽ làm một mình. Tôi cứ vô tư “tận
hưởng” mọi thành quả mà không mảy may nghĩ suy về những nhọc nhằn của mẹ để tôi
có được quần áo mới, tiền lì xì, mâm cỗ tất niên có nhiều đồ ăn ngon…
Trước tết một tháng,
trong một bài kiểm tra văn, cô giáo ra đề: “Hãy chia sẻ những việc mà em đã làm
để giúp gia đình đón mừng năm mới”. Tất nhiên là với một đứa “lười” nhưng “lanh
mắt” nhìn bên này chép một tí, quay bên kia chép một tí, tôi đã hoàn thành bài
kiểm tra rất chóng vánh.
Kết quả, bài viết đó tôi
đạt điểm khá cao. Nhưng lại thật không may khi cô giáo gửi những bài làm đó về
cho bố mẹ chúng tôi xem. Mẹ tôi khi đọc bài viết của tôi xong thì tủm tỉm cười
bảo: “Con tôi nó giỏi ghê luôn. Tết này thử trổ tài cho mẹ xem nha, cậu ấm
đồng!”. Tôi cười hì hì bảo lại mẹ: “Mấy việc đó dễ rề, con làm tí cái là xong.
Mẹ cứ đợi mà xem”.
Và để không bị quê mặt,
tết năm đó tôi đã quyết định vén tay áo “trổ tài”.
Đầu tiên là với đàn gà mẹ
tôi nuôi từ mấy tháng trước để cuối năm bán lấy tiền mua quần áo cho tôi và sắm
sửa tết. Trong bài văn, tôi viết là hàng ngày cho năm mươi con gà ăn thóc, ăn
cám với những kỹ năng rất thành thục. Nhưng khi vào thực tế, với bầy gà chỉ có
hơn hai mươi con, tôi phải loay hoay mãi mới có thể rải cám vào trong máng
được. Đã thế cái tay tôi còn bị một con gà trống mổ cho một cái đau điếng. Mẹ
đã phải đi vào hướng dẫn tôi cách bỏ cám để đối phó với lũ gà ham ăn.
Tiếp đến là việc bóc hành
củ cho mẹ muối. “Từ đầu tháng chạp, mẹ đã đi chợ mua hành về cho tôi ngồi lột
vỏ. Vừa làm, tôi vừa say sưa hát một bài về mùa xuân mà chị gái đã dạy cho
tôi…” - đó là lời trong bài văn. Còn khi vào làm thực tế thì… chao ôi là
nước mắt, nước mũi chảy. Mẹ phải bưng một chậu nước để kế bên và dặn tôi khi
bóc hành thì né mắt nhìn đi nơi khác.
Còn vụ quét vôi, tôi cũng
hí hửng làm mà không cần nhìn sang mảng tường mẹ đang quét để học theo. Lúc
nước vôi khô, màu vôi mới hiện ra thì… nhát chổi dọc, nhát chổi ngang cứ chồng
chéo lên nhau không theo một trật từ nào. Mấy cô chú hàng xóm đi qua cứ ôm bụng
cười và chọc “cậu ấm đồng ra tay dẹp loạn”. Mẹ đi lại cầm tay tôi và hướng dẫn
phải đưa mái chổi theo một chiều thẳng từ trên xuống hoặc đưa theo chiều ngang,
chứ không được cái dọc, cái ngang như vậy. Loay hoay cả một ngày, khi người tôi
nhuộm trắng màu vôi thì bức tường mới tạm ổn.
Rồi tôi còn phải lau rửa
lá dong, lá chuối và đạp xe sang chợ mua quả gấc về cho mẹ làm bánh trôi đêm
giao thừa… Nhưng chẳng việc nào tôi hoàn thiện một cách trọn vẹn như trong bài
văn tôi viết. Vậy mà trong bữa cơm tất niên chiều 30, bố mẹ cứ nhìn tôi rồi gật
gù khen tôi có tiến bộ, cố gắng thì sẽ không còn bị gọi là “cậu ấm đồng” nữa.
Ngước nhìn những ánh mắt như đang rạng ngời niềm vui của bố mẹ, tôi thấy hổ
thẹn trong lòng.
Và… những mùa xuân khi tôi đã đi qua tuổi 13...
Tôi đã biết tự làm mọi
việc để giúp mẹ chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất, đủ đầy. Mẹ chạy chợ bán
buôn, đàn gà ở nhà vẫn béo núc; tường nhà cũng thẳng thớm đường vôi dù có đứng
nhìn dọc, nhìn ngang; lá dong rửa xong có lật trước lật sau cũng vẫn lành lặn
không vết rách; bánh chưng gói vẫn vuông vắn bốn góc cho dù không có mẹ ngồi
bên; lư hương, bàn thờ gia tiên cũng sáng bóng mà không cần có bố đứng sau
nhắc “nhẹ tay thôi”…
Nhờ vậy mà tôi mới hiểu
được câu nói của mẹ tôi dạo nào: “Giữ tết là giữ nếp nhà”. Nên với tôi, tết
không chỉ là thời điểm ghi dấu một năm mới bắt đầu mà đó là khoảng thời gian ý
nghĩa để cho những giá trị truyền thống được lưu giữ, phát huy, tình cảm gia
đình cũng theo đó mà gắn bó, bền vững hơn.
Một mùa xuân mới nữa lại
đến. Như bao năm, xuân này tôi vẫn trở về để giúp mẹ chuẩn bị cho tết. Dù trở
về, “cậu ấm đồng” thuở nào chỉ còn có công việc duy nhất là ngồi vê lại viên
bánh trôi gấc cho tròn thì tôi biết mùa xuân trong đôi mắt mẹ vẫn cứ long lanh…
http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/588404/giu-lai-mua-xuan-trong-doi-mat-me.html
Chúc mừng PHẠM TỬ VĂN đã đạt giải nhất cuộc thi "Giúp mẹ ngày xuân", báo Tuổi Trẻ tổ chức nhân dịp xuân Giáp Ngọ 2014_ Như đang mang niềm vui về sẻ chia xuân yêu thương cùng Hương Quê Nhà!
Trả lờiXóa_Bài viết đọng ký ức "tuổi thơ" thật dễ thương!
Cháu cảm ơn chú nhiều ạ.
XóaChúc chú và gia đình sang năm mới có nhiều niềm vui, sk và hp nhé chú.
Mừng anh Phạm Tử Văn giật được giải nhất của Áo Trắng tổ chứ nhé hehe...
Trả lờiXóaCảm ơn em nhiều nha. Cuộc thi này không phải của ÁO TRẮNG em ơi, là của TUỔI TRẺ (chủ quản của AT).
XóaChúc em sức khỏe và năm mới có nhiều may mắn nhé!
Cô chúc mừng con nha. Bài viết hay lắm Chúc con cứ vậy, giật thêm nhiều giải nữa nha.
Trả lờiXóaCon cảm ơn cô nhiều ạ. Lần đầu tiên con có giải ở Tuổi trẻ đó cô :)
XóaCon chúc cô sk, niềm vui ạ.