Nhà văn Võ Diệu Thanh
Chỉ là một tảng đá thôi mà ba.
Tam nhìn Phúc. Con gái anh vẫn còn nhỏ
nhắn, nét mặt kinh hãi hôm nó ngồi khóc chỗ cầu thang vẫn rành rạnh trong trí
nhớ của anh. Sao nó nói chuyện cứ như trần ai này khổ nào ta cũng đã nếm. Một tảng
đá thôi mà. Nhưng cái đá tảng đó bằng cái nhà và đã có năm sáu mạng người đã bẹp dí dưới nó.
Những tảng đá từng cheo leo nhiều
trăm năm. Bên điện Huỳnh Long, vồ Bà cũng có những tảng đá như vậy. Ngồi dưới đất
nhìn lên không thấy chỗ nào an toàn. Trước giờ không ai sợ vì tin vào những lạ
lùng của thiên nhiên. Nhưng giờ thì cái
lạ lùng đó bị phá vỡ. Chuyên gia đã khảo sát. Đường lên xuống bị cấm nhiều
ngày. Mấy xóm núi không khác gì trở về thời bao cấp. Đội thanh niên tình nguyện
cõng gạo, mì và nhiều loại nhu yếu phẩm tiếp tế. Anh cũng cõng. Mươi ký gạo, một
nồi thịt kho hột vịt. Người anh ướt mồ hôi. Mọi hình ảnh trước mặt cứ lờ mờ.
Anh có cảm giác trước mặt là cái vực. Từng bước anh cứ chới với.
Con gái gầy đét. Nó đã ốm yếu từ nhỏ
mà giờ chỉ toàn su su và măng xào. Tam châu mày, hơi thở lơ đãng.
- Con xuống núi dạy đi.
- Dưới núi trường tiểu học không có
chỗ cho giáo viên ở ba à.
- Con về huyện nhà. Ba nhờ người xin
cho con về trường gần nhà, dạy khỏe hơn.
Phúc cúi xuống. Đầu lắc nhẹ như nó
đang luôn miệng nói với anh chữ không.
- Con sẽ có chồng trên núi.
…
Tam đứng nhìn con đường dốc, nghe cái
lạnh chạy vào tận nơi sâu nhất của hơi thở, tỏa ra từng lỗ chân lông. Anh đi bộ
lên dốc. Không biết hôm nay già Lâm có ở nhà không? Anh cứ bước, nếu không có
già ở nhà anh sẽ ở vồ Cấm một mình. Sao lần nào anh đi trên con đường này tâm
trạng đều luôn nặng nề. Lần đầu tiên anh lên cách đây đã mười mấy năm, leo trên
từng bậc đá. Đó là lúc anh vừa bỏ lại sau lưng những đêm thức trắng lao lực kiếm
tiền. Bỏ lại những ngày bệnh tật mà vợ không ngó ngàng. Sắp lắc, sạt bình, quấn
mô tưa, cái nghề dễ kiếm ăn thời điện đóm khó khăn. Cày ngày cày đêm suốt mười
mấy năm. Nhà cửa đã khang trang nhưng người đã rệu. Trong máu trong thịt vẫn
còn những cơn đau do nhiễm độc chì. Cuối cùng anh được cái gì. À được một đứa
con gái sẵn sàng theo anh đi tới bất cứ chốn nào. Con gái anh tìm tới núi có phải
cũng giống như anh hồi mười năm trước?
*
Tam lên vồ chỉ vì chữ Cấm. Ví dụ như
là đồi cấm, hang cấm anh cũng sẽ lên. Chính mắt anh chứng kiến những điều lạ
lùng về vồ Cấm, anh đã coi nó như một chốn không dính gì tới loài người. Người
chỉ đường cũng nói khó lắm, đừng đi. Thật ra không phải người ta nói khó ở đường
đi. Mà là những linh thiêng của vồ Cấm.
Anh cứ hướng đó mà bước. Không định
là sẽ đi tìm cái gì. Có cảm giác lỡ gặp một hang sâu anh sẽ chui xuống. Nếu phải như bác vật Lang xuống hang Công Đức
rồi tịnh khẩu luôn cũng được.
Gió bấc ve vẫy cái đuôi. Sương tụ tập
từng đợt dầy. Hai đứa nó xúm lại đập vào mặt người đi đường. Cái lạnh tới sớm
hơn bình thường. Anh không biết vồ Cấm còn xa không. Đôi chân đã đuối nhừ. Trước
một ngôi nhà lẻ loi có một cái võng giăng giữa hai cây tràm bông vàng. Anh leo
lên võng nằm, nhắm mắt lại. Trong đầu đầy ánh mắt lao xao của Linh. “Anh về đây
làm gì? Cất cái nhà cho bự mà không ở, về đây không chia chác được gì đâu.” Anh
không nói gì được. Rõ ràng đứa em nói đúng. Sự im lặng của anh không làm nguôi
ngoai lo lắng của đứa em “Anh không thấy
chật sao?”
Có thấy. Chật không nhúc nhích nổi.
Chật muốn nghẹt thở, đứng giữa núi rừng quang đãng, hít đầy ngực vẫn nghe ngột
ngạt từng lỗ chân lông. Nhưng anh còn chỗ
nào đi nữa đâu. Không thể ước trên đời ta chỉ có mỗi ta. Để có thể bỏ hết vào
chùa hay lên chỗ núi non ẩn dật. Anh cứ sợ cái ý nghĩ “muốn có một mình” sẽ dẫn
đến một tình huống đột ngột bé Phúc biến mất khỏi cuộc đời anh. Anh hiểu tận
cùng của cái chữ bế tắc. Đó là khi có nhiều con đường trước mặt mà chân không
thể nhúc nhích được miếng nào.
- Dậy đi. Ở đây đêm lạnh lắm, ngủ
không được đâu.
Anh mở mắt nhìn người đàn ông. Ông có
gương mặt đầy góc cạnh. Lạ hoắc. Anh lại nhớ tới một gương mặt khác, hoàn toàn
không góc cạnh mà còn quen thuộc. Thường thì mỗi khi về nhà khuya anh thường gặp?
Linh có nét của anh, máu thịt lắm. Nhưng anh lại sợ nhìn thấy gương mặt em gái
mình sau cửa… Thường là những cái ngái ngủ “Biết mấy giờ không? Sao mà có thứ
người…”. Anh không nói tiếng nào. Có lần anh gọi cửa mãi cũng không ai ra mở. Họ
ngủ mê rồi. Anh không thể gọi to hơn. Để bà già thức giấc coi như sẽ nghe rầy
nguyên đêm. Vậy là anh cứ ngồi bên hàng ba nhà mình…
Đáng lẽ anh không nên đi khuya. Nhưng
ở nhà càng đáng sợ hơn. Không ai nói chuyện với anh. Bé Phúc dạo này cũng lười
nói. Nó chỉ cắm đầu vào cuốn vở. Đó là cách tốt nhất để má anh yên lòng. Anh
thường một mình ra khỏi nhà, muốn chạy xa hơn, chạy mãi không về. Những lần sau
anh không vào bằng cửa chính nữa. Anh theo cột, leo lên gác. Đã thủ sẵn cái
mùng ngủ ở hàng ba. Nếu trời mưa bé Phúc giật mình thức dậy leo lên gác mở cửa
cho anh vào. Chỉ khi trời mưa nó mới bậm gan leo lên gác. Nó rất sợ đi qua chỗ
cầu thang. Ở đó có ngọn đèn. Trên vách tường thường đầy mấy con bồ hong. Thằn lằn
lúc nào cũng có… Anh dẹp ngọn đèn đó hai lần. Linh vừa mướn thợ mắc lại vừa chửi
“đồ phá hoại”
Ngôi nhà của anh. Những người thân của
anh. Sao mỗi lần đứng trước họ anh luôn thấy lạc lõng. Lại thấy nhẹ lòng trước
một người lạ hoắc. Anh mỉm cười với ông.
- Dạ, không sao đâu. Tôi không thấy lạnh.
- Nhưng cũng không ngủ ngoài này được.
Ban đêm mấy ông trên cây rớt xuống... Vô nhà tôi ngủ.
- Ông nào?
- Ông dài ...
Lời ông nói về nguy cơ rắn rết lại
như nói chuyện cái lá, nhánh cây. Anh theo ông vào nhà. Anh theo ông chớ không
phải anh đang chạy trốn một nỗi sợ nào khác.
- Cậu lên đây làm gì? Vồ Cấm không phải
là chỗ dễ chơi. Có nhiều thứ cậu không biết…
- Vồ Cấm? Hèn chi nhà cửa vắng vẻ.
Ở đây không có nước nên không ai tới ở.
Vào tới nhà, ông già chỉ chỗ cho anh
ngồi rồi quay lại chất măng vào giỏ. Hai giỏ bàng lớn đầy măng. Không có nước
mà măng tốt quá.
Ngoài trời chỉ tiếng gió và lá. Lá vỗ
vào lá. Anh chợt buộc miệng.
- Ở đây vắng quá.
- Giờ đỡ lắm rồi, hồi kháng chiến
ngay cả những ông cách mạng gan góc cũng ngại lên vồ Cấm hoạt động.
- Sao vậy chú. Họ sợ gì?
- Thời Mỹ, máy bay oanh tạc trên đỉnh hằng ngày. Chụp hình rành rạnh từng
hóc đá. Nhưng không chụp hình được vồ Cấm. Pháo cũng chưa từng nổ trên vồ. Dù
xung quanh đã bị oanh tạc tơi tả. Người ta sợ vì người ta không biết ở đây có
gì.
Anh nhớ hồi trước giải phóng có lần
ba có dắt anh lên Tịnh Biên chơi. Chỗ anh ghé là đội pháo binh. Pháo trưởng là
một người xứ khác chuyển tới. Mấy người lính khoe chiến tích của pháo trưởng.
- Số một, chấm tọa độ trăm phát như một.
- Nhưng đảm bảo không bắn tới vồ Cấm.
- Huốt luôn.
Tại anh không biết. Không phải là
không tới mà pháo không nổ.
Pháo trưởng nhìn lướt qua mọi người.
Môi anh ta bậm bậm, hai mép trì xuống.
Anh tới bên khẩu pháo một trăm lẻ năm
ly, nhìn sơ đồ, ngẫm ngợi tính toán... Gương mặt pháo trưởng tự tin tươi tắn.
Tướng mạo thật sáng sủa. Người này giỏi toán là phải. Mọi người đều nhìn anh ta
chờ đợi. Mắt anh ta vẫn cứ sáng, chớp nhẹ nhàng thư thái. Mâm nhậu dường như
nghe được tiếng tim của của mỗi người. Anh ta sau một thoáng nhíu mày kêu lính
pháo kéo thêm một trái nữa.
Phía vồ Cấm như đang chìm trong một giấc ngủ
hàng trăm ngàn năm. Tiếng thở của mọi người cũng nén lại. Người chủ xị rót rượu
vào ly nhưng tai cứ nhóng nghe. Rượu tràn ra mâm, chảy tới chân mới giật mình.
Trưởng pháo nhíu mày một lúc. Anh ta bậm môi hất hàm với người lính bên khẩu
pháo. Dội lại là những ánh mắt lo lắng. Cái thinh lặng trùm xuống. Rồi tiếng xì
xầm lớn dần. Đã nói mà không tin. Nhiều người bắn lắm rồi. Chỗ đó là vồ Chư Thần
mà. Tên pháo trưởng ngồi xuống mâm giựt li rượu.
- Uống đi!
Nhưng
chưa ai uống anh ta đã ực một lúc mấy ly, mặt thờ thẫn.
- Kỳ vậy ta.
Tam đang ở vồ Cấm. Nằm im nghe. Bốn
trái pháo hôm đó có rớt trúng đây không. Âm thanh xung quanh cũng không có gì lạ
trừ tiếng lá lao xao. Anh chợt thấy lòng vừa nhẹ nhỏm vừa hoang mang. Tự nhiên
muốn được ở lại...
Nhưng sự thích thú này qua mau khi
anh nghĩ về bé Phúc. Anh không biết đêm nay có con thằn lằn nào chui vô mùng
con. Có lần nó leo lên gác chờ mở cửa cho anh về, thấy mấy con thằn lằn nằm
rình bên ngọn đèn cầu thang, nó đã không dám bước xuống, cũng không dám kêu nội
hay cô. Chừng đi chơi về, anh thấy nó ngồi khóc một mình, tiếng khóc ri rỉ, giọt
nước mắt mỏng như sợi chỉ lơ thơ thả xuống. Con gái anh lặng lẽ như một sợi nắng
cuối chiều.
Có anh bé Phúc được đi chơi. Anh dắt con tắm
sông, thả diều, tới cửa hàng điện tử để xem đèn chớp. Anh nghĩ con rất thích.
Cũng giống như hồi ba còn sống, hay dắt anh đi chơi. Ba lại qua đời sớm. Má anh
thì nói chơi là hư. Mấy lúc bé Phúc muốn ngồi chơi khuya khuya, khi về má anh
thường rầy. “Mày dắt con nhỏ đi đêm đi hôm nó bệnh rồi sao, tập cái gì tốt
không tập. Theo mày là hư luôn.” Linh nói thêm. “Chẳng thấy làm cái gì coi cho
được”. Những lần đầu anh cười nhưng vẫn dắt con đi chơi. Những lần sau bà nội đẩy
bé Phúc vô phòng đóng cửa lại. Mỗi lần
muốn dắt con đi chơi anh phải canh lúc bà đã ngủ. Nếu không có anh, bé Phúc chỉ
ngồi một góc học bài. Với nội và cô nó chỉ nói được duy nhất một chữ “Dạ”.
Già Lâm nấu một nồi đậu xanh với đường,
múc hai chén mời anh một chén. Ăn cho mát.
Tiếng chó sủa xa xa rồi gần, rồi lan thành một
tràng rộ. Giống như có người đang rình rập thập thò theo đường suối. Anh bước
ra ngoài. Già Lâm kéo tay anh lại biểu ngồi im. Già rón rén nhìn ra hướng cửa.
Rồi già bước hẳn ra ngoài đi một vòng. Khi trở vô ông nói.
- Chó sủa trăng hay sủa ma gì đó. Tưởng
đâu ổng lại về.
- Ông dài hả?
- Không, ông hổ. Một lần nghe chó sủa
nhóng ra tôi gặp ổng.
Anh nhìn ra cửa để thấy được cái nơi
ông hổ từng về.
- Bây giờ cũng còn ổng sao?
- Còn. Nhưng ít ai thấy. Chỉ những
người có duyên. Ngày xưa thì nhiều lắm mỗi lần động núi tiếng gầm rợn óc.
Động núi? Núi Cấm có động núi sao. Giống
động đất, rung chuyển, cát đá rơi xuống. À, giống như tảng đá đè chiếc xe vừa rồi.
- Hồi xưa người ít dám lên núi Cấm. Đạo
Bửu Sơn Kỳ Hương thầy cấm không cho lên sống trên núi. Nên núi này gọi núi ông
Cấm. Ai trụ được cũng là dân tứ cô vô thân. Vậy mà không thoát được cảnh khổ.
Tây thường vô núi bắt phu bắt lính. Mỗi lần Tây lên núi phụ nữ thì bị hãm hiếp,
đàn ông con trai thì bị trói đưa đi. Dân núi sợ lắm. Rồi có một đêm nọ cọp rống sáng đêm, rền hết
mấy vồ. Cọp bên vồ Cấm rống trước rồi lan sang bên Bồ Hong, vồ Thiên Tuế. Lúc đầu
dân núi nghĩ chắc là động đực động cái mấy ổng gọi nhau. Đêm kiểu như vậy người
ta gọi là động núi. Những đêm động núi không ai dám ra khỏi nhà. Hễ đêm nào động
núi là sáng ra Tây bố. Một linh tính kỳ lạ của núi Ông.
- Từ sau này còn động núi không?
- Không hiểu sao không thấy săn bắn
cũng không thấy mấy ông chết, mà giờ đây không nghe tiếng gầm.
- Có khi mấy ổng lẩn trốn trong hang.
- Không biết? Ít cọp nhưng hình như rắn nhiều hơn. Rắn
không lớn mà nhiều.
*
Rắn nhiều hơn.
Anh càng bước càng nhớ những gì già
Lâm kể. Đầu anh lặp lại câu nói về rắn. Đối với anh rắn núi thì con nào cũng độc
địa .
“Con sẽ có chồng ở đây”. Câu nói chợt vọng lại
như có ai vừa gào thét xuyên qua những tầng cây quanh núi. Anh quay về khu tập
thể dắt chiếc xe máy của Phúc rồ ga chạy lên đường. Dựng xe bên lề anh bước vào
nhà bếp. Phúc đang chuẩn bị cơm chiều.
- Con đi theo ba.
- Mình đi đâu ba?
- Đi thăm một người bạn của ba.
Anh chở Phúc lên tới đỉnh, vòng qua bờ
hồ chạy về hướng chùa Phật Nhỏ. Từ ngã ba gần chùa anh cho xe về hướng vồ Cấm.
Anh đã không thuyết phục mình được nữa. Con anh muốn ở lại đó chung thân cùng
núi. Có thật là vì tình yêu. Hay nó cảm thấy sợ chốn xô bồ ngoài kia. Chốn này
thật đáng để lánh đời. Nhưng con gái anh mới đôi mươi thôi mà.
- Con cưới thật sao. Cưới là ở cả đời
nghe con. Đường lên xuống…
- Ba đừng lo. Con biết tự lực mà. Ở
đây còn nhiều thầy cô dạy xa nhà chớ không phải riêng mình con.
Phúc nói bằng giọng mạnh dạn. Như một
con chim nhỏ được tung cánh trên bầu trời tự do. Tiếng nó réo rắc. Nhưng mà tiếng
mỏng quá so với bầu trời mênh mông, so với xóm núi quạnh quẽ.
Già Lâm đón anh và Phúc bằng món mớ
tép đã mua từ hôm trước. Anh nói tép xào su su ngon. Gìa nói ở núi như già và
bé Phúc, món su su hay măng tre ngán lắm rồi. Ông xào tép với nắm giá hẹ.
Phúc ăn nhỏ nhẻ. Nó chịu ăn cơm chỗ lạ
như vầy làm anh thấy dễ chịu. Hồi trước chở nó đi đâu gặp bữa đều không tài nào
thuyết phục được nó ăn cơm. Anh không ăn được nhiều.
- Chú nói núi Ông nhiều rắn, chú có
thấy rắn bao giờ chưa, rắn hổ mây đó, loại bằng khạp da bò.
- Cỡ cái khạp thì không thấy. Ba tôi hồi đó cất
một cái nhà nhỏ ở triền núi bên kia. Ở đó cũng như ở đây, nước nôi hiếm lắm,
không nuôi nấng con gì được hết. Chỉ ăn su su là sống được. Hết su su thì tới
mùa măng mạnh tông. Người dân ở đây trồng mạnh tông làm ranh. Khai khẩn tới đâu
cắm tre tới đó. Như một quy ước. Hễ người đến sau đặt dao xuống dọn cây phát cỏ,
thấy có tre là biết đất có người. Phía núi bên điện Bồ Hong có người nuôi được
cặp heo. Nuôi cả năm mà hai con heo
không chịu lớn, chỉ năm sáu ký. Ba tôi đem mấy miếng sắt máy bay ông lượm được
đổi cặp heo về làm thịt. Khi làm lòng xong bắt lên bếp nồi cháo. Trong lúc chờ
cho cháo nhừ mấy người đàn ông trong xóm xúm lại nhậu lai rai với mớ lòng. Uống
được ba bốn vòng chợt nghe tiếng kêu thất
thanh của con heo còn lại. Khi cả bàn nhậu chạy ra thì thấy một con rắn dài đã
nuốt được nửa con heo.
Năm người đàn ông lực lưỡng gậy gộc
dao mác vừa đánh vừa thủ. Nó ọc một cái con heo văng phịch trước mặt mọi người.
Nó luồn theo khe núi bỏ đi.
Mọi người đem con heo đã ngất ngư
quăng vô chuồng rồi ra ngoài trước nhậu tiếp. Có một cái gì đó thiếu thiếu. Lúc
đầu nhậu có năm người, giờ còn bốn người. Ào đi kiếm. Bên hè nhà có tiếng người
đang ứ ứ kêu la mà không thành tiếng. Khi mọi người tới nơi thì thấy người đàn
ông hai tay đang ôm cứng đầu rắn cố sức đưa nó lên cao. Mình thì đã bị con rắn
quấn trọn. Con rắn thường ngày mềm mại vậy. Khi nó quấn người thì mình nó cứng
như cây… Mọi người kéo khúc đuôi con rắn
kê lên đá chặt đứt chót đuôi. Người xưa kể sức mạnh gân cốt của loài trăn rắn tập
trung ở phần đuôi. Vậy là con rắn lơi vòng xiết. Cái đầu nó cũng
được chặt ngang liền sau đó.
Rồi con rắn cũng được giải quyết. Khi tỉnh hồn tỉnh vía người bị rắn quấn mới kể. Sau khi con rắn bỏ đi ông ra khe núi
đi tè. Thấy nó chui vào khe đé bị kẹt ngang bụng nằm im. Ông nghĩ con rắn đáng sợ là hàm răng. Giờ chụp
được đầu nắm cứng coi như nó hết cục cựa. Ông đã từng bắt nhiều con trăn con rắn
kiểu vậy. Không ngờ con rắn mạnh hơn ông tưởng. Trong lúc nguy khốn nó rút mạnh
thân mình thoát khỏi khe đá quấn cứng
ông.
Lòng tham khiến con người mù quáng
như vậy.
- Nhiều người vẫn thích ăn thịt rắn hả
ông ba.
- Nó ngon và bổ dưỡng.
Ông ba kể tiếp.
- Ông chủ nhà cạnh gốc ngọc lan đường
lên hồ cũng mê thịt rắn. Hôm đó bên Cây Quế
có đập được một con. Ông xin về một khúc. Ông đang hầm khúc rắn thì có một
con rắn rất lớn bò trên bàn thờ. Nó bò tới đâu lư hương, ly nước cúng, bình trà
rớt xuống nền xi măng bể nát. Ông hoảng quá bỏ chạy ra ngoài đường. Người trong
xóm túa lại coi. Ai cũng run. Họ khấn vái. Cho tới khi con rắn bò đi. Khúc rắn
trong nồi được bưng đổ bỏ tuốt dưới triền núi.
Người ta nói rắn muốn báo thù giùm bạn nó. Vài hôm sau mọi người lập miếu
thờ chỗ gốc cây ngọc lan.
- Đáng lý ra nó phải trả thù người giết,
sao nó lại dọa người ăn.
- Cái này phải hỏi nó. Hôm đó chỉ thấy
nó làm dữ lắm, mấy ông xe ôm thường ngày bậm trợn thấy nó đã không dám nhúc
nhích. Không giỏi săn rắn thì phải sợ thôi. Có người săn giỏi nhưng gặp nó hung
quá cũng ngán.
- Người ta nói núi Cấm rắn nhiều do mấy
ông Việt cộng thả lên hả ông Ba?
- Việt cộng sống trên núi Cấm. Thả rắn lên đặng bỏ
núi hay sao. Đồn kiểu đó vô lý.
- Mà đúng là con thấy rắn nhiều lắm.
Hôm đó con với nhỏ bạn đi họp dưới núi. Chạy từ đỉnh núi xuống, xe nó cán ba
con rắn. Trên đường đi nó bị bể bánh xe ba lần. May mà không có chuyện gì. Người
ta nói cán rắn xui.
- Cán con gì thì cũng là xui. Không
xui mình cũng xui nó. Lạ một điều hồi xưa không có đường xá. Thanh niên muốn đi
chơi đêm lần theo suối mà đi. Đường xá tối mịt, gan cỡ nào cũng phải sợ, phải
ca hát đặng quên sợ. Vậy mà có khi nào đạp phải mấy ông dài đâu. Còn bây giờ
thì xe dập dìu, nó băng ngang mặt xe như chơi.
- Chỗ của con ở hễ nghe tiếng sạt nhẹ
trên mái nhà là biết nó. Lúc đầu sợ lắm,
nhưng sau phải thỏa thuận nhường mái nhà cho nó. Đêm vô mùng con phải bật đèn,
rọi kỹ từng ngóc ngách, giũ kỹ từng cái gối cái mền…
Tam để chén cơm xuống nhìn con. Trước
mắt anh là hình ảnh con gái mỏng manh với bầy rắn. Cách đây không lâu Phúc nói
có một con rắn chui vô mùng một em học sinh. Thằng bé đã chết dù được thầy trị
rắn giỏi cứu kịp. Nhớ tới đó mặt anh sa sầm. Chở con lên đây nghe ông ba kể
chuyện rắn cốt là hù cho nó sợ. Ai dè…
- Sáng ba chở con về. Rắn bị động ổ rồi.
Nó chui tận trong mùng…
- Con thấy mà ba. Rủi ro thôi mà. Đã
nói rủi ro thì mình tránh sao cho khỏi.
- Sao ba nhớ con hồi đó con thằn lằn con cũng
sợ.
- Hồi đó con sợ tất cả... Nhà mình
không có rắn. Nhưng đêm ngủ con thấy rắn bò đầy mùng, bò lên người. Vì sao con
nhút nhát như vậy, yếu ớt như vậy? Ba biết mà - Phúc nói tới đó rồi nhìn thẳng
vào anh. Nó cười thật nhẹ như động viên anh-
Mười mấy năm chịu đựng, con thấy… đủ rồi. Ba cũng thấy vậy mà.
Tam hít một hơi dài nhìn xuống triền
núi. Nơi đó nhấp nhô những tầng cây. Anh tự hỏi cây ở đây sống bằng gì? Nước
quá ít, đất quá ít. Vậy mà nó vẫn sống, mọc tầng tầng lớp lớp.
*
Sáng ra anh xuống núi sớm. Sương vẫn
còn dầy. Phúc đứng tiễn anh chỗ đầu dốc. Anh đi một đoạn nhìn lại con. Nó đang
nói chuyện với một cô giáo ra đón chợ. Anh đứng lại đợi cô giáo đi khỏi rồi nói
với Phúc.
- Chuyện rắn ông ba kể hồi chiều qua
là giả thôi. Mấy ông kháng chiến hồi xưa đem rắn hù cho mọi người đừng lên núi
Cấm đặng mấy ổng dễ hoạt động, con đừng tin rồi sợ nghe.
Phúc phì cười.
- Con biết mà ba.
Tam bước dồn xuống núi, đi lại con đường
hôm qua, con đường có thể gặp rắn bất cứ lúc nào. Từng bước anh dựng ngược
nhưng nhanh nhẹn, người như đang bay. Những tảng đá to đã bay khỏi ý nghĩ. Anh
đang nhớ hình ảnh bé Phúc dám kể chuyện rắn nhẹ như kể chuyện học trò quậy. Rắn
có thể bò ngang đường… Cũng dễ hiểu thôi. Mèo, chó, hay bất cứ động vật nào
cũng đều có thể bò ngang đường. Chúng cũng cần
đi kiếm ăn, đi thăm bạn bè con cái của chúng mà.
Võ Diệu Thanh (An
Giang)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét