Trần dừng chiếc xe máy. Anh bật chân chống dựng xe rồi bước lại chỗ cánh cổng gọi với vào. Bé Anh Thư cầm xâu chìa khóa chạy lon ton ra mở cổng, miệng reo lên:
“Ba về! Ba về!” Cánh cổng mở ra. Nó đứng tránh sang một bên, bàn tay trái nắm chặt ngón trỏ tay phải, má phụng phịu. Không chú ý đến con bé, Trần dắt xe đi luôn vào nhà. Chừng như đã quen với cảnh này, nó khép cổng, đi vòng ra cửa mé hông nhà sau. Trần vào phòng làm việc, đặt cái cặp lên bàn rồi trở ra phòng khách ngồi phịch xuống ghế. Anh đang căng đầu bởi chuyện cơ quan. Mệt quá. Ông trưởng phòng sắp về hưu. Ông ta ngồi cái ghế này đã thâm niên, từ lúc còn là ghế gỗ cho đến cái ghế nệm xoay, khi mỏi, có thể duỗi người một cách thoải mái. Trong lúc chờ nhận sổ hưu, công việc của phòng, ông giao cho Trần, phó phòng xử lí. Cũng như bao nhiêu người sắp hạ cánh khác, đến cơ quan, phần lớn thời gian, ông đọc báo, nói chuyện phiếm, tâm tình với các đồng nghiệp, hoặc cắt tỉa mấy chậu cây cảnh đặt nhờ trên khoảng sân rộng phía trước… Không ít kẻ muốn ngồi vào chiếc ghế trưởng phòng đó. Những cuộc vận động, đi đêm… Cấp trên để mắt tới Trần. Liền có kẻ giấu mặt tung tin nói xấu, bịa đặt, bới móc đủ thứ, lôi cả chuyện đời tư của anh tung lên mạng internet... Trần chép miệng, lắc đầu ngao ngán. Lan, vợ anh, từ nhà dưới bước lên dịu dàng hỏi:
- Nghĩ gì mà anh thừ người ra vậy?
- Không có gì đâu, chuyện vặt cơ quan.
- Em dọn cơm xong rồi. Anh xuống ăn cho nóng.
Trần uể oải theo vợ xuống phòng ăn. Anh ngồi vào bàn, cầm đũa. Bé Anh Thư ngồi ở ghế đối diện.
- Bữa nay, em có mua món chả thủ anh thích đấy.
Lan gắp lát chả bỏ vào chén Trần:
- Anh ăn cơm đi.
Cô gắp thức ăn bỏ vào chén cho bé Anh Thư. Con bé ngước nhìn Trần, thấy anh không chú ý, nó bưng chén cơm ăn lấy ăn để.
Trần và cho hết chén cơm rồi bỏ đũa xuống mâm.
- Anh không ăn nữa à? Lan hỏi:
- Trong người mệt, ăn không nổi.
Anh Thư cũng ăn xong chén cơm của mình. Nó để chén vào mâm.
- Con ăn thêm một chén nữa nghen, Lan vỗ về.
- Con no rồi.
Con bé đứng dậy đi về phòng mình. Chợt có tiếng trẻ con oa oa khóc.Tiếng khóc của Huyền My. Lan vội đi vào buồng dỗ con bé. “Con ngoan, nín đi! Má thương!”. Trần lại chỗ chiếc võng nặng nề gieo mình xuống. Buổi trưa ngày hè thật nóng nực. Tháng tám nám trái bưởi có phải. Cái nóng hầm hập, ngột ngạt như thiêu đốt mọi thứ. Trần trở mình trên chiếc võng. Tiếng quạt gió sè sè và tiếng võng đưa kẽo kẹt như lạc lõng giữa bốn bức tường bức bối. Trần vắt tay lên trán nghĩ ngợi. Bảy năm trước, Trần tốt nghiệp đại học ngành tài chính kế toán. Anh tìm việc làm khó như lên rừng tìm trầm. Ai giới thiệu cũng đi. Hễ có manh mối thì tới. Đi mòn đàng chết cỏ rốt cuộc cũng chỉ uổng công. Lại còn gặp cảnh trớ trêu. Có lần, xem báo, anh biết công ty nọ tuyển thư kí. Sợ chậm trễ, anh tức tốc cầm hồ sơ đến nộp. Vị cán bộ phòng nhân sự gương mặt béo xệ, bóng mỡ, cầm bì hồ sơ, hé cặp mắt ti hí nhìn Trần như nhìn một gã dở hơi, giọng châm biếm:
- Ngoài chuyên môn ra, cậu còn có điểm mạnh gì không?
- Cháu còn biết chơi đàn ghi ta, biên đạo múa...
Ông ta cáu gắt cắt ngang:
- Chúng tôi cần một người biết điều chứ không cần một nghệ sĩ nghiệp dư.
Ông ta quăng trả hồ sơ lên bàn, quay người dán mắt vào màn hình vi tính. Bẽ bàng, Trần cầm bì hồ sơ, lủi thủi ra về. Thời gian thất nghiệp, sống lông bông, Trần gặp Lan trong tiệc cưới người bạn. Lan là nhân viên làm công việc bảo tàng ở Trung tâm văn hóa thị xã. Dáng cao cao, làn da trắng hồng, đôi mắt đăm đắm có sức cuốn hút kì lạ. Trần đến làm quen, xin số điện thoại. Vài tin nhắn. Mấy lần hẹn. Tuy đã trải qua vài mối tình, nhưng chưa có cô gái nào làm cho Trần mê mệt như Lan. Mặc dù qua tìm hiểu, Trần biết Lan đã có một đứa con gái là Anh Thư đã được hai tuổi. Trước khi gặp Trần, Lan yêu Lãm, một họa sĩ có tiếng tăm ở thị xã. Trần đã vài lần xem tranh triển lãm của anh ta ở nhà văn hóa. Lãm thuộc tạng người bất cần, lang bạt, bụi bặm, mái tóc phủ vai, cằm nhọn, gương mặt góc cạnh, xương xẩu. Anh ta cũng là nhân viên nhà văn hóa. Nhà Lãm ở huyện bên cạnh. Lãm mượn tạm căn gác xép nhà kho của Trung tâm văn hóa thị xã làm chỗ ở và nói đó là “tuyệt cốc” của mình. Trong “tuyệt cốc” của anh ta, tranh, cọ, thuốc vẽ, nệm, chăn, màn... bề bộn, ngổn ngang. Nghe chuyện tình cảm của Lan, má cô kêu cô lại bảo:
- Nghề vẽ của nó lấy gì bảo đảm cho cuộc đời mày. Nó bỏ bùa mê thuốc lú hay sao mà mày phải lòng nó. Lấy nó, đời mày chẳng ra gì đâu. Nếu mày cứ khư khư theo nó thì dắt nhau đi cho khuất mắt tao.
Lan đã trót có mang. Cô thú nhận. Ba Lan càng căm giận hơn:
- Nhìn cái mặt lưỡi cày đủ biết nó là kẻ vô hậu. Mày lỡ dại thì cứ đẻ mà nuôi. Tao thà chịu xấu mặt với họ hàng, xóm làng chớ nhất định không chấp nhận nó làm rể.
Trong lúc Lan đang sống dở, chết dở bởi tai tiếng và những lời chì chiết của gia đình thì Lãm trở mặt lạnh lùng với cô. Ngay cả lúc Lan vượt cạn, anh ta cũng bỏ mặc. Rồi Lãm bất ngờ bỏ việc… Không ai biết anh ta đi đâu. Lan càng thêm đau đớn, phẫn uất…
Trần không bận tâm đến những chuyện đã xảy ra với Lan. Đời người ai mà không có những lầm lỡ. Trái tim mách bảo Lan là nửa thứ hai không thể thiếu trong cuộc đời anh. Một hôm, khi đường phố sáng lên ánh điện đường, Trần hẹn Lan ra cái quán cà phê vườn ở ngoại ô thị xã. Hai người chọn một góc khuất yên tĩnh. Sau vài câu chuyện đưa đẩy, Trần mở lời:
- Anh muốn xây dựng gia đình với Lan. Ý của em thế nào?
Lan nhìn thẳng vào mắt Trần:
- Hoàn cảnh của em như thế mà anh còn đến với em sao? Em không xứng với anh đâu. Anh tìm người khác thì hơn.
Giọng Trần càng tha thiết:
- Anh tin vào quyết định của mình. Anh sẽ đem lại hạnh phúc cho em. Tương lai mình còn ở phía trước. Em hãy tin anh đi..
Lan để yên bàn tay trong tay Trần. Mắt cô nhòe lệ… Trần thưa chuyện với ba má. Gia đình Trần không chấp nhận. Má Trần giãy nảy:
- Bộ thị xã này hết con gái rồi nên mày mới lấy đứa có con. Tao nuôi mày ăn học tử tế, cũng có chữ nghĩa mà sao đầu óc mày mụ mẫm quá vậy.
Ba Trần không nói gì. Ông chỉ buồn bã thở dài. Tính ông xưa nay vẫn thế. Nhưng trước sự cương quyết của Trần, đám cưới vẫn được tổ chức. Đơn giản. Không họ hàng đưa rước. Một bữa tiệc ở nhà hàng chỉ có cha mẹ đôi bên, vài người thân và một ít bạn bè. Ngày đám cưới, không ít lời đàm tiếu tới tai Trần:
- Thằng đó ham giàu. Nó nhào vô kiếm chác. Chu cha, loại đào mỏ bây giờ thiếu gì.
- Chịu thiệt một chút cũng chẳng sao. Dễ gì chuột sa hũ nếp.
Có người mỉa mai:
- Các người không biết đấy thôi. Gái một con trông mòn con mắt mà lại.
Mặc kệ. Trần chẳng bận tâm tới những lời thị phi. Sau đám cưới, Trần ở rể vì nhà Trần đông anh em, còn ba mẹ Lan chỉ có cô là con độc nhất. Ít lâu sau, vợ chồng Trần dọn tới căn nhà nằm mặt tiền đường phố do ba mẹ Lan mua từ trước. Đắc, chú ruột Lan làm sếp một cơ quan tỉnh. Chủ nhật, ông về quê, tiện đường ghé thăm vợ chồng Trần. Người chú vợ ân cần nói với anh:
- Cháu có gia đình, giờ phải ổn định nghề nghiệp. Chú giới thiệu cháu vào làm ở một cơ quan nhà nước, tuy lương ít nhưng lâu bền. Sếp cơ quan đó là chiến hữu của chú. Chỗ ấy vừa thiếu người.
- Thưa chú, có còn rắc rối gì không ạ? Trần thoáng nghĩ tới những ngày tháng anh đi tìm việc đầy gian nan.
Chừng như hiểu được tâm trạng của Trần, Đắc cười:
- Chú đã thu xếp xong xuôi. Cháu cứ vào kí hợp đồng làm một thời gian, chờ tới đợt thi tuyển công chức là vào biên chế luôn.
Quả nhiên, Trần được tiếp đón nồng hậu. Ông trưởng phòng và các đồng nghiệp tận tình giúp đỡ anh trong buổi đầu bỡ ngỡ. Họ có phần nể Trần dù là lính mới. Con đường anh đi đang được người chú vợ lập trình. Thời còn học trường đại học, có lần, Trần cao hứng nói với bạn bè, sau này, dù có rơi vào hoàn cảnh nào, anh cũng bước trên đôi chân của chính mình. Lúc đó, Trần thích thú với câu nói đó lắm và tâm nguyện sẽ thực hiện như thế. Bây giờ, nghĩ lại, anh nhếch mép cười chua chát…
Sống với nhau được ba năm, một buổi tối, cơm nước xong, hai vợ chồng ra ngồi trên chiếc ghế dài trước hiên nhà. Lan có vẻ hồi hộp.
- Việc gì vậy em? Nói anh nghe thử coi? Trần lo lắng.
Lan nói khẽ:
- Em có mang rồi anh à.
Trần reo lên :
- Anh sắp làm cha rồi! Em tới bác sĩ khám chưa?
- Hồi chiều, em đã đi khám… cái thai hơn hai tháng…
Trần mừng vô kể. Anh mong muốn có một đứa con từ lâu. Một đứa con là cốt nhục của mình. Anh đã được toại nguyện. Lan đã đem đến cho anh niềm vui đó. Cô như một làn gió mát dịu và làm thay đổi cả cuộc đời anh. Cô đã cho anh gia đình, cơ ngơi, sự nghiệp… Cô còn là người vợ hiền thục chăm sóc anh từng miếng ăn, giấc ngủ. Nếu không có Lan thì giờ này cuộc sống anh sẽ như thế nào? Thương vợ, Trần hiểu nỗi khổ tâm của vợ. Thái độ hờ hững của anh với Anh Thư làm cho Lan rất buồn. Nhưng biết làm sao được? Trần để ý thấy Lan có khi ngồi lì hàng giờ bên khung cửa sổ, mắt buồn vời vợi. Không ít lần, cô ôm chặt Anh Thư, nước mắt lả chả tuôn rơi. Một lần, quá nửa đêm, Trần thức giấc, quờ tay sang bên cạnh, không thấy vợ, anh nhổm dậy, xuống giường, đi nhanh ra cửa. Lan bước như người mộng du trên đường phố tối om. Trần đuổi theo kịp, anh đặt tay lên bờ vai Lan: “Khuya rồi, về thôi em”. Lan úp mặt vào ngực Trần. Bờ vai cô rung rung. Giọt nước mắt nóng hổi thấm vào da thịt Trần.
Ngày Lan vào bệnh viện sinh nở, Trần lo đủ mọi thứ cho tới lúc mẹ tròn con vuông. Nhìn đứa bé gái đỏ hỏn nằm bên cạnh vợ, lòng anh trào dâng niềm cảm xúc ấm áp lạ lùng. Anh âu yếm, vuốt ve, nói nựng với con, hồ hởi đáp lời chúc mừng của bạn bè, đồng nghiệp. Trần đặt tên con là Huyền My. Ngày thôi nôi Huyền My, anh tổ chức tiệc mừng linh đình. Đi đâu về, anh cũng mua quà cho nó. Trần gần như quên mất Anh Thư dù vẫn gọi nó là con, hằng ngày nó vẫn ra vào trước mặt anh. Trần không để ý cả đến giọt nước mắt tủi hờn ứa ra trong mắt nó.
Lan đi tập huấn nghiệp vụ chuyên môn mười ngày ở một thành phố thuộc tỉnh bạn. Ở nhà chỉ có ba cha con Trần. Buổi tối, Trần ngồi tính toán sổ sách chuẩn bị số liệu cho cuộc họp quan trọng sáng mai. Bé Huyền My đã ngủ. Anh Thư ngồi học bài ở góc phòng. Trần thấy người mỏi mệt, cảm giác ớn lạnh chạy dọc theo sống lưng. Chắc bị nhiễm nước bởi mắc trận mưa hồi chiều. Không chịu đựng nổi nữa, Trần tới chỗ tủ thuốc gia đình lấy cái đo nhiệt độ kẹp vào nách. Gần bốn mươi độ. Miệng đắng nghét, mình mẩy đau nhức. Anh lấy mấy viên thuốc cảm uống rồi lại giường nằm. Mắt nặng trĩu. Bỗng, một bàn tay nhỏ nhắn đặt lên trán anh. Trần mở mắt ra. Bàn tay của Anh Thư. Đôi mắt con bé lo lắng trông đến tội nghiệp. Con bé chạy xuống nhà sau một lát rồi khệ nệ bưng lên một cái thau nhựa nhỏ đựng nước, vai nó vắt chiếc khăn mặt. Như đã thành thạo công việc, nó đặt cái thau xuống mép giường, lấy cái khăn nhúng nước, xoắn tay lại vắt chiếc khăn cho bớt nước. Nó gấp chiếc khăn lại, đắp lên trán Trần. Thì ra nó bắt chước Lan chăm sóc anh mỗi khi bị sốt. Xong đâu đó, nó nắm bàn tay Trần thỏ thẻ:
- Ba ơi! Ba bớt chưa? Ba có sao không ba?
Trần vuốt nhẹ mái tóc nó, giọng nghèn nghẹn:
- Ba đỡ nhiều. Con ngủ đi. Mai còn đi học.
Gần sáng, Trần thức dậy. Anh Thư không về phòng mình. Con bé nằm khom như con tôm ở góc giường, Trần kéo khẽ tấm chăn đắp lên mình nó. Anh xin nghỉ mấy hôm để trị bệnh. Đi học về, Anh Thư chỉ quanh quẩn bên Trần, rót nước cho anh uống, giúp anh làm những công việc lặt vặt. Nhìn con bé ríu ra ríu rít quanh quẩn bên anh, nó bày trò chơi với Huyền My, hai đứa cười nắc nẻ, mắt Trần bỗng cay cay, lòng xốn xang…
Nhân đợt vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, giải quyết xong công việc, chiều tan tầm, trong người thư thái, Trần đi dạo giữa dòng người tấp nập trên phố. Bên cạnh Trần là đôi vợ chồng trẻ dẫn theo một đứa bé gái ăn mặc dễ thương như một cô công chúa nhỏ. Họ dừng lại ở một ki ốt bán đồ chơi cho trẻ em. Người phụ nữ nói:
- Con chọn đi, ba mua cho.
Đứa con ngây người ngắm con búp bê to đùng để trong hộp kính. Cô chủ quán tươi cười mở lấy ra, cầm con búp bê đến bên con bé.
- Cháu thích con búp bê này phải không? Nó biết hát đó. Cô mở cho cháu nghe nghen.
Cô ấn một cái nút sau lưng, mắt con búp bê chớp chớp, môi mắp máy, một bài hát cất lên: “ …Ba mẹ là lá chắn. Che chở suốt đời con. Vì con là con ba. Con của ba rất ngoan. Vì con là con mẹ. Con của mẹ rất hiền…”
- Con thích chứ, người mẹ hỏi
Đứa bé gật đầu. Người đàn ông móc ví lấy tiền trả. Con bé ôm con búp bê nhảy chân sáo theo ba mẹ. Trần nhớ tới Anh Thư. Anh ghé vào ki ốt. Cô chủ quán đon đả:
- Anh mua gì?
- Cô bán cho tôi con búp bê biết hát. Đóng hộp cẩn thận, tôi đem về quê làm quà cho con, đi xa đấy.
Cô chủ quán tươi cười nhìn Trần:
- Yên tâm đi, tôi đóng gói kĩ, anh mang con búp bê này đến nơi tận cùng trái đất cũng không sao. Thời buổi này những người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, yêu thương con cái, còn nhớ mua quà cho con như anh thì thật hiếm đấy.
Cầm cái hộp đựng con búp bê biết hát, Trần nghĩ tới giây phút anh trao món quà cho Anh Thư, niềm vui lấp lánh trong mắt con bé… Đang rảo bước, tiếng chuông điện thoại. Lan gọi, giọng đứt quãng xen tiếng nấc: “Anh về gấp… Anh Thư sốt cao, co giật… Bác sĩ chẩn đoán viêm màng não. Bệnh nguy hiểm… Hiện đang cấp cứu tại bệnh viện…” Lan khóc òa lên. Trần trấn an: “Anh thu xếp về ngay. Em bình tĩnh lo cho con nghe”. Trần hối hả về khách sạn trả phòng. Anh bỏ dự định ở thêm vài ngày đi chơi đây đó. Trời nhá nhem tối. Anh gọi taxi chở ra bến xe miền Đông. Hy vọng vẫn còn xe về quê. Bằng mọi cách phải về ngay trong đêm… Lại chuông điện thoại reo. Chú Đắc, giọng chú hân hoan: “ Chúc mừng cháu. Quyết định bổ nhiệm cháu làm trưởng phòng đã được cấp trên phê duyệt. Nhận trọng trách mới, cháu cần cố gắng nhiều hơn nữa. Có gì khó khăn gì, nói với chú”. Trần cảm ơn chiếu lệ. Bởi điều anh mong muốn nhất bây giờ là làm sao về thật nhanh bên cạnh Anh Thư. Con bé đang cần có anh. Nó có mệnh hệ gì thì anh ân hận suốt đời. Cầu trời cho con bé qua khỏi cơn hiểm nghèo… Ngồi trên taxi, không hiểu sao đôi mắt ngây thơ, tội nghiệp của con bé cứ chập chờn hiện ra trong đầu anh…Giọt nước mắt ứa ra lăn trên má Trần… Ba không để con phải buồn nữa đâu, Trần tự nhủ, ba sẽ lo cho con tất cả, để thế giới này mãi mãi là của con.
Phạm Hữu Hoàng (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét