Nghe tiếng xe xịch về đến cửa, Thủy
gọi to:
- My ơi! Ra mở cửa cho ba kia.
Bé My lóc xóc chùm chìa khóa chạy ra, theo sau là cu Tú, miệng reo:
- A, ba về..ba về…
Tuấn vừa đẩy cánh cửa sắt qua một bên
thì cu Tú đu lên cánh tay:
- Ba cho Tú đi một dzòng đi ba.
- Ờ, lên đây ba cho đi một dzòng
nha.
Bé My dẩu môi:
- Lêu lêu cái đồ con trai mà
nhõng nhẻo.
- Ba, My kêu con nhõng nhẻo kìa
ba.
- Ừ để ba la My. My không được
chọc em nha. Đi nè…
Tiếng Thủy vọng ra:
- Có đội mũ chưa mà đi đó?
- À, ba quên, My lấy cho em cái
mũ con.
My cầm cái mũ chạy ra đưa ba rồi nhìn
theo cái xe bon bon trong chiều gió. Cô bé chợt giật mình khi nghe tiếng mẹ:
- My ơi! Tắm thay đồ rồi đi học
đi, gần sáu giờ rồi. Lẹ lên, chút ba về ba chở đi luôn, mẹ khỏi dắt xe ra.
Bé My dạ rồi chạy lên lầu, một lúc sau
bước xuống với cái cặp quàng sau vai. Vừa lúc đó hai cha con về đến cửa, trên
tay cu Tú là một món đồ chơi. Có thế cu cậu mới chịu ngồi lại cho ba chở chị đi
học.
Tuấn quay về, bỏ cái xe vào nhà, mắc
cái mũ lên giá treo, hỏi Thuỷ:
- Mẹ đăng ký vé máy bay được chưa?
- Chưa. Họ bảo vé chờ thôi. Nói
ba đăng ký từ hôm bữa rồi, không lo, giờ không biết có vé mà về không nữa.
- Lu bu quá mà có nhớ gì đâu.
Không có vé máy bay thì ráng ngồi xe thôi, còn không thì ở lại đi Vũng Tàu.
- Đi Vũng Tàu thì chừng hai ngày
chớ mấy, đâu có vui bằng về nhà. Năm ngoái đã không về rồi, ở lại một cái tết
là đủ biết mùi rồi, năm nay mà không về được nữa thì buồn chết luôn.
Thủy rầu rầu nói. Cô ngưng một chút
lại tiếp:
- Về xe thì chịu hổng nổi, xe
ngày tết nó nhét chặt cứng vậy, về được đến trên đó thì cũng hết ăn tết, tội
mấy đứa nhỏ chớ.
Tuấn nói vọng ra từ phòng tắm:
- Thì phải chờ xem có vé máy bay
không chớ biết tính sao bây giờ.
Thủy không nói gì nữa, cô lúi húi lau
bàn dọn cơm. Nhớ đến những ngày tết ở lại Sài Gòn hồi năm ngoái mà cô phát
chán. Thường ngày, Sài Gòn đông đúc người xe là thế, nhưng vào những dịp lễ tết
là đường phố vắng tanh. Khắp các ngả đường rặt những ngôi nhà đóng cửa. Hầu hết
người ta tranh thủ những ngày nghỉ để được sống trong một không gian thoáng
đãng, nhẹ nhõm, được hít thở một bầu không khí trong lành tươi xanh tại một
vùng quê, hay đẫm mình dưới làn nước biển với những cơn sóng dập dồi ở một nơi
nào đó. Cho thần kinh, gân cốt được xả giãn sau một năm dài mê mải nơi thị
thành. Sài Gòn vốn chỉ là nơi để kiếm tiền, tuy rằng nó gần như cung ứng được
tất cả các phương tiện cần thiết cho nhu cầu một đời sống hiện đại, nhưng nó
luôn làm cho con người ta có cảm giác như bị cuốn vào một chiếc máy nghiền. Ồn
ào, thôi thúc, rượt đuổi. Chiếc kim đồng hồ đủng đỉnh là thế, nhưng chẳng ai
bắt kịp nó cho dù vắt giò mà chạy đến tối mũi. Lúc nào cũng vội vội vàng vàng,
lúc nào cũng thường trực những nỗi lo toan, mệt mỏi. Nhưng nó vẫn là một chiếc
bánh ngon khổng lổ, ai cũng chen chen chúc chúc, cố ghé cho được răng vào mà
ngoạm một miếng, để rồi khi có dịp tách ra khỏi nó, dẫu chỉ là một thời gian
rất ngắn, người ta vụt thở ra đánh khì như vừa cất xuống một ách cày trên vai.
Âu cũng là một quỹ đạo của sự sinh tồn. Để đáp ứng được tất cả những nhu cầu
trong đời sống, thì dù muốn dù không, người ta cũng phải luôn tất tả ngược
xuôi, và cho dù có nghẹt thở đến thế nào thì những thành phố lớn, có tốc độ
phát triển kinh tế cao, vẫn có thể cho con người ta nhiều cơ hội hơn là những
tỉnh lẻ, nhất lại là những vùng cao ngược đường, bất thuận về giao thông, bất
tiện trong sự thu hút đầu tư các ngành nghiệp. Khi không có cùng một mặt bằng
môi trường và phương tiện, thì không thể không chọn lựa. Để rồi, nơi đông lại
càng đông, chốn vắng lại càng vắng.
- Alo bác Mai hả? Chưa… thì cũng
đang lo đây… về chớ, kiểu gì thì cũng phải về mà… nói bác Lan lo mà nhốt gà đi
nha, cho cá ăn nhiều cho mau lớn nữa nha…chứ còn gì nữa, trông về vì nhiêu đó
thôi mà… rồi rồi, có là báo liền… Thôi nha. Bai.
- Bác Mai hả mẹ?
- Ừ, bác Mai hỏi tết có về không, để mấy bác còn chuẩn bị.
- Về nha mẹ, con không thích tết
mà ở đây đâu, buồn lắm.
- Ừ, mẹ cũng muốn về mà. Em đâu
con?
- Nó bên nhà bác Bảy từ trưa đến
giờ rồi.
- Con qua dắt em về đi, hôm nay
không phải đi học thêm phải không?
- Dạ. Mẹ ơi! Tự nhiên con thèm
ăn bắp luộc quá à.
- Sắp ăn cơm rồi, mà có ai bán
đâu mà ăn.
Bé My ngước mắt ra đường, rồi nói:
- Mẹ ơi ! Bắp luộc trên Buôn Ma Thuột ăn ngon hơn bắp ở đây, mẹ ha.
- Ừ, vì bắp ở trên đó, người ta
bẻ ở rẫy rồi luộc liền, nó không bị khô mất nước ngọt, còn bắp ở đây người ta
phải chuyển từ nơi khác về nên nó héo đi rồi, bớt chất ngọt hơn. Con có đói
không? Chờ lát ăn cơm luôn ha.
- Dạ con không đói lắm, thôi chờ
ăn cơm cũng được, con qua nhà bác Bảy kêu thằng Tú về mẹ nha.
- Ừ, kêu em về tắm rửa đi.
Bé My chạy ào đi, Thủy tần ngần giở
những tờ lịch, còn gần một tháng nữa là đến tết rồi. Bỗng cô trỗi lên một nỗi
nhớ cồn cào. Cái chốn quê nhà đất đỏ mà hai vợ chồng cô đã rời nó gần mười năm
nay, cũng có những lúc cô đã có cảm giác thân quen với nhịp độ hối hả của thành
phố này, nhưng cứ mỗi cuối năm, là lòng dạ lại bổi hổi bồi hồi nhớ về chốn cũ.
Không nhớ làm sao được, khi từ tiếng khóc oe oe với bao vui buồn từ thuở nhỏ.
Nếu chỉ riêng mình, chắc cô cũng không rời bỏ nơi thân thuộc ấy, nhưng do sự
phát triển công việc của chồng, do sự học tập của con cái mà cô phải chuyển về
đây. Để rồi, cứ mỗi mùa tết đến lại thắc tha thắc thỏm trở về.
- Alo. Vâng đúng rồi. Có gì không
ạ? A, có vé máy bay rồi á, đủ ba vé luôn à? Vâng vâng, cảm ơn cô. Vâng, tôi
nhớ rồi, là vào ngày 26 tết. Cảm ơn cô nhiều nha.
Nét mặt Thủy tươi rói khi nhận được
tin báo đã có vé máy bay cho ngày hai sáu tết. Cô lập tức báo tin cho chồng,
cho người thân ở Buôn Ma Thuột. Giọng cô líu ríu chen lẫn nói cười. Rồi cô bắt tay
vào chuẩn bị cho cái ngày đang náo nức ấy. My dắt em về tới, nghe mẹ thông báo,
cô bé nhảy cẫng lên:
- A, đã quá, vậy là con được vào
vườn bác Lan để câu cá rồi, sướng quá, sướng quá. Tú ơi! mình sắp được về nhà
bác Mai bác Lan rồi, Tú thích không?
Cu Tú chẳng hiểu gì, thấy chị reo cười
hỏi, cũng gật đầu lia lịa.
Sân bay Tân Sơn Nhất những ngày cuối
năm không có chỗ mà chen chân. Không chỉ có người là người, lại còn bao nhiều
thứ đồ đạc lỉnh kỉnh nữa. Biết rằng mang xách bộn rộn, nhưng ai cũng muốn đem
những món quà vui, nhiều ý nghĩa cho những người thân nơi xa. Mấy ngày trước,
Thủy cũng đi siêu thị ôm mang một lô một lốc về. Tuấn cằn nhằn giờ mọi thứ ở
đâu cũng có, mang xách chi cho cực. Biết vậy, nhưng cái thú đi chọn lựa từng
món quà, cái này cho người này, cái này biếu người kia, vẫn là một cái thú rất
đẹp cho cái tình thân thuộc. Cũng như vậy cho người nhận, nhận một món quà lặn
lội qua một chặng đường, vẫn thấy vui hơn, thích hơn là mấy tờ giấy bạc, cho dù
giá trị nó có tương đương nhau, không khéo nó còn bị mang tiếng là coi thường
nhau nữa. Cũng như chuyện mời ăn. Mệt
phờ vì bao công nấu nướng sắp dọn, người được mời đến thì vui vẻ hỉ hả, còn vì
bất kỳ lý do nào đó không đến được, hoặc khi đi ăn người được mời tranh trả
tiền thì buồn bực, nghĩ ngợi có khi cả giận hờn nữa. Cái nét văn hóa Việt nó
nhiêu khê và cầu kì là thế đấy, nhưng đó mới đúng đặc trưng của người Việt vậy.
Một số người cho rằng, theo văn hóa phương Tây, ai ăn nấy trả là tiện nhất.
Cũng đúng, trong một số trường hợp thì cần dứt dạt cho thoải mái, nhưng trong
một số khác, thì đó coi như không còn vướng víu tình cảm gì nữa. Lại vẫn là
tính hai mặt thôi. Cái nào thì cũng có hay có dở cả, vấn đề là sự vận dụng tùy
theo từng trạng huống mà thôi. Trước những chiếc bàn làm thủ tục, hàng người cứ
nhích dần nhích dần. Cuối cùng thì cả nhà cũng thở phào khi vào được phòng chờ.
Từ đây đến chỗ cái máy bay kia chỉ còn một quãng rất ngắn cả thời gian lẫn đoạn
đường.
Chiếc máy bay đang hạ dần độ cao. Qua
cửa kính, Thủy đã thấy rõ những cảnh vật quen thuộc của thành phố Buôn Ma Thuột,
những nóc nhà, những con đường và kia, cả chỗ Tượng đài Xe tăng, hay còn gọi là
Tượng đài Ngã Sáu, là biểu tượng của thành phố. Cô nôn nao nôn nao. Bé My đang
tỏ ra rành rẽ chỉ chỏ cho cậu em trai mới bốn tưổi thấy. Câu chào bằng hai thứ
tiếng Việt-Anh phát ra từ hệ thống loa của khoang ghế khi máy bay đang dần chạm
vào đường băng. Cuối cùng thì cùng đến lúc mọi người hồ hởi hít thở không khí
mát rượi của vùng cao nguyên. Tuấn nán lại chờ lấy hành lý, khi ba mẹ con Thủy
nhanh nhanh buớc về phía những bàn tay đang vẫy rối rít.
- A, bác Mai, bác Lan…
- Ra đây, ra đây bác bế cái
nào… ui da ơi…
- Bác Mai đang đợi My về để gói
bánh chưng đó.
- Gói riêng cho con một cái, em
Tú một cái nữa nha.
- Ừ, mà hai đứa phải thức canh
nồi luộc bánh chưng với bác đó, đứa nào mà đi ngủ trước thì khỏi ăn luôn.
- Bác Mai làm khó tụi con quá ha.
Bác Lan canh phụ cho nha.
- Mấy mẹ con mệt lắm không?
- Xuống tới đây là hết mệt liền.
Đợi Tuấn lấy hành lý ra rồi về nhà.
- Ừ, nãy dặn sẵn một em taxi rồi.
- Sao lại em?
- Thì nữ tài xế mà. Cả dàn có mỗi
một em ấy thôi, nên phải dặn trước chứ không thì hụt mất.
- Đúng là bác Lan.
- Kìa, Tuấn ra rồi kìa. Chu choa. Răng mà nhiều đồ dữ rứa?
- Nội quà cho cả hai nhà đã hết
quá nửa rồi. Thôi, về về…
Chiếc taxi nuốt hết vào bụng cả người
lẫn đồ đạc. Tuấn nói:
- Chị Lan lên taxi luôn đi, đưa
xe cho em.
- Ừ đúng đó, bác Lan lên đây luôn
để ba Tuấn đi.
Những cái bánh xe quay tròn. Thủy nhìn
ra cửa kính, thở một hơi:
- Về tới đây thấy nhẹ hẳn người.
Nội cái không phải hít mùi xăng, khói, không phải dang nắng đến mấy tiếng đồng
hồ cũng đủ tăng lên được mấy ký rồi.
- Vậy thì về đây mà hít thở luôn
đi.
- Hì. Cho em khất vài chục năm
nữa nha các bác.
- Khi đó lại càng không về được.
- Lúc đó con cái lớn hết rồi, đâu
vào đó hết rồi, thì về được chứ.
- Thôi đi mợ ơi! Con cái là cái
dây buộc cả đời. Hết con rồi đến cháu, ở đó mà mơ.
- Thôi thì cứ mỗi năm ráng về
được hai ba lần cũng đỡ rồi. Ở đây mà cũng dễ kiếm tiền như dưới đó thì khỏe
quá ha.
- Tham thế.
- Đây với Sài Gòn còn khó khăn
thế nói gì đến bên Úc.
- Ờ, giờ này bên đó Chính nó cũng
đang nhớ nhà lắm đấy. Mấy hôm trước nó cũng mới gọi điện về. Hỏi nhà sắm tết
tới đâu rồi?
- Ở bên đó thì chỉ khổ cái nhớ nhà,
chứ không ngột ngạt như Sài Gòn. Chắc phải ít lâu nữa tụi nó mới về thăm được.
- Bác Mai ơi! Gần tới nhà rồi đó.
- Ừ, qua hai cái quẹo nữa là tới
rồi.
Ngôi nhà quen thuộc đã dần hiện ra.
Thủy ngồi im không nói gì nữa, cô lặng nghe một cảm giác rộn rạo trong lòng.
Ngày ba mươi tết. Chắc chắn không có
nhà nào, từ Nam chí Bắc, từ Đông chí Tây ở cái nước Việt Nam này, là không chộn
rộn trong cái ngày chót cùng của một năm theo lịch truyền thống. Bao nhiêu là
thứ cần phải làm, nào là chợ búa, nào là giặt giũ, nào là quét dọn. Ôi chao là
từ tờ mờ sáng đã hò nhau từ trong ra ngoài. Cứ làm như cả năm không dọn dẹp gì,
cứ làm như cả năm không ăn uống gì, cái tủ lạnh phải một phen bội thực. Bao là
rác từ mọi ngóc ngách được lôi ra. Rồi nào là kê bàn xếp ghế, nào là trang trí
hoa hòe, giấy dán đủ màu sắc. Người ra người vào, người lên người xuống, ai
cũng tất bật như con lật đật. Đường xá đông nượp người, người mang xách, người
chuyên chở, chỗ này hoa, chỗ kia trái. May mà một năm chỉ có một lần với ba
ngày tết, nếu vài ba lần với năm bảy ngày không biết còn đến đâu nữa.
- Mẹ ơi! Con có bánh chưng nè.
- Con cũng có nè.
Hai chị em My, Tú tưng tưng hai cái
bánh chưng còn nóng. Suốt buổi chiều hôm qua, cả hai cứ lăng xăng quanh chỗ gói
bánh chưng. Tối đến cũng giành ngồi canh lửa, được một lúc thì ngủ lăn ra mất.
Sáng vừa mở mắt đã hỏi bánh chưng của con đâu.
- Con muốn ăn bây giờ hả? Còn
nóng mà.
- Dạ, đợi hết nóng rồi ăn.
- Ừ, đợi hết nóng đã, nhớ cho mẹ
ăn với đó nha.
- Trả tiền cho bác Mai rồi mới được ăn chớ.
- Bác Mai nói lì xì cho con mà.
- Bác Mai nói hồi nào, ai làm
chứng?
- Hồi hôm qua đó, có bác Lan, cả mẹ con làm
chứng nữa đó.
- Thật không?
- Thật mà. Thật mà Tú ha.
Cu Tú toét miệng cười gật đầu, Tuấn ôm xốc
thằng bé lên quay mấy vòng rồi cù mặt vào người nó, làm cu Tú cười lên sằng
sặc.
- Bác Mai coi coi còn thiếu gì
nữa không nha?
- Chắc không thiếu gì nữa đâu.
Mai nhìn quanh nhẩm nhẩm, rồi nói:
- Còn mỗi hoa thì tối đi mua.
- Đêm ba mươi thích nhất là đi
chợ hoa.
- Ừ, làm nhanh cho xong đi, chiều
cúng sớm, ăn sớm rồi đi. Trễ quá hết hoa đẹp đó.
Lật bật rồi trời cũng đã sẫm tối. Cả
nhà ăn uống xong, kéo nhau đi dạo chợ hoa. Đâu chừng vài năm nay, người ta hình
thành một cái lệ mới. Đi mua hoa, cây cảnh vào đêm ba mươi. Nên những con đường
có bán mặt hàng này đông đen vào buổi tối. Cơ man nào là hoa đủ các loại, các
sắc màu, đủ các cấp giá. Từ vài triệu đến vài trăm, vài chục. Đi dạo chợ hoa
như đi thưởng ngoạn một khu vườn thượng uyển vậy. Thấy cái gì cũng muốn bê tất
về nhà mình. Chọn lựa mãi, cuối cùng cũng chở về nhà một chậu quất, một chậu
hồng nhung, một chậu cúc đại đóa, và một chậu hồng ngân với những đóa hoa nhỏ
màu hồng nhạt. Căn nhà sáng hẳn lên từ những sắc hoa. Tuấn vừa kê xong mấy chậu
hoa vào mỗi chỗ, xoa tay cười hỏi:
- Mấy nàng ngắm đi xem vừa ý chưa
nè.
- Rồi, được rồi đó, cho cái chậu
hồng ngân sít qua một chút cho cân. Rồi được rồi.
- Thôi lo bày bàn ra đi, gần tới
giao thừa rồi kìa.
- Bác Mai chuẩn bị tiền lì xì cho
con với em Tú đó nha.
- Rồi thưa cô, tui không quên đâu
cô à.
- Hí hí, có con nhắc làm sao bác
Mai quên được.
- Sao con nhắc mỗi bác Mai à?
Còn bác Lan nữa chớ.
- Cần gì nhắc đủ tên, My ha. Yên
tâm đi, các bác lo phong bao hết rồi. Ráng đầu tư mai mốt mà khai thác chớ, ha
My ha.
Bé My cười khăng khắc vì bị bác Lan cù
nách. Mai bật nhạc. Khúc ca “Xuân đã về, xuân đã về..” làm bừng lên một không
khí mùa xuân. Tuấn loay hoay với những chiếc ly uống rượu cao chân và chai Vang
Đà Lạt. Chiếc đồng hồ vang lên tiếng chuông báo. Trên màn hình ti vi tiếng phát
thanh viên đang reo vui “CHÚC MỪNG NĂM MỚI”. Những chùm pháo hoa bung lên vòm
trời dêm sáng rực. Cả nhà đứng trước bàn thờ cúng giao thừa. Thời khắc thiêng
liêng của khúc giao mùa, dậy lên trong lòng mỗi người những ước nguyện. Có
những hôm qua qua đi, có những ngày mai đang tới, và có hôm nay đang hiện thực.
- Roang… roang… roang…
Những nén nhang vừa được cắm vào chiếc
lư, và mùi trầm huơng thoang thoảng, thì tất cả giật mình vì tiếng chuông điện
thoại.
- Chắc Chính gọi điện về đó.
Alo… A Chúc mừng năm mới. Chúc cả nhà cậu Chính năm nay nhiều thành công và sức
khỏe nha. Ừ, các bác chúc Cún con và Miu con học giỏi, mau lớn nha. Wa.
Happy Newyear. Yes yes. Thank very much. Rồi rồi. Nghe đủ hết cả rồi đây. Cả My
Tú cũng nghe nữa nè. Đây, My chúc cậu Chính đi.
Những nói cười hân hoan cho một ngày
mới tỏa rạng trên gương mặt người người. Tuấn rót rượu ra những cái ly rồi đưa
cho mỗi người, xong Tuấn nói vợng vào điện thoại :
- Chính ơi! Cụng ly chúc mừng năm
mới nè nha.
Tất cả cùng đồng thanh;
- CHÚC MỪNG NĂM MỚI.
Đàm Lan (Đắc Lắc)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét