Trời trở tiết, mấy cây bằng lăng
trước nhà co mình như sẵn sàng hứng chịu những cơn giông trái mùa khô khốc từ cánh
đồng nứt nẻ thổi về làm tả tơi cành lá. Đám rau càng cua bên bờ ao vàng úa bởi
cái nắng như đổ lửa trên đầu. Bên trong nhà từ con người đến cảnh vật dường như
cũng rón rén, nhẹ nhàng không một tiếng động vì sợ làm mất đi giấc ngủ hiếm hoi
của bác Hai. Bệnh già bao giờ cũng cần một không gian yên tĩnh và sự quan tâm đặc
biệt của con cháu. Nhưng với bác Hai thì khác, nằm trăn trở trên giường bệnh mà
bác cứ nghĩ phải chi ngay bây giờ mình được chết để nhẹ nhàng bản thân, để không
phiền phức đến con cháu.
Nghĩ như bác thì hơi phũ phàng. Phải chi
con cháu đối xử tệ bạc với bác thì không nói gì, đằng này sáu người con của bác
ai cũng yêu thương và chăm lo cho bác không thiếu thứ gì. Những ngày mới phát bệnh
ai cũng muốn đem bác về nhà mình để chăm sóc. Đầu tiên là chị Hai Thu bàn với mấy
đứa em: “Thằng Út phục vụ trong quân đội ít khi về, thôi thì để chị đem ba về
nhà chăm sóc cho chu đáo.”. Nghe vậy anh Ba Đi xen vào: “Không được chị Hai à,
anh chị còn phải quản lý hai cái công ty bận rộn dữ lắm, thôi để ba nằm nhà em
chăm sóc tiện hơn!”. Anh Năm Tới lại xua tay: “Anh Ba nói vậy cũng không được.
Mùa này là mùa khô anh chị còn phải lo chống cháy cho mười mấy mẫu cao su công
việc rất tất bật. Để ba về nằm nhà em là hợp lý nhất, vợ chồng em sẽ lo cho ba
thật tươm tất”. Chị Tư Xuân nãy giờ im lặng, nghe mấy anh chị bàn tới bàn lui
coi bộ không ổn, ai cũng giành nuôi ba mà công việc của anh chị đâu phải là ít.
Thằng Năm nói vậy chứ vợ chồng nó là dân công chức, một ngày nghỉ việc là cả một
vấn đề, thời gian đâu mà lo cho ba. Chỉ có vợ chồng mình là bác sĩ, thì việc chăm
sóc cho ông già lúc bệnh tật là hợp lý nhất. Hơn thế nữa tâm lý người già thì
ngoài bác sĩ ra ít ai hiểu hết. Nghĩ vậy chị Tư Xuân lên tiếng: “Thôi để ba ở
nhà em là tiện nhất, vợ chồng em là bác sĩ đằng nào thì cũng dễ dàng chăm sóc
ba hơn”. Lấy cái mác gia đình bác sĩ ra giành nuôi ông già lúc bệnh hoạn coi bộ
chị Tư Xuân thắng thế nên cuối cùng bác
Hai được nằm dưỡng bệnh tại nhà chị Tư.
Trước khi ai về nhà nấy, các anh chị nhìn bác Hai nước mắt lưng tròng, ai cũng đến
quỳ bên chân bác xoa xoa bóp bóp mà rằng: “Thôi thì bây giờ Ba cứ tạm nằm dưỡng
bệnh ở nhà con Xuân, nhưng rồi từ từ tụi con cũng nhất quyết đem ba về với vợ
chồng con để được chăm sóc ba trong những ngày cuối đời.”. Rồi họ quay lưng ra
về không quên dặn vợ chồng đứa em chăm sóc ba cho thật chu đáo, dù biết rằng những
lời dặn dò của họ là thừa so với một gia đình bác sĩ.
Bà con họ hàng ai cũng yêu thương
quý trọng bác. Nghe bác bệnh họ đến thăm. Thấy bác Hai được chị Tư Xuân chăm sóc
chu đáo bà con ai cũng mừng. Nhìn bác Hai
nằm yên tĩnh trong một phòng có máy điều hoà, thuốc thang đầy đủ ai cũng
yên tâm. Bác Hai nằm im hai mắt nhắm hờ như đang nằm ngủ trưa bình thường như mọi
ngày. Tuy đang bệnh nhưng gương mặt bác vẫn bình thản. Bác nằm thẳng, hai tay
dang ra một cách thoải mái. Nhìn dáng nằm ung dung, hơi thở nhẹ nhàng của bác có
người còn nghĩ rằng. Nếu phải ra đi vào cái tuổi ngũ tuần này thì cũng đâu có gì
hối hận đối với bác. Bởi cả cuộc đời bác Hai đã làm tất cả cho con cái. Từ cái
ghế giám đốc của chị Hai Thu, mười mấy hecta cao su của vợ chồng anh Ba Đi, rồi
sự nghiệp của vợ chồng anh năm Tới đến ngôi vị trưởng khoa bệnh viện tỉnh của
chị Tư Xuân cũng một tay bác gầy dựng nên. Thời trai trẻ của bác coi như hy sinh
để lại tất cả cho con cái. Lúc chị Tư Xuân học đại học, nạn đói đang hoành hành
cả nước. Bữa cơm nhà nào cũng hột gạo cỗng mấy củ khoai. Vậy mà một tay bác
xoay sở để chị Tư Xuân yên tâm trên giảng
đường. Số tiền chị Tư Xuân ăn học là chắt mót từ cái củ cọng rau, đến con gà
con vịt bác cần mẫn nuôi nấng. Thà hũ gạo trong nhà khua lổn cổn trống trơ, nhưng
bác nhất quyết không để cái chữ của chị Tư bị bóp méo. Bác Hai gái không còn nhưng
một mình bác Hai lèo lái gia đình vượt qua cơn nghèo túng. Chị Tư Xuân thấy ba
cực quá định nghỉ học đi làm. Bác Hai nhất quyết không cho. Bác nói với các anh
chị rằng: “Nếu các con bỏ học là coi như các con giết ba!”. Thương ba các anh
chị quyết tâm học hành cho đến ngày thành đạt.
Chuông điện thoại reo làm bác Hai thức
giấc. Chị Tư Xuân nhẹ nhàng bước đến nghe máy. Trên bệnh viện điện cho chị đến
gấp vì có một ca đột quị. Chị vội vã điện cho chồng đến bệnh viện thay mình giải quyết công
việc để chị ở nhà lo cho ba. Bỗng bác Hai lên tiếng: “Bệnh viện có việc hả con?
Thôi con cứ đi! Cứ để mặc ba, còn nhiều người cần con nhiều hơn ba!”. Chị Tư Xuân
vội buông ống nghe đến bên ba an ủi: “Ba đừng lo lắng gì nhiều, tất cả đã có các
con lo hết”. Rồi chị đi xuống bếp pha cho ba một ly sâm. Còn lại một mình bác
Hai lại một lần nữa lẩm bẩm đòi chết. Lần đòi chết này của bác Hai khác xa với
mấy lần trước, nó có cái gì đó dữ dội, khác khao của một người già bệnh tật, muốn
ra đi sớm để không phiền đến con cái.
Khoảng một tuần sau anh Năm Tới cho xe đến
rước bác Hai về nhà mình để chăm sóc. Ban đầu chị Tư Xuân nhất định không cho
nhưng anh Năm đưa ra lý do vợ chồng anh được nghỉ phép năm mười ngày nên xin
mang ba về nhà chăm sóc. Nghe lý do hợp lý chị Tư Xuân đồng ý. Về ở với anh Năm
bác Hai được nằm một phòng đầy đủ tiện nghi kế bên là phòng học của hai đứa con
anh Năm. Hàng ngày bác Hai đều nghe tiếng học bài của hai đứa cháu, mỗi lần như
vậy bác lại cười hãnh diện rồi nghĩ một mình: “Ráng mà học nghen cháu của ông.
Thời bây giờ mà vô học là khổ cho bản thân đó cháu ơi!”. Rồi những lúc cơn đau ập
đến bác Hai cắn răng chịu đựng. Bác sợ nếu mình rên la sẽ ảnh hưởng việc học của
các cháu. Bác đề nghị cho bác chuyển phòng. Anh Năm đồng ý chuyển bác xuống phòng
gần phòng khách. Xuống đây có phần yên tĩnh hơn nhưng sao bác hai lại cảm thấy
không ổn vì khách của anh Năm toàn là khách quan quyền. Không khéo những cơn đau
của mình vô tình làm phiền đến mọi người. Cả cuộc đời lăn lộn với đường đời tuy
vất vả nhưng cuộc đời lúc đó rất bao la, vậy mà những ngày bệnh sao cuộc đời đối
với bác chật chội quá chừng. Và một lần nữa bác Hai đòi chết trước mặt anh Năm:
“Phải chi trời đất thương cho ba chết một cách ngon lành chứ dây dưa chi để khổ con cháu”. Vuốt mặt vò đầu, anh Năm Tới kêu
trời kêu đất: “Ba ơi là ba! Ba phải sống với chúng con đến hơi thở cuối cùng chứ!”.
Biết các con nhất định không cho mình chết, bác Hai đòi về nhà riêng của mình.
Thằng Út đi làm xa, ở nhà một mình không quấy rầy ai. Anh Năm gọi mấy anh chị lại
bàn. Cho ba về nhà riêng nhưng anh em thay phiên nhau qua chăm sóc cho ba. Để tôi
điện cho thằng Út về. Cuối cùng anh em đồng ý đưa bác Hai về ngôi nhà cũ.
Những ngày cuối năm tiết trời se se lạnh,
bệnh bác Hai càng nặng hơn. Hơi thở bác yếu dần gần như hôn mê. Chị Tư Xuân hỗ
trợ ôxy cho bác Hai. Sợ thằng Út về không kịp nhìn mặt ba, anh chị cố gắng giành
giật bác với tử thần từng giây từng phút.
Sức khoẻ bác Hai càng ngày càng yếu,
chị Tư Xuân thăm mạch ba mấy lần đều lắc đầu. Dù rất thương ba nhưng trong hoàn
cảnh này mọi người trong nhà bắt đầu nghĩ đến phần hậu sự. Nếu ba phải ra đi thì
chúng ta phải lo cho ba thật tươm tất. Chị Hai Thu kêu mấy em lại phân công.
Anh Ba Đi lo phần quan tài thầy cúng. Chị Tư Xuân phần tiếp khách, vợ chồng anh
Năm Tới lo phần bếp núc, còn phần chị Hai Thu lo cho ba chỗ an nghỉ thật hoàn hảo.
Nơi ba nằm thế nào mà con cháu về sau ăn nên làm ra. Thầy địa lý coi thật kỹ và
chọn cho bác một vùng đất mà người ta gọi bằng đất ngọc rồng. Ông còn nói với
chị Hai Thu rằng: “Trong tháng này, nếu ông già đi vào ngày mai thì đại tốt. Còn
không đúng vào ngày mai thì sau này dù có cố gắng đến đâu con cháu cũng không
thành đạt.” Chị Hai Thu kêu chị Tư Xuân lại hỏi: “Em thấy sức khoẻ ba thế nào?”.
Chị Tư Xuân lắc đầu gạt nước mắt trả lời: “Mạch ba rất yếu, dù có thở ôxy cả tuần
nay nhưng sống thực vật chỉ trong vòng hai ngày nữa chị hai à.!”. Chị Hai Thu kêu
mấy em lại bàn tán chuyện ông thầy phong thuỷ vừa nói với mình. Tất cả chị đã
lo cho ba thật hoàn hảo, duy chỉ có ngày đi của ba mấy em tính sao? Mọi người
nhìn nhau không nói gì, cái im lặng nặng nề như trùm hết không gian trong nhà
chỉ còn lại tiếng thở dài của những người con. Tiếng thở dài đầy thương tiếc
pha lẫn sự lo lắng cho tương lai sắp tới của gia tộc nếu chẳng may ông già ra đi
vào đúng ngày cung xấu.
Sáu giờ sáng hôm sau, chị Hai Thu cùng
mấy đứa em quỳ bên chân ba. Cả đêm qua mọi thành viên trong gia đình dường như
thức trắng để bàn tính chuyện hậu sự của ba. Mọi người giờ đây chỉ biết khóc và
khóc cho thật nhiều. Vì tiếng khóc của họ lúc này thay cho sự đồng ý rút ống ôxy
cho ba ra đi vào đúng ngày thật bình yên cho tương lai của gia tộc. Chị Hai Thu
nói trong nước mắt: “Ba ơi, trời đất cho cha con mình chỉ được sống bên nhau chừng
ấy thời gian. Giờ đây ba sống thực vật như vầy cũng đau lòng mấy con lắm. Thôi
thì hôm nay trời thật bình yên chúng con để ba ra đi cho nhẹ nhàng thân xác.” .
Chị Hai Thu dứt lời mấy chị em cùng lần tay đến ống dẫn ôxy. Khi tiếng rè rè
trong máy ôxy ngưng hẳn cũng là lúc chú Út với trang phục lính đảo lao vào nhà ôm
xác ba khóc tức tưởi: “Từ đảo xa nghe tin con về liền, sao ba không đợi cho con
gặp mặt lần cuối dù chỉ một ngày. Ba ơi!”.
Ngoài chú Út ra trong gia đình chắc ai cũng
biết bác Hai có thể chờ chú Út về kịp. Nhưng một ngày bình yên của gia tộc thì
không chờ chú Út được nên bác phải ra đi. Thôi thì định mệnh đã an bày chú Út
không thấy được mặt ba trong giờ chót đôi khi đó cũng là một điều tốt đẹp. Vả lại
khi nằm trên giường bệnh lúc nào bác Hai cũng đòi chết mà có chết được đâu trước
những đứa con quá chừng có hiếu.
Đào Văn Đạt (Bình
Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét