Có thể nói trong 12 con giáp, ngựa được con người dành
sự thân cận, thương mến và trân trọng nhất trong đời sống vật chất cũng như
tinh thần. Ngựa luôn là biểu tượng của sự thành công. Những câu chuyện về ngựa
có lẽ sẽ… nói hoài không hết.
Từ điển Wikipedia
ghi nhận con ngựa là 1 trong 8 phân loài động vật bộ guốc lẻ, thuộc họ Equidae.
Nó đã trải qua khoảng từ 45 đến 55 triệu năm tiến hóa để bộ chân nhiều ngón trở
thành một ngón mang móng guốc như hiện nay. Các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định con ngựa từ loài thú hoang, ở Châu Á đã được con người nuôi thuần từ hơn 4.500
năm trước Công nguyên, ở Châu Âu là hơn 3000 năm.
Trâu bò, hươu
nai, cả đến con heo cũng là loài móng guốc, nhưng có 2 móng trở lên. Chỗ
hơn của ngựa là chân chỉ có 1 ngón và 1
móng. Nhưng trong văn chương dân gian Việt nam (qua bài Lục súc tranh công), ngựa không tranh cãi hơn thua về chỗ đó, mà
lại về… khuôn mặt:
Ngựa nghe nói, tím gan tím phổi
Bèn chạy ra gầm hú vang tai:
-Bớ
này này, ta bảo chúng bay,
Đố
mặt ai dài bằng mặt ngựa…
Mặt dài là đẹp là
để so trong loài vật chứ không phải để so trong loài người! Các câu thơ trên
con người nghe rất tức cười, nhưng với ngựa là điều hợp lý. Chân một móng guốc
giúp ngựa lướt nhanh qua suối khe, đồi núi; khuôn mặt dài để ngựa dễ tìm kiếm,
gặm cỏ ngon cho mau tăng trưởng, khỏe mạnh để dong ruổi dặm trường. Những con
trâu lung (thả hoang) cũng sẽ có bộ mặt dài ra (tất nhiên không thể dài bằng
ngựa!).
Chuyện con ngựa
ăn cỏ gắn với một truyền thuyết về người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ của
quê hương Bình Định. Chuyện kể rằng sau khi dựng cờ khởi nghĩa ở vùng hạ đạo,
Tây Sơn Tam Kiệt mở rộng căn cứ địa lên vùng rừng núi nhiều đèo dốc, thung lũng
ở cao nguyên An Khê (nay thuộc các huyện K’Bang, Kon Chơ Ro, Đak Đoa và thị xã
An Khê của tỉnh Gia lai). Nguyễn Nhạc kết thân được các tù trưởng thiện chiến
trong vùng. Nhưng riêng tù trưởng Bok Kiơm thuộc dân tộc Sê Đăng, thì dùng đủ
cách vẫn không thu phục được.
Nguyễn Huệ liền
tình nguyện đến chinh phục. Vị tù trưởng nhắn với bộ hạ Nguyễn Huệ: nếu khuất
phục được bầy ngựa thần trên núi Hảnh Hót (Hỉnh Hót) thì cả bộ tộc mới theo.
Sau khi lần ra
đường đi bầy ngựa hoang, Nguyễn Huệ cho kiếm 2 con ngựa cái tơ thật đẹp, đem về
dạy cho thuần thục. Nghe tiếng chủ hú là 2 ngựa chạy về. Lính dẫn ngựa cái thả
vào núi, bầy ngựa rừng xúm lại ve vãn. Nguyễn Huệ ra bìa rừng, cất tiếng hú
gọi, bầy ngựa hoang cũng lẽo đẽo chạy về theo. Nhưng khi thấy bóng người là
chúng quay đầu trở lại rừng. Nguyễn Huệ liền đem những bó cỏ ngon đã lựa sẵn ra
cho ngựa cái ăn, bầy ngựa rừng cũng lục tục kéo đến. Thấy ngựa cái được chủ
vuốt ve âu yếm, các ngưạ hoang cũng dần dần thân thiện với quân lính. Thấy con
ngựa chúa đàn đứng xa nghểnh cổ nhìn đàn, Nguyễn Huệ từng bước, từng bước lại
gần, ngày ngày đem lọn cỏ ngon nhất để đó rồi lẳng lặng về. Sau chừng 10 ngày,
ngựa chúa đã bớt hung hăng. Qua một con trăng
nữa thì ông leo được lên lưng ngựa, điều khiển nó chạy tung vó. Một sáng
nọ, viên tù trưởng được mời ra chứng kiến cảnh Nguyễn Huệ đứng trên tảng đá cao
hướng mặc về đỉnh núi, cất tiếng hú dài. Bỗng tiếng vó ngựa rầm rập từ khắp ngã
chạy về, quây quần dưới chân tảng đá, cất hai chân trước hí vang như chào mừng.
Nguyễn Huệ nhảy từng bậc xuống, ung dung phốc lên lưng con ngựa chúa, khoác tay
điều khiển cả bầy ngựa hàng ngàn con quây quần rồi chạy theo vị chủ soái. Viên
tù trưởng lúc này cũng chạy đến. Ông cất tiếng hú để toàn bộ dân làng ra nghe
tuyên bố: Đây đúng là Giàng của chúng ta!
Đàn ngựa rưng ở
quê hương người Sê Đăng sau đó trỏ thành
những con chiến mã đưa nghĩa quân Tây Sơn hành quân bình Nam, dẹp Bắc.
Câu chuyện cũng
cho thấy nghĩa quân Tây Sơn đã có bí quyết tìm ra những loại cỏ ngon nuôi
dưỡng ngựa. Nhưng đó là loại cỏ gì?
Nhong ngong ngựa Ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề
cho ngựa Ông ăn.
“Ông” ở đây chính
là anh hùng Lê Lợi. Còn Bồ Đề là một địa danh nay ở gần cầu Long Biên, huyện
Gia Lâm, Hà Nội, nơi Lê Lợi thường cỡi ngựa trở về sau giờ tập luyện, chiến
đấu. Câu ca cho thấy từ xưa người Việt Nam đã có truyền thống nuôi và dưỡng
ngựa. Cỏ được ngựa thích ăn nhất là các loại cỏ mật, cỏ chỉ, cỏ gà, cỏ tranh… có
rất nhiều ở khắp đồng quê Việt Nam. Ở các làng chuyên nuôi ngựa các tỉnh, giờ
đây người ta còn cho ngựa ăn các loại cỏ thực phẩm được trồng như cỏ voi, cỏ VA
06 thêm đọt ngô, rơm rạ khô dự trữ hòa với cám gạo, cám ngô, đậu nành… Những nhà
chăn nuôi lão luyện tiết lộ: với các bó cỏ cắt cho ngựa ăn, con người không
được ngồi lên. Vì nếu cỏ có hơi người, chúng sẽ bỏ không ăn. Đây quả là một
kinh nghiệm quý để phát triển nghề nuôi ngựa.
Từ ngàn xưa con
ngựa luôn gắn bó với người để làm công việc vận chuyển hàng hóa hoặc đi xa.
Ngày nay, thế giới công nhận ngựa cho nhiều sản phẩm giá trị. Máu ngựa dùng làm
huyết thanh, xương ngựa nấu thành cao bổ dưỡng (quy nhất là cao ngựa bạch).
Thịt ngựa nhiều chất đạm, nhưng giá trị hơn lại là sữa ngựa. Nó là liều thuốc
bổ của đoàn quân Mông Cổ từng chinh phục thế giới ngày xưa!
Ngoài giá trị vật
chất, con ngựa đã tạo nên những giá trị tinh thần phong phú khó có loài vật nào
thay thế được. Bóng câu, vó ngựa… dùng
để chỉ thời gian. Ruột ngựa để chỉ
tính cách ngay thẳng; da ngựa bọc
thây nêu sự hy sinh trung thành; sức ngựa (mã lực) là đơn vị công suất; ngựa chạy diễn tả tốc độ, còn được dùng
khi so với sự xác tín: một lời nói ra, 4 ngựa không theo kịp.
Tình đồng đội,
tình nhân loại hiện rõ trong câu nói về
tính cách ngựa: một con ngựa đau, cà tàu
không ăn cỏ. Có thể từ tính cách này nên con ngựa trở thành nhân vật, đề
tài trung tâm của nhiều truyền thuyết. Như Thánh Gióng vào đời vua Hùng Vương
thứ 6 yêu cầu đóng cho mình một con ngựa sắt để cỡi đi đánh đuổi giặc Ân. Hình
tượng ngựa có mặt trong nhiều công trình kiến trúc, đình, chùa… Tranh vẽ ngựa
cũng xuất hiện khá sớm từ Đông sang Tây, trở thành một trường phái riêng trong
tranh thủy mạc.
Con ngựa xếp thứ
7 trong 12 chi theo lịch đông phương. Số 7 biểu tượng cho sự hoàn thiện (nam thất nữ cửu).Chi Ngọ mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn. Giờ Ngọ nằm
trong thời gian rực rỡ nhất (từ 11 đến 13 giờ). Tháng con ngựa (tháng 5) là mùa
trái cây chín rộ, cho thu hoạch nhiều nhất. Tín ngưỡng dân gian cho rằng thời
vận năm ngựa sẽ cho nhiều thành đạt, may mắn, những khủng hoảng về kinh tế
chính trị của cả thế giới sẽ được vượt qua. Chúng ta có quyền hy vọng. Đường dài hay sức ngựa…
Võ Chân Cửu (Lâm Đồng)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét