Tôi vẫn thường hay đọc bài của nhiều tác giả trên
website newvietart.com. Rất vui vì bài vở ngày càng phong phú, là món ăn tinh
thần cho nhiều người và lẽ dĩ nhiên ai cũng có quyền chọn cho mình món nào hợp
khẩu vị. Tôi được thưởng thức những tản văn, tâm bút, truyện ngắn, bút kí… của
nhiều tác giả ở khắp mọi nơi phản ảnh cuộc sống muôn màu để thấy đời vẫn còn đáng
sống. Qua các bài viết của các tác giả
có kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực, tôi đã học được rất nhiều điều bổ
ích.
Khi đọc bài “Về một số nhà văn viết
nhiều” tác giả có nói đến Banzac, tôi
lại nhớ đến Molière, mặc dù ông không viết nhiều như Banzac nhưng tầm vóc và
ảnh hưởng của ông cũng không hề thua kém. Nói đến Molière, người đọc không thể quên những nhân vật điển hình
trong các vở hài kịch nổi tiếng thế giới của ông. Đó là nhân vật Harpagon- điển
hình về thói keo kiệt trong tác phẩm
“Lão hà tiện"; và Juocdan- điển hình về thói học đòi trong “Trưởng giả học làm sang”, có người dịch
là “Gã tư sản học làm quý tộc” (tác phẩm
này được đưa vào trích giảng ở nhà trường phổ thông) .
Ở đây tôi chỉ xin có vài cảm nghĩ về thói học đòi và mở rộng hơn là những thói rởm đời mà bất cứ ở
đâu, bất cứ thời nào cũng có thể có.
Ta hãy quay lại với nhân vật Juocdanh- điển hình về thói học đòi. Từ một người dốt nát,
quê kệch, nhờ buôn bán trở nên giàu có trong nhưng lão khao khát được làm quý
tộc nên đã thuê một thầy giáo dạy cho lão trở thành người trong giới thượng lưu
ấy. Muốn trở thành nhà bác học nhưng lão không làm sao tiêu hóa nổi các môn vật
lí học, thiên văn học, triết học… và cuối cùng chỉ có thể học được mỗi
môn… chính tả! Thực chất lão đã trở thành mục tiêu cho những kẻ nịnh hót lợi
dụng để moi tiền.
Tác phẩm “Lão Goriot” của Banzac cũng có
tình tiết của sự học đòi. Hai cô con gái của lão Goriot đã chối bỏ người cha cơ
hàn (nhưng yêu con gái hết mực) để được làm vợ những anh chàng giàu có thuộc
tầng lớp trên. Hai cô ả chỉ vì học đòi làm "phu nhân cao quí” mà đã nhẫn tâm dẫm lên tình cảm thiêng liêng của con
người.
Trong văn học hiện thực nước ta có “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm
xuất sắc về thói rởm đời với nhân
vật điển hình “Xuân Tóc Đỏ”. Hắn ngoi lên bằng”sự thạo đời và ranh mãnh, do ánh mặt
trời chiếu vào nên tóc có màu đỏ như tóc Tây. Bằng nghệ thuật châm biếm bậc
thầy qua trích đoạn tiêu biểu "Hạnh phúc của một tang gia”, tác giả cho thấy cái hạnh phúc mà mỗi người có
được qua một đám tang rất “danh giá”. Qua đó tố cáo cái xã hội “số đỏ” thời
thực dân phong kiến đầy rẫy những thứ rởm đời. Có nghệ thuật văn chương, khoa
học rởm, văn minh Âu hóa rởm thì cũng có thể có đau buồn tang chế rởm trong một
xã hội mà vàng thau, thật giả lập lờ.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam cũng
có những câu chuyện thú vị không kém về thói khoe mẽ. Có anh nhà giàu keo kiệt luôn dặn đầy tớ “Thấy
cái gì của tao để ở đâu thì cứ để ở đó không được đụng chạm đến, nghe chưa?”. Lúc nào đi đâu cũng bắt đầy tớ mang điếu
tráp theo hầu hạ rất khổ sở để khoe mẽ. Có một lần trên đường đi anh ta
đánh rơi tiền nhưng vì không tham lam và có dụng ý chơi khăm nên em bé không
nhặt. Khi bị tra hỏi “Mày có thấy tao đánh rơi cái gì không?” Thì em bé trả
lời đúng câu anh ta đã dặn “Thưa ông, ông chả dặn con thấy cái gì của ông để ở
đâu là để ở đó không được đụng đến là gì”. Thấy vậy anh ta dặn ngược lại: “Từ
nay, thấy tao đánh rơi cái gì là phải nhặt hết nghe không” Thế là bị em bé chơi
khăm nhặt cho một tráp đầy phân ngựa . Anh ta cú lắm nhưng đành chịu vì em bé
lại làm đúng lời hắn dặn.
Hoặc có anh nhà giàu kia thích khoe mẽ theo
kiểu khác, thường dặn anh người ở nói gì
cũng phải “có đầu có đuôi” cho xứng với sĩ diện của... nhà giàu. Thế là anh người ở rắp tâm sẽ soạn một kịch bản “có
đầu có đuôi” đợi khi nào có cơ hội là ứng phó và cơ hội đó đã đến như thế này:
- Thưa ông, người nông dân trồng dâu nuôi tằm, con tằm ăn lá dâu
rồi nhả tơ. Người ta ươm tơ dệt lụa rồi bán cho thương lái người Tàu. Ông mua lụa
về đưa cho thợ may may chiếc áo the để mặc. Ông đang mặc áo đó và tiếc rằng ông
hút thuốc làm áo ông bị cháy kia kìa!
Khi anh nhà giàu hiểu ra “đầu đuôi” thì
áo của anh ta đã … thôi rồi!
Trên đây là những câu chuyện “cười ra nước
mắt” thuộc về trí khôn dân gian, để lại những bài học làm người cho hậu thế.
Trong thực tế cuộc sống cũng vậy, có những bạn
trẻ luôn chạy theo “cái mới”, luôn đòi hỏi cha mẹ phải đổi điện thoại, đổi xe,
đổi mốt trang phục trong khi hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Đua đòi cũng rất gần với học đòi. Có người mới phất lên, lúc nào cũng giấu nhẹm
đi cái nguồn gốc xuất thân nghèo khổ của mình chỉ vì sợ mất đi cái cao sang, muốn đứng trên thiên hạ. Bên cạnh đó lại có
người luôn tự hào về cái đẳng cấp “thanh cao quí phái” của mình nhưng cách hành
xử thì chẳng xứng gì với những từ ngữ ấy. Đó chẳng qua cũng chỉ là một dạng của
hoc đòi.
Thế mới biết
“chiếc áo không làm nên thầy tu”, mà “thầy tu” chân chính cũng đâu cần phải khoe
“chiếc áo” làm gì!
Nguyễn Đoan Tuyết (Pleiku)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét