( Tiểu thuyết của Trương Văn Dân, Nxb Hội
Nhà văn, 2011)
Cầm trên tay
cuốn tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa (tác
giả Trương Văn Dân), cảm giác đầu tiên của người có cặp mắt đã bắt đầu lão hóa
là… ngán! Hơn 400 trang sách, mệt chứ chẳng chơi! Nhưng sách in đẹp, tác giả
lại là người tuy có “quen” nhưng chưa thật “biết”, tôi tự nhủ, tại sao không
nhân cơ hội này để “làm quen”. Thế là đọc. Và tôi mừng mình đã có quyết định sáng
suốt.
Nếu bạn mong
chờ sẽ gặp những trang tiểu thuyết hấp dẫn, lôi cuốn kiểu “phải đọc một mạch
thâu đêm” thì e bạn có thể thất vọng, vì cuốn sách mở ra cho chúng ta khá nhiều
vấn đề và đòi hỏi người đọc có lúc phải dừng lại, chiêm nghiệm nhiều điều.
Trước nhất, đó
là một câu chuyện tình. Không giống như những chuyện tình diễm lệ khác, thường các nhân vật phải nếm đủ cung bậc hỷ nộ ái ố
trong mối quan hệ yêu đương, tác giả đã
“cung cấp” cho hai nhân vật chính một môi trường sống quá “sạch”, không có một
chút thất vọng nào về nhau trong ba năm chung sống (trừ một lần duy nhất họ bất
đồng ý kiến về quan niệm hôn nhân). Họ yêu nhau nồng nàn từ ngày đầu cho đến
phút giây cuối cùng, khi người nữ phải đầu hàng số phận vì căn bệnh ung thư
quái ác. Rải rác giữa các trang viết, không thiếu những đoạn về sex nóng bỏng.
Tôi ngạc nhiên vì đọc hết những dòng mô tả cảnh ái ân giữa hai con người đang hòa
làm một ấy, người đọc không cảm thấy gợn
chút nhơ nhuốc nào trong hành động của họ (cảm giác này ít khi bắt gặp trong
các tác phẩm có sex hiện nay). Ngược lại, tác giả đã thành công khi muốn cho
độc giả thấy được sự cuốn hút thể xác chỉ là sự thăng hoa của một tình yêu đích
thực. Họ yêu nhau say đắm, và họ muốn làm tất cả mọi điều để tạo hạnh phúc cho
người kia. Một sự dâng hiến tự nhiên và trọn vẹn cho tình yêu, của cả hai phía
(xin đừng nhầm lẫn với thứ tình nóng vội của một số giới trẻ hiện nay, thường
chỉ có một người dâng hiến và một kẻ chỉ biết… đòi hỏi).
Tình yêu của
họ làm tôi băn khoăn: liệu có thể có một thứ tình nào tòan bích như thế trong
đời thực chăng? Mà có hề chi. Dù sao, đó cũng là “nhân vật tiểu thuyết” mà.
Nhưng điều khiến
tôi ấn tượng nhất lại chính là… tác giả! Mặc dù ông có dụng ý hướng người đọc đến
những mặt tích cực của tình yêu đôi lứa, sự bao dung, vị tha, sự đồng cảm về
tâm hồn, sự hòa hợp của hai thể xác… Tôi có cảm giác ông không viết cuốn sách
này để kể về một chuyện tình, có vẻ như ông chỉ muốn thông qua bối cảnh để chia
sẻ tâm tư bức xúc của mình về nhiều vấn đề của đất nước và thế giới. Ông có nhiều nỗi
niềm đến độ ông đã để cho các nhân vật của mình – từ ông nhà báo đến người viết
văn hay ông bác sĩ về hưu… thuyết trình “một thôi, một hồi” về nhiều vấn đề
thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Điều dễ nhận thấy là dù nhân vật đó là ai, họ
đều có điểm chung là những người tốt, có trình độ và lương tâm, luôn ưu tư về
những tiêu cực trong đời sống mà họ khao khát có cơ hội sửa đổi. Phải chăng,
thông qua tiểu thuyết, tác giả đang muốn tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu, may
ra “chung tay vỗ nên kêu”?
Vô tình hay cố
ý mà tác giả đã khoanh vùng đối tượng độc giả của ông. Cuốn tiểu thuyết có vẻ
không mấy dễ nuốt với những độc giả trẻ hời hợt. Nó dường như thích hợp hơn với
những người đọc có nền tảng kiến thức, lại có một đời sống tinh thần sâu sắc đã
quen với cách lật lại mọi vấn đề để tìm ra bản chất sự vật dù là ở lãnh vực
nào: kinh tế, chính trị, xã hội cho đến triết học, tôn giáo…
Tôi có cảm
giác tác giả như một công dân toàn cầu, mà trên hết là một công dân Việt Nam
với lòng yêu nước tha thiết, đầy ý thức trách nhiêm, khao khát về một thế giới tốt đẹp hơn. Những trang viết cuồn cuộn cảm xúc chân thực
của ông khiến tôi tò mò, dở trang bìa
của cuốn tiểu thuyết, đọc lại những dòng tiểu sử ngắn ngủi. Sinh ở Bình Định, du
học từ 1971 và tốt nghiệp Hóa và Công
Nghệ Dược ở Italia, làm việc trong ngành hóa dược ở nước ngoài vài chục năm và
hiện định cư tại Việt Nam.
Có thể thấy đây là một trí thức thứ thiệt (bây giờ có khá nhiều trí thức thứ giả!),
có thể tạo được cưộc sống ung dung ở một nước văn minh, nhưng ông lại quyết
định bỏ hết để quay về Việt Nam, chấp nhận sống trong một môi trường còn lắm
thứ phải bàn. Ô nhiễm từ không gian cho đến đạo đức con người, xuống cấp trầm
trọng từ đường sá cho đến lương tâm, tinh thần trách nhiệm. Nếu không yêu, mà
phải là yêu đến đắng lòng, ai có thể chấp nhận những đánh đổi mất cân xứng như
thế?
Những ngày
này, tôi hay nhìn thấy ông thường xuyên tham dự những buổi gặp bạn bè văn
chương trong các quán nhỏ hay những căn phòng chật chội làm tòa soạn tại gia. Rất
bình dị. Bên cạnh ông luôn là người vợ Ý Elena, một tiến sĩ ngôn ngữ và văn học
nước ngoài với nụ cười dễ mến, rất hòa đồng với bạn bè của chồng, thường thoải
mái chia sẻ câu chuyện giữa họ với âm điệu tiếng Việt lơ lớ dễ thương. Tôi chợt
nghĩ, chấp nhận rời xa quê mình để cùng lặn lội về quê chồng như bà, sát cánh
bên chồng trong cả niềm vui lẫn nỗi buồn như bà, phải chăng đó là thứ tình yêu đích
thực tuyệt vời đã tạo cho nhà văn niềm cảm hứng để viết nên câu chuyện tỉnh thật
đẹp trong Bàn tay nhỏ dưới mưa?
Cao Kim Quy (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét