Anh cho em mùa xuân
nụ hoa vàng mới nở,
chiều đông nào nhung nhớ…
(Kim Tuấn)
Có lần, tôi giới thiệu bài thơ Trong nỗi nhớ thầm của Kim Tuấn được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành ca khúc nghẹn ngào xúc động tâm tình người phương xa Ta ở trời Tây nhớ trời Đông trên trang facebook cá nhân của mình:
Ta ở trời Tây nhớ trời Đông
Nhớ nhau trăm nỗi xót xa lòng
Nhớ ta bỗng có men đời đắng
Có chút buồn trong nỗi nhớ mong…
Chỉ sau vài phút, tôi đã nhận được comment của một giảng viên văn học ở Hà Nội (HN) hỏi ngay: Kim Tuấn là ai? Em có thể cho tôi biết về sáng tác của ông không? Rồi một nhà văn…, một nhà thơ HN khác… cũng đặt câu hỏi tương tự về cái tên Kim Tuấn. Những vị này thuộc thế hệ 5X, sinh ra và sống ở Hà Nội, cũng từng ngao du đất nước và văn chương Đông Tây không ít lần… nhưng do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước mình, tôi có cảm giác văn học miền Nam dường như vẫn chưa qua khỏi đèo Hải Vân… Gần đây, một sinh viên ngành Ngữ văn tại Sài Gòn cũng ngạc nhiên khi tôi nhắc về Kim Tuấn…” Cái tên…nghe lạ quá, là nhà văn hay nhà thơ hả cô?” Nhưng khi tôi bảo đó là tác giả bài thơ phổ nhạc Anh cho em mùa Xuân thì hầu như mọi người đều bật lên tiếng “À” đầy thú vị như vừa gặp lại người quen... “Ôi, bài này mình biết lâu rồi…”, “Bài hát yêu thích của em đấy”…
Đúng vậy, cứ độ Xuân về, khắp phố phường, thôn xóm… điệu Tango vui tươi rộn ràng, ca từ dịu dàng ấm áp lòng người của Anh cho em mùa xuân, qua nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã hóa thân những “Nụ hoa vàng ngày xuân” của Kim Tuấn thành ca khúc không thể thiếu trong bất kì cuộc vui đón xuân nào…
Anh cho em mùa xuân,
nụ hoa vàng mới nở,
chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy,
chân bước mòn vỉa phố,
mắt buồn vịn ngọn cây
Anh cho em mùa xuân,
mùa xuân này tất cả,
lộc non vừa trẩy lá
Lời thơ thương cõi đời,
bầy chim lùa vạt nắng
trong khói chiều chơi vơi
Thế nhưng, người khai sinh ra những ca từ rộn ràng yêu thương ấy, nhà thơ Kim Tuấn là ai lại ít người biết đến. Một phần do sự thiếu sót của người đưa các bản nhạc thường chỉ chú trọng tên bài hát, nhạc sĩ và ca sĩ. Không riêng gì trường hợp Kim Tuấn. Dù chuyện quy ước về nguồn gốc một tác phẩm văn, thơ, hay nhạc đều đòi hỏi phải cụ thể, chính xác và tường minh. Chỉ ai cẩn trọng lắm mới chú ý đầy đủ những chi tiết ấy. Những năm tháng trước 1975, tôi đã từng nghe Những bước chân âm thầm, Anh cho em mùa xuân đến thuộc lòng. Rồi Khi tôi về với hình ảnh “dây thép gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính đã trở về cày đám ruộng xanh”, với tuổi thơ thật đẹp “con diều bay đùa trong gió… có đứa trẻ để bụng lòi chấm rốn đen cười nụ thanh bình”… Tôi đã mơ theo những khuôn nhạc và giấc mơ thanh bình tuyệt vời của Phạm Duy mà không biết đó là khát khao hòa bình cháy bỏng trong bài thơ Những điều ghi được trong giấc ngủ của Kim Tuấn viết từ 1974…
Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, sinh năm 1938 tại Huế (có nhiều tài liệu ghi là 1940) nhưng thật quê gốc lại ở Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ 5 đời của hoàng tử thứ 10 Tùng Thiện Vương Miên Thẩm - một một ông hoàng có nhiều uy tín bởi đạo đức cao, tri thức rộng đồng thời là một thi sĩ nổi tiếng, từng được vua Tự Đức khen tặng “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường". Kim Tuấn là con trai duy nhất của gia đình. Thuở nhỏ ông sống ở Phan Thiết, lớn lên vào Sài Gòn học. Làm thơ từ năm 13 tuổi và có thơ đăng trên các tạp chí đầu những năm 1960. Tập thơ đầu tiên xuất bản là tập Ngàn Thương (chung với Định Giang). Ông từng có một thời gian nhập ngũ và làm thông dịch viên tiếng Anh cho Quân Đoàn II tại Pleiku. Thời gian này ông còn là phóng viên chiến trường với ký danh Vĩnh Khuê. Năm 1977, ông về Thành phố Hồ Chí Minh làm hiệu trưởng Trường Anh văn và dạy nghề Thăng Long ở quận 4 - một ngôi trường do người Anh tài trợ dành cho trẻ em lang thang và dạy học ở đó cho đến cuối đời.
Ngày 11.9.2003, sau khi tham dự một buổi văn nghệ phát quà Trung thu cho trẻ em nghèo tại trường, ông về nhà ăn bánh, uống trà, ngắm trăng với vợ con rồi đột ngột bị nhồi máu cơ tim và mất trên đường đưa đến bệnh viện.
Trước 1975, ông có các tập thơ Hoa mười phương (1959), Ngàn thương (chung với Định Giang, 1969), Dấu bụi hồng (1971), Thơ Kim Tuấn 1962-1972 (1975). Sau 1975, mười lăm năm sau, Kim Tuấn trở lại với Thời của trái tim hồng (1990), Tuổi phượng hồng (1991), Tạ tình phương Nam (1994), Thơ Lí và thơ ngắn (2002).
Với ngôn từ, hình ảnh giàu chất thơ và nhạc điệu, nhiều bài thơ của Kim Tuấn đã trở thành ca khúc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Hiền, Y Vân, Phạm Duy, Phạm Đình Chương…
Theo Nguyễn Mạnh Trinh, trong “Kim Tuấn, thơ mùa xuân, thơ phố núi” có giải thích về bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân, qua lời thổ lộ của Kim Tuấn: "Tôi làm bài thơ này để nhớ về quê mẹ Hà Tĩnh - vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo với mơ ước "Đất mẹ gầy có lúa" - có lúa chứ không phải cỏ lúa như nhiều người vẫn hát nhầm (cỏ lúa thì phải nhổ đi chứ ai lại mơ ước có thêm!). Bài thơ này tôi sáng tác vào đầu thập niên 1960, sau đó in trong tập Ngàn thương (chung với Định Giang) và được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thành ca khúc...".
Mùa xuân, bao đời nay vốn là đề tài lớn của văn thi sĩ. “Thời điểm ấy, người và trời đất giao hòa. Năm cũ đi, năm mới đến, hứa hẹn bao nhiêu là thay đổi. Xuân sinh, hạ trưởng,
thu liễm, đông tàn, cái vòng sinh hóa ấy với tiến trình nhất định đã làm thành sự chuyển động của thiên nhiên. Mùa xuân hoa lá tốt tươi, thời tiết ấm áp. Tình yêu vì thế cũng làm tâm hồn mở rộng ra những khuôn trời lãng mạn, những mơ ước của hình thành mộng mơ…”
Ngày 28-9-2013 vừa qua, gia đình và bạn bè đã trọng thể tổ chức một chương trình thơ nhạc kỉ niệm mười năm nhà thơ tài hoa này đi xa. Rất cảm ơn anh Đoàn Đình Thạch người đồng nghiệp cùng bộ môn Văn, trường Đại học Sài Gòn, người bạn đồng môn khác khóa Đại học Sư phạm TP. HCM 33 năm xưa, đã dành cho tôi niềm vui và vinh dự này khi gửi cho tôi thư mời đến dự. Buổi họp mặt văn nghệ ấm cúng vốn chỉ dành cho gia đình và bằng hữu thâm giao của Kim Tuấn... Có lẽ, người mời muốn ngầm trả lời một thắc mắc từ lâu của tôi: Vì sao, nhiều năm nay, kể từ năm 2000 khi gặp lại anh ở cùng tổ bộ môn, cùng khoa, cùng trường, trong bất kì buổi sinh hoạt lớn nhỏ nào, mùa xuân hay mùa hè... hễ mời thầy Thạch, nhạc sĩ Đoàn Đình Thạch lên sân khấu góp vui văn nghệ, anh đều hát duy nhất một bài: Anh cho em mùa xuân của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, phổ từ thơ Kim Tuấn. Một nhạc sĩ từng phổ rất nhiều thơ của nhiều người như anh (Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Thái Dương..., từng in ca khúc của mình...lẽ nào chỉ thuộc có mỗi một bài hát ấy?!
Giờ thì mới biết... anh hát những lời thơ, những tâm tình thủ thỉ của người bạn chí thân đã mất của anh, nhà thơ Kim Tuấn.
Và thật xúc động, nhạc sĩ Đoàn Đình Thạch còn cố ý nhân buổi tưởng niệm này trao lại cho gia đình nhà thơ Kim Tuấn một kỉ vật quý báu: thủ bút một bài thơ của KT đã được anh lưu giữ suốt 30 năm dài: Bài thơ viết trong một chiều mưa. Trang giấy học trò đã vàng ố, tôi nâng trên tay... một góc cuối bị mất theo nếp gấp... Có cảm tưởng anh đã không biết bao nhiêu lần giở ra, gấp lại, gấp lại rồi mở ra đến hằn cả nếp và rách theo nếp ấy... để cảm nhận cho hết ý tình... bài thơ Kim Tuấn viết cho người yêu, người vợ thân yêu sau này của anh... để thấm cho hết tình của bạn, để nắn nót thành ca khúc MƯA ĐẦU MÙA...
Mưa đầu mùa mưa có mưa qua đêm
Mưa lác đác thì thầm trên mái ngói
Em có nghe mưa tưởng lời anh nói
Rất nồng nàn tha thiết tình yêu em
Như tiếng hát em xưa tiếng hát êm đềm
Như mưa đêm nay mưa âm thầm gợi nhớ
Như anh yêu em anh buồn vô cớ
Như em rất gần
Như em rất gần
Mà em rất xa...
Một tình yêu nồng nàn khắc khoải nhớ thương thật đẹp. Giây phút người nhạc sĩ kiêm ca sĩ kết thúc bài hát trong cảm xúc tràn đầy, chị Kim Tuấn đã rưng rưng tặng người bạn của chồng bó hoa cảm tạ tấm tình bè bạn của anh trong gương mặt nhòa nước mắt. Gian phòng như vẫn còn ngập tràn âm hưởng giọng hát khỏe khoắn nồng nàn đúng phong cách Đoàn Đình Thạch tôi từng biết lâu nay của anh. Nhà báo Nguyễn Sông Ba vừa chụp hình đủ góc độ, vừa thủ thỉ: “Ảnh hát hay quá! Giọng hát mang cả âm vọng mênh mông mà nồng ấm của cái đầm Thị Nại quê ảnh..." Bài thơ Bài hát một chiều mưa này cũng đúng là bài thơ anh làm riêng tặng chị… Vậy mà, người nghe, cứ ngỡ như đâu đó những cung bậc của chính cuộc tình của mình, là tiếng lòng thì thầm của riêng mình...
Lắng nghe Đoàn Đình Thạch hát, nhiều người hát, ngâm thơ, thổi sáo... những thi phẩm của Kim Tuấn, lắng nghe những bạn bè của nhà thơ kể lại những kí ức về một Kim Tuấn tài hoa nghệ sĩ, đầy ân tình... chợt hiểu trên cuộc đời này, chết đi không phải là hết... Điều đáng nói là những ngày có mặt trên cõi vô thường này, ta đã sống với mình, với mọi người như thế nào... để vẫn sống mãi trong hoài niệm yêu thương không dứt như Kim Tuấn đã sống, đã yêu, đã nhả tơ lòng thành những di sản quý báu cho văn học nghệ thuật miền Nam...
Sài Gòn, tháng giêng 2014
Đọc bài viết của cô Oanh biết thêm được nhiều thông tin, thêm yêu những khúc tình ca...
Trả lờiXóa