Thực lòng, không một ai trong cơ quan nể phục mớ kiến thức vụn vặt, góp nhặt của ông Dự trưởng phòng, nhưng bao giờ ông cũng là trung tâm của những câu chuyện hoặc uyên bác hoặc đời thường. Từ câu chuyện phòng the đến tình hình thế giới; từ lĩnh vực khoa học đến nghệ thuật; từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội… được ông đưa ra những dữ kiện rồi phân tích, đánh giá say sưa. Thỉnh thoảng, một ai đó đế vào một câu khen ngợi xuýt xoa, một câu hỏi vô thưởng vô phạt khiến ông thêm hưng phấn! Đôi khi ông mơ màng kể về chuyện ngày xưa của ông, một đứa bé mười bốn, mười lăm tuổi đã tham gia cách mạng, khi thì giao liên, khi thì tải đạn, khiêng thương binh; nên khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông vừa bước sang tuổi mười sáu công trạng đã đầy mình…. làm bao cặp mắt tròn xoe thán phục.
Một lần, lão Thước bảo vệ xía vào:
- Tôi cũng ở trong vùng giải phóng từ trước năm bảy lăm, cũng tham gia kháng chiến… nhưng hát hò vui chơi là chính đâu có được khiêng thương, tải đạn… Những người lớn tuổi thì tất cả đều cầm súng nhưng không phải ai nhỏ tuổi cũng đều làm giao liên… Hồi ấy, tôi cũng có lần theo mấy anh du kích ra tận chốt tiền phương nhưng chỉ để lượm tút đạn. Mấy anh đuổi về, tôi không chịu về. Một anh rỉ vào tai tôi “Em hãy về báo với chú Hai xã đội là chúng anh đã đến trận địa rồi, đây là nhiệm vụ quan trọng giao cho em đó”. Tôi hãnh diện trở về và thường khoe là đã từng làm công tác giao liên. Bây giờ nghĩ lại thấy tức cười.
Từ đó ông Dự không kể chuyện kháng chiến của ông nữa.
Kể ra, sự nghiệp của ông Dự cũng rất hanh thông. Với cái mác cán bộ kháng chiến, dẫu trình độ chưa qua khỏi chương trình trung học đệ nhất cấp, bây giờ là cấp trung học cơ sở, ông vẫn được cấp trên tín nhiệm giao nhiều chức vụ khác nhau. Ông cũng đã theo học nhiều lớp học tại chức, từ xa và đang sở hữu ba bằng đại học. Ông thường khoe trong công tác chỉ vận dụng kinh nghiệm sống bản thân chứ kiến thức sách vở chẳng giúp ích gì nhiều, nó là chứng chỉ để ông ngồi vào ghế trưởng phòng này mà thôi. Ông nhận thấy cương vị này phù hợp và rất nhiều năm rồi ông vẫn tại vị. Ngày hai buổi đi làm, thỉnh thoảng ghé vào các bộ phận nhắc nhở, nói đùa vài câu rồi về phòng đọc báo, hẹn hò với các chiến hữu… Cuộc sống như thế là ổn.
Gần đậy, ông Dự thấy mọi người nhìn ông với con mắt khang khác. Những câu chuyện ông kể ít được hưởng ứng. Tẻ nhạt. Mất hứng. Thậm chí, có người cắt ngang câu chuyện của ông để kể tiếp tục phần kết. Ông biết nguyên nhân là có tin rằng cấp trên sẽ chuyển đổi công tác một số cán bộ chủ chốt, có nghĩa là ông không còn ngồi ghế trưởng phòng này nữa. Ông phải tìm cách khẳng định dấu ấn cá nhân vào nơi này trước khi rời khỏi nó. Đầu tiên là ông đề xuất phải có đọc báo tập thể ở giữa mỗi buổi làm và coi đây là nghị quyết… Người phản đối mạnh nhất là Trần Lực:
- Trong hội nghị công nhân viên chức đầu năm không đề ra; tập thể chưa thống nhất biểu quyết… Với lại, phương tiện nghe nhìn phổ biến rộng khắp, không nên làm mất thì giờ anh em….
Cô Thúy Lan nhẹ nhàng hơn:
- Đơn vị ta đã nối mạng… Mỗi khi cần thông tin chỉ cần nhấp chuột…
Ông Dự cắt ngang:
-Thì đấy… Đó là những lí do. Thông tin trên mạng chưa chọn lọc, có khi bị xuyên tạc; mấy khi chúng ta nghe thời sự tin tức trên đài, trên báo… Đầu năm ta chưa quyết nghị thì bây giờ ta bổ sung vào.
Rồi ông dứt khoát:
- Cứ như thế mà làm, xem đây là một tiêu chí thi đua.
Buổi đọc báo đầu tiên ông Dự chuẩn bị rất kĩ. Ông đọc trước một lượt để chỉ đạo những bài cần đọc, gạch dưới những thông tin quan trọng bằng bút dạ màu vàng. Từng người luân phiên nhau đọc. Không khí thật trang nghiêm. Ông thấy hài lòng. Những ngày đầu thật suôn sẻ nhưng báo chí về cơ quan nhiều, ông đọc không xuể để xác định bài nào nên đọc, thông tin nào cần phổ biến… Đến khi, lần cô Lệ Hoa đang đọc tin tức thì Trần Lực cắt ngang:
- Tôi xin ý kiến được phép kể các diễn biến tiếp theo cho gọn…
Và Trần Lực bắt đầu kể những thông tin chính của vụ việc rồi kết luận:
- Tuần qua, chúng ta được nghe tin tức cũ mèm xảy ra trước đó ít nhất ba ngày, các phương tiện thông in đại chúng đã phổ biến…
Ông Dự thấy mình vô lý nhưng đã lỡ… báo chí cơ quan đặt mua ông xếp ngay ngắn ở bàn làm việc nhưng ít khi để mắt vào. Từ khi có nghị quyết đọc báo do ông nghĩ ra, ông phải đọc, phải đánh dấu… nhưng không xuể, thông tin lạc hậu là phải. Ông lại chuyển hướng:
- Thôi, thì chúng ta vẫn phải duy trì thời gian đọc báo nhưng chỉ đọc những truyện ngắn, bài thơ mang tính văn chương.
Từ đó, không khí buổi đọc báo có cởi mở hơn. Giọng đọc của từng người và cách ngắt nhịp, nghỉ hơi tùy tiện; có khi bỏ qua một vài đoạn, nhiều áng văn, bài thơ mà tác giả của nó nghe được thì chắc phải quẳng bút. Duy Ngữ thường tếu táo trong khi được phân công đọc, thường phổ nhạc ngẫu hứng cho những đoạn văn, thơ và cất giọng ông ổng ê a đệm nhạc miệng “chát, chát, chát, bùm bùm…” khiến mọi người vui vẻ.
Càng ngày, buổi đọc báo càng trở thành mớ hổ lốn của văn - thơ - nhạc - hò – vè… thật chẳng ra làm sao cả nhưng ông Dự chẳng biết điều chỉnh như thế nào. Nhiều khi, ông ghé lại phòng nghỉ xem mọi người có đọc báo không rồi kiếm cớ rời phòng. Ông biết, không có ông chẳng ai đọc. Ông lại suy nghĩ đến một việc làm mới thật ấn tượng khi ông rời khỏi cương vị này, ai cũng phải nhớ. Nhưng cái đơn vị sự nghiệp hành chính này có thể làm được việc gì! Một lần, Duy Ngữ đang gõ nhịp và đệm nhạc “Bum, bum, bum, chát, chát, bùm…” thì Trần Lực bực dọc:
- Như thế này, phòng ta thành lập một đội văn nghệ để phục vụ cho những ngày kỉ niệm của đơn vị thì hay biết mấy!
Không ngờ đó là gợi ý tốt cho ông Dự.
Mấy tiếng “Đội văn nghệ” đã đưa ông Dự về với những kỉ niệm đẹp đẽ; về cái thời địa phương nào cũng có đội văn nghệ để diễn trong những ngày lễ, ngày kỉ niệm, ông Dự rất nhiệt tình tham gia bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ. Chưa có điện và máy móc hiện đại, nhưng đêm đêm, dưới ánh đèn măng-xông, giữa sân phơi của Hợp tác xã, những tiết mục văn nghệ được tập dượt sôi nổi, rộn ràng. Ai cũng náo nức mong được thể hiện tiếng hát, lời ca của mình trước dân làng, người thân. Nên trời vừa tối, sau buổi đi làm về thì mọi người đã tập trung tập dượt đến tận khuya mới về. Nhiều mối tình nam nữ đã hình thành từ những đêm tập văn nghệ như thế. Ông Dự cũng đã kịp tỏ lòng mình với cô Thân làng bên chuyên hát đơn ca bằng giọng nữ cao. Và nhiều đêm ông Dự về đến nhà khi gà gáy sáng. Mối tình đầu của ông thật trong sáng và thánh thiện, bởi suốt thời gian hò hẹn cùng nhau, ông chưa một lần ôm hoặc hôn Thân. Thế nhưng hồi ấy quan niệm về tình yêu nam nữ không thoáng như bây giờ. Chỉ cần hai người khác giới đi riêng với nhau; ngồi chỗ vắng… đã được tổ chức nhắc nhở. Còn ông, ông phải kiểm điểm vì quan hệ bất minh. Từ đó, ông sợ! Đôi lúc nhớ lại, ông thấy mình và mọi người thật ấu trĩ. Chuyện cũng đã trôi vào quên lãng khi mối tình không thành từ ngày ông được cử đi học. Bây giờ Lực lại nhắc đến việc thành lập đội văn nghệ, ông thấy bất an… Nhưng đây lại là cái phao cho việc đặt dấu ấn riêng của ông trong thời gian còn ngồi ở cương vị này.
Ông Dự đã có quyết định riêng.
Trong một cuộc họp thường kỳ với những đánh giá, sơ kết thường xuyên; ông Dự điểm qua tình hình đọc báo trong thời gian qua. Rồi ông nhấn mạnh:
- Việc đọc báo của phòng ta có tác dụng rõ rệt, không thể chối cãi. Có thể làm điển hình cho cả đơn vị. Và gần đây có một số ý kiến cho rằng nên thành lập đội văn nghệ. Đây là ý kiến hay, thiết thực, ta nên tổ chức thực hiện…
Mọi người lại vô cùng ngạc nhiên.
Ông Dự lên kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng người. Một tốp ca; một đội kịch chuyên diễn các tiểu phẩm tự biên hoặc cóp nhặt ở các chương trình trên ti vi; một vài giọng đơn ca… Mọi người tập dượt và có bồi dưỡng ngoài giờ. Ai cũng lắc đầu ngao ngán… nhưng là nghị quyết nên tất cả phải luyện giọng ở các tụ điểm karaoke. Cái việc tập dượt ngoài giờ này xem ra rôm rả hơn việc đọc báo. Mọi người vui vẻ đi hát để luyện giọng; cơ quan chi tiền để có tiết mục; thật vẹn cả đôi đường. Đội văn nghệ của ông Dự được nổi tiếng và ông được mọi người nhắc đến từ một việc mà chẳng liên quan gì đến văn nghệ.
Hôm cấp trên về kiểm ta đơn vị, ông Dự chuẩn bị rất chu đáo để đón tiếp. Khi mọi người đợi ông Dự báo cáo tình hình hoạt động thì ông bắt đầu giới thiệu:
- Trước khi tôi báo cáo thực tế của đơn vị, xin mọi người thưởng thức một tiết mục ca nhạc cây nhà lá vườn…
Tiếng nhạc từ cây đàn organ ở góc phòng vang lên và tốp ca nam nữ tiến lên rộn ràng lời ca. Tiếng vỗ tay vừa chấm dứt, Duy Ngữ quá hưng phấn xin được hát một bản nhạc vui nhộn, nếu ông Dự không cắt thì Duy Ngữ đã hát thêm bài thứ hai. Tiếng cười đùa, tiếng vỗ tay thật hứng khởi trong không khí dạo đầu. Rồi bản báo cáo của ông Dự với những con số khô khan cứ gõ nhịp đều đều. Một vài người giở sổ ra ghi chép; không khí thật trầm lắng. Khi vừa kết thúc bản báo cáo, ông Dự đã kịp giới thiệu một tiểu phẩm hài do phòng ông tự biên tự diễn. Không khí vui nhộn được khởi động lại. Đoàn kiểm tra bất ngờ với kịch bản do ông Dự đạo diễn, trố con mắt hình chữ O, há cái miệng hình chữ A, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Điều cuối cùng đoàn kiểm tra kết luận là ngoài công tác chuyên môn thì đội văn nghệ của phòng ông thật… nhảm nhí!
Ông Dự cảm thấy bị xúc phạm!
Theo ông Dự, các cán bộ trong đoàn kiểm tra là lớp hậu bối, chưa từng trải, chỉ biết có chuyên môn với những số liệu trong sơ kết, tổng kết; có biết đâu người lãnh đạo còn phải quan tâm đến nhiều mặt của nhân viên dưới quyền. Nhưng với kết luận của đoàn kiểm tra, ông phải cáo ốm ở nhà mấy hôm.
Mọi việc rồi cũng qua và nhanh chóng khắc phục.
Từ đó, có ai nói “hát một bản” là ông Dự thấy như họ châm chọc mình. Không ai dám mở miệng rủ nhau đi hát karaoke khi có mặt ông Dự. Ông muốn mọi việc chìm vào quên lãng. Dẫu sao, từ sự việc trên, ông Dự bỗng nổi tiếng với cá tính rất riêng để khi trà dư tửu hậu mọi người lại vui nhắc đến tên ông cùng với đội văn nghệ karaoke cây nhà lá vườn.
Bây giờ, ông Dự vẫn yên vị với chức trưởng phòng. Cấp trên không điều ông đi đâu cả. Ông lại tiếp tục với những câu chuyện góp nhặt từ báo chí, từ đời thường… và mọi người lại lắng nghe ông say sưa bằng niềm tin chắc nịch rằng thủ trưởng là người từng trải.
Ngô Văn Cư (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét