Những người quen biết
anh, thường cười và kháo nhau khi vắng mặt anh, rằng anh là người “chơi chữ”. Họ bàn luận với nhau, đấy thật là điều không cần
thiết. Cuộc sống còn biết bao nhiêu điều phải làm; lo cái ăn cái mặc, khi ốm khi đau đã đành;
còn việc học kèm cho con nữa chứ! Nếu không đầu tư cho con ăn học, làm sao lớn lên nó tranh
đua kiếm sống được với đời. Họ biết chính xác rằng anh không có tiền để cho con học thêm. Vậy mà
anh không cố làm thêm để kiếm tiền trang trải cho bao nhiêu việc ấy, lại rảnh rỗi “chơi
chữ”. Họ chỉ bàn tán và cười… Không phải cười chế nhạo hay cười đồng tình. Đơn giản vì thấy lạ
và vui nên cười. Những nụ cười rồi
cũng gián tiếp đến tai anh. Anh cũng cười, vì việc nó đã như vậy rồi, không biết làm sao hơn nữa. Dù sao, anh cũng đã mang tiếng
là “chơi chữ”. Thật sự anh đâu có muốn mang cái tiếng ấy vào mình. Cái tiếng không ai khen
cũng không ai chê, nhưng ai cũng xem anh như một người lập dị. Hơn ai hết, anh biết rất rõ
rằng anh không hề lập dị. Đó là một sự tình cờ bắt đầu từ một việc vô cùng bức thiết.
Dù tất bật kiếm tiền
để mưu sinh là một nghề khác, nhưng anh yêu thích văn học. Do vậy, nên anh quan tâm đến việc học văn của con mình. Thi học kỳ một
năm lớp 4, con anh mang về bốn bài mẫu tập làm văn. Mỗi bài mẫu là một đề văn khác nhau. Nó
đi quanh quẩn khắp phòng và cố học thuộc lòng hết các bài văn mẫu ấy. Anh hỏi:
- Vì sao con phải học
thuộc lòng?
- Khi thi học kỳ nhà
trường sẽ ra một trong bốn đề này. Chúng con chỉ cần học thuộc lòng là làm bài được liền à!
- Vậy là cả lớp đều có
bài văn giống nhau sao con?
- Dạ! Đâu có sao đâu
ba! Rồi đứa nào cũng được điểm cao, hơn chín mươi phần trăm là học sinh giỏi.
- Trời ơi! Ngày trước
còn nhỏ ba học tiểu học, chỉ có hai đứa làm văn giống nhau là đã bị điểm không rồi, con có biết không? Cả lớp giống nhau gọi là
“ăn cắp văn” chứ không phải “tập làm văn”, con có biết không?
- Con không biết,
trước giờ vẫn vậy mà ba!
Thi học kỳ một năm
ấy, anh đành phải làm ngơ cho con mình “ăn cắp văn” để được là học sinh giỏi. Sau đó, anh lập tức lên phương án tự dạy cho con
mình tập làm văn. Anh không muốn con mình xem chuyện “ăn cắp” văn là chuyện bình thường.
Nhà anh chỉ có ba
mươi mét vuông tầng trệt. Một nửa sau là vệ sinh và bếp; nửa trước vừa là phòng khách, vừa là phòng ăn, nay lại thêm phòng học. Anh
đành phải sơn đen lên mảng tường ở phòng trước để làm bảng dạy con học văn.
Anh mang tiếng “chơi
chữ” từ cái bảng đen đó và bắt đầu từ tết năm Nhâm Thìn. Dọn dẹp trang trí lại nhà cửa để vui xuân đón tết, nhưng cái bảng
sơn đen trên tường kia không biết làm sao gỡ xuống được. Một mảng đen thui giữa tường thật khó
coi! Chẳng lẽ sơn lại cho tịêp màu tường? Rồi chỉ sau có vỏn vẹn ba ngày tết, phải mua sơn đen
về quét lại cái bảng đen? Chẳng lẽ phải sơn đi sơn lại? Chẳng lẽ để cái bảng đen trơ trụi giữa
tường trong phòng khách? Anh phân vân bối rối. Trong cái khó nó ló cái khôn. Bỗng nhiên anh
nảy ra một ý tưởng làm cho tấm bảng khỏi trở thành vô duyên. Anh lấy viên phấn trắng nắn nót
viết lên tấm bảng đen. Anh cố viết thật đẹp. Đó là một cách trang trí tốt nhất cho cái bảng đen này.
Anh viết theo chiều dọc, như cách viết câu đối:
Chẳng lẽ bảng đen trơ một tấm
Thôi thì phấn trắng đối đôi câu.
Anh mỉm cười sung sướng. Khỏi mất công che giấu tấm bảng mà
còn được một câu đối thú vịnữa. Với anh là như thế.
Tấm bảng đen ở vị trí
đối diện với bộ bàn ghế kê bên kia tường. Nó đập vào mắt những người khách đến thăm tết nhà anh. Họ hỏi:
- Tết đến, người ta
sắm sửa bia bọt, chơi hồng chơi cúc chơi mai; còn anh chỉ chơi chữ thôi
-Vì chỗ ấy không thể
gỡ đi đâu được, chẳng lẽ để bảng đen… trơ ra một tấm…
Sau ba ngày tết, anh
xóa câu đối ấy đi và mỗi đêm gắng dạy cho con mình biết làm văn. Năm sau, thi học kỳ một lớp năm, trường con anh đổi mới cách
dạy, không cho học trước những bài văn mẫu nữa. Bạn học cùng lớp với nó lên mạng hoặc xem trong
các sách bài văn mẫu rồi cố học thuộc cho bằng hết các bài văn có thể gặp trong khi thi. Con
anh áp dụng phương pháp để làm một bài văn và trong khi viết phải đưa được cái hồn của mình
vào bài văn ấy. Kết quả bài thi tả cây mai trong dịp tết của nó được điểm cao cùng với lời phê
“tư duy độc lập”. Anh mỉm cười:
- Thời ba còn nhỏ,
không có ai lại phê là “tư duy độc lập”. Bởi đó là điều tất nhiên của một người viết văn. Do thời buổi này người ta chấp nhận cho nhiều
bài văn giống y chang nhau. Giáo viên cũng biết thế là không đúng, nhưng không chấp nhận như
thế thì lấy đâu ra thành tích hả con! Thầy giáo phê con “tư duy độc lập” là khen con đó. Con
hãy nhớ, dù ít điểm hoặc không có thành tích cũng phải viết theo ý của mình, nghe con. Con
viết bài văn tả cây mai hay đấy. Thi học kỳ một xong là đến tết, tết này ba mua thưởng cho con
chậu mai trưng trong nhà. Con có vui không?
Tết năm Quý Tỵ, dù cố
gắng thế nào anh cũng chỉ mua được một cây mai nhỏ nhất. Tuy nhỏ, nhưng hoa nở đều đúng tết và cánh hoa vàng tươi rất đẹp. Chỉ
có cái chậu đúc bằng xi-măng trông xù xì xấu xí. Tiếng là thưởng cho con, nhưng tự anh
cũng rất thích hoa mai. Trang trí cho cái chậu, anh dùng phấn viết một câu đối quanh viền chậu:
Dẫu có thờ ơ ngơ ngày tết
Hãy còn ngoái lại bái mai hoa.
Người quen đến thăm
tết, đọc xong hỏi anh:
- Hai câu này nghĩa là
sao?
- Đấy thuần túy là
tiếng Việt. Bạn hỏi tôi, tôi biết hỏi ai!
Một người bạn khác
ngẫm nghĩ rồi gật gù:
- “Ngoái lại bái” đối
với “thờ ơ ngơ”… bạn thật là biết chơi chữ…
- Một cách chơi không
phải tốn tiền, lại có đề tài nói vui trong ngày tết, cũng là nên chứ.
Người quen lúc nãy đã
hỏi “nghĩa là sao” nói lãng sang chuyện khác:
- Năm ngoái là năm
Thìn thì bạn để cái bảng đen trơ một tấm, còn nay là năm Tỵ lại treo tranh con rồng che kín tấm bảng ấy. Là thế nào?
- Vì chẳng lẽ để bảng
đen trơ một tấm, nên mua bức tranh treo lên. Nhưng người ta chỉ bán tranh rồng, không ai bán tranh rắn, dù năm nay là năm Tỵ.
Đến tết năm Giáp Ngọ
này, anh mua bức tranh mã đáo thành công treo lên để che tấm bảng đen. Hoa mai năm ngoái anh đã thay lại chậu mới. Không còn
chỗ và không còn lý do để đề câu đối. Vả lại, trong thời buổi mà những người thành đạt trong
xã hội thường bảo nhau: “Học văn mà làm được cái gì"; thì anh chẳng ngu dại gì phải mang
tiếng “chơi chữ” vào mình.
- Sao tết này ba không
đề câu đối hở ba? Cái bảng đen kia là ba dùng dạy văn cho con. Ba thường nói là không phải cứ đến trường cắm đầu vào sách vở
là học được văn, mà hằng ngày phải quan sát mọi sự vật rồi diễn tả bằng ngôn ngữ của mình,
rồi phải có hồn nữa, phải không ba? Thế mới nên người, phải không ba? Ba thường nói văn là
người nên không được ăn cắp văn, phải không ba? Thôi, ba treo tranh ngựa lên tường bên kia và
viết câu đối vào bảng đen cho con đọc, nghen ba.
Ai bảo mình lập dị
chơi chữ thì thôi kệ họ. Anh lại lấy phấn trắng viết nắn nót vào tấm bảng đen:
Ngày tết, chẳng ngại còn câu đối
Con mình, bởi sợ mất nhân văn.
Lê Đình Danh (Quy
Nhơn)
Chào nhà văn ! Lâu quá, bận bịu cũng có mà lười cũng có, nên ít ghé trang HQN. bữa nay tìm đọc chuyện của LĐD, chị muốn khóc vì thấy tâm sự của một người cha trước thực tế học văn của con em ! May mà thời mình còn là gv, không chấp nhận chuyện học theo bài mẫu, viết theo mẫu. Nghĩa là đâu đó trong tư duy, chị em mình cũng gặp nhau khi trân trọng lối học văn "tư duy độc lập ".
Trả lờiXóaChuyện của nhà văn ngắn mà khiến mình phải suy ngẫm nhiều. Cảm ơn LĐD nhé. Chúc nhà văn khỏe, thành công cả trên đường mưu sinh lẫn "chơi chữ".