Trọng
trở về làng sau mấy năm đi làm ăn xa. Không rõ hắn đã làm những việc gì mà khi
hắn về tiền vàng đầy người. Dây chuyền vàng to khủng như dây xích lủng lẳng ở
cổ, chiếc đồng hồ cũng vàng chóe trên tay, chiếc áo thun luôn được bỏ trong
chiếc quần jean màu xanh bạc, đôi giày thể thao luôn sạch sẽ… Hắn đã đổi thay
hoàn toàn về hình thức. Dáng đi của hắn cũng bệ vệ, khệnh khạng hơn. Hắn về
làng hôm trước thì ngay hôm sau những chiếc xe chở sắt thép, xi măng, gạch, đá…
kìn kìn đổ đầy mảnh vườn xơ xác của cha hắn để lại. Thợ hồ được hắn gọi từ nơi
xa về. Chỉ mấy tháng sau đó, căn nhà mái bằng hai tầng của Trọng nổi bật rực rỡ
giữa làng quê nghèo khoe sự giàu sang kệch cỡm. Hắn cũng cho xây một hòn giả
sơn giữa khu đất trống; đó là hòn giả
sơn đầu tiên xuất hiện trong làng; và chở về những chậu cây thế có dáng độc để
trang trí. Nhìn cơ ngơi của Trọng, nhiều người trầm trồ thán phục tài kiếm ra
tiền, nhưng cũng có người tỏ vẻ nghi ngờ nguồn gốc của những đồng tiền đang có của
hắn. Tất cả đều có nguyên nhân…
Kể
từ lão Mọn, ông nội của Trọng, một người loắt choắt, nhỏ con không rõ nguồn gốc
từ đâu trôi dạt đến làng Cẩm này. Thời ấy, dân chánh quán ít học, không đất đai
sản xuất, không nghề nghiệp vừa khó sống vừa bị khinh rẻ, huống hồ lão Mọn, một
người chỉ độc có cái xác khoảng trên bốn chục kí lô gam. Được cái, lão chăm chỉ
làm tất cả mọi việc có tên hoặc không tên trong làng. Từ công việc được thuê
mướn trả công đàng hoàng đến việc được làng nhờ cậy khi có lễ hội, đình đám,
giỗ chạp,… ai cần giúp thì lão chẳng bao giờ từ nan. Lão Mọn che một túp lều ở
rìa làng, cạnh bờ sông làm nơi sớm tối đi về. Mọi việc chẳng có gì đáng nói nếu
không có một ngày kia… Lão Mọn đang làm sạch bộ lòng lợn cho ngày lễ thanh minh
của làng thì có cảm giác ai đó nhìn vào đằng sau mình. Lão quay lại thì bắt gặp
đôi mắt của Ruộng đang chăm chú nhìn vào tấm lưng trần của lão. Ruộng là cô gái
dở hơi nhưng được cái dáng to con phốp pháp. Ruộng không né tránh cái nhìn bắt
quả tang việc nhìn trộm của mình mà còn nhe hàm răng vàng xỉn cười cười cùng
với cái nheo mắt thật ngộ. Tự nhiên lão Mọn thấy tim mình rộn ràng khiến mấy
lần suýt vướng phải con dao đang làm. Thì ra lão cũng chẳng đến nỗi nào. Hôm
ấy, mỗi lần đi ngang qua Ruộng, lão cố ý chạm nhẹ vào người cô và được nhận lại
nụ cười đồng tình. Sau buổi cúng, lão có uống một ít rượu mà đã chân nam đá
chân chiêu. Mọi người vui vẻ đề nghị là
Ruộng nên dìu lão về nhà và cô không từ chối! Kể từ hôm ấy, hai mảnh đời ghép
lại với nhau, rồi Mén ra đời… Mén là tên người cha của Trọng.
Tuổi
thơ của Mén cũng không sáng sủa gì so với đời cha. Hàng ngày, từ đầu sông cuối
bãi, nơi nào cũng in dấu chân của Mén lang thang. Thật là con người trời nuôi,
càng lớn càng rắn chắc, cao lớn, đen nhẻm… thừa hưởng được dáng dấp và cả cái
tính dở hơi của mẹ nên những đợt bắt quân dịch của chính quyền Sài Gòn Mén đều
thoát. Khi Mén sắp bước sang tuổi băm thì đất nước hoàn toàn giải phóng. Với
cái lí lịch trong sạch từ đời cha và thành phần xuất thân lí tưởng, Mén được cơ
cấu vào chức vụ thủ kho của hợp tác xã, một chức vụ không phải ai cũng có được.
Nhưng do thất học nên chỉ một thời gian
ngắn Mén đã bị “kỉ luật” sau khi kịp cất cho mình ngôi nhà ngói khang trang hơn
túp lều lão Mọn để lại và cơi nới lấn chiếm khoảnh đất bồi bãi thành khu vườn
rộng thênh thang. Đặc biệt là từ khi làm việc ở hợp tác xã, nhà Mén đã có một
bóng người đàn bà vào ra…
Phải
dài dòng chuyện xuất thân của Trọng như
vậy để thấy dẫu không được học hành đàng hoàng, Mén cũng đã gởi gắm ước mơ của
mình vào việc đặt tên cho con, với lòng mong muốn nó được trọng vọng trong xã
hội. Thật ra, những người sống lâu năm ở làng Cẩm này biết rất rõ cội nguồn của
Trọng nên hắn có nhiều người nể vì biết kiếm tiền nhanh nhưng có mấy người
trọng hắn đâu! Cứ nhìn cách lấp lửng của họ thì biết ngay. Ôi, cái thằng Trọng
đấy hả? Nó mà… Ừ, nó kiếm tiền nhanh thiệt… Chẳng biết hắn trúng mỏ vàng nào…
Sao nó lại về đây?... Rất nhiều người không hề nói ra hết suy nghĩ của mình.
Dẫu sao, từ khi có nhà lớn, ngày nào ngôi nhà của Trọng cũng rộn rã tiềng cười
đùa của bọn thanh niên trong xóm tụ tập ăn nhậu, hát hò. Phải nói, Trọng không
kinh doanh nhưng dàn máy karaoke của hắn có âm thanh bén nhất làng cùng với sự
hiếu khách của hắn và không gian riêng biệt khiến bọn trẻ biến nhà hắn thành
nơi giải trí. Rồi có một sự việc làm cho mọi người ít lui tới, chỉ còn lại một
số chiến hữu đồng lứa với Trọng. Đó là một ngày, trong nhà Trọng xuất hiện một
cô gái bồng một đứa bé tuyên bố rằng chính cô là vợ và đứa nhỏ là con của Trọng, hai người đã đăng
kí kết hôn ở địa phương cô gái; cơ ngơi này là tài sản chung của hai người mà
Trọng đem về trước để xây dựng. Chẳng biết có bao nhiêu phần trăm lời của
Nga - tên cô gái - là đúng sự thật nhưng
từ đó cách đi đứng của Trọng bớt bệ vệ, khệnh khạng. Hắn trầm tư, ít nói hơn,
cứ lầm lũi chăm sóc cây cảnh trong vườn. Hắn đã thừa hưởng từ đời ông của hắn
một tài sản độc đáo là không cưới vẫn có vợ.
Làng
Cẩm rộ lên phong trào chơi cây thế, bonsai… Trọng tự phong là nghệ nhân hàng
ngày cầm kéo tỉa cành, lặt lá… cũng ra vẻ lắm. Cuộc đời hắn cũng nhàn nhã. Thỉnh
thoảng hắn bán được những chậu cây thế khiến nhiều con mắt tròn xoe… Dần dà,
hắn trở thành đầu mối mua bán cây cảnh và các hòn giả sơn nghệ thuật. Bạn bè
lại tụ tập tung hô hắn về tầm nhìn xa, về con mắt nghệ thuật. Chỉ có Nga là
không tỏ thái độ. Tuy nhiên mỗi khi nhà có khách thì Nga vẫn chu đáo sửa soạn
thức ăn đồ uống cho chồng tiếp bè bạn. Ở trong môi trường nghệ thuật như thế,
Nga cũng đã bắt đầu yêu thích sở thích của chồng; cô cũng ngắm nghía, bình phẩm
về nét đẹp, về cái hồn của hòn giả sơn, của thế cây, dáng cảnh với mọi người.
Cô thích đến mức làm một chiếc xích đu cạnh hòn giả sơn để thưởng thức.
Một
lần, Trọng đang nhận xét về dáng thế của một chậu cảnh thì thấy đôi mắt của Nga
và thằng Lường nhìn nhau đắm đuối. Hắn khó chịu nhưng tảng lờ. Từ đó, hắn bắt đầu để ý thấy cuộc rượu nào Lường
cũng là người về sau cùng và Nga lại thêm mồi, thêm rượu để cùng bàn luận… Khi
Lường về rồi, Trọng thường vặt Nga:
- Sao
lại có cách tiếp bạn trai của chồng như thế?
- Đây
không ghen nhưng phải giữ thể diện chứ!
- Thể
diện gì? Được như thế này là nhờ vào ai đấy hử? Của anh làm ra đấy chắc? Anh
quên hết rồi à… Có gì mà thể với diện…!
Mỗi
lần cải nhau, Nga thường nhắc đến tài sản đang có và Trọng đành uất ức nín
thinh, nuốt cục uất nghẹn nơi cổ. Mà cũng đúng thôi. Trọng không thể sống trong
căn nhà trống vắng buồn tẻ khi cha mẹ hắn bị nước cuốn trôi trong một trận lũ lớn. Hắn đã bỏ làng Cẩm ra đi khi
vừa qua tuần trăm ngày. Ở thành phố không dễ dàng chút nào đối với thằng nhà
quê như hắn, hắn đã làm đủ mọi nghề để có miếng ăn qua ngày. Một hôm, đang phụ
hồ cho một công trình thì được ông chủ chuyển hắn sang việc khuân vác di chuyển
vật liệu. Hắn làm rất nhiệt tình nhưng đến tối mịt mới xong. Hắn được trả hậu
hỉ và thưởng công một bữa nhậu giải mỏi. Nga là con gái ông chủ đã tiếp hắn.
Chưa tàn cuộc nhậu thì hắn đã say gục. Tỉnh dậy, hắn thấy mình nằm ở góc phòng,
còn Nga nằm bên cạnh. Hắn muốn thoát ra nhưng cửa đã bị chốt ngoài. Khi hắn ra
khỏi phòng thì ngoài hành lang đã có mặt nhiều người chứng kiến hắn và Nga qua
đêm chung phòng. Hắn được ông chủ gặp riêng:
- Này
cậu Trọng! Gia đình tôi cũng có một chút tiếng tăm ở phố này. Cậu thì trẻ người
non dạ lại lợi dụng lòng tốt của tôi làm những điều bại hoại, ai cũng thấy sờ
sờ ra rồi… Con Nga có chồng sao được đây? Bây giờ, sự việc đã vỡ lỡ, cậu tính
sao đây?
Còn
tính sao nữa! Trọng đành chịu sự sắp xếp của ông chủ. Hôm sau, hắn đã cùng Nga
đăng kí kết hôn và được giao cho việc theo dõi công trình. Vài tháng sau cái
bụng của Nga đã vượt mặt… hắn lại được bố vợ cho vật liệu, công nhân, tiền bạc
về làng xây nhà. Trọng nghĩ, mình chỉ có được chứ mất mát gì! Chiếc bẫy ông chủ
giăng lên nhưng con mồi mắc bẫy thuộc về hắn và hắn đã về làng như ở đoạn trước
ta đã biết. Hắn lại nghĩ, nhà cửa, của cải ông chủ cho hắn là phần thưởng về
việc giúp cho gia đình ông khỏi tai tiếng. Ai ngờ, Nga lại theo hắn về ở đây!
- Cô
muốn có một tiệc rượu như lần đầu…
Và
Nga đã làm thật! Một lần Trọng uống rượu với Lường đang giữa cuộc thì say bí tỉ
đến sáng hôm sau mới tỉnh. Nhìn mâm rượu dở còn để nguyên khác với ngày thường
Nga dọn dẹp ngăn nắp; bộ xa lông bị kéo xộc xệch, xô đẩy, nhàu nhỉ… còn Nga ôm
con gấu bông ngủ say sưa trên nền nhà. Hắn tức điên người, lôi Nga dậy:
- Cô…
cô đã làm những gì khi tôi say?
- Ơ
hay, tôi cũng bị say mà!
- Thằng
Lường về hồi nào?
- Đáng
lẽ tôi hỏi anh câu hỏi ấy chứ…
- Nhà
mình lại để người ngoài vào ra tự do như thế à?
- Thì anh phải ngăn cấm và tự giữ…
Từ sau buổi ấy, Trọng quyết định không
kinh doanh mặt hàng cây cảnh nghệ thuật nữa mà lên phố theo bố vợ với các công
trình xây dựng. Thỉnh thoảng, hắn mới ghé về nhà thăm vài bữa rồi đi. Hắn được
mọi người mách bảo rằng những ngày hắn xa nhà thằng Lường vẫn thường ghé đến
nhà hắn để cắt lá, tỉa cành giúp vợ hắn nhưng lần nào hắn về cũng phải tự tay
cắt tỉa lại. Hắn chỉ thấy đám cỏ dưới chiếc xích đu cạnh hòn giả sơn là bị dẫm
nát, không lên nổi. Hắn đoán ra tất cả nên ngày càng lầm lì, cục cằn và càng ít
về nhà hơn. Một lần vợ hắn nói:
- Anh cứ theo công trình của bố hoài mà bỏ
bê gia đình, vườn tược không ai chăm sóc. Hay là anh ở nhà để tôi đi buôn
chuyến với chị Hoài xóm trên…
Lời đề nghị của Nga cũng có lí nhưng
chẳng hiểu sao hắn lại nổi nóng:
- Để đi cùng với thằng ấy chứ gì!...
- Bây giờ tôi đi với ai thì can dự gì vào
anh…
-Anh xem, quá khứ tôi anh đã biết rõ… còn
bây giờ anh hết săm soi hàng cây cảnh thì đến nhậu nhẹt bù khú với bạn bè, rồi
đi làm xa… Nay, anh ở nhà, tôi đi…
Trọng giật mình. Lâu nay, hắn vô tâm với
Nga nhiều quá. Hắn lặng người nghe Nga:
- Tôi hiểu anh biết đứa nhỏ không phải là
con anh nhưng điều ấy chỉ có tôi và anh biết ở đất này. Tôi đã muốn cùng anh
xây dựng lại nhưng anh không chấp nhận tôi. Đến với anh, tôi đã thay đổi biết
bao nhiêu… Tôi muốn gắn bó với anh nên chịu nhiều thiệt thòi…Anh coi thường tôi
nhưng anh là cái gì chứ? Anh hãy xem lại mình đi… Anh đã làm được gì cho tôi
nào? Hả?
Nga tuôn ra một tràng dài giận dữ khiến
Trọng giật mình. Đúng vậy, Nếu Nga không lầm lỡ, và hắn không gặp Nga thì tương
lai của hắn biết ra sao khi văn dốt võ nát, thầy dở thợ vụng. Làm sao hắn có
được như ngày hôm nay để mở mặt với mọi người. Hắn nhẹ giọng:
- Thôi để anh đi chuyến này, thu xếp xong
công việc rồi sẽ tính.
Đêm ấy, Trọng không ngủ được!
Hôm sau, Trọng lại ra đi với những công
trình đang dang dở… Nhưng chỉ hai ngày sau hắn đã quay về. Nhìn phòng ngủ của
hai vợ chồng, giường chiếu bị xô lệch, bề bộn; hắn thấy lòng tức sôi ngùn ngụt.
Hắn đặt va li vào góc phòng và bước ra ngoài. Nga vội vàng dọn dẹp căn phòng
không nghe tiếng chân hắn quay lại:
- Ai đến nhà mình mà có đến hai li nước để
cạnh hòn non bộ bên ghế xích đu?...
Nga cúi gằm bối rối! Hắn không nói thêm
gì nữa.
Trời chưa sáng hẳn, Nga đã giật mình thức
giấc vì những tiếng chan chát đanh khô dội vào phòng. Bước ra ngoài, Nga thấy
Trọng đang vung búa đập nát hòn non bộ trị giá hàng trăm triệu đồng. Cô hốt
hoảng:
- Anh coi thầy và được thầy phán rằng nếu
để hòn giả sơn này thì vợ chồng ta khó hòa hợp với nhau, phải phá bỏ nó đi…
- Để nhượng lại cho người khác chứ….
- Không! Nếu nó còn tồn tại thì vẫn còn ám
khí…
Nga hiểu ý nghĩa việc làm của Trọng nhưng
không dám nói, đành im.
Buổi sáng Trọng đập nát hòn non bộ thì
đến trưa có một người phụ nữ đến gặp Nga. Không hề khách sáo, người phụ nữ ấy
vào trực tiếp câu chuyện:
- Tôi là Nhàn. Tôi biết cơ ngơi này là do
tiền bạc của gia đình chị đưa cho để anh Trọng xây dựng. Tôi cũng biết chị và
anh Trọng không có tình cảm nhưng lại chung sống với nhau mà chị thì đã hướng
tình cảm đến người khác rồi, trong khi tôi và anh Trọng thật sự yêu thương. Tôi
cần có anh Trọng! Nay chị tính toán lại cụ thể theo giá thị trường, tôi sẽ hoàn
vốn cho gia đình chị; còn chị thì nhường căn nhà và anh Trọng lại cho tôi… coi
như cuộc mua bán sòng phẳng. Hẹn chị…
Nga thật sự bị một đòn phủ đầu choáng
váng.
Trọng vẫn lầm lì không hé răng.
Đêm ấy, Nga khóc! Nga van xin được Trọng
tha thứ những lầm lỗi, nông nổi nhất thời… Nga đã hứa đủ điều. Nhất là cắt đứt
mọi mối quan hệ lăng nhăng. Đến phút này Nga mới sống thật với lòng mình. Một
vật đang sở hữu chẳng có chút giá trị nào nhưng khi sắp bị mất đi cũng thấy
tiếc huống hồ là một con người chung sống từng bấy nhiêu năm. Lần đầu tiên
Trọng thấy Nga khóc, lòng hắn chợt mềm đi nhưng vẫn không mở miệng. Hôm sau hắn
mới chấp nhận và bộc bạch:
- Gia đình của Nhàn rất giàu nhưng không
phải mọi yêu cầu của con đều được cha mẹ đáp ứng. Em giả vờ ra giá thật cao…
Nhàn đến. Cuộc mua bán chóng vánh kết
thúc mà chưa có đoạn kết. Nhàn thất vọng:
- Giá chị đưa quá cao, hiện tại tôi chưa
đủ tiền… Nhưng… Hẹn chị…
Kể từ hôm ấy, Nga thay đổi hẳn, ít cong
cớn, biết phục tùng, chăm chút cho gia đình, chìu chuộng Trọng nhiều hơn… Còn Lường và những người bạn chơi cây cảnh
nghệ thuật vắng bóng hẳn trong nhà Trọng. Sau đó, Lường bỏ làng Cẩm lên phố lập
nghiệp. Đêm đêm, Trọng cười thầm. Ai dám bảo thằng Trọng này là kẻ vô mưu.
Chẳng có cô Nhàn giàu có nào yêu hắn đòi mua chồng bằng cả gia tài để Nga phải
chịu lép vế trước hắn. Màn kịch đã kết thúc. Hắn thầm cảm ơn người đạo diễn tài
ba là ông Chính – bố của Nga. Ông hiểu rõ con gái mình và thương hoàn cảnh trớ
trêu của thằng con rể nên ông đã quyết định phá bỏ hòn non bộ để dằn mặt rồi
thuê một người con gái sắc sảo, lẻm mép đến phủ đầu Nga khi tâm trạng cô còn
chới với trước hòn giả sơn vừa biến thành đống đá vụn.
Trọng không còn dáng vẻ bệ vệ của kẻ hãnh
tiến, không còn những cuộc ăn chơi phù phiếm; không còn săm soi nhiều về nghệ
thuật tạo dáng cây tuy trong vườn nhà vẫn còn những chậu cây cảnh độc. Hắn đã
thành người dân gốc ở làng Cẩm. Những cuộc hiếu hỉ của mọi người trong làng đều
có mặt của Trọng. Hắn lăng xăng giúp mọi người như ông nội hắn ngày xưa. Hắn
còn thừa hưởng ở người cha một cái tật là thích xà xẻo của thiên hạ về làm của
riêng. Hắn được mọi người nhận xét chung chung chí lí là người thì có mặt tốt,
mặt xấu; có thành, có bại… nhưng phải biết hướng thiện, biết mình là ai. Hắn là
người như vậy. Nga đã đẻ cho hắn một thằng nối dõi. Hắn đặt tên là Nghĩa. Ghép
tên hắn với tên con thành bài học của muôn đời: Trọng Nghĩa.
Ngẫm lại quá khứ và hiện tại, Trọng thấy
tương lai đang rộng mở trước gia đình hắn. Con đường liên huyện đang thi công,
nhà hắn sẽ trở thành nhà mặt tiền, đầu làng, đầu bãi nhộn nhịp, sầm uất… Còn
bây giờ, căn nhà hắn đang chìm trong màu xanh cây trái. Hắn thường triết lí để
đạt thành công và hạnh phúc nhất định thì mỗi người phải biết yêu thương, tha
thứ và hòa nhập; đồng thời có một chút may mắn.
Ngô Văn Cư (Bình Định)
Câu chuyện sắc sảo, triết lí mà không khô khan. Cảm ơn bạn già đã gửi đến người đọc một câu chuyện hay như vậy.
Trả lờiXóaRất vui khi Tạ Hoa chịu khó đọc hết chuyện!
XóaKhỏe luôn chứ?
Một truyện ngắn đậm chất đời. Tác giả đã khéo léo xử lí các tình tiết.Cần chú ý thêm ở đoạn cao trào và phần cuối truyện tính cách nhân vật Trọng cần chân thật hơn. Chúc NVC có thêm nhiều truyên hay nữa.
Trả lờiXóaCảm ơn Nguyễn Nguyên Phượng đã đọc và góp ý chuẩn xác, chân tình. NVC
Xóa