Nếu có những người làm thơ (kể cả những nhà thơ thành danh) sau một thời gian, đã quay trở lại, lẩn quẩn với chính chiếc bóng của mình thì, chúng ta cũng có những nhà thơ đoạn lìa được quen-thuộc-cố-hữu, để làm thành những lên đường, đi tới mới mẻ. Với tôi, tính phiêu lưu, nỗ lực vượt qua hành-trạng nhàm, nhạt của riêng mình, để cho thơ có được những đất, trời, những lượng nắng, gió khác, thì, điều đó, đáng kể, và đáng ghi nhận về người làm thơ ấy, hơn bất cứ một một điều gì khác. Đó là sáng tạo! Là làm mới!
Muốn được thế, vẫn theo tôi, không có một nỗ lực nào không đòi hỏi nơi người làm thơ, một đoạn lìa đau lòng! Một cắt bỏ những sức ì, những phần thân thể hết máu, để tất thành một lên đường khác, với lượng máu khác, trái tim khác… làm thành một bệ phóng khác, cho thi ca của họ.
Theo dõi biến chuyển hay tiến trình “lột xác” của nhà thơ Lê Phương Châu, một người làm thơ rất sớm, tự những năm giữa thập niên 1960 - Và, cũng rất sớm, nhận được sự chú ý của một số người quan tâm tới sinh hoạt văn chương thời đó...
Tuy nhiên vì thời cuộc, những biến động lịch sử, cũng như những bi kịch cá nhân, đời thường, khiến Lê Phương Châu khó giữ được đà phóng khởi đầu tốt đẹp của mình!
Dù vẫn một lòng chung thủy ăn ở với thi ca, nhưng cách gì, tác giả “Những dòng sông trôi xa” cũng vẫn bị chi phối bởi những hụt hẫng, thất lạc, mất dấu… chính mình.
Gần đây, khởi từ thi phẩm “Một khắc trăm năm”, theo tôi Lê Phương Châu đã không chỉ trở lại được với thi ca, hiểu theo nghĩa thoát khỏi được sức ì mà, cô còn tất thành được một lên đường mới, với lượng máu mới, làm thành một bệ phóng mới cho thi ca của cô. Cụ thể: Thi phẩm “Như dòng sông trôi xa”.
Ghi nhận về lên đường mới mẻ của Lê Phương Châu, qua thi phẩm vừa kể, một số bằng hữu của cô, như nhà thơ Chu Ngạn Thư đã cảm nghiệm như sau:
“…Sông về với biển, đấy là lẽ thường trong cõi vạn vật này. Ở đây Lê Phương Châu còn làm điều xa hơn. Sông về với biển và trôi tận đến bờ bên kia của biển…”
Từ một góc nhìn khác, nhà thơ Triệu Từ Truyền lưu ý:
“…Cuối cùng, độc giả dễ nhận ra phong cách riêng của Lê Phương Châu. Nó tiệm tiến đến dòng thơ hiện đại của hành tinh: Dứt khoát trong diễn đạt, ngắt câu ngắn, chuyển ý nhanh để hạn chế tối đa lập lại ý của người đi trước!...”
Và, sau cùng, ghi nhận của nhà thơ Võ Chân Cửu từ một cự ly khá gần gũi với đời thường của tác giả:
“… Thơ Lê Phương Châu ‘tương cầu’ với những ai có chung cảnh ngộ, nỗi niềm, nhất là những người đã sống qua những năm bom đạn chiến tranh ở vùng ‘khúc ruột miền Trung’. Dòng sông trôi xa, ra biển vẫn mang trong mình bóng dáng những ‘trầm tích’…”
Du Tử Lê
Nguồn: dutule.com
http://www.dutule.com/D_1-2_2-138_4-5857/le-phuong-chau-nhu-dong-song-troi-xa.html
Dưới đây là 4 bài thơ trích từ thi phẩm “Như dòng sông trôi xa” của Lê Phương Châu. Chúng tôi trân trọng kính mời quý bạn đọc, thân hữu thưởng lãm.
Điều đáng nhớ
Cũng có lúc nàng trăng quên quán trọ
Trèo cây đa, hái trái chín mù u
Trời đổ dốc mưa dầm bưng mái dột
Nước triều dâng bật gốc nát nhừ.
Trở lại
vườn cổ tự - nắng reo
hồn linh ứng trong veo
màn xanh rợp mảng xanh
bước chân về như thị.
Không bến đợi
có những giọt nước mắt
rụng thầm trên lối đi
có những vì sao băng
địa đàng rung trái chín
liễu soi mình hồ gương
vin tay vầng trăng lạnh
dừng chân tìm nửa khuya
ngày qua còn phía trước
em – ngậm ngải thật thà
ta – phong trần ngã mạn
trời lạnh ngắt cô đơn
bến đời – không, bến đợi
biển hừng đông trải thảm
bờ cát trắng dấu chân
sóng cất đầu khản giọng
bôi xóa ký ức buồn
mai ta về phố cũ
bắt tay từng người qua
cảnh đời – khung họa tím
khuất sau cánh buồm hoa.
Nước Lũ
tình cô phụ qua đò vỡ tiếng
đôi mắt buồn bầm dập tuổi chưa quen
người khép mắt cho trắng cành huệ mỏng
khoác trên đầu đẩy lệch tấm khăn đen.
Lê Phương Châu
Tin thêm: Nhân dịp ra mắt tập thơ Như Dòng Sông Trôi Xa, nhà
thơ Lê Phương Châu đã tổ chức buổi tiệc thân mật cùng một số thân hữu tại quán Đất Phương Nam,
46 Huỳnh Tịnh Của, quận 3, TP. HCM vào sáng ngày 10/01/2014. Dưới đây là một số
hình ảnh
Nhà thơ Lê Phương Châu (bên trái), nhà văn Âu Thị Phục An
Nhà thơ Võ Chân Cửu
Nhà thơ Triệu Từ Truyền (bìa trái)
Nhà thơ Chu Ngạn Thư (bên phải)
Nhà thơ Chu Ngạn Thư tặng sách cho nhà thơ Cao Quảng Văn
Từ trái sang: Nhà thơ Võ Chân Cửu, nhà văn Âu Thị Phục An, nhà thơ Triệu Từ Truyền
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét