Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Sáng nay, 8.1.2014, tôi đã tự tạo cho mình được một niềm vui
nho nhỏ. Ấy là đóng gói rồi thuê người chuyển ra bến xe Sóng Thần để gửi về
huyện Tiền Hải (Thái Bình) 500 cuốn truyện viết cho thiếu nhi "Chim Mặt Người" mà tôi là tác giả
do NXB Kim Đồng tái bản từ năm 2012. Đây là số sách nằm trong 15.000 cuốn sách
mà con gái tôi đã mua lại của NXB chỉ để dùng cho bố mang đi tặng các nơi. Đáp
lại lòng mong muốn của con gái, hai năm qua, mặc dù tuổi cao sức yếu, tôi vẫn đã thân hành đi đến nhiều nơi vùng sâu
vùng xa như U Minh, Hậu Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Thái Bình, Ninh Bình, và
đến nhiều trường trong TP Hồ Chí Minh để làm công việc nói trên. Những nơi
không đi đến tận nơi được thì tôi gửi qua bưu điện như Huế, Thanh Hóa, Nghệ An,
Long An… Nhờ thế, trong số 15 ngàn bản sách, hiện nay tôi chỉ còn khoảng vài
trăm cuốn.
Lần này tôi còn có thêm một niềm vui khác. Ấy là trong số 2
trường nhận sách của tôi kỳ này, trường Đông Lâm và trường Nam Thịnh, thì Nam
Thịnh, tại thôn Thiện Tường, lại là nơi có đền thờ ông nội, người thân sinh ra
bố tôi, cụ Hàn Ngỗi. Ông nội tôi được dân vùng ven biển này tôn làm thành hoàng
của làng, được lập đền thờ. Đền thờ này thời phong kiến đã nhận 5 sắc phong của
triều Nguyễn (hiện còn giữ được nguyên vẹn) và sau này được UBND tỉnh Thái Bình
cấp bằng công nhận là Di tích xếp hạng của tỉnh. Ông nội tôi được nhân dân
trong vùng lập đền thờ vì cụ đã công lao khôi phục lại ấp Thiện Tường, sau trận
bão (hình như vào năm 1904) mà toàn thôn bị sóng đánh tan kéo hết ra biển. Hiện
nay hàng năm ngày giỗ của ông nội tôi vẫn được dân làng tổ chức trọng thể trang
nghiêm, trong khi trên quê của cụ (cũng là quê tôi: xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư,
tỉnh Thái Bình) cách Tiền Hải khoảng 30 cây số thì không còn chỗ để thờ cúng
cụ. Vì trận “bão năm Mùi” (Cải cách ruộng đất, 1955) các ông Đội đã tịch thu, xóa
sạch nhà cửa và từ đường nơi thờ cúng cụ mất rồi.
Vậy là sinh thời cụ cứu được cả một làng với hàng ngàn nhân
mạng thoát khỏi lưỡi hái tử thần của cơn bão năm Thìn (1904) do trời đất gây
nên thì đến cơn bão năm Mùi (1955) do con người tạo ra thì không một ai chịu
cứu để cụ có lại được nơi đặt bát nhang thờ cúng và cứu người con trai cả của cụ
thoát khỏi án tử hình mà từ khi bắt đầu xét xử đến lúc hành quyết xong người
lãnh án vẫn trừng mắt vì không biết mình mắc tội tình gì.
Sáng nay tôi nặng suy tư là vì chuyện đó.
TB: Để hiểu thế nào là “Bão năm Mùi”, tức là hiểu về cuộc Cải cách
ruộng đất khốc liệt xảy ra đến nay gần 60 năm trên miền Bắc nước ta, mời các
bạn nhất là các bạn trẻ tìm đọc cuốn truyện NƯỚC MẮT MỘT THỜI cũng của tác giả
Nguyễn Khoa Đăng, do NXB Hội Nhà văn in năm 2009.
NGUYỄN
KHOA ĐĂNG
Chào Thầy : Nam Phong đọc qua câu chuyện rất đơn giản , nhưng tràn đầy cảm xúc, câu chuyện xảy ra , nếu NP nhận , hiểu chắc chỉ xin lỗi cho huề .....Đôi lời chia sẻ cùng THầy. Thầy để dành cho độc giả này 1 quyển . Kính chúc sức khỏe3Thầy cùng gia đình
Trả lờiXóaTriệu Từ Truyền thân chúc bạn Nguyễn Khoa Đăng năm mới Thành Tựu & Hạnh Phúc. TTT luôn nhớ bạn đã tận tình giúp đỡ để T/T Tương Tác được xuất bản, mình cũng không quên nhà thơ Thanh Tùng. Chúc bạn tiếp tục viết và tăng sách cho thế hệ sau, ấy là tấm lòng bao dung và cách trả lời hoàn hảo nhất với bi kịch lịch sử. Mình còn ở xa, sẽ có dịp gặp lại sớm!
Trả lờiXóa