Hương Quê Nhà (HQN): Chào anh Lê Đình Danh! Là tác giả của quyển tiểu thuyết lịch sử Tây sơn bi hùng truyện (TSBHT), anh có thể cho biết cảm nghĩ của mình nhân kỷ niệm 225 năm ngày chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa?
Anh Lê Đình Danh (LĐD): Với vai trò là tác giả của quyển tiểu thuyết TSBHT, tôi chỉ có thể nói rằng, một người không đầy ắp lòng tự hào dân tộc thì không thể viết được tiểu thuyết lịch sử, nhất là tiểu thuyết theo trường phái muốn tái hiện lịch sử (chứ không phải mượn văn tải đạo, mượn chuyện xưa để nói chuyện nay). Cho nên, đối với tôi vấn đề không phải là ở 225 năm, hay là một con số năm nào đó, mà cứ đến ngày mồng 5 tháng giêng mỗi năm là lòng tự hào dân tộc của một người Việt Nam nói chung và người Bình Định nói riêng, ở trong tôi đều dâng lên ngùn ngụt; như nhau.
HQN: Được biết khi TSBHT ra đời, có rất nhiều quan điểm khác nhau trong dư luận xã hội về bộ tiểu thuyết này, anh có thể cho độc giả rõ hơn xung quanh vấn đề đó?
LĐD: Về điều này xin được không nói đến nhận định của độc giả trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, bởi chỉ có hai luồng dư luận tranh cãi nhau chung quanh vấn đề về hai danh tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu (TQD) và Bùi Thị Xuân (BTX) theo hư cấu của tôi trong tác phẩm. Các tài liệu lịch sử chỉ chép rằng TQD và BTX bị bắt và bị đưa về Phú Xuân, rồi bị đem ra "làm lễ hiến phù trước thái miếu" rồi bị xử hình; còn trong truyện tôi lại hư cấu rằng TQD và BTX trước khi bị xử hình đã quỳ xuống khấu đầu xin với vua Gia Long tha chết cho mẹ của mình. Luồng dư luận phản đối tôi kịch liệt phát nguồn từ Sở Văn hóa Thông tin Bình Định, và Sở Văn hoá Thông tin Bình Định đã gửi công văn ra Bộ Văn hóa đề nghị thu hồi tác phẩm với lý do xúc phạm bôi nhọ danh tướng TQD và BTX. Thế là Cục Xuất bản mới thành lập ra Hội đồng thẩm định gồm có nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử Hoàng Quốc Hải, nhà văn Hoàng Minh Tường, Võ Thị Hảo; nhà phê bình Nguyễn Hòa và một vài nhà sử học... Hội đồng thẩm định cho rằng tôi không sai gì cả, bởi điều hư cấu đó nhằm mục đích tôn vinh chữ hiếu của hai danh tướng này; nên quyển TSBHT vẫn tiếp tục được phát hành. Khi nhà xuất bản Văn học in lại lần hai, tôi không sửa một chữ nào mà còn thêm vào một đoạn, đại ý rằng: Ý nghĩa của việc làm lễ hiến phù trước thái miếu là người tướng bại trận phải chịu tội trước linh vị tiên vương của bên chiến thắng. Nghi thức của việc làm lễ hiến phù là phải quỳ lạy; vậy TQD và BTX chân bị xiềng tay bị trói, bị võ sĩ dùng vũ lực ép buộc phải quỳ, thì liệu họ không quỳ được chăng? Còn về lĩnh vực nghệ thuật thì theo tôi đó mới là người tận trung chí hiếu. Dẫu sao, đó cũng là ý kiến chủ quan của tôi. Truyện lịch sử là chuyện xưa, nên tôi xin mượn một câu ca xưa để nói vui rằng: Đẽo cày theo ý người ta; sẽ thành khúc gỗ, chẳng ra cái gì!
HQN: Xin anh cho biết nguyên nhân nào có tính chất quyết định giúp anh viết được TSBHT?
LĐD: Câu hỏi này vào năm 2006 có một vài tờ báo đã hỏi rồi. Tôi xin được lặp lại như sau: - Bởi vì tôi là người Bình Định nên sùng kính Quang Trung. Hồi năm 1999 trên các phương tiện thông tin thường than phiền là người Việt mình hiểu sử Việt không bằng sử Tàu. Theo tôi điều này không phải lỗi của người dân, càng không phải lỗi của các em học sinh. Từ đó tôi nảy ra ý nghĩ viết quyển tiểu thuyết lịch sử về thời Tây Sơn là quê hương của mình. TSBHT được ra đời từ hai động cơ có tính quyết định ấy. Nhưng từ ý tưởng đến kết quả là 4 năm "lao động khổ sai"!
HQN: Qua TSBHT anh có ý định tiếp tục khai thác đề tài lịch sử thông qua viết những bộ tiểu thuyết như TSBHT và Nẻo Về Vạn Kiếp?
LĐD: Người cầm bút không phải là một cái nghề, mà là nghiệp. Hay nói chính xác hơn là "duyên nghiệp". Khi còn nhỏ bắt đầu có ý thức, tôi đã thấy cha tôi thờ Quang Trung trên bàn thờ tổ tiên. Tài liệu về thời Tây Sơn, gia đình tôi lưu giữ cũng khá nhiều. Khi lớn lên tôi không có may mắn được tiếp tục học trong các trường phổ thông, nên tôi đã tự học tất cả những gì mà trong điều kiện mình có thể học được. Học võ, học Đông Y, học châm cứu, học xem tướng, học xem tử vi và cả thủy văn nữa. Đến khi nghe người ta than người Việt không hiểu sử Việt, thì tôi đem hết cả sự hiểu biết của mình để viết TSBHT. Theo tôi, đó cũng là một cái duyên. Đến khi TSBHT gặp rắc rối, tôi ngán ngẩm không muốn viết nữa. Có nhiều người bảo tôi đạo văn của người khác, chứ học chưa hết trung học phổ thông thì làm sao viết được TSBHT? Tôi trả lời: những gì người ta tự học thì không có đơn vị để đo lường. Để chứng minh điều đó tôi lại về "lao động khổ sai" trong hơn một năm, cho ra đời quyển Nẻo Về Vạn Kiếp viết về thời nhà Trần chống quân Mông Cổ. Tôi nhận thấy, một lần nữa đó cũng là duyên nghiệp. Hiện tại, ý tưởng thì có nhiều, nhưng phải chờ "duyên nghiệp" để cho mình có đủ sức "lao động khổ sai".
HQN: Anh có thể kể cho bạn đọc Hương Quê Nhà những kỷ niệm khó quên trong quá trình hình thành bộ tiểu thuyết TSBHT?
LĐD: Khi viết gần hết quyển một, đến trận thủy chiến Rạch Gầm, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ trong một đêm tiêu diệt ba vạn quân Xiêm trên sông Tiền Giang; đây là đoạn khó vì tôi không cho rằng Nguyễn Ánh và quân Xiêm khinh địch nên ung dung đem quân vào tử địa, như trong tài liệu lịch sử đã ghi. Tôi đã vận dụng kiến thức về thủy văn của mình để giải thích trận đánh này. Kết quả là khi hoàn thành tác phẩm, tôi tâm đắc nhất là đoạn này, và lúc ấy vì suy nghĩ quá căng thẳng dẫn đến mất ngủ nên tôi đã phải... nhập viện nữa tháng do rối loạn tiền đình...
HQN: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi rất ý nghĩa và bổ ích này. Nhân dịp đầu xuân Giáp Ngọ, thay mặt tất cả bạn đọc gần xa của trang nhà chúc anh và gia đình sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt trong cuộc sống. Và đặc biệt là rất mong "duyên nghiệp" với tiểu thuyết về đề tài lịch sử sẽ tiếp tục đến với anh trong thời gian sớm nhất.
Rất cảm động và tâm đắc với những lời chia sẻ cuả anh LĐD với trang HQN...và thắm thiá văn chu ơng không chỉ là yêu mến thôi mà nó là có chữ duyên nghiệp phục sẵn.... Dù qua bao thác ghềnh hay giông vẫn tạo nênsức mạnh vô hình, Và Thảo rất thích câu tục ngữ giá trị này"Đẽo cày theo ý người ta; sẽ thành khúc gỗ, chẳng ra cái gì! "
Trả lờiXóaMình chỉ sự thật sao và nghĩ sao nói vậy. Rất cám ơn sự chia sẻ của bạn.
Trả lờiXóa