Cây bút trẻ Dương Hằng, sinh năm 1994, hiện là sinh viên năm 2 trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Ngôi nhà tôi và mẹ ở chỉ lợp bằng mái tranh, mùa mưa về dậy
lên mùi âm ẩm. Sương hay nắng còn che trú tạm, mưa xuống là chỗ tôi nằm trở nên
ướt nhoẹt. Khoảng vườn nhà tôi rất rộng, mẹ đào xới trồng đủ thứ rau cạn, rồi
đem ra chợ bán. Vườn choán hết sân, đến nỗi khoảnh đất lởm chởm gồ ghề trước cửa
nhà co lại chỉ còn bằng manh chiếu. Hồi nhỏ, đó là nơi lý tưởng để tôi cùng
chúng bạn chơi bi, đánh cù, ô ăn quan. Cây ổi có mặt ở phía góc sân hình như là
lúc tôi lên bảy, bây giờ đang mùa hoa trổ, những đốm trắng nhụy vàng giăng nhịp
nhàng kẽ lá và cũng là mùa sâu xanh rờn ngủ im lìm trên phiến lá. Dưới tán ổi,
tôi xây một ngôi mộ nhỏ, đắp đất lên cao, cắm một nén nhang ở đó. Khói nhang
nghi ngút quanh nhà. Tôi chỉ làm như vậy khi ở nhà một mình, nén nhang cháy hết,
tôi sẽ vứt xuống sông, và để nó trôi đi. Nhang là tôi xin từ một đứa bạn, nhà
tôi không có bàn thờ, nên chẳng bao giờ phải mua nhang cả. Mẹ không biết về sự
tồn tại của nén nhang trong khoảng sân nhà mình, chỉ biết một mô đất nhỏ nhô
lên, như con bé nghịch ngợm đã xây một ngọn núi. Bà bực lắm, đạp phăng mô đất
đó bằng bàn chân to sạm, rồi quở trách tôi vài câu, đại loại như “Mẹ mày chưa đủ bận hay sao còn vẽ việc”,
“Cái sân nhà mày chưa đủ xấu à?”… Cuộc sống gồng gánh với mưu sinh khiến bà chẳng
bao giờ đoái hoài đến ngày tháng, để biết rằng mô đất kia chỉ xuất hiện một
tháng hai lần, vào ngày mùng một và rằm. Và chẳng ngờ, chính bàn chân bà đạp đổ
đi ngôi mộ của chồng mình – ngôi mộ của cha tôi.
Khi tôi đủ hiểu biết, mẹ bảo cha chết trong một chuyến đi
đào vàng xa xôi lắm. Những người đi cùng cha trong chuyến ấy, mới tin rằng cha
đã thực sự rời xa mẹ con tôi, mãi mãi. Gánh trụ cột oằn lên vai mẹ. Đôi khi tôi còn nghĩ, mẹ không thương tôi, bà có thể sẵn
sàng bỏ rơi tôi bất cứ lúc nào. Cử chỉ âu yếm hay vỗ về một đứa trẻ, tôi chưa
bao giờ có từ mẹ. Ngôi nhà chỉ có hai mẹ con mà om sòm bởi tiếng chan chát,
đanh chua. Mẹ chửi tôi, rồi bâng quơ chửi đời. Mười tám tuổi, thiếu nữ đã sinh
và nuôi con một mình với bao vất vả, cực chẳng đã mới phải chửi ra như cách để
bà gỡ nỗi lo, tủi hờn bận bịu ra khỏi tấm thân béo tròn, cục mịch mà ngỡ mình
nhẹ người đi mươi mười kí – tôi thường vin vào ý nghĩ ấy để thương mẹ. Nếu mẹ định
bỏ tôi, thì đã không đèo bòng mười bảy năm nay, ngay cả khi tôi chẳng làm được
gì giúp mẹ. Kì thực, những lúc mẹ chửi, ý nghĩ dồn đuổi tôi về cha… Tôi nương
vào những giấc mơ có nụ cười hiền từ của cha để bớt giật mình bởi tiếng chửi
còn văng vẳng bên tai…
Ngày mưa, mưa rề rà và xám nhoẹt khoảng sân nâu đất và
đám rau mẹ mới trồng. Mẹ ngồi ở bậu cửa, lọc những hạt lạc chắc nịch để mai đem
trồng, loại hạt gầy ra, nhưng không vứt đi, mà gói ghém cẩn thận vào chiếc túi
ni lông nhỏ. Mẹ bảo:
- Mang túi này vào vại để,
mai tao trồng. Còn túi này, cất đi hôm nào khoai thái đã phơi khô, thì lấy ra
mà nấu với cháo khoai.
Tôi răm rắp làm theo. Lúc tôi quay ra, giọng mẹ ngọt
hơn mọi khi:
- Lại nhổ cho tao mấy cái
tóc sâu nào, ngứa quá. Nuôi con gái lớn độ này mà chưa nhổ được cho mẹ mày cái
tóc nào cả.
Tôi hí hoáy bới tóc mẹ. Mái tóc đen mượt, bởi bà dùng
bồ kết nướng lâu năm, mùi hương nhu vẫn còn thoang thoảng. Tôi xuýt xoa:
- Tóc mẹ đen quá, mềm hơn
cả tóc con nữa.
- Mày khen thừa. Hồi tao bằng
mày, khối thằng giả tiếng tắc kè đầu ngõ. Tóc đen và dài tới qua mông, da trắng
nõn. Cả làng có mỗi tao là xinh nhất đấy.
Cuộc sống lam lũ, vất vả chóng phai tàn đi xuân sắc. Mẹ
tôi giờ đã ba lăm, già đi nhiều. Bàn tay chằng chịt xác rau, xanh lè, bàn chân
máu bùn, máu rạ in hằn chả buồn kì cọ cho sạch. Bà bảo “Thời gian lội ruộng nhiều hơn ở nhà, thì cần gì đánh sạch. Sạch được một
đêm, mai lại đâu vào đấy. Mất công.”
- Đấy, cái đấy ngứa. Mày cứ
tìm những sợi như thế mà nhổ tận gốc đi cho tao.
Mẹ vỗ đét vào đùi tôi, đỏ tấy. Nhân thấy mẹ hiền, vui
vui lúc tôi nhổ được sợi tóc ngứa xoăn tít như lò xo, tôi gạn hỏi:
- Cha mất khi con mấy tuổi
hả mẹ?
- Lúc ấy mày vừa cai sữa
xong.
- Sao ngày ấy, mẹ không giữ
chân cha, đừng để cha đi con đường nguy hiểm đó?
Mẹ chùng vai xuống, tiếng thở dài nén chặt.
- Cha mày ở nhà thì lấy gì
mà ăn. Không chết chuyến ấy cũng chết vì đói. Có khi cả tao cũng chết. Mà cái
chết đã định sẵn, thì ở đâu rồi cũng chết thôi.
Mẹ tôi thường độc miệng thế, chứ tâm bà, vẫn lay động.
Tôi im lặng, không dám ho he gì thêm, không phải vì sợ hỏi tiếp, bà chửi, mà sợ
mình sẽ bật khóc.
- Mà mày quên cha mày đi.
Bỏ vợ bỏ con mà đi thì chả có gì đáng nhớ. Mày thương lấy thân mẹ mày đây này.
Tôi thường vẽ ra hình ảnh về ba. Đẹp lắm! Ba sẽ bế thốc
tôi lên chiếc xe thồ cũ nát đi ra đồng chở lúa ngô về. Những ngày gió, ba sẽ
cùng tôi làm những chiếc diều bằng xương dừa vuốt mỏng và uốn cong. Tôi đuổi
theo cánh diều. Diều đuổi theo gió. Cha đuổi theo bước tôi. Nghĩ đến dừa, chợt
nhớ đang mùa trĩu quả. Chắc vài bữa nữa mẹ sẽ qua nhà ông hàng xóm nhờ trèo hái
giúp. Lúc ấy, tôi rơm rớm nước mắt, giá mà…
Điều ước thành sự thật, tôi có cha. Một người đàn ông
đi cùng mẹ về tối nọ. Mẹ bảo ông ấy sẽ sống cùng mẹ con tôi trong ngôi nhà này.
Nghiễm nhiên ông ấy thành cha tôi. Ông ấy béo, bệu và cục mịch. Ông ấy không ở
lì nhà tôi cả ngày, ông chỉ đến vào lúc nhập nhoạng tối, ăn cơm cùng mẹ con
tôi, rồi sáng hôm sau đi sớm. Cổ ông ấy đeo một dây chuyền vàng to bự, nhìn
cách ăn mặc cũng đủ biết là lắm tiền. Tôi chẳng hiểu vì sao ông lại chui rúc
vào cái xó xỉnh tối tăm này. Tôi buồn, và thương cha. Sợ mẹ, tôi chẳng dám nói
với bà rằng tôi không thích ông ấy tẹo nào. Hôm đầu tiên ông ấy đến, cái cách
ông ấy nhìn tôi, rồi vuốt tóc tôi rất nhẹ, tôi thấy lạnh gáy. Có một điều, khiến
tôi dốc hết can đảm để thổ lộ với mẹ, mặc cho bị ăn chửi:
- Con không thích gọi ông ấy
là cha.
- Mày muốn có cha cơ mà?
- Cha chết rồi.
Ba chữ gọn đeo và gấp gấp. Nói xong,
miệng tôi mếu máo, mắt ngân ngấn nước. Tôi chạy đi trước khi bà nhìn thấy những
giọt nước mắt trào ra. Nước mắt khô cong tự bao giờ, bỗng nhiên tuôn như mưa,
khiến tôi sợ người ta bắt gặp mình khóc ghê gớm. Mẹ không là ngoại lệ. Cả buổi
chiều, tôi không về.
Tối đó, mẹ lôi xoành xoạch tôi vào
buồng, dí tay mạnh vào hông phải của tôi, dằn từng chữ:
- Mày phải gọi ông ấy là
cha, vì ông ấy có tiền. Mày muốn mẹ mày khổ mãi à?
Tôi đành phải gọi ông ấy là cha. Tôi hiếm khi nói chuyện
với ông ấy. Vài lần tôi quên gọi cha, mẹ tôi quát. Từ khi có sự xuất hiện của
ông ấy, bữa cơm trở nên nhạt. Không một ai nói câu gì. Mẹ và ông ấy nằm trong
buồng, tôi nằm giường gian ngoài, hai gian chỉ cách nhau bằng dải ri đô xanh nước
biển mỏng tang. Có hôm tôi lén thấy ông ấy đưa cho mẹ một bọc tiền. Bà giữ khư
khư, không sắm sanh gì thêm, vẫn cần mẫn với nghề bán rau, cũng chẳng sửa sang
cho nhà bớt dột mùa ngâu. Và có những đêm, tôi tỉnh dậy lúc canh ba, ra vườn đi
tiểu, ngang qua cửa, nghe thấy buồng trong có tiếng thở mạnh, tiếng ấm ứ, tiếng
giường kèn kẹt, tôi nhắm mắt, bước nhanh. Khi tôi trở vào nhà, tôi không tài
nào ngủ tiếp.
***
Người đàn ông đến khi trời đã chạng vạng tối. Mẹ không
về cùng bữa ấy. Từ trong phòng tắm chỉ được chắn bằng bốn tấm mành thưa làm
thành bốn bức tường, tôi thấy gã bước tới gần, tay chạm vào tấm mành cửa vào. Tôi
vội vàng mặc quần áo. Chớp nhoáng, gã xông vào. Tôi không đủ sức để vùng vẫy.
Tôi cắn chặt môi, móng tay bấu chặt vào bờ vai vạm vỡ của gã. Hình ảnh cha
thoáng hiện ra như sự cầu cứu. Tôi lịm đi trong tiếng nấc và cơn rát giày vò. Đêm
đấy, tôi không về. Tôi ngồi ở khúc sông cuối làng. Bỗng nhiên lại thèm cơn mưa
ngâu tắm táp…
Tôi không dám kể cho mẹ nghe câu chuyện ấy. Có những
đêm tôi khóc, đến khi không còn khóc được, tôi thiếp đi. Sáng hôm sau tỉnh giấc,
sờ vào gối, thấy ươn ướt, cứ ngỡ rằng mùa ngâu đã đến từ đêm qua…
Bữa tối, chỉ có món cà muối mặn, và chát ngoéo, bát
canh hến mồng tơi, vậy mà gã ăn liền mấy bát. Gã cắn quả cà rau ráu, bắn tóe cả
hạt cà lấm tấm lên mặt tôi. Nếu không có những lần gã đưa tiền cho mẹ, tôi đã
nghĩ chiếc vòng vàng kia chỉ là mạ. Giàu như gã, mà vẫn ăn những thứ rẻ tiền
này. Thật lạ. Gã nhìn tôi, ánh mắt soi vào bầu vú, tôi đã cố nịt chặt lại bằng
chiếc áo ngực mà cách đây ba năm, tôi mặc vừa. Bầu ngực lúc ấy chỉ bằng cái
chũm cau. Mẹ nhìn sang gã, thấy gương mặt dê dúa của gã chăm chăm vào bầu ngực
của tôi, mẹ sinh nghi. Mẹ dằn đôi đũa xuống mâm cơm, rồi đi vào buồng, nằm im
thin thít.
Tôi vẫn không tài nào chợp mắt. Muốn đi tiểu cũng chẳng
dám ra vườn, sợ đi ngang qua cửa nghe thấy tiếng rên rỉ khẽ khàng, lòng tôi lại
đau quay quắt, tim như bị miếng sành vỡ cứa thành vạn ngàn vết xước. Tiếng to
nhỏ lầm rầm, chan chát như đay nghiến, không phải âm thanh ấm ứ hay kèn kẹt, lại
khiến tôi bật dậy, nép vào cửa buồng.
- Có phải ông đã làm gì
con bé không? Hãy nói thật đi.
- Ờ, tôi cho bà và nó cuộc
sống đầy đủ là được chứ gì.
- Đồ súc sinh. Với con bé
thì cha nó chết lâu rồi. Nó đã nuôi hình ảnh đẹp về cha nó, sao tôi có thể nhẫn
tâm để nó biết ông là cha nó. Ông biền biệt mười mấy năm trời, sống sung sướng
để trở về giết tôi và con gái mình như vậy hả. Đồ mất tính người này, giời ơi…
Tôi cố bấm chặt môi để mình không bật ra tiếng nấc.
Tôi chạy đi trong vô định và bàn tay víu chặt nơi lồng ngực đang nghẹt thở như
có tảng đá nặng đè lên. Tôi ngồi bên bờ sông, gục đầu xuống, tóc xõa dài che
khuất mặt. Cỏ ven sông ươn ướt. Hình như là mưa ngâu...
Dương Hằng (Hà Nội)
Truyện hay lắm đó con. Con giỏi quá! Khi bằng tuổi con, cô chưa làm gì ra hồn hết. Nhìn các con tiến bộ cô rất an tâm về thế hệ trẻ. Chúc con mọi việc đều như ý nhé. Rất quý mến con!
Trả lờiXóaCon cảm ơn cô Mây nhiều ạ.
Trả lờiXóa