LONG XUYÊN KÝ SỰ
Về với dòng sông tuổi thơ quê bác Tôn
Con phà phải đi từ bến Ô Môi vòng qua một cù lao nhỏ, rồi còn đi tới hai mươi phút nữa, mới đến bến Cù lao Ông Hổ. Sóng nước sông Hậu buổi sáng thật hiền hòa, nhưng lại mênh mông với nhiều tầu bè đi lại. Anh Châu đưa tôi đi kể Cù lao Ông Hổ thật lạ. Đó là một hòn đảo được hai nhánh sông Hậu bao bọc. Từ mọi ngả đều phải đi thuyền hay phà mới tới đó được. Hàng ngàn năm trước nó hình thành bởi phù sa sông Hậu bồi đắp mà thành. Xưa là một cánh rừng tự nhiên, khi có người lên khai phá, Cù lao Ông Hổ có nhiều thú dữ, nhiều nhất là hổ.
Nhưng thực ra không phải vì thế mà người ta gọi là Cù lao Ông Hổ. Cái tên này lại hình thành từ một truyền thuyết về ơn nghĩa và tình cảm sâu nặng giữa con người đối với mảnh đất nơi họ đến sinh sống. Một ông già, người ở Cù lao Ông Hổ, đi cùng nghe thấy vật gật đầu tán thành rồi kể, câu chuyện mà người dân nào ở đây cũng đều biết rất rõ. Trong một trận mưa lũ, lụt ngập cù lao, có một con mèo nhỏ đứng co ro, trơ vơ trên một đám bèo Lục Bình, có nguy cơ chết vì đói rét và sẽ bị nước lũ cuốn đi. Hai vợ chồng nọ nhìn thấy thương quá, lội ra sông mới nhận ra đó là một con hổ mới sinh, nhưng vẫn về chăm nuôi. Chú hổ nhỏ được cứu sống và được chăm sóc và lớn lên trong tình thương yêu của một gia đình. Con hổ ngay càng trở nên ngoan ngoãn, hiền lành và xóa bỏ đi những bản tính hung ác của loại thú dữ. Nó ngày càng có tình cảm và mang ơn sâu nặng với hai vợ chồng nọ.
Ngày lại ngày cuộc sống càng trở nên gắn bó và vượt qua bao khó khăn trong sự mưu sinh, hổ và người càng yêu thương và đùm bọc lấy nhau. Rồi thời gian trôi đi, theo những năm tháng dài, vợ chồng người nông dân nọ già cả, rồi bệnh tật chết đi. Con hổ bị người làng xua đuổi vì sợ hậu họa khó lường với những loài cẩm thú. Nó đi, nhưng đêm đêm vẫn về với ngôi mộ của hai người đã nuôi dưỡng nó. Hổ phủ phục và im lặng trước ngôi mộ. Cho dù mưa gió hay bão tố, con hổ vẫn trở về và quỳ trước ngôi mộ. Rồi con hổ cũng về già, nhưng lòng thương nhớ và biết ơn người đã cứu sống và nuôi dưỡng nó chẳng thể nào nguôi. Nó vẫn về và rơi nước mắt khóc thương cho đến khi trút hơi thở cuối cùng và gục chết bên hai ngôi mộ mà nó coi là cha là mẹ mình.
Chính vì câu chuyện đó mà người dân ở đây đã cảm phục lập miếu thờ cho người chết và cả miếu thờ cho hổ. Từ đó họ đổi tên là Cù lao Ông Hổ. Cho dù đến nay, cù lao đã được đổi tên là xã Mỹ Hòa Hưng, nhưng mọi người của thành phố Long Xuyên vẫn gọi đó là Cù lao Ông Hổ. Đúng lúc này, phà cập bến. Trước mặt chúng tôi là cổng trào lớn, với những dòng chữ chào đón du khách. Anh Châu đưa tôi đến thẳng Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Tôi sững sờ vì ngôi nhà sàn của gia đình bác Tôn quá đẹp. Ngôi nhà, nơi bác Tôn cất tiếng chào đời (20-8-1888), vẫn còn nguyên hơi ấm của mọi người trong gia đình, cha mẹ, các em và những người thân. Vẫn còn đó cây cau, bên vại nước mưa đấy, và vẫn còn cánh võng tuổi thơ ngày nào tiếng ru của người mẹ văng vẳng bên tai. Sau này cho dù đi tới mọi bến bờ, trải qua nhiều hoạn nạn bị tù đầy ở Côn Đảo, cậu hai Thắng vẫn nhớ về quê mẹ. Cậu nhớ về Cù lao Ông Hổ, nơi đã nuôi dưỡng cậu tình yêu thương con người và tình yêu tổ quốc tha thiết hơn bao giờ hết. Kể cả khi trở thành Chủ tịch nước bác Tôn Đức Thắng vẫn ngong ngóng trở về với quê hương và những người thân yêu nhất của đời mình. Chính vì thế mà trong phòng lưu niệm còn giữ được tấm ảnh con tầu Giang Cảnh đưa bác Tôn về thăm quê hương ngay sau khi miền nam được giải phóng. Cùng với đó là chiếc phi cơ YAK-40 đã chở Chủ tịch Tôn Đức Thắng, về Sài Gòn dự Đại lễ mừng ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cũng được lưu giữ tại Khu lưu niệm. Rồi đó là những phòng trưng bày những sự kiện lịch sử quan trọng nhất của sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng…
Đặc biệt tôi dừng chân đọc lại trường ca “Bài thơ Hắc Hải” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết về người anh hùng Tôn Đức Thắng, trong cuộc khởi nghĩa của những thủy thủ trên chiến hạm Pa-ri, ở hải cảng Ô-đet-xa, năm 1918. Họ ủng hộ cách mạng tháng mười Nga. Đó là hình ảnh anh thủy thủ sửa chữa tầu Tôn Đức Thắng leo lên cột cờ để treo lá cờ cách mạng, biểu thị tinh thần và lòng quả cảm của những người yêu nước, yêu cách mạng giải phóng dân tộc. Có đoạn tác giả viết, mà tôi đã không thể quên khi còn học phổ thông hơn 40 năm qua:
“…Hạ hết những lá cờ chết chóc
Đời xích xiềng đạp xuống biển khơi
Những con mắt từ nay thôi khóc
Kéo lên cờ Cách mạng tháng Mười
Anh chạy tới cột cờ cao nhất
Anh băng mình thoăn thoắt leo nhanh
Bóng anh mất trên trời sâu hút
Giữa gió gầm lồng lộng vùng quanh…”
Đi chợ nổi Long Xuyên
Muốn lênh đênh chợ nổi Long Xuyên, cũng bắt đầu từ bến Ô Môi, đi về phía xóm nhà thuyền trên sông Hậu. Người ta nói còn một con đường khác, xa hơn chút nhưng lại đi thẳng đến ngay đầu xóm nhà thuyền. Lầm lụi và lúc nào cũng tất bật vì người đẩy xe xuống lấy hàng vào thành phố bán. Chị Nhung đón tôi như một người mở hàng, vì đây là chuyến chở khách sớm nhất. Tôi đến từ 7 giờ vì nghe nói chợ nổi ở đây chỉ đông vui từ 6 giờ đến 8 giờ mà thôi. Mấy người cười, vì tôi đã nhầm, bởi chợ nổi ở đây nhộn nhịp suốt ngày đêm khác hản nhiều chợ trên sông ở các tỉnh miền Tây. Chị Nhung nói hiện ở xóm nhà nổi cố định ở đây đã có tới gần 400 hộ sinh sống. Nhiều nhà mở cửa hàng bán mọi thứ, thượng vàng hạ cám, bất kể lúc nào. Nếu kể thêm mỗi ngày thường có tới thêm 200 chiếc ghe, hay thuyền hoặc tầu nhỏ của nhiều thương hồ đến neo đậu, bán mọi nhu yếu phẩm, mới thấy chợ nổi Long Xuyên tấp nập đến thế nào.
Hàng bán và hàng buôn trên sông giống như nhiều nơi; đó là chuối, bưởi, cam, chanh, hay bí, khoai, nhãn, xoài…Mùa nào thức nấy, các thương hồ đi các miệt vườn gom hàng, chở về đây bán. Một ghe lớn trung bình cũng phải tới 10 tấn hàng. Họ bán vài ngày là hết hàng. Vậy nên họ phải trụ lại trên sông Hậu, treo hàng bán cho đến khi hết. Có nhà như vợ chồng ông Khiêm, bà Năm Sáng mà chị Nhung chỉ về phía bên trái nói, họ đôi khi phải bán tới cả tuần mới hết hàng. Chiếc thuyền máy đưa tôi đi khắp chợ nổi Long Xuyên. Chị Nhung cười rất tươi và kể cho tôi đủ mọi chuyện về cánh thương hồ về đây. Từ chuyện tình duyên thương hồ, đến chuyện ghen tuông, bài bạc thường xảy ra, vì họ phải ở lại trên sông cho đến khi bán hết hàng.
Tôi mải mê nhìn mọi con thuyền lênh đênh trên sông và cả những cô bé đi bán cơm, bán nước ghé vào từng ghe hàng khi có người gọi. Nắng sớm bừng lên. Những ghe hàng tấp nập người đưa thuyền đến lấy hàng. Nào là dưa hấu. Kia là ghe bưởi năm roi. Còn đó là hàng thùng dừa được chuyển qua ghe. Tiếng chó sủa. Tiếng hát cải lương từ một chiếc ghe lớn bay bổng làm sao. Tôi lắng nghe và mới thấm thía về cuộc đời trôi nổi của giới thương hồ. Nhiều cô gái ríu rít mua xoài vì giá rẻ đến không ngờ. Có tiếng cô gái mời tôi mua bưởi đến ngọt lịm. Tôi vui vì cô gái gọi tôi là cậu Hai.
Tôi ngơ ngác nhìn lên ghe đầy những bưởi là bưởi. Chị Nhung ghé vào và hò lên một điệu Lý. Nghe như chị ngâm thơ, nhưng lại thấy nhạc điệu vang lên: “Miền Tây, chín nhánh sông dài / Long Xuyên chợ nổi nhớ hoài ai ơi / Thương em, thương tiếng rao mời / Hậu Giang lấp lánh nụ cười chín cây”. Tôi nghe thấy lạ hỏi lại câu cuối, chị Nhung nói, đó là nụ cười chín cây đó cậu Hai ạ. Ôi! Chính là nụ cười của cô gái trên ghe bưởi đã trao tặng cho tôi trong buổi sớm mai. Tôi bần thần ngước lên. Những con sóng lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Chị Nhung cho thuyền đi rất chậm. Dường như chị hiểu tôi đã ngẩn ngơ vì nụ cười ấy. Tôi ôm trái bưởi và nhớ đến câu hát, đúng là “Thương em, thương tiếng rao mời” là thế đó. Con thuyền trôi. Tôi lặng im và trôi theo con thuyền.
Lời gửi người “Nhớ về Hà Nội”
Tôi không thể về được ngôi nhà của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, vì đường còn xa. Nhưng bài hát “Nhớ về Hà Nội” của ông luôn sống mãi trong trái tim tôi. Giờ đây ông đã về với dòng sông tuổi thơ của mình. Tôi lại đang bồng bềnh cùng ông trên con sông Hậu, nơi quê hương yêu dấu. Con sóng lúc này đúng như lời ông hát, bao năm xa quê, ông vẫn thấy vui vì con sông mãi mãi trẻ trung, đó là dòng sông tuổi thơ. Tôi nhớ mãi và bồi hồi vì câu kết của khúc ca về dòng sông mà tôi đang bồng bềnh trôi, trong câu hát: “Ôi những con thuyền giấy. Những năm tuổi thơ đã đi về đâu. Để mình tôi nhớ nhung bây giờ”. Chính thế tôi đang sống trong nỗi nhớ nhung ấy, trên dòng sông. Và nụ cười dễ thương của cô gái neo đậu trong trái tim tôi.
Vương Tâm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét