Nhân đọc "Thơ tình với Sài Gòn" của Ngô Thị Hạnh
Sài Gòn nó lạ. Nó hút người ta như nam châm. Ghét nó mà không rời nó được; thương nó mà không gần nó được. Đôi khi nó hững hờ, đôi khi nó quấn quít. Nó nắng đó rồi mát đó “nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát…” (Nguyên Sa), nó con đường đó rồi dòng sông đó: “phố bỗng là dòng sông uốn quanh…” (Trịnh Công Sơn)… Cho nên người ta khó mà làm thơ cho Sài Gòn, nhất là thơ tình như cho Huế cho Hà Nội. Sài Gòn ồn ào, Sài Gòn hồng hộc, Sài Gòn huych toẹt, Sài Gòn toang hoắc, và… Sài Gòn tự do.
Sống và lớn lên ở Sài Gòn có khi người ta ngơ ngác:
phần hồn không lo phần xác không lo
không ai tự hỏi
ta sống vì điều gì
thứ gì đang trói buộc ta?
Hỡi ôi,
chết khi đang còn thở
có gì vui?
Chết khi đang còn thở? Vui chứ! Mấy cái lô cốt quỷ quái bày trận mạc khắp các nẻo đường thoát ẩn thoát hiện, cũng chỉ để cho những người tình vẽ cho nhau tấm bản đồ để tìm nhau:
Em vẫn thường không đúng giờ đã hẹn
với lý do lô cốt đổi thay hoài
thuộc lô cốt đường này, đường kia đã mọc
bản đồ tình yêu nay lại khác rồi…
Lô cốt bỗng trở thành cái cớ, chỉ là cái cớ. Khi chưa kịp có lô cốt ở ngoài đường thì đã có lô cốt ở trong lòng: bản đồ tình yêu nay lại khác rồi…
Vì sao? Vì mỗi trái tim đều có mánh khóe riêng:
Em biết rồi mánh khóe của trái tim
anh và phố không thể nào tách biệt
như hơi nồng trong khoảng áo đêm sương.
… Vậy là rõ nhé: Anh chỉ là một kẻ ăn theo. Ăn theo cái phố, cái hẻm. Cái phố đó, cái hẻm đó, nó buộc người ta trờ tới hoặc quành lại, buộc người ta đi đi về về mà không ý thức. “con hẻm gầy làm nên hồn của phố”.
Nhưng saigon đáng yêu bởi:
Dăm ba đứa dù điên khùng đến mấy
vẫn có kẻ tay cầm, vẫn có đứa cầm tay…
bởi Sài Gòn nó vậy:
Bạn cứ hát những câu nào bạn thích
cứ nói về những phố vắng phố đông
những nhạc sến nhạc sang nhạc vàng nhạc đỏ
cả Sài Thành ngây ngất chẳng liên quan
Phải. Ngây ngất mà chẳng liên quan. Không cần phải đóng kịch. Nó chân thật:
làm việc ở Sài Gòn không cần nữa cả thói quen?
mỗi ngày mỗi khác
quán vỉa hè toang hoác những vào ra
Không cần nữa cả thói quen… bởi nó luôn thay đổi, và quán vỉa hè toang hoác những vào ra là tấm lòng rộng mở, đón chào, mời mọc cho kịp một thời đại đổi thay!
Trong cái nồng cháy, náo nhiệt, ồn ào đó, lại là sự cô đơn, vắng lặng của tự do: "Giữa rừng người không quen biết, tôi rên siết hạnh phúc vì không ai nhận ra mình...”. Không ai nhận ra mình quả là một hạnh phúc. Mỗi người là một thế giới riêng tư, tôn trọng lẫn nhau. Nó khác cái cô đơn của thời “Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ” (Thanh Tâm Tuyền) ngày cũ.
Và trong cô đơn người ta rộng mở:
Đôi khi Sài Gòn em đi lạc
bỗng thấy lòng bớt chật hơn
Rồi như một lời tự dặn mình: Không làm khó cao ốc chẳng biết buồn, nghe nhỏ. Tôi thấy lòng mình cảm động:
mốc meo một nỗi mưa sầu
cái đầu tạm rỗng
cùng cao ốc rỗng
cho ta đời sống khác, cơm áo khác, hơi thở khác
không làm khó cao ốc chẳng biết buồn
nghe nhỏ!
Cảm giác một tâm hồn bị nhốt kín trong bốn bức tường cao ốc, như những bầy ong mật bay đi bay về, khiến người ta đau đáu mối tình quê, mái tranh nghèo, cây cầu khỉ, khói lam chiều sau lũy tre xanh… ở đó là mẹ gìa, là em thơ:
vết sẹo mang hình lá lúa
tàn úa những linh hồn góa bụa đất quê
bỗng nhớ làng nhớ nước nhớ bờ ao
lao xao trên đường lạ…
Nhưng ở thơ Ngô Thị Hạnh người ta còn thấy ươm mầm Phật tánh. Tự vấn là một cái nhìn về Tứ đại: Đất, Nước, Gió, Lửa trong tấm thân ngũ uẩn này.
Lửa ấm nhưng… chưa thành ấm áp, nước thì chưa từng linh hoạt, đất thì chưa thể nhu mì, gió… đã tự do chưa?… Đó là những câu hỏi nao lòng trên con đường kiếm tìm mải miết…
Bởi những tham sân si nghi kiến mạn vẫn còn đó, ở trái tim thi sĩ:
mỗi ngày tập cho em đau, cho em ghen, cho em nhục…
em chìm vào thế giới của người say…
ngỡ mình tỉnh nên uống đầy mật đắng
Đã thấy vô thuờng, đã thấy duyên sinh, nên biết đâu từ đó mà nhìn ra chân không diệu hữu:
... Anh đừng khát đừng đắm đừng say nắng
Điều em cần là một tấm tình chân…
em chấp nhận xem mình như người lạ
bốc hơi không dấu vết
để một lần
em được tái sinh…
Để cuối cùng đành phải “Đối diện“ với chính mình thôi. Quay về nương tựa chính mình thôi, trong cõi mênh mông:
Tôi ngồi xuống và viết viết viết
chắng có một tôi nào ngồi đó
mọi thứ như không-mềm nhũn nhũn nhũn
Tôi nằm xuống và yêu yêu yêu
nỗi nhớ thân xác nỗi nhớ mất xác
Tôi rơi xuống và đau đau đau…
Với những hình ảnh đẹp trong thơ:
Mưa gõ đều trên mái nhà cũ
anh gõ vào tôi những chần chừ
miền xưa rách toác…
Thơ Ngô Thị Hạnh chân thật, không kiểu cách, làm dáng, cho nên với tôi nó gần gũi, và gần gũi cả với xa xưa. Gần ngàn năm trước, Chu Hy (1130-1200) viết trong Bài Tựa cho tập Kinh Thi khi có người hỏi ông: Thơ tại sao mà làm ra? (Thi hà vi nhi tác dã?), ông bảo đó chính do nỗi lòng, do “động tâm“ mà ra: “…đã có muốn thời phải có nghĩ, đã có nghĩ thời phải có nói, đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu cung bực, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ“ (Tản Đà dịch).
Đọc thơ người xưa, thấy tựa bài thơ đã tuồn tuột hết nỗi lòng: “Đêm đông chí ở Hàm Đan nhớ nhà"; “Đáp lòng tiễn biệt của ông cậu thứ mười một trong bữa tiệc…"; “Các bạn cũ quê nhà ngẫu nhiên gặp nhau trong quán khách"; “Ngày mồng 9 tháng 9 nhớ các anh em ở…"
Thơ nó huỵch toẹt vậy, không cầu kỳ bí hiểm đánh đố. Nó trần trụi bày biện tuốt luốt vì chẳng có gì phải giấu giếm! Vậy thì cái gì đọng lại sau thơ? Cái tình. Cái đó mới “thốn tâm thiên cổ"? Nó mới làm ta rung động sáu cách: nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, ngàn xưa ngàn sau…!
Đọc Thơ tình với Sài Gòn, thấy Ngô Thị Hạnh ghi ở cuối bài thơ những câu có khi là “Cà phê vỉa hè Kí Con những ngày tháng Tư"; “Sáng công viên Tao Đàn"; “Hẻm 47, chiều"; có khi là “Cao ốc văn phòng quận 3 ngày không có gió"; “Sân thượng nhà 124 Trần Quang Diệu"; “Hẻm phường Cô Giang quận nhất"… Tôi chắc Ngô Thị Hạnh không phải bắt chước người xưa chi đâu, chẳng qua là cái “lòng" thơ nó vậy! Người xưa ghi ở cái tựa thì nhà thơ trẻ hôm nay ghi ở cuối bài… ! Thấy cái tình, cái ý, ngồn ngộn chứa chan “như không thôi đi được"! Ấy tại thế mà sinh ra có thơ“ (Thử thi chi sở dĩ tác dã)!
Bèn có mấy lời về Thơ tình với Sài Gòn này vậy.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét