Má bệnh nặng, em tôi lấy chồng
Đài Loan lấy tiền chữa bệnh cho má. Khi đó tôi đang học trung cấp kế toán trên
Sài Gòn. Ngày em đi má điện thoại cho tôi, giọng má ríu lại, gẫy gấp khúc vì
vừa khóc vừa nói: “Con Huệ nó đi rồi, nó để tiền cho má chữa bệnh, cho con đi
học nè. Mai mốt không biết nó có đường về quê không? Mày học xiết thành nghề về
với má nghe con”. Ôm cứng cái ống nghe của thím chủ nhà trọ tôi bật khóc
không nói được tiếng nào.
Tiền lấy chồng của Huệ cũng không
cứu nổi má, sau đó ít lâu má tôi quy y tiên tổ. Ngày má chết, ba cũng không về,
em tôi từ ngày đi lấy chồng xa xứ cũng bặt vô âm tín. Nghe bà con mấy người đi Đài Loan
cùng đợt với Huệ nói lại là số em tôi xui lấy phải ông già nông dân Đài Loan
nghèo xơ xác. Em tôi tối ngày ngoài ruộng mần quần quật chưa kể đến việc làm
tất cả công việc nhà. Tôi cắn môi đến bật máu, oán trách bản thân kinh khủng
sao không lo kiếm tiềm cho má để em phải khổ sở như vầy. Hình ảnh em sống tủi
nhục, câm lặng, chịu đựng đòn roi nhà chồng cứ hiện ra xoáy vào tôi, dày vò
tôi. Đường về quê chịu tang má của em có khi lại là điều viễn vông. Đám ma má tôi vắng
tanh, buồn thảm không kèn trống, chỉ có cái khăn trắng tôi đeo. Nghe chòm xóm
kể ngày má cưới chồng cũng lạt nhách, về nhà chồng không món đồ hồi môn, không
mâm bàn cỗ quải… Thả nắm đất trên mả của má, tôi chỉ cất được tiếng: “Má chết
yên nghen má”, tiếng tôi nghẹn lại như mắc cục gì đắng, cứng, quá khổ ngang
họng. Tôi muốn báo tin cho Huệ hay để nó tìm cơ hội lần hồi về quê thắp nén
nhang cho má nhưng không biết em ở chốn nào ở đất Đài Loan xa xôi đó. Lòng tôi
thắt lại khi nghĩ về em bởi mối xa xót thương yêu đứa em thưở bé từng bị tôi
hắt hủi.
Tôi sợ nghèo, sợ
như ma như quỉ, dù phải sống với nó từ khi sanh ra đến giờ. Má chết, em bặt
tin, tôi bỏ học đi kiếm tiền với hi vọng thoát khỏi kiếp nghèo khó đeo đuổi.
Tôi tìm đến một vũ trường có tiếng ở quận 1, Sài Gòn khi đọc được thông báo vũ
trường tuyển dance. Tôi quên hết mùi quê, quên lời má dặn, cố lột bỏ gốc gác
miền Tây phèn đặc để phủ lên mình lớp vỏ của một cô gái thị thành sành điệu.
Tôi ước có thể lọt vào tầm mắt của một đại gia nào đó trên tay cầm từng tệp tiền đô ngồi đếm, xài đồ hiệu,
đi xe hơi, vàng bạc đeo trĩu nặng. Ước mơ đó không dính dáng gì đến luống cày, đồng lúa,
con trâu – cái nguồn gốc xuất thân của tôi. Tôi học nhanh
những động tác uốn éo, mơn trớn. Tôi dính bầu trong một lần đi khách. Tôi phá
bỏ bào thai không mong muốn đó trong một phòng mạch tư. Tôi tiếp tục điên cuồng
trong giấc mơ đi tìm đại gia. Đại gia không thấy đâu, chỉ có nỗi nhục ê chề khi
khách đến bar nhẩy lên sân khấu mơn trớn, sờ soạng và có thể nhét tiền vào bất
cứ đâu họ muốn.
Thành thực mà nói, tôi
không nhớ được gì nhiều từ lý thuyết nhà trường. Tôi cũng không day dứt vì lỗi
phải với ai trong khi suốt thời thơ ấu tôi đã tự cho mình chẳng là gì cả? Chẳng
thuộc về ai? Tôi không đi tìm gia đình mình kể cả lúc má mất. Người đàn bà đã sanh ra tôi nhưng rồi lại bỏ rơi khi tôi vẫn còn khát
sữa mẹ đã khiến tôi không hề có một chút ý niệm gì. Tôi đã thèm thuồng những lời
nói thương yêu, những cử chỉ dạy dỗ ân cần biết chừng nào nhưng tôi không thể
chịu đựng được cái cảm giác yếu đuối, tội nghiệp. Tôi trân mình tỏ vẻ bất cần
thậm chí ngang ngược. Má bỏ tôi đi, tôi cũng bỏ tôi luôn trong quán bar,
vũ trường. Tôi không oán trách bất cứ ai
đã xô tôi vào con đường này, nhưng có đôi lần, trong những đêm khuya khoắt, khi
phải tự đối diện với chính mình, với những nỗi đau thăm thẳm trong tâm hồn, tôi
lại nghĩ: “Phải chi má còn sống, cuộc đời mình sẽ khác?”. “Về với má” lời má
nói xốn vào lòng tôi, vò xé tâm can, lúc ấy tôi cũng có ý nghĩ sẽ trở về miền
Tây trồng rau, nuôi heo gà trên thửa đất má tôi để lại. Tôi nghe mấy người dưới
quê lên nói giờ người ta múc đất thành vuông nuôi tôm, chỗ trúng, chỗ thất.
Cánh đồng giờ chỉ thấy mênh mang những vuông tôm, đất bạc màu trắng xóa, những
thân dừa chết lặng cam chịu xác xơ. Từ ngày chuyển dịch vùng nuôi tôm, bà con
giờ chỉ trông đầu tháng, giữa tháng để xổ tôm. Người ta chưa thể trồng rau trên
vùng đất bị nhiễm mặn. Xung quanh đất má tôi cò đậu trắng bờ, tôm thất, nợ ngân
hàng chất đống, chuối dừa chết sạch, rau trồng
còi cọc, heo gà nay nuôi mai chết. Hồi má tôi còn sống trong vườn đủ thứ dừa,
chuối, ổi, rau, dưới kênh đủ thứ cá bổi, sặc, phi. Vườn má tôi không múc nuôi
tôm nhưng xung quanh bà con nuôi tôm nên đất nhiễm mặn, nghe nói cỏ hoang mọc
thành bờ, thành bụi. Thảng trong ý nghĩ tôi muốn trở về rồi lại rươm rướm nước
mắt nghĩ tôi về đó trọi trơ có ai đâu mà về chi?. Tôi có ám ảnh, day dứt thiệt nhưng
rồi mọi ám ảnh, day dứt muốn về quê đã bị những trận say bí tỉ đã xóa sạch. Chỉ
còn lại những đêm quay cuồng trên sàn, với hơi men ma mị và với những người đàn
ông coi tôi như món đồ giải trí. Tôi quen với sự mạt sát, sỉ nhục, đánh ghen đến mức
nếu ai tỏ ra dịu dàng, quan tâm càng khiến trái tim tôi tổn thương, càng khiến
tôi quẫy đạp phá phách làm ngược lại cái khát thèm dồn nén tận sâu thẳm lòng
tôi.
Tôi không biết đó
là bi kịch hay hạnh phúc khi được gặp sự quan tâm dịu dàng từ một người đàn ông
tử tế. Chuyện của tôi na ná như mấy bộ phim Hàn Quốc sướt mướt người ta vẫn coi
trên ti vi. Đó là một đêm sau khi tôi bị gã đàn ông bao tôi vứt lại lề đường
trong một cơn say khướt sau khi đã “ xài” tôi tối đa. Tôi không còn có thể trụ lại khi trên sàn có rất nhiều
các em gái trẻ đẹp hơn thay thế. Tôi trở thành gái đứng đường, hạ thấp
hơn nữa cái giá vốn đã quá rẻ mạt của mình. Một lần đi khách tôi gặp anh, người
đàn ông kì lạ của cuộc đời tôi. Anh không cư xử với tôi như cách cư xử của bao
gã đàn ông với một con điếm. Anh nói tôi đừng làm cái việc nhơ nhuốc đó nữa
kiếm cái nghề tử tế mà làm. Anh cho tôi số tiền đủ để học một cái nghề nuôi
sống mình. Người đàn ông đó gieo vào tôi thứ ánh sáng của hy vọng trong cái lúc
cả tinh thần và thể xác của tôi như một thức cặn bã đáng ghê tởm. Tôi cảm nhận
anh tìm đến tôi không chỉ vì như cầu truy hoan để giải tỏa những căng thẳng
trong công việc, gia đình mà bởi anh cô đơn quá cần một người không biết rõ về
anh để nghe anh tâm sự. Anh nói nhiều điều về các mối quan hệ cuộc sống, công
việc nhưng tuyệt nhiên không cho tôi biết cặn kẽ về anh, duy nhất một lần anh
nói về vợ, đó là một người phụ nữ con nhà gia giáo, thuần khiết và kiêu hãnh.
- Vì sao có
một người vợ như thế anh lại tìm em? – Tôi hỏi.
- Đó không
phải là chuyện em được biết – anh trả lời ngắn gọn.
Tôi
thay đổi nhiều, đi khách ít hơn. Như mọi con điếm, mọi ánh nhìn khinh bỉ của
mọi người vẫn ném vào tôi, không buông tha quá khứ đen tối của tôi. Tôi quyết
định chuyển phòng trọ khi đã học thành thạo nghề làm móng. Tôi phát hiện mình
yêu anh, dù không dám thể hiện điều đó, tôi không phải là đứa con gái trong
sạch để xứng đáng với một người đàn ông như anh dù chỉ là một người tình trong
bóng tối. Tôi quằn quại trong sự chịu đựng âm thầm cố tẩy rửa quá khứ của mình
để chỉ mong khi anh tìm đến không có ám ảnh cái dơ bẩn của một đứa con gái hư
hỏng sa vào nghề bần cùng bán thân nuôi miệng. Chỉ cần như vậy tôi đã thấy mình
hạnh phúc. Cho dù anh luôn giữ một thái độ ân cần sòng phẳng “ăn bánh trả
tiền”. Không gì khổ sở bằng cái cảm giác khi nghĩ trong mắt anh, tôi vẫn chỉ là
một con điếm, không hơn không kém.
Anh lại đến tìm
tôi, rất khuya, khi đã say khướt. Anh bảo đừng đụng đến anh, anh chỉ cần một
chỗ nằm yên ổn. Anh lè nhè kể về cuộc hôn nhân kiêu hãnh, niềm kiêu hãnh
của anh và vợ anh đang tồn tại trong một ngôi nhà lớn đến mức sắp sửa bật tung
mọi thứ. Anh nói một mình lảm nhảm rằng người càng có học thì càng nhiều trò
khốn nạn và bi kịch của anh là không bao giờ chịu thừa nhận sự khốn nạn của
mình, không dám nhìn vào bi kịch của mình. Tôi không hiểu hết những lời anh nói
nhưng tôi có thể hiểu được cảm giác tuyệt vọng của anh lớn đến mức nào. Anh
ngủ, vắt người trên chiếc giường của tôi mà thỉnh thoảng anh lui tới. Từ ngày
đổi chỗ ở, Anh là người đàn ông duy nhất bước qua ngưỡng cửa phòng tôi. Tôi lau
mặt, tháo giầy cho anh, rất nhẹ nhàng. Tôi khẽ chạm tay vào má anh. Tôi sợ anh
thức giấc và sẽ bỏ tôi đi ngay như tất cả các lần đến tìm tôi. Tôi sợ phải nhìn thấy anh dậy, sợ phải khép cánh cửa sau
lưng anh bởi ý nghĩ lạ lùng sau khi anh bước ra khỏi nơi tôi đang ở anh sẽ
không bao giờ quay lại. Lần nào tôi cũng sợ hãi điều đó…
Nhưng anh đã đi,
vào sớm hôm sau, tôi không bao giờ biết được đó là lần cuối cùng anh đến, như
tôi đã từng lo sợ trước đó. Tôi cũng không bao giờ có thể tin rằng đó cũng là
buổi sáng cuối cùng của anh. Điều đó thật khủng khiếp, nằm ngoài sự tưởng tượng
của tôi. Trên đường về nhà anh đã gặp tai nạn, xe anh va quẹt vào một chiếc
container, bánh xe cán ngang đầu, vỡ nát…
Tôi đau khổ lắm
nhưng tôi không theo người chết ra đi mà gởi thương nhớ được. Tôi cũng không
thể đưa anh đến tận cùng mà chỉ biết đứng ở một tầm nhìn vừa phải để khóc tiễn
biệt anh, để nhìn được rõ khuôn mặt người phụ nữ chính chuyên của cuộc đời anh.
Chị đẹp, vẻ kiêu hãnh toát lên trong ánh mắt buồn u uất nhạt nhòa nước mắt. Anh
có một đứa con trai nhỏ, tôi đoán thế vì thấy chị luôn nắm tay nó kéo lại gần,
đứa bé không khóc chỉ ngơ ngác nhìn đoàn người tiễn biệt ba mình.
Tôi, một vệt tối
đi qua đời anh, yêu anh với một tình yêu tội nghiệp và chỉ biết cầu xin cho anh được nhìn "thấy bóng thiên đường cuối
trời thênh thang”. Anh không thể trú lại phòng trọ của tôi trong những đêm say
khướt thêm một lần nào nữa, cái vệt tối cuộc đời anh là tôi sẽ không bao giờ là
hiểm họa đe dọa niềm kiêu hãnh riêng anh. Anh đã không kịp biết vết chân anh
qua đời tôi đã để lại trong tôi một vệt sáng, cái thai được 10 tuần tuổi trong
bụng tôi là của anh, kết quả được biết sau cơn choáng khiến tôi phải vào bệnh
viện khi vừa tiễn anh về miền xa thẳm.
Như
bao người mẹ trên đời này, tôi đã mang nặng đẻ đau và xem nó như nguồn sống của
mình. Nó là con gái, tôi đặt tên bé là Lê Nguyễn Hoàn Nguyên, con tôi được mang
họ cha, họ mẹ. Con tôi đã tẩy trần thân phận một con điếm thành một người mẹ,
tôi đã được hoàn nguyên.
Trong đời mình, tôi đã đi rất nhiều, những chuyến đi có khi tôi
không cần biết nó đi đâu và cũng chưa bao giờ xác định nơi mình sẽ đến. Cữ này
tôi thao thức miết. Nếu ở quê chắc là thao thức cùng sông dài. Sài Gòn mấy bữa
mưa trút rào rào, từ ngày có con tôi nhớ má tôi nhiều. Bửa hôm tôi nằm mộng
thấy má kêu “ Về quê đi con…”. Giờ thì tôi biết kí ức của tôi dừng lại một buổi
xế chiều khi má tìm thấy tôi bên cần xé rác, má biểu “Về với má”, khi má điện thoại nói em Huệ lấy chồng Đài Loan rồi
biểu tôi về với má…
Tôi không
muốn tiếp tục đi trên hành trình hủy hoại mình, tôi chỉ muốn dừng chân nơi
chính cái nơi má đã lượm tôi đem về nuôi. Tạng sáng, tôi sẽ xuôi chuyến xe đầu
tiên của ngày về miền Tây. Tôi trở về cái ấp nhỏ xíu xiu lam lũ, về với má để
được làm mẹ của Hoàn Nguyên con tôi, để chăm mộ phần của má, để đợi em Huệ trở
về, để được dọn lại vườn nhà chằng chịt
bìm bìm, cỏ lác…
Chuyến xe này tôi không thể trễ…
Cà Mau, những
ngày đầu thu, tháng 8 năm 2011
Nguyễn Thị Việt Hà (Cà Mau)
nữ nhà văn việt hà,
Trả lờiXóacám ơn cô đã viết, đã khóc đời. câu chữ chạm lòng đau thấu xương, văn là thê..mà đời là thế, phải không cô/ từ nguyễn du, trước nguyễn du, sau nguyễn du....đich, nghĩ đến cô, đến những nhân vật, đến cuộc đời đang sống... không hiểu cô đã đọc keng chưa, như 'dị bản' chẳng hạn
chúc cô an lành, bình tâm, và có những ngày xuân ấm cúng phương nam.
Cám ơn anh Công đã đọc và góp ý chân thành. Đầu xuân mới, chúc anh cùng gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn!
Trả lờiXóa